Đa số người dự khán đều bày tỏ không đồng tình với phiên tòa vì theo họ còn rất nhiều vấn đề quan trọng chưa được Hội đồng Xét xử làm rõ, đặc biệt là bỏ lọt tội phạm
Sáng 30-11, TAND huyện Văn Giang - Hưng Yên đưa ra xét xử 2 bị cáo Nguyễn Tuấn Dũng (35 tuổi, ngụ thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang) và Đinh Văn Huỳnh (28 tuổi, ngụ xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang) về tội “Cố ý gây thương tích”. Hơn 200 người dân đã đến dự khán phiên tòa với mong muốn tòa xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Các bị cáo Nguyễn Tuấn Dũng (trái) và Đinh Văn Huỳnh tại phiên tòa
“Các bị cáo đã truy sát tôi”
Tại phiên tòa, khi được hỏi tại sao hành hung người dân, các bị cáo đều khai là do bị chửi bới, xúc phạm nên mới bột phát hành động như vậy. Chủ tọa hỏi: “Tại sao đánh ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi, ngụ thôn 1, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang)? Ông Bàn có trong nhóm người dân ra thăm đồng đâu?”, bị cáo Huỳnh khai do khi đuổi theo thì bị người dân đánh nên tức tối. Lúc này, ông Bàn đứng ở gần đó nên bị cáo lao vào đánh. Không đồng tình với lời khai này, ông Bàn nói: “Tôi có ra ngõ đâu mà bị cáo nhìn thấy? Việc đánh tôi là có chủ đích từ trước”.
Hai bị hại còn lại là ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi) và ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi), cùng ngụ thôn 10, xã Xuân Quan, cho rằng hành vi của các bị cáo là giết người có tổ chức, chứ không phải cố ý gây thương tích. Ông Đồng bức xúc: “Các bị cáo đánh ông Nghiệp gục tại chỗ nhưng vẫn không tha mà lôi ra đánh tiếp, sau đó còn truy sát tôi. Nếu không có người dân can ngăn, van xin thì các bị cáo đã đánh chúng tôi đến chết”.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, luật sư Hà Huy Sơn khẳng định các bị cáo đã phạm tội “Giết người” vì việc ông Bàn thoát chết là nằm ngoài ý muốn của họ. Ngoài ra, các bị cáo còn phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân” trong quá trình truy sát bị hại. “Việc truy sát người dân là có sự phân công. Dũng theo nhóm đánh các ông Đồng và Nghiệp, còn Huỳnh theo nhóm đánh ông Bàn. Đây là hành vi giết người thuê, có tổ chức” - luật sư Sơn nêu quan điểm.
Luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tòa trả hồ sơ cho VKSND huyện Văn Giang để điều tra bổ sung về các tội “Giết người” và “Xâm phạm chỗ ở của công dân”, đồng thời làm rõ những đối tượng cầm đầu.
Bị hại phản ứng dữ dội
Đa số người dự khán đều bày tỏ không đồng tình với Hội đồng Xét xử (HĐXX). Ngay từ đầu phiên tòa, luật sư và các bị hại đã yêu cầu HĐXX triệu tập một số nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, theo đề nghị của VKSND huyện Văn Giang, chủ tọa phiên tòa vẫn tiếp tục tiến hành xét xử vì cho rằng những người này đã cung cấp lời khai tại cơ quan điều tra nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Nhân vật đầu tiên không có mặt nhanh chóng được nhắc đến là Hà (ngụ xã Xuân Quan) - người đã thuê các bị cáo trông coi máy móc ở khu vực đất đai san lấp mặt bằng của dự án đô thị ở Văn Giang. Các bị cáo cho biết do quen biết nên được Hà thuê nhưng không có hợp đồng. “Bị cáo chỉ biết anh Hà có đi làm cưỡng chế cho công ty nào đó, còn tên cụ thể thì không biết” - bị cáo Dũng khai. Theo các bị cáo, Hà giao nhiệm vụ cho họ ở trong đất cưỡng chế, nếu ai vào quay phim, chụp ảnh thì đuổi ra.
Mặc dù Hà là mấu chốt quan trọng để làm rõ có hay không việc tổ chức đánh người nhưng đối tượng này lại không được nhắc đến trong cáo trạng.
Một nhân chứng khác là Phạm Quốc Long (ngụ huyện Văn Giang) cũng không được triệu tập song những lời khai của người này lại là căn cứ quan trọng. HĐXX công khai lời khai của nhân chứng này: “Những người dân đã chửi bới, xúc phạm nhóm thanh niên nên mới bị đuổi đánh”. Vì vậy, cáo trạng của VKSND nêu rõ các bị cáo hành động tự phát chứ không có tổ chức.
Kết luận của VKSND và lời khai nhân chứng bị ông Đồng phản ứng dữ dội: “Tôi hoàn toàn không nhất trí với cáo trạng. Cáo trạng nêu các bị cáo khai chúng tôi đến cách bờ ao 30 m là không đúng, sự thật là cách 300 - 400 m. Bên cạnh đó, lời khai của một nhân chứng vắng mặt là không có căn cứ”. Các nhân chứng khác được gọi lên đối chất cũng khẳng định không có chuyện người dân chửi bới, xúc phạm nhóm thanh niên.