Nhà đất của dân không nằm trong quyết định thu hồi đất đã được phê duyệt. Nhà đầu tư cấu kết với chính quyền quận vẽ thêm đường “lưỡi bò” tạo ranh giới mới nhằm tước đoạt tài sản của dân. Tức nước vỡ bờ, nhiều người dân đội đơn đi khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Chủ tịch nước có văn bản chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh thanh tra xử lí vụ việc. Sự gian dối của một số cán bộ đã bị phơi bày, dư luận lên án những sai phạm cố ý làm trái của chính quyền, nhưng công lí vẫn chưa đến được với dân oan!…
Bài 1: Thủ đoạn “mượn gió bẻ măng” bị vạch trần
Khu đất xéo của bà Nguyễn Thị Bích Lan rộng 8.800m2 tại xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè (nay là phường Tân Phong, Quận 7) có nguồn gốc do Công ty Phục vụ Đường sắt II thuộc Tổng cục Đường sắt sử dụng đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy phép sử dụng đất số 48/GPCĐ-8B ngày 7/5/1988. Mục đích làm trại chăn nuôi heo, cá 5.515m2. Ngày 6/1/1992, Công ty Dịch vụ Du lịch Đường sắt lập văn bản bán căn nhà 163,75m2 và 5.515m2 đất cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Lan, ông Nguyễn Thanh Hà. Việc mua bán được UBND xã Tân Quy Đông xác nhận, Phòng Xây dựng huyện Nhà Bè chấp thuận. Ngày 12/3/1992, UBND huyện Nhà Bè cấp Giấy phép công nhận quyền sở hữu nhà ở số 192/GP-UB, công nhận Công ty Dịch vụ Đường sắt Đà Nẵng được phép bán đứt căn nhà và diện tích đất nêu trên cho bà Lan, ông Hà. Bà Lan đã nộp thuế trước bạ, được Chi cục Thuế huyện Nhà Bè xác nhận ngày 18/3/1992. Đến 7/1/1995, UBND huyện Nhà Bè cấp GCNQSDĐ cho bà Lan số 701/QSDĐ có tổng diện tích 8.800m2 gồm các thửa: 94, 95, 97, 98, 99, 100 và 101 thuộc tờ bản đồ số 6 xã Tân Quy Đông (trong đó có 778m2 đất thổ cư, còn lại là đất ao). UBND Quận 7 đã cấp hai Giấy phép xây dựng số 35/GPXD vào ngày 9/2/1999 và số 250/GPXD ngày 2/11/2007 cho bà Lan được phép xây dựng 6 căn nhà (A, B, C, D, E, F) kết cấu cột gỗ, vách ván, mái tôn, nền xi-măng với diện tích xây dựng 146,6m2 và 281,6m2 ở vị trí một phần của các thửa đất: 94, 95, 96, 97, 99, 100 và trọn thửa 98, tờ bản đồ số 6, bộ địa chính xã Tân Quy Đông. Ngày 25/7/1996, Hội đồng Thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư có Công văn số 33/HĐTĐ trình Thủ tướng Chính phủ Dự án xây dựng khu dân cư Tân Quy Đông.
Ngày 5/6/1996 Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 74/HĐTĐ đồng ý về nguyên tắc việc xây dựng khu định cư Tân Quy Đông – Nhà Bè, ủy quyền cho UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định đầu tư dự án. Ngày 3/10/1996, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4538/QĐ-UB-QLĐT giao khu đất 18,64ha cho Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) thực hiện Dự án Khu định cư Tân Quy Đông. Ngày 3/7/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 486/TTg thu hồi 183.622m2 đất tại phường Tân Phong, Quận 7 giao cho SADECO xây dựng Khu định cư Tân Quy Đông, phục vụ việc di chuyển dân để xây dựng tuyến đường Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh. Trong quyết định này thì đất và nhà của bà Lan không bị thu hồi. Thế nhưng trước đó 2 năm, ngày 26/4/1995, Kiến trúc sư trưởng thành phố ban hành Quyết định số 3627/QĐ-UB-QLĐT phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết phân lô khu định cư Tân Quy Đông với diện tích 19,35ha để thực hiện đúng ý đồ “Tờ trình vô căn cứ” của UBND Quận 7 trước đó nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư vẽ thêm “đường lưỡi bò” nhằm thâu tóm thêm một số nhà và đất của dân. Nhà, đất của gia đình bà Lan đã lọt vào tầm ngắm của chủ đầu tư ngay từ 1995. Sau khi người dân gửi đơn phản đối, Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh kí tiếp các Công văn 17275/KTST-QH ngày 25/9/1997 và số 10387/KTST-QH ngày 9/7/1998 điều chỉnh quy hoạch chi tiết chia lô 1/500 khu định cư Tân Quy Đông có tổng diện tích 18.3622m2 (18,3622ha). Ngày 29/11/1999, UBND thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 4947/UB-QLĐT chấp thuận cho Công ty Cổ phần SADECO được điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung cư Tân Quy Đông sang xây dựng nhà phố trong khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi đất xây dựng khu định cư phục vụ việc di chuyển dân bị giải tỏa ở các dự án khác. Kiến trúc sư trưởng và UBND thành phố lại đảo ngược vấn đề chấp thuận cho Công ty Cổ phần SADECO xây dựng nhà phố để bán? Cách đó không xa, UBND huyện Nhà Bè cũng có Tờ trình số 138/CV-UB96, ngày 10/4/1996 gửi UBND thành phố xin địa điểm xây dựng khu nhà ở Tân Quy Đông cho Công ty Xây dựng và Phát triển nhà huyện Nhà Bè (nay là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) có diện tích 20ha.
Khu đất và nhà của gia đình bà Lan nằm giữa hai dự án của hai công ty nêu trên. Kể từ thời điểm hai công ty này xuất hiện tại xã Tân Quy Đông (nay là phường Tân Phong, Quận 7) thì tai họa ập đến với gia đình bà Lan, ông Hà. Một số cán bộ của thành phố và một số cán bộ của UBND Quận 7 làm thuê cho doanh nghiệp phục vụ mục đích tranh giành khu đất xéo của gia đình bà Lan. “Miếng đất xéo của tôi nằm giữa, hai công ty kinh doanh bất động sản lớn nằm hai bên, họ cứ kích xúi cán bộ rỉa từng phần cho họ hưởng, nỗi đau cứ ập đến liên tục với gia đình tôi”, bà Lan bức xúc. Tại nội dung tờ trình nêu trên của UBND huyện Nhà Bè thì vị trí khu đất xây dựng nhà ở của Công ty Tân Thuận không có các thửa 97, 98, 99 và 100 của gia đình bà Lan. Tại bản đồ hiện trạng vị trí thì Phòng Địa chính (nay là Phòng TN&MT) huyện Nhà Bè đo vẽ “đường lưỡi bò” thò ra thâu tóm các thửa đất của gia đình bà Lan đã gây khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Sau khi có hàng loạt tờ trình, quyết định, công văn của chính quyền hai cấp ở TP Hồ Chí Minh gửi “xin” Chính phủ chấp thuận, nhưng khi “vào được cửa” rồi thì việc thực hiện các dự án chẳng khác nào “treo đầu dê bán thịt chó”. Tại Quyết định số 10814/KTST-QH của Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết chia lô khu nhà ở Tân Quy Đông, do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư tại phường Tân Phong, Quận 7 thì diện tích lên tới 19.1835m2.
Còn Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì diện tích chỉ có 183.511m2. Tại Công văn số 4412/UBND-ĐTMT của UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ cho phép thu hồi diện tích 171.418,7m2.
Điều đó thể hiện việc kí ban hành các văn bản pháp lí, các quyết định, tờ trình của hai cấp chính quyền ở thành phố Hồ Chí Minh tiền hậu bất nhất. Có những cán bộ của Sở TN&MT, thời kì còn làm thành viên của đoàn kiểm tra thuộc Sở Địa chính thì tìm mọi cách làm thuê cho nhà đầu tư, cố tình đo, vẽ bản đồ đưa nhà, đất của hộ bà Nguyễn Thị Bích Lan vào trong ranh quy hoạch. Nhưng khi cán bộ này đóng vai “lãnh đạo kiểm tra” của Sở TN&MT thì lại đưa ra kết luận khác: “Đất bà Lan hợp pháp, do nhà đầu tư tự vẽ vời thêm ranh sai quy định…”. Khu đất của gia đình bà Lan, ông Hà hoàn toàn nằm ngoài ranh quy hoạch, Chủ tịch UBND Quận 7 “ăn cánh” với nhà đầu tư đưa vào danh sách đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi. Kể từ đó, đất bà Lan trở thành miếng mồi béo bở cho hai nhà kinh doanh bất động sản tầm cỡ ở TP Hồ Chí Minh tranh giành. Họ coi khu đất xéo của bà Lan như một núi cát xây dựng công cộng, cứ moi dần, moi dần cho đến khi chủ sở hữu kiệt sức thì “nhóm lợi ích” thu lợi nhuận từ mồ hôi, công sức, tiền của, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người dân nghèo lương thiện! (Còn nữa)
Tùng Lâm – Thiên Thanh – Hải Đăng