Phạm Trần (Danlambao) - Một lực lượng quân-dân hỗn hợp hùng hậu và rất hung hãn của Trung Cộng có máy bay, tầu trang bị hỏa tiễn và tầu tuần tiễu tấn công nhanh yểm trợ đã mở cuộc “xâm chiếm tài nguyên” của Việt Nam ở Biển Đông từ ngày 01/05 (2014).
Đây là lần đầu tiên trong 26 năm, kể từ khi Trung Cộng tung quân chiếm 8 đảo đá ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Bắc Kinh đã sử dụng một lực lượng quân sự có khả năng tác chiến cao nhất để thực hiện ý đồ kiểm soát “Đường Lưỡi Bò”, hay còn được gọi là “Đường 9 Đọan”, chiếm 3/4 trong số 3.5 triệu cây số vuông diện tích Biển Đông.
Ít nhất có 80 tầu lớn nhỏ của quân đội và bán dân sự võ trang Trung Cộng đã tham chiến, bao vây “đâm vào tầu” hay “xịt nước vòi rồng có sức mạnh cao” chống các tầu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam từ ngày 3/5 ở vị trí cách bờ biển tỉnh Quảng Ngãi lối 130 hải lý (208 cây số).
Các tầu của Việt Nam đã được phái đến khu vực này để ngăn chặn không cho giàn khoan dầu khổng lồ HD-981 của Công ty dầu khí Hải dương Trung Cộng (China National Offshore Oil Corporation, CNOOC) hoạt động tìm kiếm dầu khí bên trong vùng “đặc quyền kinh tế” của Việt Nam.
Vị trí trên bản đồ cho thấy giàn khoan HD-981 đang nằm ở khoảng 70 hải lý (112 cây số) bên trong lằn ranh ngoài cùng của chiều ngang 200 hải lý (320 cây số) tính từ bờ biển Việt Nam.
Như vậy, theo quy định Luật biển 1982 của Liên Hiếp Quốc thì Trung Cộng đã ngang nhiên vi phạm chủ quyền lãnh thổ của nước khác khi xâm nhập vào bên trong vùng “đặc quyền kinh tế” của Việt Nam.
Chịu đựng chỉ có hạn
Tài liệu của Việt Nam phổ biến nói rằng: “HD-981 thuộc sở hữu của CNOOC, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Trị giá ước tính của nó lên tới 1 tỷ USD.”
Báo VietNamNet viết ngày 07/05 (2014): “Đây là thế hệ giàn khoan kết hợp các thiết kế, công nghệ và thiết bị mới của thế giới. Giàn khoan được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Nó được đưa vào Biển Đông lần đầu tiên tháng 5/2012, vị trí ở phía nam Hong Kong.”
Trước đây đã nhiều lần Trung Cộng muốn thuê các Công ty tìm kiếm dầu nước ngòai để làm thay cho mình trong khu vực Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei, Nam Dương và Đài Loan. Nhưng Việt Nam và các nước quan hệ đã phản đối trực tiếp và giải thích với các công ty dầu khí nước ngoài nên kế hoạch của Trung Cộng bị hỏng.
Vì vậy Bắc Kinh đã chế giàn khoan HD-981 để tự mình đi tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Trung Hoa (Nam Hải).
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói với các nhà báo vào chiều ngày 7/5 (2014) rằng: “ Đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 07 tàu quân sự gồm: Tàu Hộ vệ Tên lửa 534 (Giang Hồ II) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư Chính; và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hang chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50 – 60 hải lý (80-96 cây số).”
Ông Thu nói thêm: “Các tàu của Trung Quốc đã luôn ép các tàu kiểm ngư của Việt Nam trong lúc làm nhiệm vụ, gây hỏng hóc và làm bị thương một số người thuộc lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Mặc dù phía Việt Nam đã tích cực kêu gọi phía Trung Quốc ngừng hành động xâm phạm, tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn không ngừng những hành vi gây thiệt hại cho phía lực lượng kiểm ngư Việt Nam.”
Sau đó, phía Việt Nam xác nhận không có người nào chết mà chỉ có 6 người bị thương do các mảnh vỡ của kính và thiết bị trên các tầu bị Trung Cộng tấn công bắn vào cơ thể.
Ông Ngô Ngọc Thu cũng nói với báo chí rằng: “Lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư hết sức kiên trì kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại.”
Trong khi đó thì ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia đã phản ảnh chủ trương “chịu đựng” không gây ngạc nhiên của Chính quyền Việt Nam mỗi khi bị Trung Cộng gây áp lực. Ông Hải nói: “Vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng đối với đất nước chúng ta, chúng ta sẽ sử dụng tất cả những biện pháp cần thiết để mà bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng ta. Chính sách nhất quán của VN thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan thì chúng ta kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp.”
Tuy nhiên ai cũng thấy “các biện pháp hòa bình” của Việt Nam đã có tác dụng ngược đối với một nhà nước Trung Cộng luôn luôn có nhiều âm mưu qủy kế và lúc nào cũng chỉ muốn “ăn tươi nuốt sống” Việt Nam.
Bằng chứng thua thiệt của phía Việt Nam trong các “ Hiệp ước về Biên giới Đất liền Việt Nam-Trung Quốc” (1999) ,“Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ” ký năm 2000 đã chứng minh với những tiết lộ của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1987.
Bắc Kinh coi thường lãnh đạo Việt Nam
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải còn tiết lộ tại cuộc họp báo chiếu 7/5 (2014) rằng: “Trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì, phía Trung Quốc nhắc lại lập trường của Trung Quốc, cho rằng khu vực giàn khoan 981 đã hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc nhưng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của chúng ta với quần đảo Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, nhấn mạnh các hoạt động của giàn khoan 981 là vi phạm, xâm phạm vùng biển Việt Nam và Việt Nam kiên quyết phản đối.” (VietNamNet, 07/05/2014)
Các viên chức Việt Nam cũng cho biết lý do chưa có các cuộc nói chuyện của cấp lãnh đạo cao giữa hai nước (cao hơn cấp Bộ trưởng) vì phía Trung Cộng chưa trả lời.
Như vậy thì liệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cảm thấy “bị xúc phạm” không hay ông đã “quen sống như thế với Bắc Kinh”?
Việc này không có gì đáng ngạc nhiên vì Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Dương Khiết Trì, khi bác bỏ đòi hỏi của ông Phạm Bình Minh là đã nói thay cho hai ông Lý Khắc Cường (Thủ tướng) và Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng Tập Cận Bình rồi.
Cũng khá ngạc nhiên là ngoài hai Bộ trưởng Ngọai giao nói chuyện với nhau về sự cố giàn khoan HD-981, không thấy có cuộc nói chuyện nào được loan báo giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trường Quốc phòng Trung Cộng Thường Vạn Toàn, mắc dù Trung Cộng đã gửi quân đội, tầu chiến và máy bay tham chiến, tuy chưa có nổ súng, tại vị trí của HD-981.
Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam từng đề nghị hai quân đội ký cam kết “không nổ súng” để giải quyết những tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã lờ đi. Bắc Kinh cũng không thèm sử dụng “đường giây nóng” để nói chuyện với Tướng Phùng Quang Thanh quanh vụ HD-981.
Bao giờ mới mở mắt?
Nhưng bài học nào đã rút ra cho Lãnh dạo Việt Nam trong biến cố HD-981?
Chẳng nhẽ cho đến bây giờ, tuy tương lai biến cố HD-981 chưa ngả ngũ, phía Việt Nam vẫn còn mê ngủ với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” với anh láng giềng “ngoan cố” hay sao?
Lập luận hữu nghị láng giềng Trung-Việt trên “đầu môi chót lưỡi” của Trung Cộng được truyền từ đời Giang Trạch Dân qua Hồ Cẩm Đào để đến Tập Cận Bình từ tháng 11/2012.
Nhưng các Lãnh đạo Việt Nam lại cứ ngêu ngao thuộc lòng 4 câu của các Lãnh đạo Trung Cộng trao cho từ năm 1991 ở Hội nghị Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1991:
Sơn thủy tương liên,
Lý tưởng tương thông,
Văn hóa tương đồng,
Vận mệnh tương quan.
Chỉ tiếc rằng, những “nhượng bộ” của phái đoàn Việt Nam do Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh cầm đầu với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng tháp tùng đến Thành Đô đã để lại cho Việt Nam không biết bao nhiêu hệ lụy nhục nhã khi mỗi ngày phải lệ thuộc vào Trung Cộng nặng nề hơn.
Bằng chứng này đã được Thiếu tướng nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc Kinh (1974-1987) Nguyễn Trọng Vĩnh tiết lộ: “Tại Hội nghị Thành Đô, do phía ta nhu nhược bị phía TQ áp đặt. Từ đó, họ tùy tiện can thiệp vào nội bộ ta, ép ta về nhiều mặt, lấn ta, phá kinh tế của ta... Họ ngăn ta không được nhắc đến cuộc xâm lược của họ tháng 2/1979.”
Thiếu Tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Công an) đã thẳng thắn nói với phóng viên báo Dân Trí ngày 03/05/2014 rằng: “Chúng ta còn nhớ vào cuối năm 2013, tại Hội nghị các nước Asean 10 + 1 (10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc), nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng: Trung quốc với các nước Asean là cùng chung vận mệnh, sướng khổ cùng nhau... nhưng khi họ làm những điều này là bội ước với cả khối Asean.”
Chủ trương “đổi trắng thay đen” của Trung Quốc còn được chứng minh sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày (13-15/10/2013) Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang).
Sau cuộc họp ở Hà Nội ngày 13/10/2013) với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã cam kết trong Tuyên bố chung: “Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.”
Chỉ sau đó vài tháng chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Cộng, đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt mới có hiệu lực từ ngày 01/01 (2014) trên vùng biển 2.5 triệu cây số vuông Biển Đông, bao gồm cả 2 vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo lệnh của Hải Nam ngày 29/11 nhưng công bố ngày 3/12/2013, thì chỉ còn khoảng 1 triệu cây số vuông ở Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi quyết định mới, nhưng lại là những vùng khó đánh bắt hay không có nhiều cá.
Vùng biển bị cấm đánh bắt hay điều nghiên nằm gọn trong hình Lưỡi bò, còn được gọi là “đường 9 đoạn” do Trung Cộng “tự chế ra” từ năm 1947 và được lập lại năm 2009 khi Bắc Kinh đệ nạp quyền chủ quyền của họ trên Biển Đông cho Liên Hiệp Quốc.
Và từ đó, Trung Cộng đã gia tăng áp lực như ngăn cấm, tấn công, đánh đập tàn nhẫn và giết hại các ngư dân Việt Nam hành nghề cá quanh hai vùng biển Hòang Sa và Trường Sa. Hàng năm Trung Cộng cũng ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt từ tháng 5 đến tháng 8 nhưng vẫn đem các tầu Hải giám và Kiểm ngư có võ trang bảo vệ cho hàng ngàn tầu cá Trung Cộng được tự do đánh cướp ngư sản trên vùng biển của Việt Nam.
Thông tấn xã Xinhua (Tân Hoa Xã) của Trung Cộng viết rằng, lệnh mới của Hải Nam buộc“người nước ngòai và thuyền đánh cá nước ngòai phải được phép của chính quyền Trung Ương trước khi được phép vào vùng biển ấn định” (The amended regulations require foreigners and foreign fishing vessels to obtain approval from the central government to enter waters under its jurisdiction.)
Nếu vi phạm, thuyền đánh cá nước ngoài sẽ bị tịch thu dụng cụ đánh bắt và người vi phạm sẽ bị phạt đến 500.000 nhân dân tệ, hay khoảng 82.600 đôla Mỹ.
Thông tấn xã Xinhua còn nói rằng “tàu đánh cá vi phạm sẽ bị trục xuất, có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn sẽ bị truy tố theo luật pháp của Trung Cộng”.
Như vậy rõ ràng là Trung Cộng đã vi phạm những cam kết quốc tế mà họ đã đặt bút ký với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002 tại Nam Vang.
Nhưng tại sao các Lãnh đạo Việt Nam lại cứ muốn nói chuyện hòa bình với những kẻ cướp ngày như ta đã thấy trong biến cố HD-981?
Đã đến lúc Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng phải nói thật với dân ông muốn gì và đảng CSVN còn xứng đáng cầm quyền nữa hay không ? -/-