(PL)- Muốn khởi kiện ra tòa thì người dân phải biết tên tuổi, địa chỉ của những bị đơn - cán bộ được cấp đất nhưng địa phương không cho biết những cán bộ đó là ai, vì vậy dân không biết phải làm sao.
TIN LIÊN QUAN
Tranh chấp đất: Có được khởi kiện ngay?
Người vi phạm đất đai phải nộp tiền đo đạc
Khiếu kiện đông người về đất đai gia tăng
Kiện quyết định của Văn phòng Đăng ký đất đai được không?
Đó là tình trạng dở khóc dở cười của các hộ dân ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An). Theo họ, năm 1980, hưởng ứng phong trào khai hoang, họ đến khu đất hoang ở ấp Tràm Lạc để khai khẩn rồi canh tác và sinh sống cho đến nay. Sau năm 2000, họ yêu cầu chính quyền xem xét cấp giấy chủ quyền nhưng bị từ chối với lý do đất có tranh chấp. Họ được hướng dẫn khởi kiện đến tòa án giải quyết nhưng từ xã đến huyện đều không cung cấp rõ những người đang tranh chấp với họ là ai, ở đâu… để họ biết đường khởi kiện.
Không biết “cha căng chú kiết” nào tranh chấp!
Ông Nguyễn Văn Bảy - một hộ dân ở đây kể: Năm 1980, theo chủ trương của Nhà nước, gia đình ông cùng các hộ dân khác đến đồng bưng tại ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc khai hoang. Lúc mới đến, ông và bà con chưa có điều kiện phân chia diện tích nên mỗi hộ làm một khu vực. Sau này, mỗi hộ tự phân chia ranh giới và tự ước tính diện tích. Gia đình ông khai hoang hơn 4 ha đất.
“Mặc dù chúng tôi trực canh ở khu đất này nhưng mỗi lần gia đình lên xã kê khai đất đai để làm giấy chủ quyền thì xã không chấp nhận vì cho rằng đất này có tranh chấp. Tôi và nhiều người dân khác lên xã hỏi những người tranh chấp đó là ai, tên gì, địa chỉ ở đâu. Xã không cho biết mà chỉ trả lời chung chung là đất này đã cấp cho một số cán bộ. Có lần gia đình tôi làm căng thì xã đưa ra một số tên người được cấp đất nhưng không hề đưa ra địa chỉ cụ thể, chúng tôi không thể biết đó là ai. Chúng tôi gửi đơn từ xã tới tỉnh nhưng các cơ quan đều trả lời giống nhau rằng đất đã cấp cho một số cán bộ rồi…” - ông Bảy kể.
Không chỉ hộ ông Bảy, gần 10 hộ dân đang canh tác ở đây cũng cùng gặp cảnh tương tự. Ông Trần Văn Tọ, một trong số các hộ dân này, cho biết: “Bao nhiêu lần gia đình tôi xin được cấp giấy nhưng xã bảo đã cấp cho người khác rồi. Sau nhiều lần trả lời, cuối cùng tỉnh hướng dẫn chúng tôi khởi kiện ra tòa để được giải quyết. Hướng dẫn là vậy nhưng từ xã đến huyện, đến tỉnh đều không cho chúng tôi biết rõ những cán bộ được cấp đất trên diện tích mà chúng tôi đang canh tác là ai, ở đâu. Vì vậy chúng tôi không biết phải kiện ai bây giờ…”.
Những cán bộ được cấp đất là ai?
Trong một văn bản trả lời cho các hộ dân, UBND huyện Đức Hòa cho rằng nguồn gốc khu đất trên do Nhà nước quản lý. Năm 1987, Trạm Lâm nghiệp Đức Hòa đã quản lý và sử dụng đất để lên líp trồng cây bạch đàn với diện tích 42 ha. Đến năm 1987, Trạm Lâm nghiệp huyện phối hợp với ban quản lý ruộng đất của huyện thời đó tổ chức cắm mốc ngoài thực địa và giao đất cho các cá nhân và tập thể có công đóng góp trong việc thực hiện chủ trương khai hoang, lấp kín đồng bưng của huyện. UBND huyện Đức Hòa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
Vẫn theo UBND huyện Đức Hòa, năm 2002-2003, khu đất trên nằm trong phạm vi giải tỏa, thu hồi để giao đất cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Resco. UBND huyện đã kê biên và bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi (tức những hộ đã được cấp chủ quyền nói trên). Năm 2005, một số hộ dân khác đã có đơn khiếu nại cho rằng đất của các hộ dân tự khai khẩn và sử dụng. Năm 2006, UBND huyện đã có quyết định bác đơn khiếu nại của 11 hộ dân. Sau đó 11 hộ dân trên lại tiếp tục khiếu nại lên cấp tỉnh. Tháng 8-2006, đoàn giải quyết tranh chấp đất đai tỉnh Long An phối hợp với UBND huyện Đức Hòa ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định đã giải quyết khiếu nại của 11 hộ này và hướng dẫn họ kiện ra tòa để được giải quyết theo thẩm quyền. Bởi lẽ khu đất trên huyện đã cấp chủ quyền cho người khác.
Cũng trong một văn bản trả lời, UBND xã Mỹ Hạnh Bắc cho rằng phần đất trên đã cấp cho một số cán bộ. Tuy nhiên, lạ một điều, cả xã và huyện vẫn không “bật mí” những hộ dân - cán bộ được cấp đất đó là ai. Vì thế dù đã được tỉnh hướng dẫn nhưng người dân vẫn không thể biết họ phải khởi kiện ai bây giờ. Và trong khi những hộ dân - cán bộ “bí mật” này đã nhận được tiền bồi thường (theo trả lời của UBND huyện Đức Hòa) thì các hộ dân đang khiếu nại vẫn đang canh tác trên những thửa đất đang đề cập (đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai dự án trên phần đất thu hồi này).
“Sẽ kiểm tra và trả lời sau”
Tại buổi tiếp công dân ngày 16-9, các hộ dân đang khiếu nại bức xúc trình bày vụ việc lạ lùng của họ. Bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Long An, yêu cầu người dân nộp lại đơn và hứa sẽ chuyển vụ việc này đến cơ quan có thẩm quyền để trả lời cho dân.
Trước đó, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, để tìm hiểu vụ việc. Ông Út cho biết sẽ kiểm tra vụ việc và thông tin lại. Tuy nhiên, khi PV liên hệ lại ông Út thì không gặp được.
Ông Nguyễn Văn Đảm, Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Hòa, thông tin: Khu đất mà một số người dân yêu cầu UBND huyện cấp giấy chứng nhận huyện đã cấp cho người khác. Hơn nữa, 11 hộ dân trên đã gửi đơn từ cấp xã đến trung ương và đã được trả lời. PV hỏi: “Người dân muốn biết cụ thể huyện đã cấp giấy chủ quyền cho ai, địa chỉ cụ thể ở đâu… để họ kiện ra tòa theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Vì sao huyện không cung cấp?”. Ông Đảm trả lời: “Người dân đi kiện phải làm tất cả thủ tục gửi cho tòa. Nếu tòa án thấy hồ sơ đúng và đủ, tòa sẽ thụ lý; nếu nộp không đủ thì tòa sẽ bác đơn. Đối với huyện, vụ việc này đã giải quyết rồi nên không xới lại nữa. Nếu tòa án có yêu cầu UBND huyện cung cấp tài liệu gì thì huyện sẽ xem xét để cung cấp. Vụ việc này văn phòng không nắm rõ, văn phòng sẽ chuyển đơn đến Phòng TN&MT, khi nào có kết quả sẽ trả lời cho dân”.
Ông Đảm chỉ trả lời như vậy và tuyệt nhiên không cung cấp rõ danh tính của các cán bộ được cấp giấy chứng nhận trên phần đất mà các hộ dân khiếu nại vẫn đang canh tác.
Tương tự, ông Lê Thanh Tuấn, Phó phòng TN&MT huyện Đức Hòa, cho hay: “Những trường hợp trên có thể là người dân đề nghị cấp giấy ở nhiều vị trí khác nhau và vị trí nào giải quyết thì huyện sẽ giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi cần kiểm tra lại thông tin để trả lời chính xác”.
NGUYỄN HIỀN
*******
Thái độ mập mờ khó hiểu
Có nhiều điều rất lạ trong vụ việc của những hộ dân ở ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An). Đầu tiên, họ là những người trực tiếp khai hoang, hiện vẫn đang canh tác nhưng người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là họ mà là một số cán bộ nào đó. Kế đó, khi đất bị thu hồi để làm dự án, những người khai hoang, canh tác ổn định và lâu dài trên những thửa đất này lại không được bồi thường, hỗ trợ mà người nhận được những khoản này lại là những người nào, ở đâu mà họ không hề được biết…
Những việc nói trên có lẽ phải do cơ quan thanh tra có thẩm quyền kết luận. Điều này là hết sức cần thiết, vì người dân cần có câu trả lời công khai, minh bạch, tránh suy diễn không đúng bản chất sự việc.
Nhưng trước mắt, nếu UBND tỉnh Long An đã hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới và hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa thì phải cho dân biết họ phải kiện ai. Muốn vậy, địa phương phải công khai danh tính những người tranh chấp, những người đã được UBND huyện Đức Hòa cấp giấy chủ quyền, thậm chí công khai cả số của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho những người đó. Có như thế thì người dân mới biết rõ những “bị đơn” mà mình sẽ kiện. Nếu không, dân làm sao biết kiện ai bây giờ. Và nếu có kiện thì làm sao tòa án xác định được bị đơn để xem xét, thụ lý vụ kiện…
HOÀNG VIỆT
TIN LIÊN QUAN
Tranh chấp đất: Có được khởi kiện ngay?
Người vi phạm đất đai phải nộp tiền đo đạc
Khiếu kiện đông người về đất đai gia tăng
Kiện quyết định của Văn phòng Đăng ký đất đai được không?
Đó là tình trạng dở khóc dở cười của các hộ dân ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An). Theo họ, năm 1980, hưởng ứng phong trào khai hoang, họ đến khu đất hoang ở ấp Tràm Lạc để khai khẩn rồi canh tác và sinh sống cho đến nay. Sau năm 2000, họ yêu cầu chính quyền xem xét cấp giấy chủ quyền nhưng bị từ chối với lý do đất có tranh chấp. Họ được hướng dẫn khởi kiện đến tòa án giải quyết nhưng từ xã đến huyện đều không cung cấp rõ những người đang tranh chấp với họ là ai, ở đâu… để họ biết đường khởi kiện.
Không biết “cha căng chú kiết” nào tranh chấp!
Ông Nguyễn Văn Bảy - một hộ dân ở đây kể: Năm 1980, theo chủ trương của Nhà nước, gia đình ông cùng các hộ dân khác đến đồng bưng tại ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc khai hoang. Lúc mới đến, ông và bà con chưa có điều kiện phân chia diện tích nên mỗi hộ làm một khu vực. Sau này, mỗi hộ tự phân chia ranh giới và tự ước tính diện tích. Gia đình ông khai hoang hơn 4 ha đất.
“Mặc dù chúng tôi trực canh ở khu đất này nhưng mỗi lần gia đình lên xã kê khai đất đai để làm giấy chủ quyền thì xã không chấp nhận vì cho rằng đất này có tranh chấp. Tôi và nhiều người dân khác lên xã hỏi những người tranh chấp đó là ai, tên gì, địa chỉ ở đâu. Xã không cho biết mà chỉ trả lời chung chung là đất này đã cấp cho một số cán bộ. Có lần gia đình tôi làm căng thì xã đưa ra một số tên người được cấp đất nhưng không hề đưa ra địa chỉ cụ thể, chúng tôi không thể biết đó là ai. Chúng tôi gửi đơn từ xã tới tỉnh nhưng các cơ quan đều trả lời giống nhau rằng đất đã cấp cho một số cán bộ rồi…” - ông Bảy kể.
Không chỉ hộ ông Bảy, gần 10 hộ dân đang canh tác ở đây cũng cùng gặp cảnh tương tự. Ông Trần Văn Tọ, một trong số các hộ dân này, cho biết: “Bao nhiêu lần gia đình tôi xin được cấp giấy nhưng xã bảo đã cấp cho người khác rồi. Sau nhiều lần trả lời, cuối cùng tỉnh hướng dẫn chúng tôi khởi kiện ra tòa để được giải quyết. Hướng dẫn là vậy nhưng từ xã đến huyện, đến tỉnh đều không cho chúng tôi biết rõ những cán bộ được cấp đất trên diện tích mà chúng tôi đang canh tác là ai, ở đâu. Vì vậy chúng tôi không biết phải kiện ai bây giờ…”.
Những cán bộ được cấp đất là ai?
Trong một văn bản trả lời cho các hộ dân, UBND huyện Đức Hòa cho rằng nguồn gốc khu đất trên do Nhà nước quản lý. Năm 1987, Trạm Lâm nghiệp Đức Hòa đã quản lý và sử dụng đất để lên líp trồng cây bạch đàn với diện tích 42 ha. Đến năm 1987, Trạm Lâm nghiệp huyện phối hợp với ban quản lý ruộng đất của huyện thời đó tổ chức cắm mốc ngoài thực địa và giao đất cho các cá nhân và tập thể có công đóng góp trong việc thực hiện chủ trương khai hoang, lấp kín đồng bưng của huyện. UBND huyện Đức Hòa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
Vẫn theo UBND huyện Đức Hòa, năm 2002-2003, khu đất trên nằm trong phạm vi giải tỏa, thu hồi để giao đất cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Resco. UBND huyện đã kê biên và bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi (tức những hộ đã được cấp chủ quyền nói trên). Năm 2005, một số hộ dân khác đã có đơn khiếu nại cho rằng đất của các hộ dân tự khai khẩn và sử dụng. Năm 2006, UBND huyện đã có quyết định bác đơn khiếu nại của 11 hộ dân. Sau đó 11 hộ dân trên lại tiếp tục khiếu nại lên cấp tỉnh. Tháng 8-2006, đoàn giải quyết tranh chấp đất đai tỉnh Long An phối hợp với UBND huyện Đức Hòa ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định đã giải quyết khiếu nại của 11 hộ này và hướng dẫn họ kiện ra tòa để được giải quyết theo thẩm quyền. Bởi lẽ khu đất trên huyện đã cấp chủ quyền cho người khác.
Cũng trong một văn bản trả lời, UBND xã Mỹ Hạnh Bắc cho rằng phần đất trên đã cấp cho một số cán bộ. Tuy nhiên, lạ một điều, cả xã và huyện vẫn không “bật mí” những hộ dân - cán bộ được cấp đất đó là ai. Vì thế dù đã được tỉnh hướng dẫn nhưng người dân vẫn không thể biết họ phải khởi kiện ai bây giờ. Và trong khi những hộ dân - cán bộ “bí mật” này đã nhận được tiền bồi thường (theo trả lời của UBND huyện Đức Hòa) thì các hộ dân đang khiếu nại vẫn đang canh tác trên những thửa đất đang đề cập (đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai dự án trên phần đất thu hồi này).
“Sẽ kiểm tra và trả lời sau”
Tại buổi tiếp công dân ngày 16-9, các hộ dân đang khiếu nại bức xúc trình bày vụ việc lạ lùng của họ. Bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Long An, yêu cầu người dân nộp lại đơn và hứa sẽ chuyển vụ việc này đến cơ quan có thẩm quyền để trả lời cho dân.
Trước đó, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, để tìm hiểu vụ việc. Ông Út cho biết sẽ kiểm tra vụ việc và thông tin lại. Tuy nhiên, khi PV liên hệ lại ông Út thì không gặp được.
Ông Nguyễn Văn Đảm, Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Hòa, thông tin: Khu đất mà một số người dân yêu cầu UBND huyện cấp giấy chứng nhận huyện đã cấp cho người khác. Hơn nữa, 11 hộ dân trên đã gửi đơn từ cấp xã đến trung ương và đã được trả lời. PV hỏi: “Người dân muốn biết cụ thể huyện đã cấp giấy chủ quyền cho ai, địa chỉ cụ thể ở đâu… để họ kiện ra tòa theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Vì sao huyện không cung cấp?”. Ông Đảm trả lời: “Người dân đi kiện phải làm tất cả thủ tục gửi cho tòa. Nếu tòa án thấy hồ sơ đúng và đủ, tòa sẽ thụ lý; nếu nộp không đủ thì tòa sẽ bác đơn. Đối với huyện, vụ việc này đã giải quyết rồi nên không xới lại nữa. Nếu tòa án có yêu cầu UBND huyện cung cấp tài liệu gì thì huyện sẽ xem xét để cung cấp. Vụ việc này văn phòng không nắm rõ, văn phòng sẽ chuyển đơn đến Phòng TN&MT, khi nào có kết quả sẽ trả lời cho dân”.
Ông Đảm chỉ trả lời như vậy và tuyệt nhiên không cung cấp rõ danh tính của các cán bộ được cấp giấy chứng nhận trên phần đất mà các hộ dân khiếu nại vẫn đang canh tác.
Tương tự, ông Lê Thanh Tuấn, Phó phòng TN&MT huyện Đức Hòa, cho hay: “Những trường hợp trên có thể là người dân đề nghị cấp giấy ở nhiều vị trí khác nhau và vị trí nào giải quyết thì huyện sẽ giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi cần kiểm tra lại thông tin để trả lời chính xác”.
NGUYỄN HIỀN
*******
Thái độ mập mờ khó hiểu
Có nhiều điều rất lạ trong vụ việc của những hộ dân ở ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An). Đầu tiên, họ là những người trực tiếp khai hoang, hiện vẫn đang canh tác nhưng người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là họ mà là một số cán bộ nào đó. Kế đó, khi đất bị thu hồi để làm dự án, những người khai hoang, canh tác ổn định và lâu dài trên những thửa đất này lại không được bồi thường, hỗ trợ mà người nhận được những khoản này lại là những người nào, ở đâu mà họ không hề được biết…
Những việc nói trên có lẽ phải do cơ quan thanh tra có thẩm quyền kết luận. Điều này là hết sức cần thiết, vì người dân cần có câu trả lời công khai, minh bạch, tránh suy diễn không đúng bản chất sự việc.
Nhưng trước mắt, nếu UBND tỉnh Long An đã hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới và hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa thì phải cho dân biết họ phải kiện ai. Muốn vậy, địa phương phải công khai danh tính những người tranh chấp, những người đã được UBND huyện Đức Hòa cấp giấy chủ quyền, thậm chí công khai cả số của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho những người đó. Có như thế thì người dân mới biết rõ những “bị đơn” mà mình sẽ kiện. Nếu không, dân làm sao biết kiện ai bây giờ. Và nếu có kiện thì làm sao tòa án xác định được bị đơn để xem xét, thụ lý vụ kiện…
HOÀNG VIỆT