Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Thiên đường xứ cộng sản, người có công sống trên hè phố


Cám cảnh cụ bà trăm tuổi cúng chồng bên vệ đường

08:50 ngày 29/08/2014
Cám cảnh cụ bà trăm tuổi cúng chồng bên vệ đường

Dân trí “Hàng chục năm nay, cụ bà lấy vệ đường, buồng ATM làm nhà, tối tối cụ lại cầm di ảnh chồng, tụng kinh niệm phật mong ông phù hộ”.

Đó là hoàn cảnh đầy éo le của bà Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1912) ở Tứ Kỳ, Hải Dương đang sống vật vờ ngay vệ đường, phía trước cột ATM Hàng Đậu, Hà Nội.
Hai đầu bạc sinh hoạt ở vỉa hè
Bà Loan kể, chồng bà là ông Phạm Chí Thành, sinh thời, ông là cựu binh trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Bà Loan thời xuân sắc cũng đã sớm tham gia lực lượng Thanh niên xung phong rồi gặp ông - người kém mình 6 tuổi. Mối lương duyên gặp gỡ ấy đã đưa hai ông bà đến với nhau qua một bình nước uống chung cùng những tiếng vỗ tay của đồng đội.

Gia tài vỏn vẹn của bà Nguyễn Thị Loan ở bốt Hàng Đậu, Hà Nội
Họ sinh được 3 người con trai. Thế nhưng, số phận dường như cứ trêu đùa hai ông bà. Trận lũ lịch sử cách đây mấy chục năm đã cướp đi hai người con trai thứ của ông bà. Oái oăm thay, khi hai ông bà nén đau thương, chịu muôn vàn khổ cực để nuôi cậu con trai cả khôn lớn thì anh ta quay lại vô ơn, bạc đãi, đánh đập hai ông bà và chiếm hết đất đai, nhà cửa.
Từ đó hai ông bà nương nhau mà sống qua ngày. Thế rồi một ngày không chịu được nỗi uất ức, ông bà dắt díu nhau bỏ quê lên Hà Nội xin tiền bố thí của người đời sống qua ngày.
Bà kể: “Trước lúc chúng tôi bỏ quê Tứ Kỳ lên đây, ông ấy có nói với tôi rằng: Một là bà chọn thằng nghịch tử thì ở lại quê, hai là bà chọn tôi đi theo tôi lang bạt kiếm sống, bà chọn gì thì tuỳ bà. Lúc ấy, dù sợ nhưng tôi vẫn quyết đi theo ông ấy, sống khổ cực nhưng có nhau còn hơn sống với con mà bị hành hạ”.
“Lên đây, hai vợ chồng tôi lấy vệ đường làm nơi ngủ, nấu nướng thì ở vườn hoa, tắm thì nhờ bên nhà cô bán nước chè vỉa hè, từ tối đến 4 giờ sáng góc kia kìa. Tắm xong bà giặt quần áo, phơi lên trên những chiếc xe máy dọc đường", bà Loan nói
Cuộc sống lang thang “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” của hai ông bà thật khó mà biết hết ngóc ngách, tường tận được.
Nói về việc lấy gì, làm gì để sống qua ngày, bà Loan giàn giụa nước mắt: “Cứ sống vậy thôi chị à, người ta thấy già cả, người ta thương. Vợ chồng tôi chẳng ngửa tay xin ai bao giờ. Nhiều hôm không có gì ăn, phải nhịn đói cũng chịu”.
Lập di ảnh cúng chồng ở vệ đường
Cách đây 3 năm, khi hai ông bà đang ngồi ở Chợ Đồng Xuân thì ông Thành, chồng bà, ngã bệnh. Bấy giờ ông đã ở tuổi ngoài 80. Ông kêu đau đầu hai ngày thì bà cho ông về quê dưỡng bệnh. Ở quê, ông bà có nếp nhà cấp bốn, dù bị tranh chấp, nhưng vẫn ở được.

Mấy năm trở lại đây, bà Loan luôn mang theo di ảnh chồng để thờ ngay bên vệ đường.
Bà chạy vạy, gọi người đến chạy chữa, truyền cả nước, đút từng thìa cháo, hộp sữa cho ông nhưng ông vẫn không thể qua khỏi. Thế rồi ông qua đời. Bà Loan rớt nước mắt kể: “Trước khi chết, uất hận vì đứa con bất hiếu, ông ấy dặn tôi là dù bất cứ giá nào cũng không được cho nó chống gậy, đeo tang”.
Thế rồi ông mất, bà lồng di ảnh thờ của ông vào khung kính, đặt trong cái làn nhựa màu đỏ, lại một mình lên Hà Nội lang thang. Thỉnh thoảng nhớ ông, thấy góc phố nào đẹp đẹp, bà lại dựng ảnh chồng… trong làn nhựa, đốt mấy que nhang để “trò chuyện” với ông cho đỡ nhớ.
Anh Nguyễn Tiến Thành, một người kiếm sống bằng nghề xe ôm cạnh nơi bà Loan đang tá túc cho hay: “Bà Loan sống tội nghiệp lắm! Khi chồng bà còn sống thì còn có người để trò chuyện. Nay ông mất, bà ấy cứ vật vờ với mấy thứ đồ lặt vặt qua ngày. Ai cho gì thì nhận nấy, không nề hà mà luôn miệng nói cảm ơn”.
Bà Nguyễn Thị Tâm, bán hàng nước cạnh đó cũng không cầm được lòng: “Bằng tuổi ấy, người ta có con cái phụng dưỡng nhưng bà này khổ quá, có con mà cũng như không. Hai chục năm nay, ông bà ấy chỉ sống bằng lòng thương, của bố thí của người đi đường. Một chỗ ngủ ngon, không ướt khi trời mưa cũng chẳng có”.
Khi đó, cạnh bốt Hàng Đậu, bà Loan vẫn đang cẩm di ảnh ông. Thắp mấy nén nhang, bà nhỏ nhẹ: “Hồi ông sống, ông lang thang phố xá cùng tôi nhưng khi ông chết rồi, tôi cứ tha lôi ông đi thế này kể ra cũng tội”.
Nhiều người qua đây vẫn băn khoăn tự hỏi một cụ bà già nua tại sao lại vạ vật ở vệ đường hàng chục năm trời như vậy? Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi khi bà Loan nói về hoàn cảnh của mình. “Về đâu nữa cô ơi, con nó cướp hết nhà cửa. Về khổ quá lại lên, lên lại vạ vật thế này. Đến chết tôi cũng không bao giờ tha thứ cho thằng con trời đánh ấy”.
Theo Hạnh Thúy
VietNamnet

2 nhận xét:

  1. Dân Trí đã tìm hiểu và viết bài này là để tất cả mọi người cùng biết tới hoàn cảnh số phận éo le của bà cụ.Và cũng như kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của mọi người cho hoàn cảnh của cụ.Chứ không phải là cung cụ để trang danoan2012 này copy đăng bài để xuyên tạc,phá hoại đảng và nhà nước.Đừng có hưởng ơn đảng mà làm những việc phá hoại đảng và nhà nước như thế này.

    Trả lờiXóa
  2. Đảng cũng chỉ là tổ chức do con người lập ra và lãnh đạo ,phát triển mà thôi.Không thể nào mà bao quát đến tất cả 9 triệu người dân Việt Nam được.Những người thật sự đã có công với cách mạng,có công với tổ quốc thì hãy trình bày với các ban ngành chức năng ở địa phương để có phương án hỗ trợ giúp đỡ.Từ khi cách mạng thắng lợi tới giờ,Đảng và nha nước luôn luôn trú trọng tới công cuộc đền ơn đáp nghĩa những người,những gia đình có công với cách mạng.Điều đó đã được chúng ta thấy rất rõ.

    Trả lờiXóa