Đây sẽ là dịp để Đảng tỏ rõ quyết tâm đi tiên phong trong thực hiện chống lãng phí và thực hành tiết kiệm ngân sách. Tiết kiệm từ ĐH Đảng các cấp sẽ có sức lan tỏa và là động lực lớn để các cấp, các ngành địa phương và người dân triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Với mục đích nhằm “hiến kế” cho việc tiết kiệm ở ĐH Đảng các cấp, Lao Động xin giới thiệu loạt 3 bài về vấn đề này.


Bài 1:   Tránh tranh thủ sự kiện để vung tay quá trán
Đại hội Đảng là sự kiện trọng đại của Đảng, của đất nước. “5 năm mới có một lần ĐH, vậy nên phải tổ chức sao cho thật hoành tráng, linh đình” - đó là suy nghĩ của không ít lãnh đạo, cấp ủy đảng tại các địa phương. Từ những quan niệm như vậy, đã dẫn tới thực tế tại ĐH Đảng ở nhiều nơi cấp địa phương, các bộ ngành thời gian qua có không ít tình trạng tranh thủ sự kiện ĐH Đảng để “vung tay quá trán” vào mục đích phô trương hình thức... Chúng ta hãy nghe những người trong cuộc, các nhà quan sát nói về vấn đề này.
Thuê ca sĩ, quà cáp…, ăn nhậu tưng bừng!
Kể về tình trạng phô trương hình thức tại ĐH Đảng cấp cơ sở, ông Phạm Hưng Thạnh - cán bộ nghỉ hưu ở Nhơn Nghĩa, Phong Điền (Cần Thơ) - cho biết, không ít đơn vị, địa phương “tranh thủ” việc tổ chức ĐH để chi tiêu lãng phí. Không ít nơi “chúc mừng thành công ĐH ” bằng việc đi nhậu tăng 2, tăng 3… khiến dư luận người dân chê cười. 
Chuyện “tận dụng” dịp đại hội để “vận động” các DN đóng góp kinh phí, tặng quà… khá phổ biến ở nhiều nơi. “Trong khi kinh tế suy giảm, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn… vì thế DN, những khi nhận được cú điện thoại từ trên vận động đóng góp nhân dịp ĐH Đảng, thì các DN dù “đang héo” cũng phải gồng mình tham gia. 
Ngoài ra, còn có trường hợp “lợi dụng ĐH” kiến tạo bè phái, cánh hẩu với nhau để tranh thủ phiếu bầu, hay “chạy chức, chạy quyền” hoặc “đi cửa sau”… Đây là những việc cần phải loại bỏ, chứ không đơn thuần chỉ là tiết kiệm” - ông Thạnh tâm huyết nói.

 Các hội viên CLB Bạch Đằng (Hải Phòng) góp ý việc tổ chức đại hội Đảng các cấp một cách tiết kiệm.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Nguyên Nhiệm cũng rất tâm đắc với đề tài tiết kiệm ở ĐH Đảng các cấp, ông cho rằng, phải tiết kiệm ngay trong quá trình chuẩn bị như: Văn bản, tài liệu thường phải in đi in lại, rồi cả một chiến dịch dài tuyên truyền… 
Tất cả làm sao phải gọn nhẹ. Nhấn mạnh rằng ĐH Đảng các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở, ở các địa phương cấp xã, cấp huyện còn nặng về phô trương hình thức, lãng phí nhiều, ông Nguyễn Hữu Đoan - nguyên Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hải Dương - liệt kê ra một loạt các đầu việc “rình rang” mà theo ông trong hoàn cảnh đời sống kinh tế đất nước còn khó khăn hiện nay mà tiếp diễn như vậy thì rất mất uy tín của Đảng. 
Cụ thể đó là chuyện nhiều nơi thuê ca sĩ, dàn nhạc về hát chào mừng ĐH, rồi cả trang bị cặp sách đồng loạt cho đại biểu, rồi cỗ bàn tiệc tùng bữa chào đón, bữa chia tay…, rượu bia tùm lum, đó là chưa kể từng nhóm cánh hẩu bia rượu nhậu nhẹt kéo dài vài ngày chào mừng kết quả bầu bán “thắng lợi”. Những việc làm này thật sự rất phản cảm - ông Đoan kết luận.
“Các đại hội trước đều thế, bây giờ bỏ đi cũng khó!”
Ông Vũ Văn Hùng - Chánh Văn phòng Huyện uỷ Nga Sơn (Thanh Hoá) - cho hay, dự kiến, ĐH Đảng bộ huyện Nga Sơn sẽ tổ chức vào tháng 5.2015, dự kiến có khoảng gần 300 ĐB chính thức, khách mời khoảng gần 70 người. Dự tính chi mỗi đại biểu 1,5 triệu. Tổng dự toán kinh phí cho ĐH Đảng bộ huyện là 2,4 tỉ đồng. 
Ông Hùng cho rằng, mức chi theo quy định kể trên là quá ít, bởi khi tiến hành đại hội sẽ phát sinh nhiều thứ. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động rằng có thể bỏ bớt phần chi tặng quà cho đại biểu…, vì như vậy hình thức, tốn kém, ông Hùng phân trần: “Các đại hội trước đều có như thế, bây giờ bỏ đi cũng khó”! 
Ông Nguyễn Văn Thạnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy An Phú (tỉnh An Giang) - quả quyết ngay: “Kỳ tổ chức ĐH Đảng các cấp lần này, Huyện ủy An Phú đã chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc… cắt hết phần “tặng quà” nhằm giảm tốn kém, cho dù đó là tiền ngân sách hay xã hội hóa. Đối với khách mời cũng được tính toán hợp lý về số lượng, nhằm có những đóng góp thiết thực hữu ích cho đại hội. Tất cả các chi phí như ăn uống, đi lại, văn kiện, giấy tờ… đều phải công khai toàn bộ cho các đảng viên, nhân dân… rõ. Mọi chi phí đều được mã hóa hết bằng con số cụ thể, minh bạch, trên tinh thần tiết kiệm…”.
Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH - có nhiều năm tham dự ĐH đảng ở các cấp, góp ý: Khi tổ chức đại hội Đảng các cấp không nên mời tràn lan, hình thức, tốn kém. Ví dụ, trước đây chúng ta có thể mời 50 đồng chí ở đại hội cấp dưới chẳng hạn, nhưng giờ thì nên mời 10 người. Nếu sợ các đồng chí khiển trách rằng lớp mới lên không quan tâm thì chúng ta có thể gửi thư tới các đồng chí nói là năm nay ĐH của địa phương chúng ta tổ chức ĐH dưới hình thức đổi mới, tiết kiệm.
Vấn đề ăn uống ĐH cũng nên tính toán sao cho hợp lý về khẩu phần. Tôi theo dõi ở nhiều nơi ĐH ở trung ương, địa phương thường ăn cũng chỉ hết 2/3, chúng ta tiết kiệm đi. Người Việt của chúng ta thường sợ thiếu, bị khinh thì mất lòng. Theo tôi, trên tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật để chúng ta đổi mới, thay đổi để tiết kiệm hiệu quả vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng nên tiết kiệm giá trị quà tặng cho đại biểu tham dự ĐH.