Hồ Duy Hải kêu oan, án chỉ ghi nhận tội, lời bào chữa của luật sư cũng bị tắt loa
(NĐB)Vừa qua, sau phiên họp báo của TAND tỉnh Long An, nhiều người thắc mắc Hồ Duy Hải có kêu oan hay xin giảm án? Tức là Hải có nhận tội giết người mà muốn xin được sống hay là Hải kêu cứu là mình vô tội mà bị xử oan. Dù đang bận bịu trong tiến trình tố tụng sắp tới, Ls Trần Hồng Phong đã có bài viết “Hồ Duy Hải có kêu oan hay không?” trên blog Bình Luận án, lý giải một phần thắc mắc này. Theo LS Phong, sở dĩ dư luận nghi ngờ việc Hải không kêu oan, là vì theo những tài liệu "chính thống" từ các cơ quan Nhà nước thì: Hải đã có rất nhiều lời khai nhận tội; trong Đơn kháng cáo, Hải cũng chỉ "xin giảm án" chứ không "kêu oan" - tức là Hải thừa nhận mình có hành vi giết người. Ở góc nhìn báo chí, chúng tôi xin cung cấp cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh của sự việc: Hồ Duy Hải đã kêu oan từ lúc chưa ra cáo trạng nhưng lời kêu oan ấy không vang đến các cơ quan chức năng mà chỉ có lời nhận tội. Trong tiến trình ấy, luật sư chỉ định nguyên trưởng phòng
Cảnh Sát Điều tra Võ Thành Quyết đã liên tục ép Hải và gia đình nhận tội.
Quan điểm xuyên suốt của các cơ quan tố tụng cả hai cấp sơ phúc thẩm trong vụ án Hồ Duy Hải là Hải đã nhận tội và đã xét xử Hồ Duy Hải theo lời nhận tội ấy. Trong cuộc họp báo ngay sau khi Văn phòng Chủ tịch Nước có văn bản yêu cầu tạm hoãn thi hành án, ông Lê Quang Hùng – Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, một lần nữa đã khẳng định quan điểm này. Xin trích tường thuật phát biểu của ông Hùng trên báo Tuổi Trẻ như sau: “Ngoài ra, sau khi có án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, thì Hải cũng chỉ làm đơn xin ân xá (xin thoát án tử hình chuyển thành chung thân) gửi Chủ tịch Nước - theo một thủ tục luật định, bắt buộc, chứ không kêu oan. Ông Hùng lý giải:Sau khi phúc thẩm vụ án, gia đình Hồ Duy Hải đã gửi đơn đến Chủ tịch Nước để xin ân xá. Đơn này có nội dung: Do bị cha bỏ rơi từ nhỏ, thiếu giáo dục, ăn chơi, phạm tội giết cùng lúc hai người nên tỏ ra ăn năn hối hận. Gia đình bên ngoại có công với cách mạng, xin tha tội chết để khắc phục thiệt hại. Đến ngày 15-5-2012, Chủ tịch Nước đã bác đơn xin ân xá án tử hình đối với Hải. Hiện nay, cán bộ tòa án đều nói mỗi khi gặp, làm việc "Hải đều thừa nhận chính mình đã giết hai cô gái". Đây là sự thật, là thực tế”
Hải đã kêu oan từ trước khi có cáo trạng nhưng hồ sơ chỉ có lời nhận tội
Tuy nhiên, thực tế chừng như trái ngược điều ông Hùng nói. Theo luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa cho Hải trong cả hai phiên tòa sơ phúc thẩm) thì ngay trong lần đầu tiên LS Đạt gặp Hải (trước khi có cáo trạng), Hải đã kêu oan và từ đó đến nay, Hải liên tục kêu oan nhưng không được xem xét và trong hồ sơ vụ án không hề ghi nhận điều này. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải đã kêu oan, LS Đạt đã có bài bào chữa kêu oan nêu ra 41 điểm bất hợp lý, vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án và đề nghị tòa tuyên bố không đủ bằng chứng buộc tội Hải.
Điều kỳ lạ là phiên tòa sơ thẩm có đông đảo người dân Long An tham dự đứng tràn ra ngoài sân và ở hai bên đường Nguyễn Huệ, Trương Định, được truyền loa phóng thanh ra ngoài. Nhiều người dự khán cho biết là âm thanh của các người khác phát biểu đều được truyền rất tốt nhưng đến phẩn kêu oan cho Hải của Luật sư Đạt thì âm thanh bị hư, không ai nghe được gì cả.
Luật sư chỉ định “buộc tội” Hải ngay khi chưa có kết luận điều tra
Ngoài các cơ quan tố tụng thì người tích cực buộc Hải phạm tội giết người là ông Võ Thành Quyết (luật sư chỉ định). Từ lúc chưa kết thúc điều tra và ngay trong phiên tòa sơ thẩm đã “ buộc” Hải nhận tội giết người và chỉ xin giảm án chung thân.
Nhưng điều oái oăm là vị luật sư Võ Thành Quyết do cơ quan điều tra chỉ định này chính là vị luật sư đầu tiên được gia đình thuê bào chữa cho Hải và đã thanh toán thù lao một lần theo hợp đồng là mười triệu đồng. Bà Rưởi, dì của Hải, đã kể về hoàn cảnh dẫn đến việc thuê và thôi nhờ LS Quyết như sau: Sau khi Hải bị bắt, cơ quan điều tra nhiều lần đến nhà khám xét đào bới cả nền nhà, khám xét cả phòng riêng, tủ của em gái Hải. Mấy chiếc nhẫn của em gái Hải mua ở tiệm vàng Ngọc Sương có biên lai hẳn hoi cũng bị thu giữ (những chiếc nhẫn này được đưa vào cáo trạng xem là tang vật trong vụ án và được tòa tuyên hoàn trả nhưng không còn hóa đơn). Tình hình rất căng thẳng, bà ngoại Hải già yếu bệnh tật càng lo lắng, cả nhà đều hoang mang thì có người giới thiệu LS Quyết nguyên là Trưởng Phòng Cảnh Sát Điều Tra, là sếp cũ của ông Phạm Tiến, người phụ trách điều tra vụ án của Hải hiện nay. Chính vì vậy, gia đình đã ký hợp đồng với ông Quyết. Quả thật, ngay sau khi ký hợp đồng thì không còn khám xét nữa nhưng nội dung cách thức tư vấn của ông Quyết làm gia đình lo ngại. Trong khi vụ án chưa có kết luận điều tra, chưa biết thủ phạm là ai, ông Quyết cứ thúc giục gia đình Hải bồi thường thiệt hại cho hai gia đình nạn nhân, xem như cách khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt. Bà Loan (mẹ của Hải) và gia đình không tiếc tiền, họ đã chi tiền nhưng xác định rõ mục đích là hỗ trợ chi phí mai táng chứ không chấp nhận bồi thường thiệt hại vì chưa biết ai là hung thủ. Việc gia đình Hải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại, đồng nghĩa với việc thừa nhận con em mình phạm tội. Do nhiều lần ông Quyết thúc ép như vậy, gia đình Hải đã bất bình đi nhờ luật sư khác. Đến khi Hải đã có luật sư khác, ông Quyết lại được cơ quan điều tra chỉ định làm luật sư bào chữa cho Hải. Đồng thời ở trong tù, Hải lại được cơ quan điều tra tạo điều kiện viết văn bản từ chối luật sư gia đình mời. Trong khi Quốc hội, các chuyên gia pháp luật còn đang bàn luận về quyền im lặng của bị cáo, quyền có luật sư chứng kiến thì CA Long An đã cho Hải hưởng quyền đặc biệt không ai có được là dù có thêm LS thuê lại có thêm LS chỉ định, công việc của LS này là ký vào các biên bản, lời khai nhận tội của Hải mà phần lớn các văn bản này vi phạm quy định tố tụng.
Hai lần từ chối luật sư bào chữa, chỉ đồng ý luật sư chỉ định buộc tội mình?
Tâm lý bình thường ai ở tù mà mức án có thể lên đến tử hình lại không muốn có luật sư bào chữa? Bản thân Hải khi gặp LS Đạt lần đầu đã kêu oan, mỗi lần gặp gia đình lại nhắc nhở kêu oan. Nhưng trong hồ sơ vụ án ở giai đoạn điều tra, Hải đã hơn một lần từ chối LS do gia đình thuê bào chữa, chỉ chấp nhận LS do cơ quan điều tra chỉ định. Trong biên bản ghi lời khai ngày 27-6-2008, có sự tham gia của ông Võ Thành Quyết, điểu tra viên hỏi: “Bị can xác định lại bị can có cần luật sư bào chữa do chính mỉnh thuê trong quá trình điều tra không?” Hải đã trả lời “Như trước đây tôi đã trả lời là tôi không cần luật sư bào chữa bởi tôi tự thấy hành vi phạm tội của mình không cần bào chữa. Về phía cơ quan CSĐT mời luật sư tham dự hỏi cung theo quy định pháp luật thì tôi không có ý kiến gì?”.(mời xem hình)
Trước đó, ngày 25-3-2008, Hải đã có một bản viết tay nắn nót gởi cơ quan điều tra để xin từ chối luật sư do gia đình thuê. (mời xem hình)
Theo bà Rưởi thì ông Quyết đã vô tâm đến mức với vụ án mà bị cáo bị phạt đến mức tử hình, ông không đến dự, không có mặt trong phiên tuyên án sơ thẩm và chỉ biết mức án tử hình Hồ Duy Hải khi bà gọi điện thoại báo tin.
Theo tường trình của bà Rưởi vào ngày 24-12-2008, ngay hôm sau ngày tuyên án sơ thẩm, bà và bà Loan đã đến gặp LS Quyết yêu cầu làm đơn kháng cáo kêu oan và xin gặp Hải để ký tên nhưng ông Quyết không chịu mà cho rằng “Xin kháng cáo kêu oan là ở đây không ký đâu, xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt thì mới ký, nghe lời ông LS Đạt nêu 41 điều tầm bậy tầm bạ phản cung làm chi. Ở đây tính xử chung thân mà không biết sao xử tử hình luôn…. LS Quyết bảo tôi về làm lại đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tôi nói là tôi kêu oan mà giảm nhẹ hình phạt gì? Sao kỳ vậy? LS Quyết trả lời cứ làm đơn vậy đi, lên phúc thẩm họ xử tha bổng hay trắng án gì cũng được” (mời xem hình văn bản tường trình)
Cũng theo tờ tường trình này, ngày hôm sau bà Rưởi, bà Loan đến trại giam xin được gặp Hải để đưa Hải ký tên và bà trực tiếp nộp cho tòa phúc thẩm nhưng cán bộ trại giam trả lời “Hồi sáng, Hải bức xúc xin kháng cáo nhưng thấy mới ra tòa chờ vài ngày cho tinh thần ổn định mới giải quyết”. Cán bộ trại giam hứa sẽ cho Hải viết đơn và chuyển cho TA. Mỗi ngảy, bả Rưởi đều ra văn phòng TA chờ đến ngày 5-12 thấy cán bộ trại giam đem hồ sơ kháng án sang tòa mới thôi.
Chỉ riêng từ năm 2012 đến nay, luật sư Đạt 43 lần kêu oan
LS Đạt cho biết, trong đơn kháng cáo Hải đã kêu oan. Với quan điểm bào chữa công khai, thẳng thắn, LS Đạt gởi đến Hội đồng xét xử văn bản bài bào chữa kêu oan cho Hải trước khi phiên phúc thẩm diễn ra. Cẩn thận hơn, gần ngày xử phúc thẩm, ông còn gởi văn bản cho chủ tọa phiên tòa nêu tóm tắt quan điểm là Hải bị oan. Nhưng rất tiếc là những quan điểm này không được Hội đồng xét xử tranh luận và cũng không đưa vào bản án. Một ngày sau phiên xử sơ thẩm, LS Đạt đã gởi đơn kêu oan, xin giám đốc thẩm sau đó, ông nhiều lần cùng bà Loan ra Hà Nội gởi đơn khắp các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc Hội nhưng không ai giải quyết. Từ năm 2012 đến nay, LS Đạt không đi gởi đơn trực tiếp mà hàng tháng gởi đơn qua đường Bưu Điện để kêu oan xin giám đốc thẩm. Mỗi lần gởi đơn, ông đều cập nhật số thứ tự và lá đơn gần đây nhất là lá đơn thứ 43.
Mỗi lần đi thăm nuôi mà có thể nói chuyện riêng, Hải đều nhắc nhở gia đình là làm đơn gởi Chủ Tịch Nước kêu oan cho. Gia đình Hải và các luật sư cũng không hề nhận quyết định bác đơn ân xá của Chủ Tịch Nước. Thật sự Hải có làm đơn xin ân xá hay không? Nếu có thì làm trong hoàn cảnh nào? Trong tiến trình tố tụng vụ án của Hải lại xảy ra những hiện tượng kỳ lạ rất khó giải thích.
Đến giờ này, Hải có làm đơn xin ân xá hay không? LS Trần Hồng Phong khẳng định “Với tư cách là luật sư hỗ trợ pháp lý cho gia đình Hồ Duy Hải trong việc xin giám đốc thẩm kêu oan cho Hải, tôi khẳng định Hồ Duy Hải có kêu oan dù tôi cũng xác nhận có rất nhiều bản khai trong trại giam Hải khai mình là hung thủ giết người. Vấn đề này, về mặt tố tụng hình sự, tôi đã trình bày rõ trong "Đơn đề nghị giám đốc thẩm" của mình.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn trình bày lại về việc Hải kêu oan thể hiện ở những tài liệu/bằng chứng sau đây: Trong bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An có ghi việc Hải kêu oan. Hải khai rằng mình chỉ khai giết người theo lời của một công an xã chứ không thực sự giết người. Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm đã không chấp nhận lời khai nại này”. Luật sư Đạt, bà Nguyễn Thị Rưởi (dì của Hải), bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hải) đều khẳng định là Hải không làm đơn xin ân xá giảm án mà chỉ có đơn kêu oan.
Vì sao Hải tự buộc mình những “tội” không có thật?
Một tình tiết không thể không lưu ý là nội dung đơn xin ân xá của Hải (theo thẩm phán Lê Quang Hùng công bố) lại không đưa ra những điểm tốt về nhân thân của mình là một sinh viên mới tốt nghiệp, là thành viên dân quân của xã… Lời xin ân xá lại phù hợp với bài bào chữa “buộc tội” của ông Quyết từ nội dung lập luận đến câu chữ, tự buộc cho mình những cái “tội”, cái xấu không có thật. Hải tự đánh giá bản thân là “thiếu giáo dục, ăn chơi”. Những điều này không đúng với con người thật của Hải ít ra là theo nhật xét của những người sống gần gũi với Hải.
Báo Công An TPHCM đã ghi ý kiến của ông Xã đội trưởng xã Nhị Thành ở thời điểm đó. “Sau khi vụ án xảy ra và Hải bị bắt thì tôi cũng có nghe nói nó có cá độ đá banh, chứ hồi chưa xảy ra vụ án thì Hải là đứa ngoan, mấy lần tôi giao việc cho nó, nó đều làm rất tốt, lễ phép. ”. Bà Rưởi, dì của Hải cho biết bà có tổng cộng 18 đứa cháu nhưng Hải là đứa ngoan nhất. Nó xin 50.000 không có tiền lẻ đưa 100.000 đồng nó đem về trả lại 50.000 đồng. Con ruột tôi không được như vậy, đưa dư nó lấy hết không trả lại. Chính vì vậy, không riêng tôi mà cả nhà đều thương Hải”.
Đặc biệt, một cô giáo mẫu giáo ở gần nhà Hải đã cảm mến và dù không có quan hệ yêu đương nhưng mỗi lần gia đình đi lên trại giam thăm Hải đều xin được di theo. Lẩn đầu gặp Hải trong trại giam, cô đã khóc ngất khiến cán bộ trại giam phải giật mình. Liệu một người thiếu giáo dục, ăn chơi, ham mê cờ bạc có thể gây được thiện cảm với những người chung quanh như vậy?
Phải chăng việc Hải viết bức thư nắn nót xin từ chối luật sư bào chữa minh oan, chấp nhận ông luật sư do cơ quan điều tra chỉ định chăm chăm buộc tội cho mình và nội dung lá đơn xin ân xá tự buộc những cái tội không có thực là “thiếu giáo dục, ăn chơi” là có quan hệ mắc xích với nhau? Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan tố tụng tối cao khi thẩm định lại hồ sơ vụ án, lưu ý xem xét đến những yếu tố này.
(Còn tiếp)
Chú thích ảnh:
Biên bản ghi lời khai Hải từ chối luật sư
Bản viết tay từ chối luật sư
Bản tường trình của bà Rưởi
Bà Rưởi, bà Loan vui mừng đọc ấn phẩm PLTĐ thông tin việc Chủ Tịch Nước yêu cầu tạm hoãn thi hành án.