Hà Nội: CSCĐ đánh tử vong một công dân và một người bị thương nặng
GNsP (06.05.2015) – Rạng sáng ngày 03.05, tại Hà Nội, một nhóm CSCĐ truy đuổi và dùng dùi cui quật vào mặt hai thanh niên điều khiển xe gắn máy không đội nón bảo hiểm, khiến cho một người lao vào gốc cây tử vong, người còn lại bị chấn thương nặng.
Nạn nhân tử vong là anh Nguyễn Hải Hoàng, SN 1994. Người cùng tham gia giao thông với anh Hoàng tên là Đạt, bạn học cùng trang lứa. Hiện nay, anh Đạt đang được cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh Đạt bị vỡ xương bánh chè, đa chấn thương…
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Cha của nạn nhân Hoàng là ông Nguyễn Hải Long thăm hỏi anh Đạt –người chứng kiến toàn bộ vụ việc. Anh Đạt đã thuật lại câu chuyện cho gia đình ông Long biết và ông kể lại sự việc cho GNsP:
“Con trai tôi và Đạt điều khiển xe máy không đội nón bảo hiểm. Con trai tôi lái xe, còn Đạt ngồi đằng sau. CSCĐ đi ngược chiều với con trai tôi, thấy vậy, liền rượt đuổi theo, họ lấy dùi cui vụt vào mặt con tôi nhưng cháu né được, bị mất thăng bằng lao vào gốc cây bị ngã xuống đất, và tử vong tại chỗ. Khi mà con tôi né được thì dùi cui vụt ngay vào mặt cháu Đạt, làm cho cháu rách cả miệng, ngã xuống đường và vỡ xương bánh chè. Đầu mặt con tôi bị vỡ hết, máu me be bét.

Nạn nhân Nguyễn Hải Hoàng, SN 1994
Khi bị CSCĐ rượt đuổi, con trai tôi chạy xe nhanh hơn mức bình thường. Tại nơi con tôi tử vong [đoạn đường Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội] không để lại dấu vết phanh xe, nếu như con tôi nhìn thấy gốc cây thì phải phanh thắng gấp chứ. Vụ việc xảy ra vào khoảng 0:30 phút ngày 03.05. Bạn bè cháu báo cho gia đình tôi biết.”
Ông Long đau xót khi nghe tin con trai chết và bật khóc: “Từ khi cháu ra đi tôi không ăn được không ngủ được, lúc nào tôi cũng nhớ đến con tôi hết. Sự việc này quá đột ngột đối với gia đình tôi…”
Nỗi đau mất con cứ dằn vặt con tim ông qua lời tâm sự trên facebook cá nhân của ông: “Hỡi ôi, cháu không thể giữ được tính mạng đã mãi mãi ra đi lìa xa tôi, bỏ lại người cha khốn khổ như tôi. Quá bất hạnh! Rồi các thằng CSCĐ ấy bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Thật đúng là coi mạng người như cỏ rác, đã tước đoạt mạng sống của con tôi, cháu nó còn quá trẻ, còn bao nhiêu ước mơ hoài bão tương lai của cháu phía trước đã bị bọn cơ động tươc đi. Hết rồi những ngày sống vui vẻ với gia đình, các bạn bè anh em của con lúc nào cũng chờ đợi con. Con của bố! Bố nghẹn ngào cùng những giọt nước mắt tiếc thương muốn nói với con rằng: hơn những lúc nào bố cũng yêu con. Con yên nghỉ đi nhé! Bố sẽ lôi những kẻ lạm dụng quyền lực sát hại con ra trước pháp luật để trả một cái giá thật đắt. Vĩnh biệt con trai bé bỏng của bố!”
GNsP liên lạc với gia đình anh Đạt, nhưng anh Đạt không thể nói chuyện vì sức khỏe suy yếu. Mẹ anh Đạt khóc nức nở khi nói chuyện với chúng tôi: “Hoàng chết thảm lắm! Tội nghiệp cháu Hoàng lắm!… Đạt nhà tôi sức khỏe yếu lắm…”
Ông Long mong muốn: “Tôi mong muốn đòi lại công bằng cho cháu để cháu được ra đi thanh thản. Con tôi đằng rằng vi phạm không đội nón bảo hiểm là vi phạm đường luật giao thông chứ con tôi không có thái độ chống đối hay cướp giật gì cả. Cháu Đạt nói rằng, CSCĐ nhìn thấy như vậy liền đuổi theo không có một hiệu lệnh yêu cầu dừng xe lại. Con tôi có phải là tội phạm nghiêm trọng đâu mà lại làm như vậy. Tôi không muốn những người giết con tôi phải bị tù tội nhưng phải nhận tội trước pháp luật và chịu trách nhiệm những hành động đã gây ra cái chết cho con tôi. Cơ bản nhất họ phải có trách nhiệm với hành vi họ đã gây ra.”
Ông Long cho biết thêm, sáng ngày 05.05, Cơ quan điều tra mời ông lên làm việc nhưng ông từ chối, bởi vì ông còn đang bận lo mai táng con trai ông.
Được biết, vào sáng nay ngày 06.05, gia đình ông làm nghi thức mai táng cho Hoàng tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Qua sự kiện này, chúng tôi xin điểm lại một số vụ nhiều thanh niên đã chết oan ức khi bị CSCĐ rượt đuổi, dùng dùi cui -một công cụ được giao hỗ trợ để trấn áp tội phạm- vụt vào đầu, mặt người dân trong thời gian ngắn vừa qua. Điển hình:
Vào lúc 21 giờ 45 ngày 18.08.2014, có 3 thanh niên đi chung trên một chiếc xe máy mang BKS 81B-03445, không đội mũ bảo hiểm, lưu thông trên đường Nguyễn Tất Thành thì bị Cảnh sát cơ động (CSCĐ) phát hiện và đuổi theo yêu cầu dừng xe. Khi đến đoạn gần ngã ba Phù Đổng – Nguyễn Tất Thành thì một CSCĐ đã dùng dùi cui đánh vào nhóm người ngồi trên xe vi phạm khiến xe máy mất lái, tông vào con lươn. Cả 3 thanh niên đi xe máy đều ngã xuống đường rồi bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, 2 CSCĐ đã dắt xe bị nạn vào lề đường, rút chìa khóa xe rồi bỏ đi, để mặc người bị nạn đang bị thương nặng. Người dân đưa ba thanh niên đi cấp cứu, nhưng một người (anh Lê Hoài Thương- sinh năm 1994) tử vong sau đó.
Tối ngày 21.10, công dân Lê Thanh Hải, sống tại Sài Gòn, đang tham gia giao thông vượt đèn đỏ thì bất ngờ anh bị CSCĐ từ lề đường lao ra đập dùi cui vào mặt, bị ngã xuống đường, chấn thương nhiều nơi đặc biệt ở mắ. Mắt phải của anh Hải bị mù hoàn toàn, mắt trái cũng suy giảm thị lực… Anh đã tố cáo hành vi dã man này đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng các cánh cổng quan cứ thờ ơ, làm ngơ và vụ việc của anh Hải bị chìm xuồng.
Đầu năm 2015, vào ngày 24.01, anh Mai Văn Hậu, quê ở Thanh Hóa, chở chị Lương Thị T. (20 tuổi, sinh viên năm 2, ngành sư phạm mầm non) về quê bằng xe Exciter, chị T. không đội nón bảo hiểm. Đi cùng với hai người còn có 4 người bạn khác của anh Hậu. Trên đường đi, 4 CSCĐ đã rượt đuổi theo sau xe anh Hậu, anh đã bỏ chạy, bị lạc tay lái và tông vào thành cầu Tào (Tp. Thanh hóa), khiến cả hai văng xuống đường bất tỉnh. Chị T. cho biết, chị không đội nón bảo hiểm.
Cũng liên quan đến vụ việc này, một video clip lan truyền trên các trang mạng xã hội vào ngày 03.05.2015 cho thấy, tại Nam Định, một thanh niên cũng tử vong do tông vào cột điện sau khi bị CSCĐ rượt đuổi…
Trong khi đó, căn cứ khoản 3, 4 Điều 12 và khoản 2 Điều 18 Thông tư số 30/2012/TT-BCA, việc quản lý và sử dụng vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo qui định: “Trong khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí thô sơ phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí thô sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng và tuân theo các nguyên tắc sau:
a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm để quyết định việc sử dụng vũ khí thô sơ;
b) Chỉ sử dụng vũ khí thô sơ khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo bằng mệnh lệnh qua lời nói nhưng đối tượng không tuân theo;
c) Không sử dụng vũ khí thô sơ đối với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp sử dụng vũ khí thô sơ, người sử dụng vũ khí thô sơ cần hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí thô sơ gây ra.
Người được giao vũ khí thô sơ (trừ vũ khí thô sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này) được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 22 Pháp lệnh;
b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác;
c) Bắt giữ người theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật”.
Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ qui định: “Các trường hợp nổ súng gồm:
a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.”
Đối chiếu các qui định trên, các vụ việc CSCĐ rượt đuổi người dân (có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ như điển hình một số vụ việc nêu trên), sau đó sử dụng dùi cui để đánh, vụt… đều là trái qui định. Khoản 2, 3 Điều 36 Pháp lệnh này qui định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Khoản 3: Cơ quan, tổ chức, cá nhân bao che cho người vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.