basamnews
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—-***—–
Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2012
BẢN Ý KIẾN CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI
Về Bản giải đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến Kiến nghị của một số công dân huyện Văn Giang – Hưng Yên *
Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT)
Chúng tôi – những luật sư đang trợ giúp pháp lý cho những hộ dân tại Văn Giang – Hưng Yên do việc họ bị thu hồi đất, liên quan đến dự án Ecopark – đã nhận được Công văn số 3458/BTNMT-TCQLĐĐ v/v một số nội dung liên quan đến kiến nghị của một số công dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vào ngày 03/10/2012, kèm theo Bản giải đáp. Chúng tôi đánh giá cao thiện chí của Bộ TN-MT, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy những nội dung giải đáp của Quý Bộ chưa rõ ràng, chưa đúng pháp luật, có phần lẩn tránh trách nhiệm và chưa cung cấp đủ tài liệu theo yêu cầu của các hộ dân.Trước khi có những ý kiến về từng vấn đề trong nội dung Bản giải đáp, chúng tôi xin nhấn mạnh những nội dung sau:
- 1. Các quyết định 303/QĐ-TTg và 742/QĐ-TTg năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án Ecopark được ban hành không đúng thẩm quyền, có nhiều nội dung trái pháp luật đất đai.
- 2. Bộ TN-MT chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu sai cho Thủ tướng trong việc ban hành 02 quyết định trên, đã làm trái chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định tại NĐ 91/2002/NĐ-CP, khi thẩm tra đã không phát hiện UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện trái trình tự Điều 23 Nghị định 04/2000/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Điều 10 của Nghị định 66/2000/NĐ-CP).
- 3. Hai dự án liên quan tại Văn Giang không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật và Quy hoạch đã được duyệt tại thời điểm năm 2004 (UBND tỉnh Hưng Yên chưa đủ thẩm quyền phê duyệt 02 dự án này).
- 4. Người dân không có trách nhiệm phải thi hành một quyết định thu hồi đất mà không ghi tên họ, diện tích đất của họ bị thu hồi, và không được giao cho họ.
- 5. Việc cưỡng chế và hỗ trợ thi công của Chính quyền địa phương tại Hưng Yên rõ ràng trái pháp luật.
Câu hỏi 1: Toàn văn Tờ trình số 14/TTr-BTMMT ngày 12/3/2004 và Tờ trình số 99/TTr-BTNMT ngày 29/06/2004 gửi Thủ tướng Chính phủ (liên quan đến các Quyết định 303/QĐ–TTg ngày 30/03/2004 và Quyết định số 742/QĐ – TTg ngày 30/06/2004 của Thủ tướng Chính phủ)
Trả lời: Bộ TN-MT sao toàn văn nội dung 02 Tờ trình số 14/TTr.BTNMT ngày 12/03/2004 và số 99/TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 gửi đến Văn phòng luật sư đại diện cho các hộ dân.
Bình luận:
- a. Văn phòng Bộ TN-MT đã đóng dấu xác nhận sao y vào trang cuối của từng bản sao từ 02 Tờ trình này, nhưng không xác nhận sao y vào các trang đầu của từng bản sao, khiến đại diện những hộ dân Văn Giang nghi ngờ về tính xác thực của bản sao 02 Tờ trình (có dấu hiệu bị sửa chữa).
- b. Về nội dung 02 Tờ trình này, đại diện những hộ dân Văn Giang cho biết sẽ gửi dự thảo đơn tố cáo ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đã thiếu trách nhiệm, làm sai khi ký vào những Tờ trình này.
Câu hỏi 2: Tại sao Bộ TN–MT trình Thủ tướng Chính phủ Tờ trình số 99/TTr-BTNMT ngày 29/06/2004 ngay trước khi Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) hết hiệu lực? Việc trình này có theo đúng thủ tục hành chính hay được rút ngắn công đoạn để có lợi cho chủ đầu tư (đề nghị Quý Bộ kiểm tra văn thư việc đi đến của công văn liên quan từ UBND tỉnh Hưng Yên đến Quý Bộ và tờ trình của Quý Bộ đến Thủ tướng Chính phủ)?
Trả lời: Việc Bộ TN-MT thực hiện xử lý hồ sơ và có Tờ trình số 99/ TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 trình Thủ tướng Chính phủ có quá trình từ tháng 10/2003 đến tháng 06/2004, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
+ Dự án xây dựng tuyến đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên đoạn từ huyện Văn Giang đến Dân Tiến – Khoái Châu đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tại Công văn số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003 bằng phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng;
+ Về dự án sử dụng quỹ đất: Dự án Khu đô thị Thương mại-du lịch Văn Giang đã được lập và trình duyệt theo quy định của pháp luật: Bộ Xây dựng thỏa thuận về quy hoạch xây dựng tại Công văn số 299/BXD-QH ngày 15/03/2004; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) góp ý Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tại Công văn số 3796/BKH/TĐ&GSĐT ngày 18/06/2004; Bộ Tài chính có ý kiến tại Công văn số 4878/TC-QLCS ngày 10/05/2004 về việc xác định giá đất giao cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án; UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 632/QĐ-UB ngày 25/03/2004 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang đến năm 2020.
Việc thực hiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường đúng trình tự, thủ tục hành chính.
Bình luận:
- Chưa bao giờ, doanh nghiệp và nhân dân thấy Bộ TN-MT thực hiện thủ tục thẩm định với tốc độ chóng mặt như vậy (ngày 28/06/2004 nhận Tờ trình của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 29/06/2004 Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký Tờ trình gửi Thủ tướng, ngày 30/06/2004 Thủ tướng ký Quyết định 742/QĐ-TTg).
- Trong khi bản Kiến nghị kèm theo 12 câu hỏi của luật sư và những đại diện hộ dân Văn Giang gửi Bộ TN-MT từ ngày 20/06/2012, qua đối thoại 21/08/2012 đến 26/09/2012 Thứ trưởng Bộ TN-MT ký văn Bản giải đáp và VPLS Trần Vũ Hải nhận văn bản này vào ngày 03/10/2012.
- Nội dung Tờ trình số 99/TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 có rất nhiều điểm trái và không phù hợp pháp luật tại thời điểm đó (chúng tôi sẽ phân tích dưới đây, ngoài ra đề nghị xem nội dung dự thảo đơn tố cáo của đại diện những hộ dân Văn Giang). Việc làm trên không thể coi là thực hiện đúng trình tự thủ tục hành chính, mà cần phải coi là cố ý làm ẩu, làm gấp để tránh Luật đất đai 2003 (có hiệu lực từ 01/7/2004) phục vụ lợi ích của Chủ đầu tư, vì theo Luật đất đai 2003 không còn quy định về đổi đất lấy hạ tầng.
Câu hỏi 3: Tại sao Bộ TN–MT không đệ trình và tham mưu Chính phủ thông qua những vấn đề nêu tại Quyết định 303/QĐ – TTg ngày 30/03/2004 và Quyết định số 742/QĐ – TTg ngày 30/06/2004? Vì theo quy định của Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001), những nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời: Bộ TN-MT trình Thủ tướng Chính phủ là căn cứ vào Quy chế hoạt động của Chính phủ
Bình luận:
- a. Chúng tôi không thấy có văn bản nào ở Việt Nam có tên gọi Quy chế hoạt động của Chính phủ.Nếu Bộ TN-MT khẳng định có, cho biết văn bản đó số bao nhiêu và được ban hành ngày tháng năm nào? Nếu không có văn bản này, yêu cầu Bộ TN-MT xin lỗi Chính phủ và những hộ dân Văn Giang vì đã sáng tác ra văn bản này.
- b. Tại thời điểm năm 2004, có Quy chế làm việc của Chính phủ đang có hiệu lực được ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12/03/2003 của Chính phủ, chúng tôi đã nêu trong các tài liệu gửi Bộ TN-MT.
- c. Tại điều 2 của Quy chế này quy định:
“ 1. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được pháp luật quy định, Chính phủ quyết nghị tập thể những công việc sau đây:
….l) Những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ…”.
Quy định tại Điều 6 của Quy chế này – Phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ:
“1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giải quyết các công việc sau đây:
…b. Giải quyết hoặc xem xét để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo thẩm quyềnnhững đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân… về những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của mình…”
Như vậy, Bộ trưởng Bộ TN-MT khi xem xét soạn thảo các tờ trình phải xác định thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung cần giải quyết. Đây là 02 định chế khác nhau, các quan chức cao cấp không thể nhầm lẫn được.
- d. Về thẩm quyền quyết định nêu tại 02 Quyết định nêu trên:
(i) Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004 có nội dung phê duyệt điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm (2001-2005) tỉnh Hưng Yên. Theo Điều 18 Khoản 2 Luật đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) quy định: “Chính phủ xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đai của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm và kế hoạch điều chỉnh, bổ sung hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…” . Như vậy, Luật quy định thẩm quyền phê duyệt này thuộc Chính phủ, không thuộc Thủ tướng Chính phủ.
(ii) Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 30/06/2004 về việc giao đất để thực hiện dự án xây dựng đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo Điều 23 khoản 1 điểm a Luật Đất đai trên ghi: “Chính phủ quyết định giao đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất có thu tiền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án”
Như vậy, Chính phủ có thẩm quyền quyết định giao đất trong trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ không có thẩm quyền này.
- e. Trong buổi đối thoại ngày 21/08/2012, đại diện Bộ TN-MT có nêu Nghị định 04/2000/NĐ-CP về hướng dẫn Luật (ban hành năm 1998) sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 1993, để xác định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã nêu Nghị định 66/2001/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 04/2000 nêu trên và hướng dẫn Luật (ban hành năm 2001) sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 1993, trong đó đã sửa đổi những thẩm quyền trên thuộc Chính phủ, không còn thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ. Lẽ ra Bộ TN-MT phải nhận thức rõ điều này, để nhận trách nhiệm đã tham mưu sai cho Thủ tướng Chính phủ khi ký những Tờ trình trên đến Thủ tướng Chính phủ. Đúng ra, Bộ TN-MT phải xác định những nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và phải gửi Tờ trình đến Chính phủ.
- Chúng tôi xin lưu ý thêm, theo NĐ 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN-MT có hiệu lực từ ngày 11/11/2002, Bộ TN-MT không có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ những quyết định có nội dung như 02 quyết định trên. Nghị định này quy định rõ tại Điều 2 khoản 5 điểm b, c:
“…..b) Thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công antrình Chính phủ xét duyệt;
c) Trình Chính phủ quyết định giao đất, thu hồi đất trong các trường hợp thuộc thẩm quyền của Chính phủ;….”
Câu hỏi 4: Dựa vào quy hoạch nào và được cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt, Bộ TN–MT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định nêu trên? Nếu có quy hoạch đó, đề nghị Bộ TN–MT cung cấp. Nếu không có quy hoạch nào, đề nghị Quý Bộ giải thích.
Trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003 của Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang đến năm 2020 tại Quyết định số 632/QĐ-UB ngày 25/03/2004; Bộ TN-MT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm (2001-2005) tỉnh Hưng Yên phù hợp với quỹ đất đã xác định trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 438/QĐ-TTg ngày 04/06/2002.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ TN-MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 30/06/2004 phù hợp với điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm (2001-2005) tỉnh Hưng Yên; đồng thời căn cứ chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Công văn số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003, Quy hoạch chung xây dựng KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 632/QĐ-UB ngày 25/03/2004 (có bản sao quyết định gửi kèm theo).
Bình luận:
a. Đối với quyết định 303/QĐ-TTg
(i) Theo Bộ TN-MT, dựa trên Quy hoạch chung xây dựng KĐT Thương mại – du lịch Văn Giang do UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 303/QĐ-TTg. Rõ ràng, Bộ TN-MT đã nhầm lẫn giữa Quy hoạch sử dụng đất đai và Quy hoạch xây dựng
(ii) Bộ TN-MT cho rằng Quy hoạch chung xây dựng trên phù hợp với quỹ đất đã xác định trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 438/QĐ-TTg ngày 04/06/2002. Tuy nhiên, trong Tờ trình số 14/TTr-BTNMT không khẳng định như vậy, mà cho rằng các dự án nêu trên chưa có trong Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2001-2005) tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 27/09/2002.
(iii) Mặc dù chúng tôi yêu cầu Bộ TN-MT cung cấp văn bản về Quy hoạch theo Quyết định 438/QĐ-TTg, nhưng Bộ TN-MT đã không cung cấp văn bản này. Theo Nghị định 68/2001/NĐ-CP về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phải có Bản đồ hiện trạng sử dụng đất đai, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai, bản đồ kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm và các bản đồ chuyên đề khi xét duyệt Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai. Theo chúng tôi Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai kèm theo Quy hoạch sử dụng đất đai tỉnh Hưng Yên được ban hành theo Quyết định 438/QĐ-TTg sẽ làm rõ KĐT Thương mại – du lịch Văn Giang có được quy hoạch thành đất đô thị hay không?
(iv) Các hộ dân Văn Giang đều khẳng định vào thời điểm 2002-2003, họ được khuyến khích chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây cảnh có giá trị cao. Trong Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên số 1613/QĐ-UB ngày 21/08/2003 v/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Văn Giang giai đoạn 2001-2010 và định hướng đến năm 2020 không có nội dung hình thành một khu đô thị có quy mô tới 500 ha như KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang.
(v) Điều 2 phần IV Thông tư 1842/2001/TT-TCĐC hướng dẫn Nghị định 68/2001/NĐ-CP nêu trên quy định:
“2. Nội dung thẩm định kế hoạch sử dụng đất đai.
a. Mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất đai với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương:
b. Mức độ phù hợp giữa kế hoạch sử dụng đất đai với quy hoạch sử dụng đất đai.”
Bộ TN-MT trong Tờ trình số 14/TTr.BTNMT nêu trên đã không thẩm định 02 vấn đề trên, không nêu Quy hoạch sử dụng đất đai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định 438/QĐ-TTg.
(vi) Tóm lại, quyết định 303/QĐ-TTg thực tế không nêu căn cứ quy hoạch nào và có nội dung không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã được phê duyệt trước đó. Bộ TN-MT phải chịu trách nhiệm về việc đã tham mưu sai và cẩu thả này cho Thủ tướng Chính phủ.
b. Đối với Quyết định 742/QĐ-TTg
(i) Tương tự như vậy, QĐ 742/QĐ-TTg không nêu căn cứ Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 (đã được phê duyệt tại Quyết định 438/QĐ-TTg ngày 04/06/2002).
(ii) Không thể chấp nhận quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ dựa trên Quy hoạch về xây dựng do cấp tỉnh ban hành (mà quy hoạch đó cũng không dựa trên Quy hoạch sử dụng đất đai đã phê duyệt).
(iii) Đối với tuyến đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng yên đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên không nằm trong quy hoạch phát triển giao thông nêu tại Quyết định số 162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Quyết định 2987/QĐ-UB của UBND tỉnh Hưng Yên v/v phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên đến năm 2010.
c. Mặc dù vậy, chúng tôi ghi nhận Bộ TN-MT bằng việc giải đáp câu hỏi này đã thừa nhận không có việc những quyết định trên được ban hành dựa vào những quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, quy hoạch vùng Thủ đô và quy hoạch tổng thể tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang, như một số cơ quan, chính quyền, báo chí đưa tin, vì tại thời điểm ban hành không có những quy hoạch đó hoặc dự án liên quan không phù hợp với những quy hoạch có hiệu lực tại thời điểm đó.
Câu hỏi 5: Đề nghị Quý Bộ cho biết 02 Quyết định này của Thủ tướng là quyết định hành chính hay văn bản quy phạm pháp luật? Nếu là quyết định hành chính có giá trị buộc thi hành đối với các hộ dân tại sao không được giao trực tiếp cho họ ngay sau khi ban hành? Nếu là văn bản quy phạm pháp luật tại sao lại không đăng tải trên công báo theo quy định của pháp luật? (Nếu Quý Bộ không trả lời được nội dung này, đề nghị tham khảo ý kiến của Văn phòng Chính phủ và/hoặc ý kiến của Bộ Tư pháp).
Trả lời: Vấn đề này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ TN-MT, đề nghị VPLS chuyển câu hỏi đến Bộ Tư pháp để được trả lời.
Bình luận: Nghị định 36/2012/NĐ-CP ngày 18/04/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, có hiệu lực từ ngày 15/06/2012, tại Điều 4 (về pháp luật) khoản 4 ghi rõ: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”. Hai quyết định nêu trên do Bộ TN-MT tham mưu, liên quan đến việc thực thi pháp luật về đất đai, đương nhiên thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN-MT. Như vậy, Bộ TN-MT có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cũng có nghĩa giải thích cho nhân dân về pháp luật liên quan đến 02 quyết định này. Tuy nhiên, nếu Bộ TN-MT không có đủ nhân sự để hiểu biết về pháp luật đất đai (để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, trong đó có giải thích về những văn bản liên quan đến đất đai), chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi này đến Bộ Tư pháp theo yêu cầu của Bộ TN-MT.
Câu hỏi 6: Tại sao Bộ TN–MT tham mưu cho quyết định 303/QĐ – TTg xác định quỹ đất để tạo vốn xây dựng công trình cơ sở hạ tầng (1.650 ha, trong đó có 500 ha đất sau này được coi là đất của dự án Ecopark) là đất chuyên dùng, trong khi thực tế theo chủ đầu tư dự án Ecopark 30% của 500 ha đất này được dùng làm đất ở (tức không phải đất chuyên dùng)?
Trả lời:
Căn cứ Điều 18 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11/02/2000 của Chính phủ về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê phải trong quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Quyết định số 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định 500 ha là quỹ đất dùng để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị Văn Giang, việc xác định cụ thể các loại đất như đất giao thông đô thị, đất ở, đất cây xanh, đất thương mại,…. thực hiện theo quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị Văn Giang do UBND tỉnh Hưng Yên là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bình luận:
- a. Điều 62 Luật Đất đai 1993 (sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) khẳng định: “Đất chuyên dùng là đất được xác định sử dụng vào mục đích không phải là nông nghiệp, lâm nghiệp, làm nhà ở….”.
- b. Quyết định 303/QĐ-TTg xếp quỹ đất để tạo vốn xây dựng công trình cơ sỏ hạ tầng (trong đó có 500 ha để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị Văn Giang) vào mục đất chuyên dùng (không vào mục đất ở). Như vậy, theo Luật Đất đai trên, không có phần diện tích nào trong quỹ đất 500 ha này được xác định vào mục đích làm nhà ở. Trong khi theo Chủ đầu tư 30% quỹ đất này được sử dụng vào mục đích làm nhà ở. Rõ ràng, hoặc Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hưng Yên đã sai khi trình Thủ tướng hoặc Chủ đầu tư đã sai khi sử dụng đất chuyên dùng vào mục đích làm nhà ở .
- c. Theo QĐ 303/QĐ-TTg, có 500 ha để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị tại Văn Giang và 100 ha tại các huyện Văn Giang và Khoái Châu để xây dựng đất giao thông đường từ cầu Thanh Trì đi xã Dân Tiến. Thực tế, theo QĐ 742/QĐ-TTg, Thủ tướng giao cho Chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng đường giao thông trên khoảng 500ha (không nói rõ sử dụng 500 ha này vào mục đích gì), ngoài 55 ha đất ở Văn Giang để xây dựng đường giao thông này. Như vậy quyết định 742/QĐ-TTg giao quỹ đất 500 ha ở Văn Giang để tạo vốn xây dựng hạ tầng giao thông, không phải để tạo vốn xây dựng hạ tầng đô thị (như kế hoạch theo Quyết định 303/QĐ-TTg). Rõ ràng 02 quyết định này mâu thuẫn nhau, Bộ TN-MT lẽ ra cần đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ mâu thuẫn này, hủy bỏ 01 hoặc cả 02 quyết định trên.
Câu hỏi 7: Tại sao tờ trình của UBND tỉnh Hưng Yên liên quan đến quyết định 303/QĐ – TTg không được Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên thông qua theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn được Bộ TN–MT bỏ qua, không báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ biết về thiếu sót này của UBND tỉnh Hưng Yên?
Trả lời:
Chủ trương sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là chủ trương lớn, đã được Chính phủ chấp thuận tại Công văn số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003 và Ban thường vụ tỉnh Hưng Yên đã thống nhất có ý kiến tại Thông báo số 435-TB/UB ngày 05/12/2003. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hưng Yên có Tờ trình số 211/TT-UB ngày 25/02/2004 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét duyệt điều chỉnh, bổ sung kết hoạch sử dụng đất năm 2004, 2005 tỉnh Hưng Yên.
Bình luận:
Ban Thường vụ tỉnh ủy Hưng Yên không thể làm thay chức năng của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên (Đảng không thể làm thay việc của Cơ quan dân cử).
Câu hỏi 8: Dựa trên dự án khả thi nào đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (theo Điều 22 khoản 2 điểm a Luật Đất đai 1993 được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001), Bộ TN-MT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 742/QĐ-TTg?
Trả lời:
Về điều kiện để giao đất, Bộ TN-MT đã thực hiện theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998. Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo việc lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang đã được phê duyệt tại Quyết định số 1430/QĐ-UB ngày 25/06/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định số 1431/QĐ-UB ngày 25/6/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên.
Mặt khác, đây là dự án tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó cơ sở để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 30/06/2004, Bộ TN-MT đã căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn 4878/TC-QLCS ngày 10/05/2004 về việc xác định giá đất giao cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tại Công văn số 3796 BKH/TĐ&GSĐT ngày 18/06/2004.
Bình luận:
- Điều 22a Luật đất đai năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) quy định :
Khoản 1 điểm d “… Giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với một số trường hợp để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án do Chính phủ quyết định.”
Khoản 2: “ Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều này phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
A) Người sử dụng đất phải có dự án khả thi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
B) Sử dụng đất phải theo đúng quy hoạch;
C) Người sử dụng đất phải có điều kiện về vốn và kỹ thuật….”
b. Theo Bộ TN-MT, UBND tỉnh Hưng Yên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt 02 dự án Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội.
c. Trong khi theo Bộ KH&ĐT tại công văn số 3796/BKH/TĐ&GSĐT ngày 18/06/2004 khẳng định Dự án KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang (mà Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT nêu trên chỉ là một dự án thành phần trong Dự án này) thuộc thẩm quyền cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ KH&ĐT, hồ sơ dự án còn nhiều thiếu sót như:
(i) Thiếu tờ trình Thủ tướng của Chủ đầu tư về việc cho phép đầu tư Dự án;
(ii) Cần xác định phạm vi cụ thể của dự án và hình thức kinh doanh thu hồi vốn của Chủ đầu tư;
(iii) Chủ đầu tư cần lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
(iv) Dự án có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, nhưng trong hồ sơ dự án chưa thể hiện năng lực tài chính của Chủ đầu tư – (thực tế tại thời điểm này Chủ đầu tư chỉ có Vốn điều lệ 70 tỷ đồng ). Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư, UBND tỉnh cần xem xét thêm năng lực tài chính của Chủ đầu tư để đảm bảo tính khả thi của Dự án;
(v) Cần bổ sung tính toán cụ thể phương án đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện Dự án;
(vi) Ngoài ra, hồ sơ Dự án cần bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phương án giải quyết nhu cầu mai táng do dự kiến dân số đến trên 4 vạn người vào năm 2020, làm rõ phương án xử lý nước thải, chất thải.
(vii) Làm rõ việc xác định giá đất để tính tiền đất trả cho nhà đầu tư.
Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên hoàn thiện hồ sơ Dự án này theo những ý kiên trên để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.
d. Như vậy, Bộ KH&ĐT đã xác định theo quy định pháp luật tại thời điểm tháng 6/2004, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền phê duyệt Dự án KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang (bao gồm Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT – là một dự án thành phần trong Dự án này ), không phải là UBND tỉnh Hưng Yên theo như cách hiểu của Bộ TN-MT. Cho đến 30/06/2004 và cả đến nay, chưa thấy có văn bản nào của Thủ tướng Chính phủ cho phép Chủ đầu tư thực hiện Dự án này. Quyết định 742/QĐ-TTg không có nội dung nào về Dự án KĐT này, và do đó không phải là văn bản cho phép Chủ đầu tư thực hiện Dự án này hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Dự án này.
e. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội là dự án xây dựng Quốc lộ, theo pháp luật về Giao thông đường bộ (tại thời điểm 2004 cũng như hiện nay), cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt Dự án là Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) hoặc Thủ tướng Chính phủ. UBND cấp tỉnh không có quyền phê duyệt Dự án xây đường Quốc lộ.
f. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, trong các hồ sơ tài liệu hiện có về quy hoạch sử dụng đất đai tại thời điểm 2004, không có tài liệu nào xác định 500 ha đất trên được quy hoạch để sử dụng vào mục đích đất đô thị.
g. Một doanh nghiệp vừa mới được thành lập 8 tháng (Chủ đầu tư đăng ký kinh doanh từ 08/2003), có vốn điều lệ 70 tỷ đồng rõ ràng không đáp ứng đủ điều kiện về vốn và kỹ thuật cho 02 Dự án có tổng mức đầu tư ước tính 4500 tỷ đồng.
h. Tóm lại, Chủ đầu tư và Dự án đều không đáp ứng cả 03 điều kiện của khoản 2 Điều 22a Luật Đất đai nêu trên. Bộ TN-MT lẽ ra phải thẩm định những điều kiện đó và phải nhận thấy không thể giao vội vã 500 ha đất cho một Chủ đầu tư như Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Việt Hưng tại thời điểm tháng 06/2004.
Câu hỏi 9: Tại sao trong quyết định giao đất 742/QĐ-TTg không ghi rõ tên, địa chỉ người hoặc đơn vị được giao đất mà lại ghi chung chung là chủ đầu tư và giao cho UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn và quyết định Chủ đầu tư tức người được giao đất, thực chất là ủy quyền cho cấp dưới lựa chọn người được giao đất?Phải chăng Bộ TN-MT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định trái điều 25 Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) “Cơ quan có thẩm quyền giao đất… không được ủy quyền cho cấp dưới”?
Trả lời:
Thực hiện Luật Đất đai năm 1993, Bộ TN-MT đã có Tờ trình số 99/TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội (đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu) và xây dựng KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang tại tỉnh Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó đã nêu rõ theo đề nghị của UBND tỉnh Hưng Yên trình Thủ tướng Chính phủ giao 5.540.712 m2 đất cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội (541.133 m2), xây dựng mương thuỷ lợi (8.873m2) và xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT Thương mại – Du lịch Văn Giang (4.990.706 m2). Tại khoản 2 Công văn số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Việc xác định chủ đầu tư để thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng trên bằng phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng do UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm”.
Bình luận:
- Bộ TN-MT đã không trả lời thẳng câu hỏi:Phải chăng Bộ TN-MT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định trái điều 25 Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) “Cơ quan có thẩm quyền giao đất… không được ủy quyền cho cấp dưới”?.
- b. Theo Luật Đất đai (trước đây cũng như hiện nay), quyết định giao đất phải ghi rõ tên cá nhân, đơn vị được nhận giao đất.Trong quyết định 742/QĐ-TTg không ghi rõ tên Chủ đầu tư nhận giao đất rõ ràng có vấn đề, lẽ ra Bộ TN-MT phải phát hiện và đề nghị Thủ tướng điều chỉnh lại.
- c. Tuy nhiên, theo chúng tôi UBND tỉnh Hưng Yên và Bộ TN-MT đã làm sai quy trình theo Nghị định 66/2001/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 04/2000/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung Luật đất đai. Điều 10 của Nghị định 66/2001/NĐ-CP quy định sửa đổi điểm c và điểm e Khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2000/NĐ-CP – Điều 23 này quy định về Trình tự thực hiện dự án sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
- d. Điều 23 Nghị định 04/2000/NĐ-CP sau khi sửa đổi 2 điểm trên có nội dung như sau:
Điều 23: Trình tự thực hiện dự án sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo việc lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng công trình cơ sở hạ tầng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện;
b) Tổ chức đấu thầu để chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nếu có nhiều đơn vị tham gia, trường hợp chỉ có một đơn vị xin thực hiện dự án, thì được phép chỉ định thầu;
c) Trình Chính phủ giao đất để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, thực hiện dự án đầu tư dùng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng;
d) Tổ chức nghiệm thu và xác định giá trị đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật;
đ) Định giá khu đất sẽ trả cho chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật;
e) Hướng dẫn việc lập dự án đầu tư trên khu đất trả cho nhà đầu tư theo quy hoạch được duyệt và trình Chính phủ giao đất cho chủ đầu tư”.
2. Tiền thu được từ việc giao đất, tiền xây dựng công trình phải được hạch toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách.
e. Với quy định như trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã không làm đúng theo trình tự, đã nhập 02 trình tự theo điểm c và điểm e khoản 1 Điều 23 thành 1 trình tự, bỏ qua trình tự theo điểm b, điểm d, điểm đ. Trong khi trình tự theo điểm a cũng không thực hiện đúng (tự mình phê duyệt không có ý kiến thẩm định của Bộ Giao thông vận tại – Bộ GTVT trong khi thẩm quyền phê duyệt Dự án công trình hạ tầng giao thông đường Quốc lộ như đường Quốc lộ liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên thuộc Thủ tướng Chính phủ và/hoặc Bộ GTVT).
f. Bộ TN-MT có trách nhiệm thẩm định cho Thủ tướng và/hoặc Chính phủ xét xem UBND tỉnh đã thực hiện đúng trình tự không. Nếu lãnh đạo Bộ TN-MT có tinh thần trách nhiệm đã thấy UBND tỉnh Hưng Yên đã không làm đúng theo các trình tự nêu trên và Bộ TN-MT có trách nhiệm không đồng ý với việc UBND tỉnh Hưng Yên bỏ qua các trình tự theo khoản 1 Điều 23 trên để thực hiện ngay trình tự cuối cùng của điều khoản này ( trình Thủ tướng/Chính phủ giao đất cho Chủ đầu tư). Nói cách khác, Bộ TN-MT chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm tra vội vàng, cẩu thả Tờ trình của UBND tỉnh và đã tham mưu sai cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 742/QĐ-TTg, trái thẩm quyền và có nhiều nội dung trái Luật đất đai.
Câu hỏi 10: Quyết định 742/QĐ- TTg đồng thời là quyết định thu hồi đất. Đề nghị Bộ TN-MT cho biết trường hợp thu hồi đất này được áp dụng theo điều khoản nào của Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001)?
Trả lời:
Việc thu hồi đất tại Quyết định số 742/QĐ-TTG căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Đất đai 1993.
Bình luận:
Điều 27 Luật đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) có 03 khoản. Bộ TN-MT chưa trả lời rõ khoản nào của điều này. Đề nghị Bộ TN-MT trả lời rõ hơn và nói rõ thuộc trường hợp thu hồi nào và vì sao?
Câu hỏi 11: Hiện những hộ dân vẫn giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) liên quan đến nhà đất bị thu hồi. Vậy giấy tờ này có giá trị không? Tại sao không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân? (Đề nghị trích rõ điều khoản văn bản pháp luật được áp dụng).
Trả lời:
Theo quy định tại điểm e, mục 4, chương 4, Thông tư 1990/2001/TT- TCĐC ngày 30 tháng 11 năm 2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn đăng kí đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và biên bản thu hồi đất ngoài thực địa, cơ quan địa chính thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chịu trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp để chỉnh lí hoặc huỷ bỏ, chỉnh lý hồ sơ địa chính và thông báo cho cơ quan quản lí hồ sơ địa chính các cấp để chỉnh lí hồ sơ địa chính. Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho phần diện tích đất đã bị thu hồi thì không còn giá trị.
Việc ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân chỉ áp dụng theo quy định của Luật Đất Đai năm 2003 và Nghị Định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính Phủ về thi hành Luật đất đai năm 2003.
Bình luận:
- Thông tư 1990/2001/TT- TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục Địa chính đã hết hiệu lực vào ngày 05/01/2005 và được thay thế bởi Thông tư số 29/2004/TT-BTNMT do Bộ TN-MT ban hành ngày 01/11/2004.
- Thực tế, không có biên bản thu hồi đất ngoài thực địa nào được thực hiện trước ngày 05/01/2005. Chính quyền Văn Giang đã cưỡng chế trái pháp luật để thu hồi đất của nhiều hộ dân Văn Giang vào tháng 01/2009 và tháng 04/2012. Như vậy, trong mọi trường hợp không thể áp dụng Thông tư 1990 đã hết hiệu lực nêu trên để xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân bị thu hồi đất (nhưng không giao cho họ quyết định thu hồi đất, không có tên và đất của họ trong quyết định này) có còn giá trị hay không?
- Theo quan điểm trên của Bộ TN-MT, không có việc áp dụng ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001). Quan điểm này trái với chính những nội dung luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001), cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 3: “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.”
Điều 21: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó.”
Đoạn đầu Điều 28: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó…”.
Ví dụ: Hộ ông Nguyễn Văn A ở Văn Giang có 360m2 đất nông nghiệp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện cấp, chính quyền địa phương muốn giao cho Chủ đầu tư Ecopark 360 m2 này theo Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001). Theo các quy định trên, UBND huyện Văn Giang (có thẩm quyền giao đất nông nghiệp cho hộ ông A) phải có quyết định thu hồi 360 m2 đất nông nghiệp này của ông Nguyễn Văn A, nói cách khác, không thể sử dụng quyết định 742/QĐ-TTg để làm căn cứ trực tiếp thu hồi đất của hộ ông A (vì quyết định này không nêu tên ông A và diện tích đất của ông A). Chúng tôi được biết, thực tế có những quyết định thu hồi đất đến từng cá nhân, tổ chức hoặc có ghi tên người bị thu hồi đất, diện tích đất bị thu hồi của họ trong danh sách kèm theo quyết đinh thu hồi đất khi thu hồi đất theo Luật đất đai 1993.
- Ngoài ra, Chính quyền địa phương ở Hưng Yên đã áp dụng các quy định của Luật Đất đai 2003 (và các nghị định hướng dẫn luật này) khi tiến hành các bước liên quan đến việc thu hồi đất của những hộ dân Văn Giang. Do đó, không có lý do gì không áp dụng Luật đất đai 2003 để ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân liên quan, nêu như Chính quyền các cấp cho rằng quyết định 742/QĐ-TTg là đúng theo quy định của pháp luật.
- e. Giả thiết, các cơ quan chức năng cho rằng không cần ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân. Nếu như vậy, Chính quyền địa phương sẽ không có căn cứ để cưỡng chế họ nếu họ không đồng ý việc giao đất.
Việc cưỡng chế (nếu có) đương nhiên phải áp dụng theo Luật Đất đai 2003 được quy định tại đoạn cuối khoản 3 Điều 39: “….Trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại.” Do không có UBND nào (tỉnh, huyện) ra quyết định thu hồi đất, nên không UBND nào được ra quyết định cưỡng chế. Mọi quyết định cưỡng chế (nếu có) đều trái pháp luật.
Câu hỏi 12: Đề nghị Bộ TN-MT cho biết việc cưỡng chế thu hồi đất đai và hỗ trợ thi công của tỉnh Hưng Yên tại Văn Giang có đúng quy định của Luật Đất đai không? (Nếu đúng, ghi rõ điều khoản văn bản pháp luật được áp dụng).
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, trường hợp công dân không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trong việc cưỡng chế thu hồi đất thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân, việc cưỡng chế đúng hay sai sẽ do Toà án phán quyết.
Bình luận:
- a. Đáng tiếc Bộ TN-MT đã không thực hiện đúng chức năng tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về Đất đai (như chúng tôi đã trích dẫn trên theo Nghị định 36/2012/NĐ-CP).
- b. Thực tế, theo thông tin báo chí, đại diện Bộ TN-MT đã tham gia các cuộc họp với chính quyền địa phương Hưng Yên trước khi cưỡng chế tại Văn Giang vào ngày 28/04/2012 và do đó phải có quan điểm về việc cưỡng chế này trước khi được thực hiện.
- c. Trong vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng – Hải Phòng, chính Bộ TN-MT đã có văn bản tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xác định Chính quyền địa phương Yên Lãng đã vi phạm Luật đất đai mà bỏ qua phán quyết của Tòa án.
- d. Chúng tôi xin nhắc lại: Vụ cưỡng chế năm 2009 không có quyết định cưỡng chế nào; vụ cưỡng chế năm 2012 có quyết định cưỡng chế để thi hành một quyết định xử phạt hành chính, không phải là quyết định cưỡng chế để thực hiện quyết định thu hồi đất. Rõ ràng Chính quyền địa phương Hưng Yên đã sai, đã cưỡng chế không theo Luật đất đai, Bộ TN-MT phải biết rõ điều đó và có trách nhiệm ( như vụ Tiên Lãng – Hải Phòng) xác định việc vi phạm Luật đất đai (có hay không) của các cấp Chính quyền địa phương.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về Bản giải đáp của Bộ TN-MT đối với những nội dung Kiến nghị số 02 của những luật sư và đại diện những hộ dân Văn Giang bị thu hồi đất. Chúng tôi đề nghị Bộ TN-MT tổ chức một cuộc họp với quy mô nhỏ hơn buổi đối thoại 21/08/2012 để làm rõ những vấn đề đã nêu ra, đặc biệt là những nội dung chúng tôi đã nêu tại phần đầu của bản ý kiến này.
Trân trọng/.
Thay mặt những luật sư đang trợ giúp pháp lý cho những hộ dân bị thu hồi đất liên quan đến dự án Ecopark – Văn Giang – Hưng Yên.
Luật sư Trần Vũ Hải
Địa chỉ liên hệ: số 81 phố chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 04 3775 4788.
Nơi gửi:
- Như trên
- Đại diện những hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên yêu cầu luật sư trợ giúp pháp lý.
* Mời xem: Bản giải đáp của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
lúc nào cũng là chuyện đất đai
Trả lờiXóacần xử lý nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật
Trả lờiXóa