Cục Nghệ thuật biểu diễn mới đây cấp phép phổ biến rộng rãi nhiều bài hát trong đó có Quốc ca. Đây là một sự kiện pháp lý quan trọng.
Khoản 3 Điều 13 của Hiến pháp 2013 quy định rằng:
"Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca."
Như vậy, kể cả khi một điều khoản đã được Hiến pháp ghi nhận và/hoặc quy định, việc thực thi nó vẫn cần phải được một cơ quan có thẩm quyền công nhận và cấp phép.
Với quan niệm đó, nên mặc dù Điều 25 của Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền biểu tình của công dân, việc biểu tình có vẻ vẫn bị hạn chế với lý do chưa có luật quy định cụ thể để cho phép.
Đây là một quan niệm và tiền lệ pháp lý rất đáng chú ý. Từ đó chúng ta xét tiếp các điều khoản khác.
Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 4 của Hiến pháp 2013 quy định về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như sau:
"Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."
Cho đến nay, trên thực tế, vẫn chưa có bất kỳ luật nào quy định cụ thể hay cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép cho Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi quyền lãnh đạo đó.
Vì vậy, căn cứ vào quan niệm và tiền lệ pháp lý nêu trên, có thể kết luận rằng: (1) sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay là bất hợp pháp, và (2) sự lãnh đạo bất hợp pháp đó nếu vẫn ngang nhiên diễn ra mà chưa được cấp phép hoặc xử lý theo pháp luật, thì đơn thuần là sự tiếm quyền không hơn không kém.
Trên đây là ý kiến phân tích pháp lý dưới góc độ luật pháp thuần tuý.
(FB luật sư Lê Công Định; ảnh: Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét