Điều tra của PV Báo Lao Động cho thấy, tình trạng tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng trong đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) là nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công và đội vốn công trình.
Làm giả hồ sơ đền bù
Ông Hồ Văn Thành - một nông dân ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị - được các cán bộ làm hồ sơ đền bù GPMB “lén lút” đưa tên vào danh sách cho các diện tích ruộng của hợp tác xã (HTX) với mục đích nhận tiền đền bù giúp cho HTX. Nhưng, đến ngày nhận tiền, người dân trong thôn râm ran rằng, nếu nhận tiền mà không được đồng nào thì nhận làm gì, với lại sau này lộ ra thì cũng phải liên đới trách nhiệm. Vậy là ông Thành sợ. Một kế hoạch rút ruột nhà nước táo bạo đã được thực hiện. 
Theo khai nhận của nông dân Thành thì ông Dương - cán bộ địa chính xã Hải Chánh - đưa tới một tờ giấy trắng nói ký vào bên dưới, ông Thành hỏi: “Sao không có nội dung gì cả mà ký” thì ông Dương nói do việc gấp nên làm sau cho kịp thời. Rồi ông Dương lập thành giấy ủy quyền có nội dung ông Thành ủy quyền cho ông Ngô Khôi Việt đi nhận tiền đền bù đất ruộng đề ngày 31.10.2014 có chữ ký và triện đỏ của Chủ tịch UBND xã Hồ Đình Thái.
Tại trụ sở UBND xã Hải Chánh ngày 4.3, ông Nguyễn Văn Chương - Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban GPMB QL1A xã Hải Chánh - xác nhận rằng từ giấy ủy quyền đó, ông Việt đã nhận 26.945.000 đồng tiền đền bù (2 thửa). Và ông nói thêm: “Tôi đã bắt ông Việt đem nộp lại số tiền trên cho Hội đồng đền bù GPMB huyện sáng nay rồi”. Tuy nhiên, liên quan đến tên ông Hồ Văn Thành trong danh sách đền bù, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng thôn Mỹ Chánh - nói rằng, trong danh sách do xã lập có ở thôn thì ông Thành đứng tên 15 lô đất đền bù; mà mới nhận 2 lô, số còn lại ai quản lý?
 Người dân phản đối việc đền bù không công bằng, minh bạch.
Nhận tiền gấp hàng chục lần công khai
Anh Nguyễn Đức Diệm - một nông dân bị cụt gần hết hai bàn tay vì canh tác mưu sinh từ nhỏ trên mảnh đất giờ được đền bù do mở rộng QL1A - nói rằng, tôi đi kiện nhiều tháng nay vì sự mất công bằng và những dấu hiệu bất thường của cán bộ, cơ quan làm công tác đền bù GPMB tại địa phương này. 
Trong quá trình khiếu kiện, anh Diệm đã tự thu thập được nhiều chứng cứ. Trong đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Quảng Trị ngày 24.2.2015, anh Diệm chỉ đơn cử một trường hợp là hộ ông Nguyễn Văn Trà - hộ liền kề tiếp giáp đất nhà anh - có đất bị thu hồi là 2.050m2; lần 1 công khai giá trị đền bù hộ ông Trà là 43.050.000đ, nhưng sau đó “bất ngờ” ông Trà được tính thêm 430.500.000đ; tổng cộng thành 473.550.000đ - nhiều gấp hơn 10 lần.
Tiếp xúc với PV Báo Lao Động ngày 4.3, anh Diệm nói: “Tình trạng gian dối, không công khai, minh bạch trong đền bù GPMB ở Hải Chánh - Hải Lăng là rất rõ ràng. Cũng một công văn số 154/TTPTQĐ do Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Hải Lăng (thực hiện việc đền bù GPMB) ban hành ngày 24.10.2014 nhưng lại có 2 bản có nội dung khác nhau. Một bản không có số tiền 473.550.000đ đền bù cho ông Trà, còn một bản khác thì có con số tiền nói trên. Nếu làm ăn đứng đắn thì làm sao có chuyện đó được?”.
Tiền tỉ của Nhà nước giao cho cán bộ “Không biết, không rõ, không nắm”
Một vài vụ việc nêu trên chỉ là phần nổi rất nhỏ của thực trạng đền bù GPMB QL1A đoạn đi qua huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Làm việc với PV Báo Lao Động ngày 4.3, ông Nguyễn Văn Chương - Trưởng ban GPMB xã Hải Chánh - nói, hiện còn 23 hộ chưa hoàn thành việc đền bù. Nhưng sau đó chỉ vài chục phút, tại Trung tâm PTQĐ huyện, ông Trương Nhất Linh - Phó GĐ - lại khẳng định chỉ còn 8 trường hợp chưa nhận tiền. 
Hỏi: Vì sao chưa nhận tiền? Trả lời: Không rõ. Hỏi: Trung tâm có biết lý do ông Việt mang tiền đền bù nộp lại cho trung tâm? Trả lời: Không biết. Hỏi: Trung tâm có biết quy định của pháp luật về ủy quyền cho người khác nhận tiền thực hiện thế nào không? Trả lời: Không nắm. Hỏi: Tại sao trong danh sách đền bù đã được UBND tỉnh ra quyết định, ông Hồ Văn Thành có 3 thửa đất được đền bù, mà chỉ mới phát tiền 2 thửa (ông Việt nhận)? Ông Trương Nhất Linh: Không biết. 
Tại trụ sở UBND xã Hải Chánh, ông Hồ Đình Thái - Chủ tịch UBND xã - người đã ký tên vào giấy ủy quyền nhận tiền đền bù giữa ông Thành và ông Việt cũng nói rằng “tôi làm theo quy định của pháp luật thôi, họ ký ủy quyền cho nhau rồi thì tôi ký xác nhận”. Nhưng ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận rằng chữ viết trong các giấy ủy quyền là của cán bộ địa chính xã và chính người này trình ký.
Từ thực tế trên, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cần khẩn trương thành lập ngay một đoàn công tác để kiểm tra thực địa và toàn bộ hồ sơ đã, đang chuẩn bị giải ngân. Với các bằng chứng mà bài điều tra này cung cấp, thiết nghĩ đã đủ cơ sở để xử lý ngay những mắt xích sâu mọt trong hệ thống.
XEM VIDEO BÓC TRẦN ĐƯỜNG DÂY RÚT RUỘT DỰ ÁN QUỐC LỘ 1A