Gần 40 cây xanh hàng chục năm tuổi đã bị “bức tử” trong năm qua. Tình trạng này tiếp tục tái diễn trong khi Hà Nội chưa tìm được giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu.
Trước số nhà 31-33 Ngô Quyền ( trụ sở Ngân hàng Ngoại thương) chỉ cách đây một năm, hai cây sấu (15-20 tuổi) vẫn toả bóng mát tạo nên nét duyên của phố. Nhưng nay, những  cành cây đầy sức sống đã bị cưa cụt.
Hai cây sấu như hai cái cọc mục vô hồn không cành, không lá. Thảm hại hơn, những lưỡi cưa tàn bạo đã “liếm” đứt hai phần ba gốc của hai cấy sấu... Sự tàn sát này đẩy hai cây sấu đứng trước nguy cơ diệt vong.
Cách đây không lâu, người dân phố Đoàn Trần Nghiệp sửng sốt, và vô cũng phẫn nộ trước cảnh tượng một cây đa (đường kính gốc 80 cm) trước số nhà 25 bỗng dưng bị băm chém tả tơi. Những chùm rễ buông mình xuống đất đã bị chặt phăng.
Chưa đủ, “lâm tặc” còn băm nát thân cây. Sau những quyết tâm giữ cây, đến nay, trên vết thương cũ những rễ non đầy sức sống đang đâm chồi...
Bà Đào Tuyết Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch Cty Công viên cây xanh Hà Nội thắt lòng mỗi khi nhắc đến các thủ đoạn tiêu diệt cây xanh của “lâm tặc”. “Xây bít bê tông xung quanh gốc cây để cây chết dần, cạo vỏ, đốt gốc cây. Nguy hiểm hơn là đầu độc cây xanh bằng cách đổ hoá chất vào gốc, đóng sắt, đeo gông cây xanh. Thủ đoạn tàn bạo và trắng trợn nhất là dùng cưa, rìu, búa chặt cây...” – Bà Thanh bức xúc.
Song như bà Thanh cho biết, bọn lâm tặc hiện đã đổi chiến thuật. Thay vì chặt đứt cây, chúng chỉ chặt đến độ nguy hiểm cho cây và nguy hiểm cho người đi đường. Như vậy buộc Cty cây xanh phải hạ cây!
Trong số 37 cây xanh bị “bức tử” thuộc danh sách đen của Cty Cây xanh Hà Nội thì cây có đường kính gốc lớn nhất là 100 cm ( cây xà cừ ở ngõ 159 Hồng Mai), số còn lại có đường kính gốc trung bình là 50 cm.
Để có được những cây xanh lớn như vậy, chắc chắn phải mất hàng chục năm. Thế nhưng chỉ trong năm 2004 và những tháng đầu năm 2005 Hà Nội đã mất đi hàng chục cây lớn.
Cơ quan chức năng bó tay? 
Chẳng lẽ cơ quan chức năng không thể tìm ra thủ phạm chặt 2 cây sấu trước số nhà 31-33 Ngô Quyền
Vì sao lại xuất hiện “lâm tặc”? Chỉ vì thiếu một chỗ dựng xe cho cửa hàng mặt phố, chỉ vì vướng lối ra vào là chủ nhà có thể “ kết án tử hình” cây xanh. Cũng có lý do duy tâm: cây mọc trước nhà khó làm ăn, hay loại cây không hợp chủ...cũng làm chủ nhà thừa ý chí tiêu diệt cây xanh.
Có chủ nhà tự làm cái việc của “lâm tặc”. Nhưng nguy hiểm hơn, chỉ phải bỏ ra vài trăm ngàn, chủ nhà đã có một “lâm tặc” chuyên nghiệp tính sổ cây xanh. Với 3 vạn cây xanh phủ kín hàng trăm đường phố Hà Nội, hẳn là số lượng cây xanh bị “kết án” tử hình không ít. Điều này dự báo “lâm tặc” sẽ còn hoành hành trắng trợn!
Giải pháp nào để ngăn ngừa? “Chúng tôi chỉ biết báo cáo với chính quyền sở tại. Việc xử lý lại của cơ quan khác” - Bà Thanh phân bua. Để chứng minh cho điều này bà Thanh đưa ra ví dụ: Hai cây sấu trước số nhà 31 - 33 Ngô Quyền bị chặt.
Rõ ràng 2 cây sấu này tồn tại trước cửa cơ quan Ngân hàng Ngoại thương, mà bảo vệ cơ quan này có mặt suốt ngày. Vậy, nếu với mục tiêu lấy gỗ, lâm tặc sẽ chặt đứt cây rồi mang đi.
Nếu vì vướng, chật trước cửa thì 2 cây này chẳng liên quan gì đến các hộ dân. Còn nếu vì “trò đùa độc ác” thì tại sao “ lâm tặc” lại cùng lúc chặt cả 2 cây? Kết quả sau khi báo cáo chính quyền là: thủ phạm không tìm thấy,  phường kiến nghị: chặt hạ!
Tương tự, vụ Đào Xuân Tình, sinh năm 1977 (quận Long Biên) dùng cưa máy hạ gục 2 cây xanh trước cửa số nhà 30 Trần Nhân Tông và 127 Triệu Việt Vương. Thế nhưng khi bị bắt, Tình chỉ bị phạt hành chính, người thuê Tình chặt cây là Cao Thị Hoà, sinh năm 1957 cũng chỉ bị xử phạt hành chính.
Trong công văn mới đây gửi CA quận Hai Bà Trưng, Cty Công viên cây xanh Hà Nội tiếp tục kiến nghị:“...Đào Xuân Tình nguyên trước đây là công nhân của Cty đã bị sa thải vì chặt cây trái phép từ năm 1998.
Tình là đối tượng phá hại cây có truyền thống, nếu chỉ phạt hành chính thì chưa thoả đáng mà cần phải truy tố về mặt hình sự, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe các đối tượng có ý định phá hoại cây, bà Cao Thị Hoà cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc”.
Cây trên rừng đã quý. Cây xanh giữa phố Hà Nội lại càng trở nên quý giá hơn. Vậy nên những hành động mạnh tay nhằm ngăn chặn sự tàn sát cây xanh của “lâm tặc” giữa lòng Hà Nội là hết sức cần kíp.