Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Tiểu thương chợ gốm Bát trang biểu tình, đả đảo bọn khủng bố !


Hàng trăm tiểu thương chợ Gốm bãi thị phản đối Hapro Bát Tràng

Thứ ba 06/11/2012 09:42
Không đồng tình với việc Công ty cổ phần sứ Bát Tràng (Hapro Bát Tràng), tự đặt ra mức giá cho thuê ki ốt cao, không bàn bạc với người dân, cho công ty khác thuê mặt bằng đẩy người buôn bán ra khỏi chợ, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ gốm cổ Bát Tràng đã đồng loạt đóng cửa, để bãi thị.

 
 Các tiểu thương chợ Gốm mang băng rôn khẩu hiệu phản đối Hapro Bát Tràng ngay trước cổng chợ.
Ảnh Xuân Hải.
Từ 8h sáng 5/11, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ gốm làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã đồng loạt đóng cửa, mang nhiều băng rôn, khẩu hiệu tới cổng chợ để phản đối Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng vì đã cho đơn vị khác thuê 5 ki ốt của các hộ dân đang kinh doanh tại chợ.
Theo ông Phùng Văn Hữu, Trưởng ban Quản lý chợ lâm thời của Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng ra đời từ năm 2004, do người dân làng gốm và Công ty Cổ phần sứ Bát Tràng hợp tác xây dựng.
Theo đó, 2 bên thống nhất đầu tư xây dựng dưới dạng hợp đồng thuê ki-ốt, phía Hapro Bát Tràng có mặt bằng được nhà nước giao sản xuất, phía người dân làng gốm góp tiền xây dựng với diện tích ban đầu là 13,5 m2/ki ốt. Ban đầu, các ki ốt không có cửa, không vách ngăn. Bản thân các hộ kinh doanh phải tự bỏ tiền ra để xây dựng và hoàn thiện nội thất các gian hàng. 
 
 Toàn bộ các gian hàng trong chợ đóng cửa, kèm theo các tấm khẩu hiệu được treo trước các gian hàng.
Ảnh. Xuân Hải.
Việc ký hợp đồng được thực hiện giữa bên A - Hapro Bát Tràng và  bên A là Câu lạc bộ gốm sứ làng nghề Bát Tràng và Ban quản lý chợ gốm làng cổ Bát Tràng, đại diện cho các hộ dân làng gốm với thời hạn 5 năm từ 2004 – 2009. Sau khi ký hợp đồng người dân đã ứng trước 50% số tiền so với giá trị hợp đồng để công ty lấy kinh phí xây dựng. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng người dân thanh toán nốt số tiền còn lại.
Theo bản cam kết trong hợp đồng, thời gian đầu Hapro Bát Tràng phối hợp với bà con chợ gốm thành lập ban quản lý chợ và cung cấp điện nước đầy đủ. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn chợ hoạt động không hiệu quả, Hapro Bát Tràng đã giải tán ban quản lý, cắt điện nước trao lại chợ cho người dân tự quản lý. Tháng 6/2006 UBND xã Bát Tràng đã có quyết định thành lập Ban quản lý chợ.
 
 Cả chợ Gốm đóng cửa để bãi thị phản đối Hapro Bát Tràng. Ảnh. Xuân Hải.

Đến năm 2009, hợp đồng thuê 5 năm hết hạn. Vào thời điểm này, Hapro Bát Tràng đã yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký hợp đồng trực tiếp với công ty thay vì thông qua Hợp tác xã gốm sứ Bát Tràng do chính các hộ bầu ra như trước đây với mức giá cao hơn.
Ông Hữu cho biết, trong 5 năm đầu, mức giá thuê ki ốt là từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Sau năm 2009, Hapro tự đặt ra mức giá cho thuê, không hề bàn bạc, thỏa thuận với các tiểu thương với mức giá hơn 60.000 đồng/m2/tháng, cao gấp 3 lần so với trước đây.
Không đồng tình với việc áp đặt này của Hapro Bát Tràng, hàng trăm tiểu thương kinh doanh trong chợ chưa ký hợp đồng mới. Trong khi Hapro Bát Tràng và các tiểu thương chưa tìm được tiếng nói chung thì ngày 26/10 vừa qua, 5 hộ kinh doanh trong chợ nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Đồng Tiến Thành, có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội, về việc Công ty Đồng Tiến Thành đã ký hợp đồng thuê 5 ki-ốt mà 5 hộ đang kinh doanh vơi Hapro Bát Tràng. Và đề nghị đến ngày 5/11, 5 hộ dân này phải dọn hàng đi, nếu không dọn thì họ sẽ cho người đến chuyển hàng ra khỏi ki ốt.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Hưng - Nghệ nhân gốm, Phó ban đại diện nhân dân làng Bát Tràng bức xúc: Tiền xây dựng chợ do các hộ đóng góp, từ 16.500.000 đến 18.000.000 đồng cho mỗi ki ốt rộng chừng 13m2 trong thời hạn 5 năm. Hợp đồng cho thuê ki-ốt có quy định, nếu chúng tôi có nhu cầu thì Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng cho thuê tiếp.
Năm 2010, Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng có văn bản nhờ Câu lạc bộ Làng nghề Bát Tràng thu tiếp tiền thuê ki-ốt với số tiền hơn 3 triệu đồng/ki ốt.
Hơn 100 hộ kinh doanh tại Chợ gốm làng cổ Bát Tràng đóng quầy, ngừng kinh doanh, tập trung trước cổng chợ phản đối chính sách cho thuê ki-ốt của Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)
Từ khi Chợ gốm làng cổ Bát Tràng ra đời đến nay, ngoài số tiền nộp cho Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng để xây chợ, mỗi hộ kinh doanh đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để hoàn thiện nội thất cho gian ki-ốt của mình; tạo ra cho làng nghề một diện mạo mới và nhiều việc làm cho nhân dân trong khu vực; là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
"Chúng tôi góp tiền để Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng xây chợ nhưng nay Công ty lại tự ấn định giá cho thuê với mức cao ngất ngưởng, không hề bàn bạc, trao đổi với chúng tôi", ông Hưng bức xúc.
Ông Nguyễn Phương Doanh, xóm 5, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, người có ki ốt đang kinh doanh tại chợ “bỗng dưng” nhận được thông báo “đuổi” ra khỏi chợ bức xúc: “ Gia đình tôi cũng như các hộ dân khác đang kinh doanh tại đây, do Hapro Bát Tràng chưa thỏa thuận về mức giá với các tiểu thương nên chúng tôi chưa ký hợp đồng. Chỉ sau 1 ngày chúng tôi nhận được thông báo của Công ty Đồng Tiến Thành, tức ngày 2/11 có hơn 50 đối tượng măt mũi bợm trợn kéo đến chợ, đe dọa chúng tôi. Chính vì cách đối xử như vậy của Hapro Bát Tràng nên người dân chúng tôi mới bãi thị để phản đối công ty này”.
 
 Các tiểu thương đề nghị chính quyền đứng ra giải quyết dứt điểm những sai phạm của Hapro Bát Tràng. Ảnh. Xuân Hải. 
Cũng theo ông Doanh, tại buổi làm việc chiều 5/11 tại UBND xã Bát Tràng, giữa đại diện các hộ kinh doanh trong chợ với Hapro Bát Tràng và UBND huyện Long Biên. Đại diện UBND huyện đề nghị Hapro Bát Tràng và các tiểu thương tiếp tục thỏa thuận, bàn bạc để thống nhất mức giá thuê ki ốt phù hợp.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, ông Phạm Văn May – Phó chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: Nguyên nhân của sự việc là do tranh chấp về giá. Tháng 6/2012, UBND xã Bát Tràng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các hộ kinh doanh trong Chợ gốm làng cổ Bát Tràng, 114/115 hộ đã nhất trí ủy quyền cho HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng là đại diện hợp pháp ký hợp đồng thuê ki-ốt với Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng nhưng đến nay Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng chưa thương thảo cũng không phản hồi thông tin gì cho chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Phó chủ tịch UBND xã Bát Tràng, từ khi được giao đất đến nay, Công ty Cổ phần Sứ bát Tràng – Tổng công ty Thương mại Hà Nội không tổ chức sản xuất kinh doanh gì, chỉ cho thuê đất lấy doanh thu.

"Đề nghị Thành phố, Tổng công ty Thương mại Hà Nội giao lại khu đất này cho địa phương để làm chợ gốm cho nhân dân", Phó Chủ tịch xã Bát Tràng nói.
Báo điện tử Infonet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này…

3 nhận xét:

  1. "Trong khi Hapro Bát Tràng và các tiểu thương chưa tìm được tiếng nói chung thì ngày 26/10 vừa qua, 5 hộ kinh doanh trong chợ nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Đồng Tiến Thành, có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội, về việc Công ty Đồng Tiến Thành đã ký hợp đồng thuê 5 ki-ốt mà 5 hộ đang kinh doanh vơi Hapro Bát Tràng. Và đề nghị đến ngày 5/11, 5 hộ dân này phải dọn hàng đi, nếu không dọn thì họ sẽ cho người đến chuyển hàng ra khỏi ki ốt..."

    Việt Nam đang ở thời kì đồ đá, đồ khốn, đồ đểu hay đồ gì(???)... thế này mà mơ hóa "Rồng Châu Á"(!!!)

    PHẢN ĐỐI CHÍNH QUYỀN VÔ LUÂN, VÔ PHÁP!

    "CHỢ GỐM LÀNG CỔ BÁT TRÀNG" LÀ CỦA NHÂN DÂN LÀNG BÁT TRÀNG!!!

    Chúc bà con Bát Tràng chân cứng đá mòn.

    Trả lờiXóa
  2. Ủng hộ bà con "Đề nghị Thành phố, Tổng công ty Thương mại Hà Nội giao lại khu đất này cho địa phương để làm chợ gốm cho nhân dân."
    Và cũng xin đề nghị bà con sửa lại băng rôn treo trước cổng chợ cho hợp lòng dân...

    "CHỢ GỐM LÀNG CỔ BÁT TRÀNG QUYẾT TÂM PHẤN ĐẤU THÀNH CHỢ KIỂU MẪU
    CỦA NƯỚC VIỆT NAM"

    Trả lờiXóa
  3. Ủng hộ đề nghị của . Nhân dân Việt Nam cần nhanh chóng cắt bỏ cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" và vất nó xuống cống đi. Chỉ có vậy mới tránh được nạn bị tà quyền ăn cướp.
    Còn cái bọn muốn sống trong thiên đường cộng sản thì cứ kéo nhau đi đến đó mà sống. Tại sao lại ép người dân đi với chúng bay lên thiên đường cộng sản? Chúng bay đi sớm chừng nào thì nhân dân đở cơ cực - oan khiên chừng ấy.

    Trả lờiXóa