Xử côn đồ đánh dân Văn Giang: Cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa tòa.
Phiên tòa sơ thẩm xử côn đồ đánh người dân ở Văn Giang đã kết thúc nhưng những day dứt của những người dân theo dõi phiên tòa này thì chưa kết thúc.
Kết luận cáo trạng của Viện Kiểm sát (VKS) như sau:
Khoảng 16 giờ 30 ngày 12/07/2012, tại khu vực thôn 1, Xuân Quan, có một nhóm đối tượng gồm Nguyễn Tuấn Dũng cùng Đinh Văn Huỳnh, Đinh Văn Hùng, Hoa Văn Bốn, Ngô Công Thái, Nguyễn Việt Cường dùng gậy gỗ dài khoảng 1 mét, đường kính khoảng 3-4 cm đánh một số người dân trong đó Dũng, Hùng, Thái, Cường chỉ đánh ông Đàm Văn Đồng bị tổn hại sức khỏe 04% và đánh ông Đàm Văn Nghiệp bị tổn hại sức khỏe là 06%, còn Huỳnh và Bốn đã gây thương tích cho ông Đồng, ông Nghiệp và đánh ông Lê Thạch Bàn bị tổn hại sức khỏe là 13,6%. Như vậy, Huỳnh và Bốn đã vi phạm khoản 2 điều 104 BLHS còn Dũng, Hùng, Thái, Cường vi phảm khoản 1 điều 104 BLHS.
Trong vụ án này, các bị can Hoa Văn Bốn, Nguyễn Việt Cường, Ngô Công Thái, Đinh Văn Hùng đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan CSĐT công an huyện Văn Giang đã ra quyết định truy nã và tách vụ án đối với Bốn, Cường, Thái, Hùng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.”
Nội dung kết luận cáo trạng |
Theo viện kiểm sát đã đủ căn cứ để xác định hai bị cáo Đinh Văn Huỳnh và Nguyễn Tuấn Dũng về tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 104 BLHS.
Quan điểm của VKS tại phần luận tội là: “Nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội một phần do bức xúc vì một số người dân chửi và khiêu khích, các bị cáo đã có hành vi gây thương tích cho các bị hại nhưng chỉ mang tính chất tự phát, bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm giản đơn. Sau khi phạm tội các bị cáo đã đến cơ quan điều tra để đầu thú, trong quá trình điều tra, xét hỏi các bị cáo đã khai báo thành khẩn...”
Người dân không nhất trí với quan điểm của Viện kiểm sát
Tranh luận với bản luận tội của vị đại diện VKS, ông Đàm Văn Đồng (bị hại tại phiên tòa) nói rành rọt: “Tôi hoàn toàn không nhất trí với bản cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát vừa mới đọc”.
Theo ông, thứ nhất không phải khoảng cách giữa những bị hại và nhóm côn đồ là 30m mà là từ 300 đến 400 m. Thứ 2, nhân chứng cho rằng có chuyện những bị hại chửi bới nhóm côn đồ trước là không có căn cứ, và những nhân chứng này cũng vắng mặt. Thứ 3, theo cáo trạng ghi là nhóm côn đồ này nhặt cành cây trên đường, theo ông đường đi từ khu đất đã cưỡng chế trước đó đến xóm 1 Xuân Quan là đường bê-tông làm sao có thể nhặt gậy gỗ, hơn nữa tang vật 13 đoạn gậy gỗ trong đó có gậy gỗ đánh dấu sơn đỏ (loại này có bán ở chợ Xuân Quan), như vậy có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình. Lý do tiếp theo, Huỳnh nói đi làm thuê cho anh Hà là người Văn Đức (Gia Lâm), không có hợp đồng lại tự nhiên đuổi theo đánh người dân.
Trong các hung khí có gậy đánh dấu sơn đỏ, nhẵn nhụi. Nguồn internet |
Điều quan trọng hơn, ông không đồng ý với phía kết luận của vị đại diện VKS đây chỉ là “cố ý gây thương tích” vì các đối tượng đánh ông đã cố đánh ông đến cùng ngay cả khi ông và ông Nghiệp gục ngã ở trong nhà bà Ngoan (một người dân Văn Giang) vẫn lôi ra đánh tiếp. Chính vì lẽ này, ông không đồng tình với cáo trạng của Viện kiểm sát Văn Giang. Ông Nghiệp kết thúc phần tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát trong tiếng vỗ tay của người dân ở phía ngòai cánh cổng tòa án.
Người dân tụ tập rất đông ở ngoài tòa, vỗ tay mỗi khi bị hại, luật sư nói, phản đối khi đại diện VKS nói |
Tranh luận với phần phản đối của người bị hại, vị đại diện VKSND Văn Giang cho rằng: “Chủ tọa đã thẩm vấn bị cáo và cho công bố lời khai của người làm chứng là hoàn toàn phù hợp. Điều đáng nói là người làm chứng không có mặt tại phiên tòa để có thể đối chất việc này. Vị đại diện Viện Kiểm sát “kể” tiếp: “Sau khi Huỳnh bị một số người dân đánh và cũng bị thương tích, bị bầm tím xây xát khi vùng dậy đã vớ được đoạn gỗ xanh, cây xanh khô ở rìa đường để làm hung khí”.
Tranh luận với ông Đồng về việc quan điểm của bị hại không đồng ý với việc VKS Văn Giang truy tố 2 đối tượng Huỳnh và Dũng về tội cố ý gây thương tích, vị đại diện VKS lặp lại: “Việc gây thương tích cho các bị cáo là do một số người dân chửi bới, khiêu khích làm cho Huỳnh và đồng bọn bực tức, bức xúc và đuổi theo để đánh người dân. Khi đuổi đến tận nơi, bản thân Huỳnh cũng là người bị một số người dân đánh, xây xát nhẹ nhưng bị cáo Huỳnh đã không đề nghị gì. Do vậy đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố như trên.
Ông Đồng tiếp tục tranh luận: “Tôi không đồng tình với quan điểm VKS”. Theo ông, khi ông chống trả đè lên bị cáo thì có đồng phạm khác cầm 2 chai bia lao tới và lúc đó chưa có người dân nào cả. Ông khẳng định nếu có những người dân ở đó thì tình thế đã khác, chắc chắn không thể để cho côn đồ đánh như vậy. Mặt khác, khi ông và một số người dân đến vị trí đất đã cưỡng chế trước đây thì khoảng cách giữa bị cáo và những người dân trong đó có bị hại là một cái ao như vậy không thể là 30m như cáo trạng. Vậy tại sao VKS và cơ quan điều tra không đến thực nghiệm tại hiện trường để xem khoảng cách bao nhiêu?
Luật sư khẳng định: VKS bỏ lọt người, bỏ lọt tội, vi phạm tố tụng
Tiếp theo, Luật sư Hà Huy Sơn (Văn phòng luật sư Hà Sơn- Đoàn Luật sư Hà Nội), đại diện cho bị hại tranh luận cùng đại diện VKS. Quan điểm của luật sư, việc một nhóm đối tượng đánh đập người dân Văn Giang là hành vi giết người thuê, có tổ chức, việc các bị hại không chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Huỳnh, Dũng và đồng bọn “truy sát” người dân có sự phân công. Dũng thì đuổi theo một nhóm đánh ông Đồng ông Nghiệp. Riêng Huỳnh cùng nhóm đánh cụ Bàn. Luật sư đã bác lại quan điểm của đại diện VKS cho rằng các bị cáo đã thành khẩn. Luật sư đề nghị có thêm các tình tiết tăng nặng như phạm tội có tính chất côn đồ vì vô cớ không quen biết, không tư thù gì với cụ Bàn lại đánh cụ Bàn cho đến có thể chết được. (Tại phiên tòa và cáo trạng cho thấy cụ Bàn, 73 tuổi, không đi cùng một số người dân ra khu vực bị cưỡng chế- PV). Cũng theo luật sư thì nhóm côn đồ này còn cố thực hiện hành vi đến cùng, đánh đến mức cụ Bàn gục ngã vẫn đánh. Ngoài ra, luật sư còn đề nghị truy tố nhóm đối tượng này về tội xâm phạm chỗ ở khi xông vào nhà của một số người dân khác để đuổi đánh ông Đồng ông Nghiệp và cụ Bàn.
Theo luật sư, cơ quan điều tra đã vi phạm thủ tục tố tụng khoản 2 điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự vì đã tách vụ án không xác định được vai trò của người đồng phạm người chủ mưu, bỏ lọt tội phạm vi số lượng không phải là 6 người vì số tang vật của vụ án bỏ lại hiện trường gồm 13 đoạn gậy, 4 mảnh tre, 2 cổ trai bia... như vậy có 19 vật, 6 người không thể nhiều tay để cầm được ngần ấy thứ. Người làm chứng hôm nay xác định khoảng 2 chục người tham gia đánh các bị hại. Luật sư cho rằng việc tách vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng. Hơn nữa cáo trạng chưa chỉ ra được động cơ mục đích của vụ án. “Không thể không có ai thuê mà lại đi đánh người không quen biết. Trường hợp này các bị cáo thần kinh hoàn toàn bình thường”. Tiếng vỗ tay từ phía ngoài phòng xử án vang lên.
Đại diện VKS lên tiếng đối đáp lời luật sư và bị hại, bên ngoài tiếng phản đối, la ó vang lên. Đại diện VKS vẫn cho rằng đây là hành vi tự phát, mang tính giản đơn không có tính tổ chức nên không vi phạm tố tụng. Vị này cũng khẳng định không có dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở. Trong phần trả lời đối đáp của luật sư, từ được đại diện VKS dùng nhiều nhất đây là “hành vi tự phát mang tính giản đơn, không có tổ chức’. Đại diện VKS không trả lời trực tiếp vào các lập luận của luật sư từ các bằng chứng, chi tiết cụ thể.
Tiếp theo, cụ Bàn, ông Đồng, Luật sư tiếp tục khẳng định lại quan điểm của mình và đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ để điều tra lại. Vị đại diện VKS cho rằng đã trả lời rồi không tranh luận lại.
Ba bị hại Lê Thạch Ban, Đàm Văn Nghiệp, Đàm Văn Đồng |
Kết thúc, sau khi tòa nghị án, chủ tọa phiên tòa đọc bản án, những phán quyết của tòa án về cơ bản giống với cáo trạng và bản luận tội của đại diện VKS.
Tòa tuyên án cơ bản gần giống quan điểm của Viện kiểm sát |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét