Lãnh đạo Hà Tĩnh đối thoại với tiểu thương
Liên quan đến việc tiểu thương chợ Kỳ Anh tụ tập phản đối di dời chợ, chiều qua (19/8), UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND thị xã Kỳ Anh, các sở ban ngành đã phối hợp tổ chức buổi đối thoại với các tiểu thương.
Tiểu thương tập trung đông, nối hàng dài kéo vào khu vực gần cổng trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 17/8
Theo phản ánh của nhiều tiểu thương, trước đây họ kinh doanh buôn bán tại chợ Kỳ Anh (chợ cũ) nhưng nay chính quyền địa phương yêu cầu di dời vào chợ thị xã Kỳ Anh (chợ mới). Được biết, chợ mới cách chợ cũ 4km, xa dân cư nên gây bất lợi trong hoạt động kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương và giá thuê ki - ốt rất cao.
Đặc biệt, người dân rất bức xúc bởi, trước khi xây chợ mới, chính quyền địa phương không tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của người dân. Đến khi chợ mới hoàn thành, chính quyền địa phương mới tổ chức họp dân, yêu cầu tiểu thương di dời vào chợ mới. Điều này khiến tiểu thương lâm vào thế bị động.
Rất đông tiểu thương tham gia buổi đối thoại
Ông Nguyễn Ngọc Tiệp, tiểu thương kinh doanh tại chợ Kỳ Anh cho rằng, lịch sử của chợ Kỳ Anh là có từ thời kỳ chống Pháp và tồn tại hàng trăm năm. Đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước, xã hội hóa chúng tôi chấp hành nhưng chính quyền cần thông báo, họp bàn rộng rãi với dân về chủ trương di dời, sát nhập chợ.
Chị Tuyết, tiểu thương kinh doanh tại chợ Kỳ Anh nói: “Chúng tôi mong muốn chính quyền hãy trả lời về việc vì sao xây chợ không thông qua các tiểu thương. Việc xây chợ xong và yêu cầu dân vào kinh doanh là như lũ, quét hết tài sản của nhân dân. Dân không đồng ý với việc này. Chúng tôi chưa hề đọc được văn bản nào về lộ trình di dời chợ, cho đến nay chính quyền yêu cầu di dời chợ, người dân hoàn toàn bị động”. Theo chị Tuyết, việc di dời chợ cần bàn với dân, thông qua dân.
Đồng quan điểm với ông Tiệp, tiểu thương Nguyễn Viết Nho cho biết: "Việc xây dựng chợ mới cần để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Nên để nguyên 2 chợ, chợ phía Nam phục vụ cho cảng Vũng Áng còn chợ phía Bắc phục vụ cho các xã lân cận. Chợ phải gần dân, còn chợ xa dân thì bán cho ai và ai mua?"
Tiểu thương Nguyễn Ngọc Tiệp cho rằng, chính quyền cần thông báo, họp bàn rộng rãi với dân về chủ trương di dời, sát nhập chợ.
Trước những băn khoăn của tiểu thương, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: Trong quy hoạch mạng lưới hệ thống chợ trên toàn quốc đã được Bộ Công thương phê duyệt, trên địa bàn Hà Tĩnh có 3 chợ hạng 1, trong đó thị xã Kỳ Anh có 1 chợ hạng 1 (chợ Kỳ Anh). Xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và Kỳ Anh nói riêng, việc đổi mới, đầu tư phát triển theo hướng đô thị hóa là hoàn toàn phù hợp. Do vậy, chợ Nam thị xã Kỳ Anh (chợ mới) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định: “Xã hội hóa đầu tư chợ, di dời sát nhập chợ cũ không đảm bảo an toàn vào hoạt động tại chợ mới thị xã Kỳ Anh là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hội nhập, đúng theo quy trình, quy định”.
Ngoài ra, chợ cũ không đáp ứng được các vấn đề về đảm bảo vệ sinh môi trường, ATTP, đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC).... Do vậy cần thiết phải xây dựng chợ mới. Điều đáng nói, chợ mới ra đời sẽ đáp ứng được nhu cầu mua bán, đối tượng mua bán ngày càng tăng nhất là khi thị xã Kỳ Anh có Khu kinh tế Vũng Áng.
Liên quan đến vấn đề sát nhập chợ cũ vào chợ mới, ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư thị xã Kỳ Anh cho rằng: “Phát triển kinh tế thì cần phải đổi mới, kể cả vấn đề kinh doanh. Việc xây dựng chợ mới là theo chủ trương xã hội hóa đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển. Do vậy, các tiểu thương cần có cách nhìn nhận rõ hơn trước sự thay đổi mang tính tất yếu này”.
Ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư thị xã Kỳ Anh: Phát triển kinh tế thì cần phải đổi mới, kể cả vấn đề kinh doanh.
“Quá trình xây dựng chợ mới thị xã Kỳ Anh được thực hiện đúng quy trình, quy định của nhà nước. Các quy hoạch đã được phê duyệt, việc xây dựng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phát triển tất yếu lâu dài của thị xã Kỳ Anh, nhất là sự phát triển của khu kinh tế trọng điểm Vũng Áng. Chợ cũ Kỳ Anh không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân nên không thể nâng cấp mà buộc phải đóng cửa. Chợ cũ hoạt động cho đến hôm nay thì trách nhiệm càng đè nặng lên chính quyền bởi vì chợ không đảm bảo nhưng vẫn hoạt động. Với quy mô, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, khi đi vào hoạt động, chợ mới thị xã Kỳ Anh sẽ trở thành 1 trong 3 chợ hạng I của tỉnh (chợ thị xã Hồng Lĩnh, chợ TP Hà Tĩnh và chợ thị xã Kỳ Anh), phục vụ nhu cầu ngày càng phát triển của địa phương”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành địa phương đẩy mạnh việc kết nối hạ tầng của chợ mới với các khu vực phát triển khác; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ, đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân khi tham gia hoạt động ở chợ mới. Đặc biệt, cần phải tuyên truyền, vận động và giải thích để người dân hiểu, thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước, không ép buộc và không có quyền ép buộc các tiểu thương phải vào chợ.
Về phía các hộ kinh doanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong rằng, tiểu thương cần nhận thức rõ việc đưa chợ mới vào hoạt động là một tất yếu của sự phát triển. Do vậy, các tiểu thương cần chủ động xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký quầy ốt tại cợ mới. Quy chế chợ luôn được thực hiện theo quy chế của ngành công thương cho nên những kiến nghị, đề xuất của người dân sẽ được thực hiện đúng theo pháp luật.
Linh Chi
Việc xây dựng chợ mới chính quyền Hà Tĩnh đã có thông báo cho người dân và xin ý kiến của các cơ quan chức năng, chính quyền xây dựng chơ mói là vì chợ cũ đã xuống cấp không còn khả năng hoạt động và để tạo cơ sở mới tốt hơn cho người dân kinh doanh vì vậy người dân nên đến kinh doanh tại chơ mới ở đó sẽ có điều kiện kinh doanh tốt hơn.
Trả lờiXóaBạn có đọc bài viết không thế nhỉ??? Rõ ràng rằng bài báo nói "Đặc biệt, người dân rất bức xúc bởi, trước khi xây chợ mới, chính quyền địa phương không tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của người dân. Đến khi chợ mới hoàn thành, chính quyền địa phương mới tổ chức họp dân, yêu cầu tiểu thương di dời vào chợ mới. Điều này khiến tiểu thương lâm vào thế bị động." - ở đây chỉ là mọi việc đã dược phê duyệt hết ở trên. Nhưng chỉ có những người có lợi ích liên quan trực tiếp - là những tiểu thương - lại chưa được thông báo. Đây là cái sai của chính quyền địa phương.
Xóa4km không phải quãng đường quá dài để bà con đến mức "không thể đi lại được". Trước cấp 3 đi học, học 3 ca mỗi ngày 6 lần, cả đi cả về quãng đường hơn 10km...vừa đi vừa nói chuyện phiếm với bạn bè cũng chỉ tầm gần 30 phút. Hơn nữa, hiện nay tôi nghĩ các tiểu thương cũng đã hầu hết đi buôn bán bằng xe máy rồi. Ở quê tôi hiện nay các cô bác muốn buôn bán to một tí thì cũng chịu khó đi xe lên chợ huyện. Ở xã chỉ có 1 cái chợ bé và chủ yếu là thức ăn và các đồ lặt vặt. Mong bà con cố gắng khắc phục
Trả lờiXóaCòn cái chưa tốt của lãnh đạo địa phương ở đây thì quá rõ rồi, đáng lẽ trước hoặc trong khi đang xây dựng chợ mới. Họ phải thông báo bằng văn bản về từng địa phương, để người dân biết trước mà có thời gian thu xếp công việc buôn bán của họ cho đến ngày sát nhập chợ. Sát nhập chợ để phát triển kinh doanh thì là nên làm, nhưng không nên để giá thuê ki-ôt quá cao, và phải tìm cách làm sao cho người dân có thể đi lại thuận lợi nhất nữa.
Trả lờiXóa