Nhóm lợi ích hốt tiền từ dự án "bánh vẽ", nhà nước và nhân dân cùng gánh hậu quả
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, Quốc hội cần sớm vào cuộc giám sát các khoản vay mà Chính phủ đã bảo lãnh cho một số doanh nghiệp nhà nước.
Thông tin được Bộ Tài chính công bố tại buổi họp báo chuyên đề về bảo lãnh chính phủ ngày 1/3/2017 cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng trị giá cấp bảo lãnh Chính phủ đạt 568,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách tiếp cận được với các nguồn vốn vay dài hạn trong và ngoài nước thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, dư nợ bảo lãnh Chính phủ hiện đang ở mức 10,2% GDP, trong đó phần lớn là những khoản bảo lãnh dành cho doanh nghiệp.
Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) được đầu tư gần 3.000 tỉ đồng, hoạt động thua lỗ, khiến Bộ Tài chính liên tục phải trích quỹ trả nợ thay - Ảnh: Báo Đầu tư. |
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh mặt tích cực, việc bảo lãnh của Chính phủ đối với một số chương trình, dự án vay vốn cũng bộc lộ những hạn chế liên quan đến trả nợ vay dẫn đến yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cấp bảo lãnh Chính phủ, cần thắt chặt hơn nữa điều kiện cấp bảo lãnh.
Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu từ nay tới cuối năm 2020 sẽ duy trì dư nợ bảo lãnh không quá 10%, với mục tiêu con số này phải hạ xuống mức thấp nhất.
Nhằm tăng cường thắt chặt bảo lãnh, tăng trách nhiệm giải trình, Bộ Tài chính đang xây dựng danh mục các dự án được ưu tiên cấp bảo lãnh để báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội.
Dự án kém hiệu quả mới cần bảo lãnh
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công cho biết, việc bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước đi vay vốn được thực hiện từ trước đến nay vì các doanh nghiệp này mới trong giai đoạn đầu phát triển. Còn bây giờ doanh nghiệp đã có tiềm lực thì phải tự chủ, tự tích lũy để đầu tư phát triển, tái đầu tư.
“Những năm qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực... có tiềm lực mạnh như vậy nhưng vẫn trông đợi vào bảo lãnh Chính phủ là điều hết sức vô lý”, PGS.Thọ cho biết.
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng Chính phủ cần dừng việc bảo lãnh nợ để tốt cho nền kinh tế - ảnh: H.Lực. |
Chuyên gia chính sách công này phân tích, hầu hết các dự án đầu tư mà Chính phủ bảo lãnh thời gian qua đều là những dự án của doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, rất nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, thua lỗ lớn.
Điển hình như việc Chính phủ phải bảo lãnh nợ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - tiền thân của Vinashin) dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng.
Tương tự là dự án bột giấy Phương Nam, sau 10 năm đầu tư số tiền gần 3.000 tỷ đồng đầu tư trong đó bao gồm vốn vay trong nước 1.952 tỷ đồng và vốn vay nước ngoài là 968 tỷ đồng - do Bộ Tài chính bảo lãnh đến nay dự án không có khả năng thu hồi vốn và Chính phủ đang phải trả nợ thay cho dự án.
Một dự án tốt, theo PGS.Thọ, Chính phủ không cần bảo lãnh thì các ngân hàng vẫn sẽ cho vay. Như vậy rõ ràng chỉ những dự án thiếu hiệu quả hoặc hiệu quả kém thì các ngân hàng mới yêu cầu phải có bên thứ ba bảo lãnh.
“Điều nguy hiểm nhất khi Chính phủ bảo lãnh ngân hàng ngay lập tức cho vay, nói cách khác chỉ cần Chính phủ bảo lãnh thì dự án như thế nào ngân hàng vẫn cho vay bởi dù dự án thất bại, doanh nghiệp phá sản vẫn có Nhà nước trả nợ”, PGS.Thọ nói.
Từ phân tích trên, PGS.Thọ đặt giả thiết, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc quản lý của bộ, ngành nào đó khi lập dự án đã biết được tính hiệu quả không cao. Nhưng một bộ phận cán bộ của bộ, ngành đó bắt tay nhau đưa dự án vào diện xin được bảo lãnh nợ.
Doanh nghiệp nhà nước yếu kém khiến nợ công tăng caoÔng Bùi Kiến Thành: "Vòng tròn thua lỗ bị đẩy về Chính phủ" |
Mọi việc êm xuôi, nhóm lợi ích hưởng lợi còn dự án tất nhiên thất bại và hậu quả là Nhà nước gánh thêm khoản nợ lớn.
PGS.Thọ khẳng định, khi đã được cấp bảo lãnh Chính phủ thì trong trường hợp doanh nghiệp không thể trả nợ được, Chính phủ sẽ trả nợ thay.
Điều đó khiến nợ công quốc gia tăng lên đồng thời kéo cả đoàn tàu kinh tế chậm lại bởi các khoản nợ.
Minh bạch nhiệm vụ công ích và kinh doanh
Lý giải về vấn đề bảo lãnh của Chính phủ Bộ Tài chính cho rằng, việc Chính phủ bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp nhà nước do bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh thì còn nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, theo PGS.Thọ, chính sự không rõ ràng giữa nhiệm vụ chính trị xã hội và nhiệm vụ kinh doanh khiến doanh nghiệp nhà nước càng được nuông chiều.
“Theo thông tin trên báo chí hấu hết các khoản vay mà Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước chủ yếu từ dự án đầu tư kinh doanh thuần túy. Như vậy đâu phải vì nhiệm vụ chính trị”, PGS.Thọ đặt câu hỏi.
Ví dụ như trường hợp Vietnam Airlines vay tiền mua, thuê tàu bay, Nhà máy bột giấy Phương Nam vay để sản xuất giấy, những khoản vay như dự án xi măng Hạ Long và Đồng Bành… đều chỉ là mục đích kinh tế.
Ông Thọ cho rằng, không thể lấy lý do vì nhiệm vụ công ích xã hội để biện minh cho vấn đề bảo lãnh nợ bởi là doanh nghiệp nhà nước.
Đã là đơn vị nhà nước được trả lương bằng tiền thuế của dân, được hưởng cơ chế ưu đãi từ đất đai, từ cơ sở hạ tầng… vì thế nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước ngoài kinh doanh phải thực hiện nhiệm vụ công ích xã hội.
Theo ông Thọ, khi Chính phủ bảo lãnh nợ đặt ra hai trường hợp doanh nghiệp nhà nước.
Thứ nhất, nếu dự án thành công, doanh nghiệp nhà nước phát triển cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Với ưu đãi về chính sách về thuế, đất đai đến bảo lãnh vốn doanh nghiệp nhà nước giành ưu thế cạnh tranh đồng nghĩa doanh nghiệp tư nhân ở một số lĩnh vực sẽ gặp khó khăn.
“Điều này tạo nên sự bất công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp, mất công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Có thể nói doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vừa nhỏ vừa yếu bị kẹp giữa một bên doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi đủ thứ, có Nhà nước đứng sau và một bên doanh nghiệp FDI có vốn và kinh nghiệm thị trường lại được ưu đãi chào mời khi đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân đã khó càng khó hơn”, ông Thọ nhân định.
Việc Chính phủ bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines làm mất công bằng trong cạnh tranh trên thị trường - ảnh: H.Lực. |
Mặt khác với việc những dự án doanh nghiệp nhà nước thành công do chính sách ưu đãi thì đó không phải do tài năng quản trị mà do chính sách ưu đãi mang lại.
Nếu vay sòng phẳng theo lãi suất bình thường không có bảo lãnh liệu doanh nghiệp nhà nước có thành công? Mặt khác, bảo lãnh nợ sẽ khiến doanh nghiệp nhà nước ngày càng trì trệ, yếu kém do quen được bao bọc.
Ở khía cạnh thứ hai, nếu dự án thất bại thì Nhà nước (chính xác hơn) là người dân phải trả nợ. Tóm lại bảo lãnh nợ Chính phủ dù dự án thành công hay không thành công đều không có lợi cho nền kinh tế.
Vai trò giám sát của Quốc hội
Theo PGS.Phạm Quý Thọ, trước thực tế nhiều khoản vay bảo lãnh cho các tổng công ty, tập đoàn làm ăn kém, thậm chí mất vốn, phá sản đẩy nghĩa vụ trả nợ cho nhà nước cần đặt vấn đề giảm nợ bảo lãnh.
“Trước khi quyết định bảo lãnh nợ Chính phủ xem xét từng dự án cụ thể. Với dự án lớn cần xin ý kiến Quốc hội tránh gia tăng nợ công quốc gia”, ông Thọ cho biết.
PGS.Thọ cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội với các dự án, doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh nợ.
“Cần theo dõi giám sát từ việc đề xuất bảo lãnh nợ đến quá trình sử dụng đồng vốn vay đó có đúng mục đích có hiệu quả hay không. Vai trò của giám sát của Quốc hội rất lớn”, PGS.Thọ nói
Giảm nợ bảo lãnh theo ông Thọ sẽ tránh được hai vấn đề: Thứ nhất, tránh được dự án “bánh vẽ” không hiệu quả nhưng vẫn được phê duyệt đầu tư. Thứ hai, tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Những dự án “bánh vẽ” không thể tự vay ngân hàng nên cần bảo lãnh theo logic đó nếu không còn ưu đãi về bảo lãnh thì tự nhiên dự án “trên giấy” sẽ không còn đất sống.
Trong bối cảnh việc sử dụng hiệu quả đồng vốn của khối doanh nghiệp nhà nước thấp minh chứng rõ nhất nằm ở hàng loạt công trình nghìn tỉ mà chủ đầu tư chính là các “ông lớn” nhà nước đang sống dở chết dở như xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên mở rộng hay các nhà máy xi măng phải chuyển lại cho tư nhân với giá rẻ. Vì thế cần phải siết vấn đề bảo lãnh nợ.
Ngoài việc cần dừng cấp bảo lãnh Chính phủ, theo ông Thọ với các dự án đã được bảo lãnh sẽ phải thế chấp ngay tài sản theo quy định. Việc làm này nhằm “nắm đằng chuôi” tránh việc mất thêm tài sản doanh nghiệp.
Cù Trọng Đức
1Khổ nhất là để được tiền hoa hồng, ăn chia , các quan chức thông đồng với các loại tổ chức / hoặc tự vẽ ra những dự án trời ơi, nghe rất hoành tráng / nhân văn... mà chẳng lợi lộc gì... Nay nợ chồng nợ chất, dân chúng đi làm thuê làm mướn cho các hã...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét