Chào chủ trang blog danoan2012 và bạn đọc,
Tôi là một nông dân sinh ra trên vùng quê Văn Giang Hưng Yên vốn có nhiều đất đai phì nhiêu màu mỡ, sinh ra tôi đã được sống dưới lũy tre làng và bên dòng sông Hồng đỏ quạch phù xa mỗi mùa lũ về. Tuổi thơ với ruộng đồng và chăn trâu tắm sông trong thời bao cấp đói kém sẽ như một ký ức khó quên với tôi và bạn bè cùng trang lứa.
Thời đó quê tôi cũng như bao miền quê khác trên Đất nước này đều đã phải lăn lóc, đói khát ngay trên chính mảnh đất màu mỡ mà Cha Ông đổ máu xương để giành lại được từ những Bá Kiến, Lý trưởng và quan lại phong kiến. Bố mẹ của chúng tôi đều từng còng lưng, bạc áo trên những thửa ruộng nhưng cả đời nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó.
Rồi tôi cùng anh em trai tráng trong làng vào bộ đội, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước theo tiếng gọi của Quê hương, Tổ quốc bấy giờ. Trai tráng quê tôi đi bộ đội gần cả làng chỉ còn anh nào khoèo chân hở rốn hoặc con cán bộ là không phải đi chiến trường, phụ nữ nếu xung phong cũng được đi thanh niên xung phong, tải đạn và mở đường với cả niềm hãnh diện vô cùng với xóm làng.
Công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải những ngày đầu ra quân |
Tôi ra quân với những mảnh đạn còn trong cơ thể, thương binh về làng trong vòng tay gia đình ấm áp nhưng luôn nhớ những đồng đội còn nằm lại chiến trường, có người còn chưa tìm thấy hài cốt để gia đình hương khói ngày giỗ đỡ tủi hận.
Sinh ra trên ruộng đồng, lớn lên sống với ruộng đồng cấy cày gặt hái cả đời, hết đời lính thì lại quay về với ruộng đồng, chỉ sau khoán 10 thì gia đình tôi và bà con quê tôi mới có đủ miếng ăn mà hết đói. Từ ruộng lúa, hoa màu thì chúng tôi đã dần phải thích nghi với nhu cầu thị trường mà chuyển dần sang trồng và lai tạo cây giống, cây cảnh để có hiệu quả cao hơn trên chính cánh đồng của mình.
Tưởng cứ thế trong đời sống thanh bình, khấm khá dần lên nhưng không phải vậy. Doanh nghiệp nào đó đã mang những mảnh giấy có ký tên của phó thủ tướng hay các quan trung ương khác đến để giành lấy đất, đuổi chúng tôi ra khỏi mảnh đất đã bao đời chúng tôi từng sinh sống. Khó hiểu quá, chúng tôi phải đi tìm hiểu.
Vậy đất đai của chúng tôi vì sao đang nhiên phải giao cho doanh nghiệp lấy để xây chung cư, xây biệt thự, xây trung tâm thương mại để bán và kinh doanh làm giàu cho họ ?
Chúng tôi cũng đã phải tự nghiên cứu kỹ Luật đất đai chho dù trình độ văn hóa chỉ học hết phổ thông là nhiều, vài người đi học tại chức trong khi đi làm thuê, lớp trẻ cũng được huy động vào nghiên cứu, nhờ các thông tin trên mạng in tơ nét để hiểu rõ những việc làm của chính quyền và doanh nghiệp đang liên tục cấp bách bằng mọi cách hòng cướp đoạt nốt mảnh đất của chúng tôi đang bám víu.
Qua một thời gian dài, gặp nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương, chúng tôi đã nhận ra một điều rất giản đơn rằng : chính quyền đã không bảo vệ công lý, không bảo vệ Luật pháp, không minh bạch trong tất cả các vấn đề liên quan đến đất đai của chúng tôi. Khiếu kiện kéo dài khiến chúng tôi phải trở thành những " Luật sư đất đai bất đắc dĩ" !
Và công lý đến ngày hôm nay vẫn chưa được thực thi, doanh nghiệp Việt hưng - chủ dự án Ecopac - vẫn đang hàng ngày dùng mọi thế lực từ công an Hưng yên, xã hội đen cùng có mặt trên cánh đồng và đường làng của chúng tôi để đàn áp, giăng bẫy...hòng cướp đoạt đất đai của chúng tôi và đẩy con em thanh niên của chúng tôi vào tù bằng những chứng cứ chụp mũ các tội danh bất kỳ khi nào.
Xưa, Bác Hồ từng nói : " Dân chủ là để dân mở miệng", nhưng thử hỏi : khi đối thoại với dân thì các quan chức từ trung ương đến địa phương khi về Văn Giang họp đã bỏ đi ra ngoài khi chúng tôi đưa ra những chứng cứ vi phạm pháp luật của đủ các cơ quan chức năng Hưng yên, kể cả các cấp trung ương liên quan đến giải quyết khiếu nại đất đai. Từ thanh tra đến các bộ ngành liên quan đất đai đều loanh quanh, bao biện và đùn đẩy nhau, bỏ mặc nông dân chúng tôi đương đầu với hồ sơ khiếu nại và côn đồ xã hội đen trên chính làng quê của mình.
Máu đã đổ trên cánh đồng, con em chúng tôi đã có người bị bắt đi tù với tội danh chụp mũ :'' chống lại chính quyền , gây rối trật tự, cản trở cưỡng chế..."
Bản thân từ " cưỡng chế " đã nói lên đầy đủ nghĩa của hành vi cướp đoạt, không có một Quốc gia nào mà các công bộc của dân lại đi cướp đoạt đất đai của dân, kẻ làm thuê cướp đoạt tài sản của ông chủ, xin hỏi nơi nào như vậy ?
Mất khá nhiều thời gian đi khiếu nại nhiều nơi, chúng tôi đã nhận ra rằng : có quá nhiều đoàn dân oan như chúng tôi hàng ngày đi khiếu kiện, gặp nhau đến nhẵn mặt tại trụ sở trung ương : Văn phòng Quốc hội, Tiếp dân của đảng và Nhà nước, bộ tài nguyên, bộ...rất nhiều nơi. Và cũng nhờ đó chúng tôi đã cùng thông cảm, chia xẻ và rất hiểu những bà con cùng cảnh ngộ bị chính quyền bảo kê cho doanh nghiệp cướp đất đai, nhà cửa và tài sản cả đời gây dựng.
Chúng tôi chưa nghĩ sâu về vấn đề mà Bác Hồ ngày xưa đã nói về dân chủ, chỉ liên hệ đến chuyện đất đai của chúng tôi thì đã cho thấy ở Đất nước chúng ta chưa hề có dân chủ ! hãy thử xem trong Quốc hội có bao nhiêu đại biểu không là đảng viên, Hưng Yên chúng tôi có ông bà nào đang là ĐBQH mà đứng ra đấu tranh, bảo vệ pháp luật, bảo vệ nhân dân Hưng yên chúng tôi trong cái dự án Ecopac - chiếm đất nông nghiệp lớn nhất miền bắc này ?
Không nói đâu xa, chúng tôi cũng không phải là " nhà dân chủ" gì đó trên các báo mạng hay phát biểu, hay bàn bạc trên mạng mà chúng tôi đã phải học để đọc và biết qua điện thoại di động, chúng tôi đã trở thành người đấu tranh cho chính cái quyền được sống, cấy trồng trên mảnh đất của mình - chúng tôi đang làm những việc cụ thể, thiết thực với đời sống của chúng tôi. Trách nhiệm đóng thuế theo luật thì chúng tôi luôn hoàn thành và nhờ đó phần nào có cơm và thịt để nuôi bộ máy nhà nước trong đó có các ông bà Đại biểu Quốc hội.
Và họ đã làm được gì cho chúng tôi ? họ có đấu tranh cho dân chúng tôi được đối thoại, được đòi hỏi chính quyền Hưng Yên và doanh nghiệp làm mọi thứ theo luật pháp một cách minh bạch ? Không, họ chưa từng làm việc đó - cái việc mà lẽ ra họ phải làm ngay từ khi đeo tấm thẻ Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng yên.
Chỉ thế thôi, những nông dân mặc áo lính như tôi đã thấy rằng : chúng ta chưa có dân chủ. Dân chủ ra sao khi lãnh đạo nhà nước liên tục phải mở chiến dịch, đưa nghị quyết chỉnh đốn đảng, chỉnh đốn quan chức vì nạn tham nhũng cửa quyền " rờ vào đâu cũng có, chạm vào đâu cũng sai phạm " như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang nói liên tục mới rồi ? Thử hỏi vì sao nhân dân không bao giờ phải chỉnh đốn, phải tự kiểm điểm ? hay dân không tham nhũng, không sai phạm, không xấu xa ?
Khi chúng tôi khiếu nại, đòi hỏi chính quyền thực thi pháp luật, thực thi công lý mãi mà không được, vẫn cứ lòng vòng, loanh quanh để chúng tôi ngày nào cũng cả đoàn đi hết cửa này đến cửa khác gặp gỡ những nhân viên giúp việc thay mặt quan to tiếp, hứa, nhận đơn rồi...đút ngăn kéo như hiện nay thì niềm tin vào tất cả đã mất. Chúng tôi phải tìm cách khác chứ không chấp nhận như vậy mãi, sẽ quá muộn cho doanh nghiệp và chính quyền Hưng yên nếu họ không sớm minh bạch và làm mọi việc theo pháp luật, minh bạch trong việc họ thỏa thuận với dân theo luật để lấy đất làm dự án tư nhân của họ.
Tôi xin gửi thư này đến trang mạng bờ lốc, chúng tôi đã thấy rõ báo chí nhà nước trong quá trình chúng tôi khiếu kiện kéo dài nhiều năm nay, đã phải nhờ cậy đến họ vài lần và hiểu rồi. Nay chúng tôi nhờ mạng bờ lốc đăng để chia xẻ cùng bà con đang cùng đấu tranh vì mảnh đất của mình. Công lý và dân chủ chỉ đến khi chúng ta đứng lên đấu tranh, thậm chí phải đổ máu như chúng tôi đã đổ và còn đổ nữa, chỉ đơn giản đòi được sống trên mảnh đất của mình, được cấy trồng gặt hái trên mảnh đất đó, không nghĩ đến chuyện lớn lao gì hơn vì chúng tôi chỉ là nông dân. Những người nông dân như bảy tám chục triệu nông dân trên Đất nước này vậy.
Chúng tôi mong rằng những nhà Trí thức, nhân sỹ, kể cả các nhà báo, nhà văn, luật sư, nhà khoa học sẽ có tiếng nói về những bất công mà chúng tôi đang gánh chịu, đang đấu tranh để xóa bỏ nó, điều đó tốt không chỉ riêng cho chúng tôi - những nông dân Văn Giang - mà cho tất cả nông dân nước Việt nam này, có thể còn cho cả chính các Quý vị nữa, tôi nghĩ và nói vậy có gì mạn phép xin được bỏ quá bởi tôi là một nông dân thực thụ.
Xin chào chủ trang mạng và bạn đọc.
Văn Giang, tháng sáu năm 2012.
( Thư của một nông dân Văn Giang gửi trực tiếp cho chủ blog.)
( Thư của một nông dân Văn Giang gửi trực tiếp cho chủ blog.)
Nếu Hiền tài là nguyên khí quốc gia thì tại sao họ không để cho trí thức được nói ?.Nếu một chính quyền do dân vì dân lấy dân làm gốc thì tại sao người dân lương thiện phải dùng tới súng hoa cải để đáp lời, nếu như chúng ta xây dựng một xã hội công bằng thì tại sao dòng người khiếu kiện ngày một đông mà điều đáng suy nghĩ là trong dòng người khiếu kiện nhiều năm ấy có cả mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh những người đổ máu xây lên xã hội này ?Nếu những người quản lý xã hội thực sự là công bộc của dân thì tại sao dân lại ghét công bộc của mình tới vậy ? còn nhiều nhiều nữa những tại sao mà chỉ có cái gọi là đảng cộng sản hiện nay và những người cầm quyền phải trả lời và nếu muốn giải quyết triệt để những tại sao ấy mỗi người chúng ta phải dũng cảm đứng lên không thể trông chờ vào bất kỳ một quốc gia nào, một sự trợ giúp nào chỉ có chúng ta sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta
Trả lờiXóaTôi sinh ra trong một gia đình có bác ruột đi theo cộng sản từ năm 1944. bố tôi tham gia bộ đội năm 1947. hai người anh lớn của tôi ngã xuống trong chiến tranh chống Mỹ. các bạn cùng trang lứa với tôi đứa nằm ở phía Bắc, Đứa nằm ở Tây Nam. cả thế hệ chúng tôi lớn lên với một niềm tin xây một xã hội tốt đẹp, một thế hệ mang trong tim ánh sáng của "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ", một thế hệ ghi trong sổ tay lời của nhân vật PaVen trong thep đã tôi thế đấy:"Đời người chỉ sống có 1 lần, phải sống sao cho đáng sống để khi nhắm mắt xuôi tay có thể tự hào nói rằng cả đời ta cả sức lực của ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất sự nghiệp giải phóng con người.". Mấy chục năm qua tôi đã chứng kiến, đã đớn đau ,đã im lặng và bây giờ không thể im lặng hơn nữa,đau đớn và nhục nhã khi chứng kiến bao nhiêu thanh niên gán nhà chạy chọt đi làm thuê ở xứ người, đau đớn và nhục nhã khi những hình ảnh phụ nữ xếp hàng cho bọn đàn ông xứ người chọn như mua hàng ở chợ, đau đớn và nhục nhã khi thấy hình ảnh ngư dân bị đánh đập ngay trên hải phận nước nhà, đau đớn và căm thù khi người dân một nắng hai sương bị tước đoạt quyền sống ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn. Những người bạn cùng thời của tôi ơi khi chúng mình nắm tay nhau hát bài:"thanh niên sôi nổi",và tin tưởng bằng niềm tin mãnh liệt rằng chúng ta đi đúng đường, chúng ta đã và đang xây dựng một xã hội tốt đẹp, giờ đây các bạn có thấy chúng ta đặt lòng tin nhầm chỗ hay không ? các bạn còn bao nhiêu phần trăm lòng tin khi nghe ông tổng bí thư phát biểu :"
Trả lờiXóaChúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng - thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có".
Bọn cường quyền liên tục đổ oan khiên lên đầu người dân.
Trả lờiXóaĐã quá đủ rồi !
Chúng nó là ai ? ai cho quyền chúng nó trù dập người dân ?
Tại sao người dân để chúng nó có thái độ súc vật với mình ?
Người dân chúng ta đã hiểu quá rồi, nên chúng ta phải tự giải phóng thân mình ra khỏi kiếp nô lệ, cùng tranh đấu cho quyền làm người của mình, cùng quyết liệt bảo vệ nhau.
Có dân chủ hồi nào đâu mà nghĩ? Những từ của dân - do dân - vì dân chẳng qua là hoa từ để mỵ dân mà thôi. Trong bầu cử có dân chủ không? Không. Trong thu hồi đất có dân chủ không? Không.
Trả lờiXóaMột xã hội mà người dân không dám nói lên chính kiến của mình thì gọi là dân chủ ư?
Tôi thấy cuộc phản kháng hiện nay của một bộ phận dân đen giống hồi những năm 20, 25 của thế kỷ 20 quá. Cần phải có một tổ chức, một lãnh tụ xứng tầm...thì mới hy vọng cải thiện được cuộc sống hiện nay cho dân chúng.
Đất nước ta đang trong quá trình phát triển để trở thành môt nước công nghiệp hóa cho nên sẽ có rất nhiều dự án công nghiệp điều đó đồng nghĩa sẽ cần đất để xây dựng và đụng chạm đến quyền lợi của người dân là điều khó có thể tránh khỏi. Nhưng theo tôi lợi ích kinh tế cũng từ mảnh đất đó sản xuất công nghiệp so với nông nghiêp sẽ mang lại lơi ích rất lớn cho đất nước và chính người dân xung quanh đó. Những chung ta hãy cùng xây dựng một đất nước Việt Nam cùng phát triển, hi sinh một lợi ích nhỏ của cá nhân mình để hướng đến tương lai phát triển của đất nước.
Trả lờiXóatheo tôi nghĩ vấn đề được nêu ra trong bài viết nó không sai nhưng qảu thực là hoàn toàn không xác đáng. Bởi vì đất nước ta đang trong tiến trình đi lên và bất cứ một giai cấp một bộ phận nào cũng có những khó khăn riêng của mình chứ không phải là mỗi nông dân. Chúng ta phải cùng nhau phấn đấu để ngày càng phát triển chứ không nên đưa ra sự chia rẽ như thế.
Trả lờiXóa