Đó là ý kiến của ông VŨ QUỐC HÙNG - nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Trên thế giới, trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo, công chức đến nay rất phổ biến, là chuyện hết sức bình thường.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên phó chủ nhiệm thường
trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư - Ảnh: Việt Dũng
Trên thế giới, trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo, công chức đến nay rất phổ biến, là chuyện hết sức bình thường. Trong điều kiện nước ta, tôi đề nghị công khai tài sản của cả những người thân là để đảm bảo tính liêm chính của cán bộ, nhất là những người giữ các vị trí then chốt trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Nếu không công khai tài sản của cả những người thân thì các đối tượng tham nhũng dễ dàng tẩu tán tài sản tham nhũng
Ông VŨ QUỐC HÙNG
Ông Hùng cho rằng việc công khai tài sản, thu nhập của các ủy viên trung ương (T.Ư) và các ứng cử viên T.Ư khóa tới là để nêu gương cho xã hội, tạo ra bước chuyển biến mới trong việc thực hiện chủ trương của Đảng cũng như thực hiện có hiệu quả quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.
* Thưa ông, không chỉ ở thời điểm hiện nay mà từ trước đây, những đồn đoán trong dư luận liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với các lãnh đạo cao cấp, luôn thu hút sự quan tâm. Thời ông còn làm việc cũng có dư luận về một số lãnh đạo cấp cao có số tiền lớn gửi ở ngân hàng nước ngoài, lúc đó chuyện này được xử lý như thế nào?
- Đúng là thời tôi còn làm việc có dạo không biết từ đâu mà dư luận đồn rằng có một số đồng chí lãnh đạo có tiền gửi ngân hàng nước ngoài, thậm chí còn lưu truyền cả danh sách anh nọ anh kia, trong đó có cả tên tôi nữa. Dù với niềm tin nội tâm lúc đó, nhiều đồng chí hiểu rằng chuyện này là không có, nhưng Bộ Chính trị vẫn chỉ đạo phải làm rõ, sau đó có kết luận rõ ràng.
Còn với những thông tin về nhà cửa của đồng chí này, đồng chí kia, có tên tuổi hẳn hoi thì Ủy ban Kiểm tra T.Ư đều xác minh, có trường hợp thông tin bịa đặt, riêng những trường hợp thông tin có thật thì chúng tôi kịp thời có kết luận để không xảy ra tình trạng đáng tiếc.
Ví dụ, có thời gian dư luận đồn một số lãnh đạo của TP Hà Nội chuẩn bị nhận nhà ở một khu cao tầng tại một đường phố trung tâm, chúng tôi cho kiểm tra, xác minh thì đúng là có dự định này thật, chúng tôi đã đề nghị các đồng chí này không nhận nhà ở đó nữa.
* Những thông tin như vậy được công khai như thế nào?
- Ở thời điểm đó, chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều là những chuyện này nên công khai diện rộng hay diện hẹp, cuối cùng thì quyết định công khai nội bộ bởi những tin đồn như vậy cũng không phải là lan truyền rộng rãi trong xã hội mà chỉ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong nhân dân, nếu mình công khai rộng rãi thì có thể gây ra sự phân tâm không cần thiết trong xã hội.
Nhưng hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, trong một “thế giới phẳng”, tin đồn từ một người, một nhóm người trong chốc lát có thể lan truyền ra toàn xã hội. Do vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải công khai, minh bạch càng sớm càng tốt.
Tất nhiên, mọi thông tin, nhất là tin đồn trong dư luận, thì cơ quan có trách nhiệm cần kiểm tra, xác định thật rõ ràng sau đó công khai để nhân dân được biết. Công khai, minh bạch vừa để chống tham nhũng, lại vừa để bảo vệ cán bộ. Ví dụ, với những tin bịa đặt, vu khống đối với cán bộ A, B nào đó thì khi công khai thông tin, bản thân cán bộ này sẽ thấy mình được minh oan trước dư luận.
* Luật phòng chống tham nhũng đã có các quy định về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, nhưng biện pháp này bị đánh giá là hình thức và rất ít tác dụng, gần 1 triệu người kê khai tài sản nhưng không phát hiện tham nhũng và những người kê khai thiếu trung thực dường như cũng không bị xử lý gì. Ông nhận định gì về vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng biện pháp này là thiếu hiệu quả và hình thức, do khâu thực hiện có vấn đề, không quyết tâm làm thực chất để tạo chuyển biến trong xã hội. Tôi có theo dõi các hội nghị của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua, thấy các chuyên gia dẫn ra con số năm 2014 có gần 1 triệu bản kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện được 5 người kê khai không trung thực.
Đặc biệt, ông phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cho biết có người kê khai không trung thực lên đến hàng chục ngàn mét vuông đất ở ngay TP.HCM, mấy chục tỉ tiền cổ phiếu, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, nhưng cuối cùng người này chỉ bị xử lý “khiển trách” về mặt Đảng.
Theo tôi, để biện pháp này thực hiện thực chất thì trước hết các đồng chí lãnh đạo cao cấp, cụ thể là các đồng chí ứng cử vào T.Ư Đảng khóa XII, nên kê khai tài sản đầy đủ không những của bản thân gia đình mình mà còn kê khai tài sản của con cái, bố mẹ, anh chị em.
Sau khi kê khai phải có một cơ quan có thẩm quyền được Bộ Chính trị giao thẩm tra, xác minh các bản kê khai. Cả người kê khai, người xác minh đều phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác. Công khai tài sản các đồng chí này là để dư luận, nhân dân giám sát, nếu có nghi ngờ thì trung ương phải có trách nhiệm tổ chức xác minh.
Tôi nghĩ nếu các đồng chí ủy viên, ứng cử viên T.Ư mà làm gương, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của Luật phòng chống tham nhũng thì sẽ tạo ra hiệu ứng đến các cấp, các ngành và làm chuyển biến tình hình
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH thực hiện (lekien@tuoitre.com.vn)