Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Đất công - mạnh ai nấy chiếm ( cướp).


   Ngày 9-10, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Thanh, cho biết đã ký kết luận thanh tra toàn diện về đất đai ở huyện Bác Ái, với hàng loạt sai phạm: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không đúng quy định; quản lý yếu kém, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sang nhượng trái phép, bỏ hoang đất công…, làm thiệt hại tiền tỉ của Nhà nước.
    Hơn 2 năm trước, khi đến huyện Bác Ái thi công một số công trình xây dựng cơ bản, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Ngọc Doanh (Khánh Hòa) đã “ngon ngọt” với 185 hộ đồng bào Raglai ở 3 xã Phước Thắng, Phước Thành, Phước Chính để thuê hơn 153 ha đất sản xuất với giá rẻ mạt: 1,5 triệu đồng/ha/năm trong thời gian 5-15 năm; đồng thời “mua đứt” 16 ha của 18 hộ chỉ với 47 triệu đồng. Toàn bộ diện tích đất này, Công ty Ngọc Doanh đã cho san ủi trồng mì, cao su.
    Đoàn thanh tra khẳng định việc mua bán đất của Công ty Ngọc Doanh là trái pháp luật vì các hộ dân nêu trên đều thuộc diện nghèo, tỉnh phải hỗ trợ đất sản xuất. Đoàn thanh tra còn phát hiện công ty này tự ý chiếm hơn 12,3 ha đất rừng ở xã Phước Thành để trồng cây keo lai.
Trong khi đó, nhiều quan chức địa phương cũng thi nhau xà xẻo đất công. Tháng 8-2009, khi thực hiện dự án tái định cư ở xã Phước Thành, UBND tỉnh Ninh Thuận chi ngân sách khai hoang hơn 93 ha để cấp cho các hộ dân Raglai bị mất đất sản xuất do núi Ma Nai sạt lở. Sau khi giao 66 ha cho 57 hộ, hơn 17 ha còn lại được UBND xã Phước Thành quản lý. Tuy nhiên, toàn bộ đất công này đã bị nhiều cá nhân lấn chiếm để lập trang trại, sản xuất nông nghiệp...
Đoàn thanh tra đã xác định 8 cán bộ địa phương chiếm đất công làm đất riêng để cho thuê, trong đó có chủ tịch UBND xã Phước Thành Katơ Thiếu, chủ tịch HĐND xã Chamalea Tiến, nguyên chủ tịch HĐND xã Pinăng  Xuân... Ông Đặng Hồng Vân, nguyên chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, cũng chiếm hơn 34 ha đất công. Điều khó hiểu là UBND huyện Bác Ái lại cấp sổ đỏ cho hơn 20 ha đất công mà ông Vân lấn chiếm.
Theo cơ quan thanh tra, trong năm 2011, UBND huyện Bác Ái đã giao 89,8 ha đất không thu tiền sử dụng cho 6 giám đốc doanh nghiệp để làm trang trại nuôi cá nước ngọt và trồng cây lâu năm. Điều tréo ngoe là các doanh nghiệp này chỉ chuyên về xây dựng, đóng tàu biển, tin học điện tử, thậm chí kinh doanh sắt thép, phế liệu. Cơ quan chức năng kết luận: Những trường hợp này có biểu hiện bao chiếm, tích tụ đất đai để trục lợi.
Ngoài ra, UBND huyện Bác Ái còn thoải mái cấp sổ đỏ trái quy định gần 26 ha đất cho 3 hộ khác, dù hồ sơ không hợp lệ, thiếu minh bạch.
Lê Trường - NLD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét