Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Thế giới tiếp tục lên tiếng về vụ án 3 Blooger Việt nam.


 

Trưởng Ban đặc trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên hiệp Châu Âu, Catherine Ashton, đã lên tiếng ngay sau phiên tòa, yêu cầu trả tự do blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon
Hiệu ứng từ ba bản án của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSaigon không dừng lại ở phiên sơ thẩm hôm 24/9. 26 năm tù dành cho ba ngòi bút tự do này tiếp tục khiến công luận thế giới lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Hôm 3/10, các cá nhân và tổ chức dân sự tại Châu Âu vừa gửi thỉnh nguyện thư tới giới chức cao cấp phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu, kêu gọi can thiệp phóng thích blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSaigon.

Ba thành viên chủ chốt của Câu Lạc bộ Nhà báo Tự do hôm 24/9 bị tuyên án tổng cộng 26 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ liên quan tới 26 bài viết bị Hà Nội cho là chống phá chính quyền.

Kiến nghị thư gửi Trưởng Ban đặc trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton, đã được đại diện Ban điều hành Nhóm Văn Lang Praha trao cho văn phòng EU tại Praha.

Đại diện Ban điều hành, ông Phạm Hữu Uyên, cho biết:

“Thư này do nhóm Văn Lang Praha, cộng hòa Czech đứng ra khai trương và có mời nhiều người chủ yếu là ở các nước EU tham gia. Chúng tôi lên tiếng vì cảm thấy vụ án này nghiêm trọng và vượt quá mức có thể chấp nhận. Trong thư chúng tôi một lần nữa nhắc lại tình trạng vi phạm nhân quyền trong hai năm qua mà đỉnh cao là phiên tòa vừa xử anh Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần, và AnhbaSG. Mặc dù Ủy ban EU, chính bà Catherine Ashton, đã lên tiếng ngay sau phiên tòa, yêu cầu trả tự do cho ba người đó, nhưng chúng tôi nghĩ rằng những tuyên bố như thế khá thông thường. Vụ này nghiêm trọng nên cần phải có hành động cụ thể hơn. Chúng tôi gửi thư cho đại đa số các tổ chức về nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ, đề nghị họ tham gia ký tên để có càng nhiều người tham gia và cho tất cả cộng đồng công dân EU, kể cả người Việt và người Ba Lan. Đã có rất nhiều người bản xứ tham gia ký tên cùng.”

Thỉnh nguyện thư nói rằng các giá trị căn bản của con người được thế giới tôn trọng hiện đang bị chà đạp mỗi ngày tại Việt Nam bằng một hệ thống công an và tòa án khắc nghiệt.

Bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân đang ngày càng xuống cấp trầm trọng tại Việt Nam, thỉnh nguyện thư đề nghị giới chức phụ trách đối ngoại và an ninh EU kêu gọi các Ngoại trưởng Châu Âu thúc giục Việt Nam phóng thích những người bị cầm giữ vì đã bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa và yêu cầu Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền.

Những người ký tên trong thỉnh nguyện thư cũng đòi EU đưa tên ông Vũ Phi Long, thẩm phán phiên xử 3 blogger hôm 24/9 vào danh sách cấm cấp visa nhập cảnh vào các nước Châu Âu.

Nhóm Văn Lang cho biết sẽ tiếp tục gửi thư ngỏ tới Ngoại trưởng Cộng hòa Czech kêu gọi quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Trong số những người ký tên đầu tiên vào kiến nghị thư ngoài các công dân EU gốc Việt, còn có ông Robert Krzyszton thành viên Hội Tự do Ngôn luận Ba Lan, và hai thành viên Hiến chương 77 Cộng hòa Czech bao gồm Helena Klimova và Václav Trojan.

Trong khi đó tại Châu Á, giới viết blog ở Indonesia cũng đã gửi thư ngỏ tới tòa đại sứ Việt Nam tại Jakarta phản đối án tù nặng nề của Hà Nội dành cho blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG.

Trong thư, nhóm mang tên Tiếng nói của những bloggers Indonesia nói rằng bản án của ba blogger này là một sự đe dọa đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận, tự do thông tin của công dân Việt Nam nói riêng và chung cuộc tác động đến giới viết blog và cộng đồng cư dân mạng ở khu vực Đông Nam Á nói chung.

Nhóm Tiếng nói của những bloggers Indonesia cũng kêu gọi Việt Nam phóng thích cho ít nhất 19 blogger đang bị giam cầm tại Việt Nam để chứng tỏ Hà Nội tôn trọng và bảo vệ nhân quyền chính đáng của công dân.

2 nhận xét:

  1. Xưa có chuyện rằng: Có thầy lang nọ cứ động ai hỏi bệnh gì là y như giở sách tra. Ðã thế lại dốt. Một lần có con bệnh đau bụng nặng, người nhà nửa đêm chạy đến tìm thầy, nhờ thầy cứu. Thầy thắp đèn, lấy sách ra tra, rồi bảo:
    "Ði mua mấy lạng nhân sâm về sắc lấy nước mà uống." Con bệnh đau bụng uống nhân sâm vào, càng đau, đến sáng thì chết. Người nhà đâm đơn kiện. Thầy phải lên cửa công. Quan hỏi:
    - Thầy bốc thuốc thế nào lại để người ta chết như thế?
    Thầy trả lời, vẻ chắc chắn:
    - Bẩm, tôi bốc thuốc có sách, chứ đâu phải bốc bậy đâu ạ! Sách dạy thế nào, tôi cứ làm theo thế ấy.
    Quan hỏi đến sách, thầy đưa sách ra. Giở đến trang có bài thuốc nhân sâm, cuối trang có ghi: Phúc thống phục nhân sâm (Nghĩa là: Ðau bụng uống nhân sâm), nhưng chưa chấm câu, giở trang bên kia thì thấy thêm hai chữ tắc tử. (nghĩa là: thì chết.
    Tưởng rằng câu chuyện cười chỉ có trong dân gian ngày xưa! Ấy vậy mà, nay chuyện nực cười vẫn cứ xảy ra.
    Sáng 24/9/2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án Nhân dân thành phố mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với 3 bị cáo: Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1952, blogger Điếu Cày), Tạ Phong Tần (sinh năm 1968, blogger Sự thật và Công lý) và Phan Thanh Hải (sinh năm 1969, blogger Anhbasaigon) phạm tội “Tuyên truyền thống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
    Một phiên tòa hết sức bình thường, xét xử công khai các công dân Việt Nam vi phạm pháp luật. Vậy mà trên một số trang thông tin điện tử bên ngoài cố tình gán cho phiên tòa những cái tên đầy vô lý, thậm vô lý và điêu ngoa.
    Than ôi, cái tích đau bụng cho uống nhân sâm lại lộn về thời nay!
    Số là như thế này, trên các đài, trang web của những người tự vỗ ngực cho mình cái quyền can thiệp vào công việc nội bộ của người khác, đã ra tỏ vẻ hiểu biết bằng cách trích dẫn Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Cũng đưa điều nọ, khoản kia để lòe bịp những người thiếu hiểu biết hoặc những người nhẹ dạ. Chúng không biết hoặc cố tình không đề cập đến những điều khoản, căn cứ toàn diện của Công ước. Đua nhau trích dẫn khoản 2, điều 19 rằng: "Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.".
    Điều đáng nói ở chỗ, ngay sau khoản 2, khoản 3 của chính điều 19 Công ước quy định rõ:
    "Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
    a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
    b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
    Công ước quốc tế ghi rất rõ ràng, nhưng nhóm các đài, trang web bên ngoài không hề đả động đến. Tình huống trên có thể hiểu gần tương tự như ông lang ngu dốt trong truyện cười dân gian, chỉ đọc khoản 2, còn khoản 3 ngay bên dưới thì không đọc. Hoặc là, cố tình giả vờ không đọc, thôi thì mang tiếng là ngu dốt, cẩu thả như thày lang kia là cùng mà!
    Bà con ta phải cảnh giác không có ngày "tắc tử" vì nhà đài và các trang phản động cho thông tin cắt xén tùy tiện với ý đồ xấu xa!
    Theo thanglong1969.blogspot.com

    Trả lờiXóa
  2. Theo Gió Lành (blog thanglong1969.blogspot.com)

    Mỹ và những con rối trước khi lên tiếng chê bai Việt Nam về cái gọi là tình trạng vi phạm nhân quyền, thì trước tiên hãy tự soi gương nhìn lại bản thân.
    Trang web Wikileaks vừa công bố bản báo cáo dày 400 trang của gần 300 tổ chức phi chính phủ ở Mỹ và các tổ chức bảo vệ tự do, tố cáo những hành động vi phạm quyền con người của giới chức Mỹ ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
    Trong bản báo cáo dài 54 trang, nhóm điều tra về nhân quyền của Liên hiệp quốc nói rằng Mỹ đã vi phạm các điều khoản về nhân quyền bao gồm tra tấn, giam giữ tùy tiện và không đưa nghi can ra xét xử trước tòa.
    Nhà tù Guantanamo, nơi được thế giới biết đến như nỗi nhục của nước Mỹ, đã giam giữ vô thời hạn hàng ngàn người bị tình nghi liên quan đến các thế lực chống lại Mỹ, bao gồm cả những người tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Tù nhân của nhà tù Guantanamo bị bắt giữ bí mật, bị dùng nhục hình và không có cơ hội được đưa ra xét xử công khai.
    Với những ví dụ được nêu trên, Mỹ có đủ tư cách để lớn tiếng phê phán nước khác về nhân quyền hay không? Không thể tự cho mình cái quyền phán xét người khác, trong khi chính mình vấy bẩn.
    Bất kỳ quốc gia nào cũng có hệ thống luật pháp làm cơ sở bảo vệ anh ninh quốc gia và giữ gìn trật tự xã hội. Đó cũng là quyền tự chủ, độc lập của quốc gia đó, không quốc gia nào có quyền can thiệp. Ngày 24/9 vừa qua, Tòa án Nhân dân Tp HCM đã mở phiên sơ thẩm xét xử hình sự Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải với tội danh: "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Chính phủ Việt Nam bắt giữ và đưa ra tòa xét xử công khai những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam là công việc nội bộ, hết sức bình thường và minh bạch. Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải được xét xử công khai tại tòa án, được biết mình phải chịu án tù vì đã vi phạm pháp luật Việt Nam và họ được đối xử nhân đạo. Đó chính là mong muốn của hàng ngàn tù nhân bị Mỹ giam giữ bí mật tại nhà tù Guantanamo.
    Mỹ và đám rối bị giật dây hãy tự soi gương nhìn lại hình hài bản thân. Hãy nhìn hình ảnh nhà tù Guantanamo và những trang báo cáo của Liên hiệp quốc về tình trạng nhân quyền của Mỹ! Nếu có tự trọng, hẳn sẽ thấy xấu hổ vì “nói người mà chẳng nghĩ đến thân”! Hãy chấm dứt ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam!

    Trả lờiXóa