Chuyện ở Tiên Lãng
TT - Cánh nhà báo, phóng viên cho đến tận bây giờ vẫn không thể quên chuyện tác nghiệp vô cùng khó khăn trong vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng những ngày trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 (sáng 5-1-2012)...
>> Xem toàn bộ thông tin vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng trên TTO>> Kỳ 1: “Bức tường đá”
>> Kỳ 2: Những đòn thù
>> Kỳ 2: Những đòn thù
Chặn từ trên đê, người thanh niên tự xưng bảo vệ (giữa) lao vào phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM giằng máy ảnh và đòi đập máy ảnh - Ảnh: Phạm Hải Sâm |
Họ đã gặp vô vàn khó khăn trong tác nghiệp. Chính quyền né tránh báo chí, chậm hoặc không cung cấp thông tin cho phóng viên. Phóng viên bị giật phương tiện, bị cản trở tác nghiệp, thậm chí còn bị “số máy lạ” nhắn tin dọa “làm thịt đám nhà báo nào về Vinh Quang, Tiên Lãng”...
Công an ngăn cản, “người lạ” dọa dẫm...
Việc xảy ra nửa năm rồi nhưng lúc này kể lại, nhà báo Phạm Hải Sâm (báo Thanh Niên thường trú tại Hải Phòng) như vẫn nhớ từng chi tiết việc tác nghiệp ở vụ việc này. Là một trong những nhà báo có mặt sớm nhất ngay sau những loạt súng nổ, chị Sâm nhớ lại: “Lúc đó cánh phóng viên cũng như người dân nghẹt thở bởi những tiếng súng đanh gọn, tiếng lựu đạn (khói cay) nổ ùng oàng, khói mù mịt... Mãi đến ngoài 12g trưa, khi lực lượng công an rút khỏi hiện trường chúng tôi mới thở phào vì trong lúc theo dõi không chỉ phóng viên mà nhiều người dân hình dung sau các loạt đạn sẽ có vài chiếc cáng khiêng người bị thương, thậm chí cả tử thi ra khỏi khu đầm”.
Việc tưởng sẽ kết thúc như bao vụ án hình sự khác khi lực lượng chức năng rút khỏi hiện trường, nhưng với Phạm Hải Sâm và các phóng viên khác thì lại có chung nhận định: phải có điều gì đó không bình thường trong vụ việc này.
“Để tìm được ra chân tướng vụ việc là điều vô cùng khó khăn và nhất là chúng tôi luôn vấp phải sự cản trở, bất hợp tác của chính quyền xã, huyện. Họ từ chối, lẩn trốn, đưa bảo vệ và thậm chí cả những “đối tượng lạ” ra gây sự, cản trở báo chí tác nghiệp...”.
Nhà báo Sâm kể tiếp: ngay khi lực lượng cưỡng chế rút khỏi khu đầm, từ trên đê nhóm phóng viên lao về khu Cống Rộc để tiếp cận hiện trường. Khi mới đi đến cửa khẩu (lối mở trên thân đê), còn cách khu đầm cả cây số thì thình lình một nhóm tự xưng công an xã Vinh Quang chặn nhóm phóng viên lại không cho xuống khu đầm với lý do bảo vệ hiện trường, rằng vẫn còn những mối nguy hiểm (bom, mìn) ở khu đầm (?).
Ngày hôm sau, hôm sau nữa, cánh phóng viên vẫn hi vọng được xuống khu Cống Rộc để chụp ảnh hiện trường, nhưng vẫn lý do kể trên, nhóm công an xã và những người lạ mặt được giao nhiệm vụ trông coi khu đầm vẫn không cho phóng viên nào bén mảng. Năm ngày sau vụ nổ súng (ngày 10-1), khi phóng viên Tuổi Trẻ cùng các đồng nghiệp tiến về khu Cống Rộc đã bị những người mặc thường phục tự xưng công an ngăn cản một cách khá thô bạo. Bị ngăn cản không cho xuống hiện trường, từ trên đê, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM lấy máy ra định chụp ảnh khu đầm từ xa thì bị những người lạ lao vào giằng máy ảnh, đòi đập máy, xô đẩy phóng viên. “Tao là bảo vệ ở đây, không đứa nào được vào đây hết. Muốn vào phải có giấy giới thiệu của huyện, có lãnh đạo đưa xuống đây” - một người tự xưng “bảo vệ hiện trường” nói.
Tác nghiệp khó khăn như vậy, thời điểm đó dù đã cận kề cái tết, nhưng trước những “nghi vấn” của phóng viên, các ban biên tập chỉ đạo phải bằng mọi cách để có những thông tin mới, nhiều chiều để mỗi ngày cung cấp cho bạn đọc. Biết là khó khăn, đã có thời điểm riêng báo Tuổi Trẻ có hẳn 3-4 phóng viên có mặt tại Hải Phòng, nhưng lượng thông tin thu về mỗi ngày chẳng được là bao, bởi các phóng viên không thể tiếp cận được với lãnh đạo chính quyền địa phương. Thậm chí gọi điện thoại liên tục đến số máy di động của các lãnh đạo huyện, thành phố đều “tò tí te”, “ngoài vùng phủ sóng”, hoặc hiếm hoi có lần bắt máy thì chỉ ngắn gọn: “tôi đang họp”, “vụ việc đang điều tra chưa thể nói điều gì”...
Phóng viên Thân Hoàng (Tuổi Trẻ) ấm ức: không chỉ bị ngăn cản tác nghiệp, nhiều phóng viên còn bị các đối tượng lạ đe dọa “xử lý”. Thậm chí, có đối tượng còn điện thoại chửi bới, thách thức và đe dọa “làm thịt” phóng viên. Điện thoại của một số phóng viên trong những ngày này luôn nhận được những tin nhắn đe dọa, lăng mạ rất tục tĩu...
... Lãnh đạo né tránh phóng viên
Phóng viên Lê Kiên (Tuổi Trẻ) nhớ lại: một buổi chiều tháng 1-2012, khi không khí tết đã rộn rã thì nhóm phóng viên các báo vẫn co ro trong tiết trời giá lạnh, đứng trong sân UBND huyện Tiên Lãng để đợi ông chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền trả lời một vài câu hỏi có liên quan. Tuy nhiên sau hơn ba giờ chờ đợi, khi ông Hiền họp xong đã nhanh chóng lách người leo lên ôtô vội vã rời khỏi huyện mà không trả lời bất cứ một câu hỏi nào... Không gặp được chủ tịch huyện, các phóng viên quay sang các phó chủ tịch, chánh văn phòng, trưởng các phòng, ban liên quan của huyện, thậm chí anh em còn “săn” cả bí thư huyện ủy, nhưng tất cả đều tìm mọi cách tránh né báo chí.
Dù chính quyền huyện, thành phố không hợp tác, hạn chế cung cấp thông tin, thậm chí đưa các thông tin trái chiều làm rối quá trình điều tra, tác nghiệp của phóng viên, nhưng với quyết tâm tìm ra sự thật, phóng viên các báo đã phối hợp, bổ trợ thông tin, nhận định, đánh giá để mỗi ngày có những thông tin khá chính xác về vụ việc và đặt ra những nghi vấn về sai phạm của huyện Tiên Lãng trong quản lý đất đai, trong việc cưỡng chế.
Kể về quá trình tác nghiệp ở Tiên Lãng, phóng viên trẻ Thân Hoàng vẫn không quên: những ngày đầu có thể vì bị dọa dẫm, nhiều người dân, cựu cán bộ huyện không dám công khai gặp gỡ báo chí. Có những cuộc gặp gỡ nhân chứng phải diễn ra bí mật lúc 21g-22g. Thậm chí để gặp được ông Ngô Quốc Trãi, nguyên trưởng Phòng nông nghiệp huyện, nhóm phóng viên phải lặn lội đến gặp lúc 0g, và khi xong việc, đồng hồ đã chỉ 1g30 sáng.
Phóng viên Thân Hoàng kể: rất khó tiếp cận nguồn tin chính thức từ các cấp chính quyền. Mỗi khi đến trụ sở UBND xã, huyện thì các phóng viên đều nhận được câu trả lời: “lãnh đạo đi vắng”, hoặc thô bạo hơn: “lãnh đạo không tiếp báo chí”. Gọi điện thẳng cho lãnh đạo thì “tôi đang rất bận” rồi tắt máy cái rụp.
Việc cản trở báo chí không chỉ diễn ra trong quá trình mà như các cấp chính quyền Hải Phòng nói “đang điều tra”, mà ngay cả khi vụ việc đã rõ mười mươi, xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân sai phạm thì phía chính quyền Hải Phòng cho đến huyện Tiên Lãng vẫn “cấm cửa” báo chí.
Chiều tối 23-2, tại trụ sở huyện ủy Tiên Lãng, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng công bố các quyết định thi hành kỷ luật tập thể Ban thường vụ huyện ủy và các cá nhân. Mặc dù đây là buổi công bố các quyết định kỷ luật công khai, là buổi ông Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, gửi lời xin lỗi nhân dân nhưng chính quyền Hải Phòng, huyện Tiên Lãng chỉ cho đài truyền hình, báo Hải Phòng, báo Nhân Dân dự, còn lại tất cả báo khác đều không được dự. Trước buổi công bố, các phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đã đến trụ sở huyện ủy Tiên Lãng đề nghị được tiếp xúc nhưng bị từ chối. “Triệt để” hơn, huyện đã bố trí cả chục bảo vệ đứng trước cổng trụ sở để ngăn cản phóng viên.
ĐỨC BÌNH (ghi theo lời kể các đồng nghiệp)
Chúng ta cần sự chân thành trong công cuộc này.
Trả lờiXóa