Gặp gỡ Văn Giang – Sống lại tình Cá Nước
Phóng sự nóng của BVN
Ảnh: Vũ Danh
Theo đúng lịch mời của bà con 3 xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên, sáng sớm hôm nay 18/11/2012 các đại biểu và những người quan tâm đến Văn Giang đã đến tập trung ở điểm hẹn tại trước cửa Trung tâm Ngôn ngữ và Phát triển hợp tác Quốc tế (Trường đại học Ngoại thương), số 91 phố Chùa Láng. Ông Trương Văn Kỉnh, người dân Văn Giang, được cử đến đón đoàn đại biểu về Văn Giang. Nhiều bà con dân oan các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương… đi khiếu nại ở Hà Nội cũng đến đây từ sớm, cùng lên xe về thăm Văn Giang theo Đoàn.
Chúng tôi liếc mắt nhìn quanh: lác đác một số phóng viên báo chí, nhiều anh chị em từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, và nhiều nhất là các blogger vốn hăng hái trong việc đưa tin, bình luận, ủng hộ vụ việc Văn Giang lâu nay; nhưng sao không thấy một vị đại biểu Quốc hội nào cả, kể cả đại biểu tỉnh Hưng Yên thế nhỉ? Đại biểu Quốc hội là những người được nông dân Văn Giang ưu tiên mời về trong cuộc gặp gỡ này kia mà? Họ được nhân dân bầu ra, trong đó có nhân dân Văn Giang, lẽ đâu nay lại coi mình là đại biểu của nhân dân mọi vùng miền khác, chỉ trừ lại có… Văn Giang? Ô hô! Thế mới biết lên tiếng “vì dân” trên nghị trường và hành động vì dân trong thực tế là hai chuyện xem ra chẳng có gì ăn nhập với nhau, cũng giống như một câu chuyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết lâu lắm rồi, kể về một ông chủ đi trong chiếc xe bóng lộn bỗng bị chết máy trên đường, được mấy nông dân đang làm ruộng bỏ việc chạy ngay lên đẩy giúp một quãng rất dài, bất kể mồ hôi tuôn ra dòng giọt, cho đến khi xe lại nổ dòn, khiến ông cảm động một hai mời họ về Hà Nội đến nhà mình chơi cho bằng được; và cũng ông chủ ấy ít lâu sau gặp lại các bác nông dân kia đang thập thò trước cửa thì bỗng chẳng còn nhớ ra đấy là ai, đi ra nhìn tận mặt rồi lại đi vào, trong đầu ngẫm nghĩ: đám người này lại đến nhờ vả chứ gì, đến bực cả mình (?!).
Trước khi xe khởi hành, một số vị như ông Lê Gia Khánh, nhà báo Hữu Long (báo Tuổi trẻ), nhà báo Trần Ngọc Kha (báo Đại đoàn kết), Đại tá nhạc sĩ Văn Cung, Đại tá Nguyễn Đức Quang, và nhiều người nữa… đứng sát lại với nhau chụp vội một hai pô ảnh kỷ niệm – một cuộc gặp mặt như thế này rõ là rất đáng ghi nhớ, không chụp thì tiếc quá.
Nhiều người phải vất vả mới đến được địa điểm hẹn đấy. Ông Lê Gia Khánh cho biết, ông đã phải ra khỏi nhà từ 4h sáng để tránh… những lời mời “uống cà phê” như thông lệ đã xảy ra đối với bao nhiêu người. Hẳn là không phải một mình ông mới nghĩ đến các tình huống… “dễ chịu” như trên. Trong đoàn có nhiều nhân sĩ, trí thức như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Đại tá công an Nguyễn Đức Quang, Blogger Người Buôn Gió, nhà báo Đoan Trang, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, chủ nhân trang Ba Sàm… những người đã luôn sát cánh với nhân dân Văn Giang từ đầu cuộc đến nay.
Về đến Văn Giang, Đoàn đến Nhà văn hoá thôn 1, rồi ra Trạm y tế xã và thăm khu đất bị cưỡng chế hôm 24/4 dưới sự hướng dẫn của người dân. Ông Nguyễn Chí Vinh, 78 tuổi, kể trước đây ông từng tham gia xây dựng khu thuỷ nông Bắc Hưng Hải theo lời dạy của Bác Hồ. Đến nay, các cán bộ Hưng Yên không làm theo Bác Hồ nữa, cưỡng chế chiếm đất của dân. Ngày bị cưỡng chế, ông cùng một số người lập bàn thờ Bác Hồ, ra giữ đất. Các cán bộ và công an phá bàn thờ, vứt ảnh Bác, nói: Hồ Chí Minh đã chết rồi, không cần theo ông ta nữa. Ông Vinh và nhiều ngưòi dân phải nuốt nỗi đau thương nhớ Bác vào trong, vì không ngăn nổi những kẻ ngang nhiên xúc phạm anh linh của Bác.
Trong lúc đoàn đang ở sân Nhà văn hoá thì bà Lê Hiền Đức được các bạn thanh niên hộ tống bằng chiếc xe con cũng vừa kịp đến. Bà nói về ngày cưỡng chế không thể quên ở Văn Giang mà bà là một nhân chứng hay đúng hơn là một người trong cuộc. Bà nhớ lại, bà trông thấy công an đánh 2 phóng viên VOV. Bà nói bà cần phải ra cho chúng đánh, vì dù sao bà cũng già rồi, có chết cũng được. Hai anh phóng viên còn trẻ, còn giúp ích nhiều cho nhân dân, cho đất nước. Bà con vội ôm chặt lấy bà Hiền Đức, đẩy vào trong nhà, khoá cửa lại. Ngồi trong phòng, bà khóc vì thương dân Văn Giang. Cô Ngô Thị Ánh, người dân chứng kiến hai phóng viên bị đánh, ra can thiệp và cũng bị công an đánh. Cô Ánh kể: Hai phóng viên VOV bị đánh ở sân chỗ Nhà văn hoá, sau đó bị kéo ra Trạm y tế, cách đó 50m để đánh tiếp.
Đoàn đi ra cánh đồng, nơi cả một vùng đất mênh mông bị cưỡng chế. Trên cánh đồng có một khu nghĩa địa, ngày cưỡng chế nhiều ngôi mộ đã bị máy xúc lật tung. Cán bộ huyện Văn Giang báo cáo lên trên khu này là đất hoang, nhưng thực tế nhiều ngôi mộ hiện nay vẫn còn. Đoàn đến viếng trước mộ cụ Lê Văn Ngân, tên ghi trên bia. Đoàn tận mắt thấy những gốc cây lớn bị máy xúc lật lên, gom thành đống trên cánh đồng.
Rời cánh đồng bị cưỡng chế, đoàn đến thăm đường 5B đang thi công. Bà con cho biết, nơi đây có 3 đường cái lớn, đảm bảo giao thông luôn thông suốt. Theo bà con, chỉ cần nâng cấp 3 con đường này là đủ, không cần phải xây dựng thêm đường, vì lấy đất bờ xôi, ruộng mật làm đường sẽ không bảo đảm an ninh lương thực, đẩy cuộc sống của nhân dân vào tình trạng khó khăn. Nhưng đám người cưỡng chế đâu có nghe, họ cứ mở con đường mới theo ý họ. Đoàn đến thăm con đường mới ấy dẫn vào khu đô thị Ecopark. Bà con cho biết, dự án chỉ xác định mở con đường rộng 50m, nhưng huyện và xã “lấy thêm” thành 200m. Để làm gì? Hóa ra phần lấn thêm của dân hai bên đường được các quan xã, huyện chia lô để bán. Một người dân đưa cho đoàn xem bản hợp đồng nguyên tắc, trong đó nhận giao 150 suất “đất ngoại giao” cho Ban TCTW. Cả một khu đất màu mỡ, phải mất cả nghìn năm mới có, đã bị xe đổ cát kìn kìn kéo đến đổ cát phủ kín.
Bỏ cánh đồng đầy bụi phía sau, đoàn về trụ sở UBND xã Phụng Công. Từ xa, hàng nghìn người dân 3 xã đứng hai bên đường vẫy cờ chào đón đoàn. Bà con đã đề nghị UBND xã cho mượn hội trường của xã để đón đại biểu nhưng xã không cho mượn. Đáp lại thỉnh cầu chân thành của bà con là… một hàng rào sắt lừng lững kéo ra chắn hết cổng lớn. Không còn cách nào hơn, bà con đành phải dựng nhà rạp đón đoàn.
Và kia, trước rạp ngay sát Hội trường UBND xã, một câu khẩu hiệu lớn đọc lên nghe như một sự mỉa mai: “Nhân dân yêu đất 3 xã Phụng Công – Xuân Quan – Cửu Cao nhiệt liệt chào đón đoàn đại biểu Quốc hội về với dân”. Có thấy mặt mũi một đại biểu Quốc hội nào đâu mà chào đón! Trong nhà rạp, người dân Văn Giang kể lại cho đại biểu trong Đoàn nghe những điều họ gặp phải khi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Ông Nguyễn Hữu Hồng, dân xã Phụng Công kể bị pháo nổ vào chân, bị công an đánh, phải cấp cứu. Ông Lê Văn Ba, dân xã Cửu Cao kể trường hợp chồng không nhận tiền đền bù, vợ là giáo viên bị điều đi làm việc khác. Nhiều người dân cho biết, những ai không nhận tiền đền bù đều bị chính quyền gây khó khăn trong cuộc sống.
Nói chuyện với nhân dân Văn Giang, bà Lê Hiền Đức chúc mừng nhân dân đạt được thắng lợi bước đầu khi buộc GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường phải thừa nhận sai lầm vì đã ký tờ trình Thủ tướng trái pháp luật. Nhưng bà nhắc nhở bà con không được thoả mãn, vì cuộc chiến đấu còn dài, còn phức tạp. Bà nói nhân dân Văn Giang đã dũng cảm, cần dũng cảm hơn nữa; đã đoàn kết, cần đoàn kết hơn nữa; đã kiên trì, cần tiếp tục kiên trì hơn nữa. Bà nhấn mạnh: Không thể nói đây là dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mà phải nói thẳng ra là “cướp đất”. Chừng nào còn một tên tham nhũng lảng vảng xung quanh Văn Giang thì nhân dân còn phải tiếp tục kiên trì chiến đấu, quét sạch nó đi! Tiếng vỗ tay vang lên vỡ rạp, nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh bà Lê Hiền Đức, những tiếng lòng từ lâu rồi họ đã không được nghe từ miệng chính quyền. Bà khẳng định: Nếu bọn cướp đất còn mang máy xúc đến Văn Giang thì bà con hãy gọi điện cho tôi, Lê Hiền Đức. Tôi sẽ có mặt cùng nhân dân chiến đấu với bọn cướp đất. Giọng bà sang sảng, nhiệt huyết, lôi cuốn người nghe, có cảm giác như một cuộc diễn thuyết ngày mới cướp chính quyền tháng Tám 1945.
Anh Đàm Văn Đồng, đại diện cho nhân dân Văn Giang cảm ơn tình cảm của những người dân khắp đất nước và bà Lê Hiền Đức đã dành cho Văn Giang. Ngay tại cuộc gặp gỡ, người dân Văn Giang dốc một bao tải vỏ các quả nổ mà lực lượng cưỡng chế sử dụng trong ngày 24/4/2012. À thì ra bây giờ mới biết hình thù mặt mũi của những “công cụ vũ trang cách mạng” mà bộ máy chức năng nhà nước dùng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đây. Cuộc đấu tranh của nhân dân Văn Giang quả đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, và phía trước vẫn chưa hết khó khăn, nguy hiểm.
Cuối buổi gặp gỡ những người dân Văn Giang mời các đại biểu thưởng thức “đặc sản” của 3 xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao là bánh tẻ, bánh dày, cam Vinh do các hộ dân ở đây sản xuất và trồng trọt. Tất cả cùng ngồi vào thưởng thức món quà dân dã chẳng một ai nề hà. Cũng lâu lắm rồi mới lại thấy ấm áp một không khí gắn bó yêu thương giữa những người cùng chung ý nguyện – một “tình dân” như trong thời chống Pháp chống Mỹ.
Những người dân ở nhiều địa phương khác trong cả nước đã phát biểu ủng hộ nhân dân Văn Giang, động viên nhân dân Văn Giang “tiếp tục chiến đấu”, dù phải chịu hy sinh, mất mát nhưng quyết tâm giữ lấy đất mẹ, giữ lấy đất của Tổ quốc mình ■
Bauxite Việt Nam
Phụ lục:
1. Vì sao các hộ dân ở Văn Giang (Hưng Yên) khiếu nại kéo dài?
• Phan Hương – Ngọc Phi
8 năm qua, nhiều hộ nông dân ở 3 xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan huyện Văn Giang, Hưng Yên liên tục đến các cơ quan nhà nước gửi đơn khiếu nại việc thực hiện Dự án khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang (Ecopark) nhưng chưa được giải quyết thoả đáng. Có những ngày bà con tập trung hàng trăm người trước cổng UBND huyện Văn Giang chờ câu trả lời mà vẫn không thấy hồi âm…
3 xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan là vùng đất trồng lúa mầu mỡ hàng nghìn năm nay, là nguồn sống chính của nhân dân trong xã. Bà con nông dân bám đất sản xuất, đóng góp lương thực cho tiền tuyến trong những năm chống Mỹ và gửi con em của mình tham gia chiến đấu. Qua hai cuộc kháng chiến, ở đây có gần 400 liệt sĩ, khoảng 200 thương binh và 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xã Phụng Công được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2002, thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ Hưng Yên về dồn điền, đổi thửa làm kinh tế VAC, nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây cảnh, cây ăn quả, tích luỹ làm giàu, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ luân lưu, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Năm 2004, huyện Văn Giang dự kiến thu hồi trên 500 ha đất làm dự án khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang và đường liên tỉnh (gọi tắt là Dự án), số đất ruộng bị thu hồi chiếm 80,6% diện tích đất canh tác, trong đó xã Xuân Quan thu hồi 100%. Từ đó không ai dám đầu tư chăm lo sản xuất, thu nhập kinh tế ngày càng sa sút. Nhân dân lo lắng nếu đất bị thu hồi hết thì trên 10.000 người trong độ tuổi lao động sẽ làm gì kiếm sống, nuôi gia đình? Nhưng điều người dân băn khoăn nhất là việc thu hồi đất làm dự án vi phạm rất nhiều văn bản pháp luật Nhà nước đã ban hành.
Theo đơn khiếu nại của các hộ dân, Dự án không được thông qua ý kiến của Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp, vi phạm Khoản 2, Điều 16 Luật đất đai 1993 ngày 14-7-1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật đất đai số 25/2001/QH10 ngày 29-6-2001 của Quốc hội. Việc “chọn” Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (công ty Việt Hưng) thực hiện Dự án cũng không đúng pháp luật. Theo Điều 22a, Luật đất đai 2001 thì khi giao đất, người sử dụng đất phải có dự án khả thi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và người sử dụng đất phải có đủ điều kiện về vốn và kĩ thuật. Quyết định 22/2003/QĐ-BTC ngày 18-2-2003 của Bộ Tài chính quy định rõ điều kiện về vốn và kĩ thuật của đối tượng tham gia đấu thầu công trình tại Điều 4, Điều 7. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hưng Yên đã loại bỏ nhiều cá nhân, tổ chức đủ năng lực để chọn Công ty Việt Hưng là nhà thầu không đủ năng lực. Trong thông báo số 168/TTCP-V4 ngày 26-1-2006, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Tại thời điểm chọn chủ đầu tư, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế… Tuy nhiên, đến 31-8-2006 chủ đầu tư đã huy động đủ vốn điều lệ 70 tỉ đồng…”. Thế là sau gần 3 năm được chọn làm chủ đầu tư, Công ty Việt Hưng mới huy động đủ vốn điều lệ và vốn vay ngân hàng 350 tỉ đồng, trong khi tổng nguồn vốn để thực hiện dự án là 4060 tỉ đồng. Như vậy UBND tỉnh Hưng Yên đã tạo điều kiện để Công ty Việt Hưng làm giầu từ con số 0, theo dân gian thì gọi là “tay không bắt giặc”!
Về giá đất, các hộ dân cho biết: Hưng Yên giao cho chủ đầu tư với giá 100.186 đồng/m². Theo Khoản 1b, Điều 5, Quyết định 22/2003/QĐ-BTC thì “Giá đất có thu tiền sử dụng đất là giá đất tính theo mục đích sử dụng mới. Giá đất này phải là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng mới của khu đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”. So sánh với đất liền kề thị trấn Gia Lâm là thị trấn loại 2, giá đất chuyển nhượng bình quân năm 2005 là 2.875.000 đồng/m² (Quyết định 199/2004/QĐ-UB ngày 29-12-2004 của UBND thành phố Hà Nội) thì giá đất giao cho chủ đầu tư là quá thấp, tính ra Hưng Yên đã làm ngân sách thất thu 1500 tỉ đồng.
Theo các hộ dân, khi thực hiện Dự án, người dân không được thông báo về lí do thu hồi đất, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại trước khi thu hồi. Tại cuộc họp tiếp dân của Chủ tịch UBND xã Phụng Công ngày 17-8-2006 khi người dân hỏi vì sao không được biết về dự án thì ông Nguyễn Văn Tắng, Chủ tịch xã nói: “Về quy hoạch dự án thì cả tôi cũng không được biết hoặc tham khảo gì…”. Có người hỏi thêm: Vậy Điều 28, Luật đất đai 1998 không có ý nghĩa gì hay sao? Câu này không có ai trả lời.
Các hộ dân cho biết: toàn bộ các hộ sử dụng đất đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng tỉnh Hưng Yên đã giao đất cho chủ đầu tư mà không ra quyết định thu hồi đất. Điều 21, Luật đất đai 1993 quy định: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Xem ra, UBND tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang đã bỏ qua rất nhiều quy định pháp luật mà Quốc hội đã ban hành.
Do việc thực hiện Dự án có nhiều điều vi phạm pháp luật, các hộ dân ở 3 xã kiên trì, liên tục khiếu nại lên các cấp ở Trung ương. Ngày 26-1-2007, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo số 168/TTCP-V4 chỉ ra một số sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án và chỉ đạo tỉnh Hưng Yên “Tập trung chỉ đạo tốt việc tuyên truyền nhân dân 3 xã vùng dự án về chủ trương đầu tư dự án, đảm bảo lợi ích hài hoà của nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư, giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang…”. Tuy nhiên, các hộ dân cho biết, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ không được Hưng Yên tiếp thu và thực hiện nên nhân dân vẫn phải tiếp tục đội đơn khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền.
Báo Người cao tuồi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Hưng Yên rà soát lại công tác thực hiện Dự án, ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo và thông báo kết quả theo quy định của Luật báo chí ■
P.H. & N.P.
Nguồn: Báo Người cao tuồi số 38, ngày 30-3-2012
2. UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) ra quyết định cưỡng chế trái luật
• Phan Hương – Ngọc Phi
Ngày 4-4-2012 và 5-4-2012, UBND huyện Văn Giang ra một số quyết định cưỡng chế đối với một số hộ dân ở xã Xuân Quan để giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư, đáng tiếc đó lại là những quyết định trái luật.
Theo UBND huyện, quyết định cưỡng chế này áp dụng cho 166 hộ gia đình ở xã Xuân Quan để thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, giải toả mặt bằng thực hiện bàn giao đất. Các gia đình bị cưỡng chế đều nhận được một quyết định có nội dung giống nhau, thời gian thực hiện từ ngày 20-4-2012, tại xứ đồng Cầu Ván, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang. Các hộ dân cho biết, ngày 4-4-2012 họ nhận được một quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang do Phó Chủ tịch UBND huyện Chu Quốc Hiệu kí. Quyết định gửi cho từng hộ gia đình và lưu văn thư (huyện), căn cứ vào Nghị định 37/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Điều 4, Nghị định 37 thì thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế là của Chủ tịch huyện, không phải của Phó Chủ tịch, và quyết định UBND cấp dưới phải gửi cho UBND cấp trên, ở đây là UBND tỉnh. Ngày hôm sau, 5-4-2012, các hộ nói trên nhận được quyết định mới với nội dung giống như hôm trước, do Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thuỷ kí, gửi từng hộ gia đình và lưu văn thư. Như vậy, sai lầm về mặt văn bản, phải do Chủ tịch huyện kí đã được sửa, nhưng yêu cầu gửi cho UBND tỉnh thì chưa được sửa, văn bản mới vẫn chỉ lưu văn thư mà không gửi lên cấp trên. Trong các quyết định gửi đến hộ gia đình có những hộ gặp phải quy định trái khoáy: Ví dụ quyết định số 629/QĐ-CCK ngày 5-4-2012 gửi cho ông Lê Văn Tuệ, nhưng mọi chi phí liên quan đến việc cưỡng chế lại do ông Đàm Văn Lâm chi trả (?). Điều này cho thấy UBND huyện Văn Giang cương quyết cưỡng chế, không cần kiểm tra xem việc cưỡng chế có đúng đối tượng không, có phù hợp với pháp luật hay không?
Trở lại với dự án xây dựng khu đô thị – thương mại – du lịch Văn Giang (Ecopark), trong bài “Vì sao các hộ dân ở Văn Giang (Hưng Yên) khiếu nại kéo dài?”, Báo Người cao tuổi số 38 ngày 30-3-2012 đã chỉ ra nhiều sai phạm của dự án. Bài báo nêu bật nội dung Thông báo số 168/TTCP-V4 ngày 26-1-2007 của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên phải “giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị…”. Ngày 12-4-2012, huyện Văn Giang tổ chức cuộc đối thoại của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan hành chính ở Hưng Yên với nhân dân Văn Giang. Những tưởng đây là dịp để các cơ quan có thẩm quyền ở Hưng Yên “giải quyết kip thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân” như chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ thì bà Chủ tịch UBND huyện lại nói rõ “chỉ đối thoại với 166 hộ gia đình liên quan đến việc cưỡng chế 72 ha đất để bàn giao cho chủ đầu tư”, không chấp nhận đối thoại với những hộ không nằm trong khu vực sắp cưỡng chế vào ngày 20-4-2012 sắp tới. Thế là thực chất sự việc đã rõ, huyện Văn Giang không “đối thoại”, chỉ có “cưỡng chế”!
Để ra quyết định cưỡng chế đúng luật, quá trình thực hiện bất cứ dự án nào cũng phải tuân theo các quy định của nhà nước: họp dân phổ biến nội dung dự án, ra quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất, thảo luận với các hộ dân về phương án đền bù, tái định cư. Đối với dự án quốc phòng, an ninh…thì nhà nước thu hồi đất, còn những dự án kinh doanh như Dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ làm trọng tài để nhà đầu tư thoả thuận với dân. Nguyên tắc của mọi cuộc giải phóng mặt bằng là người dân khi đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ… Nhìn vào Dự án Ecopark những điều nói trên hoàn toàn vắng bóng. Nói cách khác, quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang không đúng luật, không hợp lí, không hợp tình, không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ phục vụ “lợi ích nhóm” nào đấy, trong đó có chủ đầu tư dự án. Báo Người cao tuổi đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên xem xét lại nội dung các quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang, có cách xử lí phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và quyền lợi chính đáng của nhân dân ■
P.H. & N.P.
3. 24-4-2012: Huyện Văn Giang thực hiện quyết định cưỡng chế trái luật
• Phan Hương – Ngọc Phi
Trong cuộc họp báo ngày 23-4-2012, ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên cho biết ngày 24-4 sẽ tổ chức cưỡng chế tại xã Xuân Quan để bàn giao đất cho chủ đầu tư và đề nghị các nhà báo không đến khu vực cưỡng chế.
Ngày 24-4-2012, chúng tôi đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), từ xa đã thấy nhiều người dân đứng trên đê nhìn về khu vực cưỡng chế. Hỏi thăm đường vào, những người dân nói: Công an không cho vào đâu. Đi theo đường người dân chỉ, chúng tôi gặp một toán cảnh sát cơ động (CSCĐ) chắn đường, hỏi giấy tờ. Tôi xuất trình thẻ nhà báo, đề nghị CSCĐ cho vào khu vực cưỡng chế chụp ảnh. Các chiến sĩ không cho vào, tôi hỏi lớn: Ai là chỉ huy cao nhất ở đây cho tôi gặp? Một cảnh sát dáng vẻ chỉ huy, có cảnh hàm nhưng không đeo biển hiệu ra tiếp. Tôi nói ngắn gọn: Theo Luật báo chí, các nhà báo được quyền chụp ảnh mọi nơi trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ những khu vực quân sự, bí mật quốc gia. Đây là cưỡng chế công khai, theo quyết định hành chính không đóng dấu “mật”, đề nghị anh để tôi vào. Người cảnh sát bảo tôi đứng chờ, anh báo cáo cấp trên xong sẽ trả lời. Đợi quá lâu không thấy người cảnh sát quay lại tôi quay ra gặp nhân dân đang đứng bên đường. Một người dân nói: Bác đi theo em, chúng em dẫn bác đi chụp ảnh.
Theo chân người dân, chúng tôi rẽ sang đường khác nhưng vẫn bị cảnh sát bám theo ngăn cản, không cho vào. Ngồi nghỉ trong nhà dân một lúc, những người dân khác đến dẫn chúng tôi vào làng. Rồi họ bảo: Các bác thay quần áo rồi đi theo em. Chúng tôi mượn tạm quần áo người dân đưa cho, thay tại chỗ, gửi máy ảnh cho dân giữ hộ, chỉ mang theo máy ảnh du lịch cỡ nhỏ và đi theo người dẫn đường. Vượt qua hai điểm gác của cảnh sát cơ động, chúng tôi luồn lách qua mấy bụi gai đến một nhà dân sát khu vực cưỡng chế. Vào nhà xong, chủ nhà đóng cửa dẫn chúng tôi lên tầng gác. Trên sân thượng có mấy người dân đang nhìn vào khu cưỡng chế, gương mặt họ đầy vẻ đau buồn. Tì máy ảnh vào vai người đứng trước tôi chụp liền mấy kiểu, rồi lại theo người dẫn đường trở ra. Trên đường đi, tiếng loa oang oang nói việc cưỡng chế theo quyết định của Phó Chủ tịch UBND huyện Chu Quốc Hiệu và Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thuỷ. Trên báoNgười cao tuổi số 47, ra ngày 20-4-2012 chúng tôi đã có bài “Ra quyết định cưỡng chế trái luật”, trong đó chỉ rõ quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang là hoàn toàn trái pháp luật hiện hành. Theo Luật đất đai, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh…nhà nước mới thu hồi đất, trình tự thu hồi được quy định rõ trong luật. Những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thoả thuận với dân. Lẽ tất nhiên, thoả thuận đền bù dân giá cao thì nhà đầu tư lãi ít, thoả thuận đền bù giá thấp thì nhà đầu tư lãi nhiều. Ở đây UBND huyện lại đứng ra cưỡng chế, lấy đất giao cho chủ đầu tư, hoàn toàn không xem quy định của Luật đất đai có tí giá trị nào thì chúng tôi cũng chỉ còn cách… không nói nữa!
Chúng tôi đi, phía sau tiếng súng bắn đạn cay vẫn nổ, người dân tay quen cầm cày, cuốc làm sao có thể cản trở được những người trang bị đủ loại vũ khí, nào đạn cay, lựu đạn cay, dùi cui mà bên trong là lưỡi lê sắc ngọt, được đào tạo bài bản để trấn áp, bắt giữ người tay không vũ khí. Nhưng nếu hỏi người dân có đồng tình với việc cưỡng chế trái luật này hay không thì tôi tin chắc không ai đồng tình. Cũng có nghĩa là UBND huyện Văn Giang không đạt được “sự đồng thuận của nhân dân” theo chỉ đạo trong Thông báo 168/TTCP-V4 ngày 26-1-2007 của Thanh tra Chính phủ ■
P.H. & N.P.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét