Những năm qua, tình hình trên biển diễn biến phức tạp, ngư dân ra khơi đánh bắt thủy-hải sản trong vùng biển chủ quyền của nước ta thường bị tàu nước ngoài uy hiếp. Chính vì vậy, Nhà nước đã đầu tư, bỏ ra số tiền lớn để lực lượng thực thi pháp luật tiến hành tuần tra, sẵn sàng bảo vệ ngư dân khi có sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, điều tra của phóng viên Báo Lao Động cho thấy, việc tuần tra, kiểm soát, hoạt động giám sát nghề cá trên biển do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đảm nhiệm đã có sự trục lợi. Hàng chục bộ hồ sơ khống về những chuyến tuần tra biển đã được lập để “rút ruột” Nhà nước hàng tỉ đồng.
Tuần tra biển… trên giấy
Khu vực biên giới biển tại tỉnh Quảng Trị có 10 xã, 2 thị trấn thuộc 4 huyện ven biển (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng) và huyện đảo Cồn Cỏ có bờ biển dài 75km. Vùng đặc quyền kinh tế biển ở tỉnh rộng hơn 8.400km2. Hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân khá thuận lợi, vì vùng biển này nhiều tài nguyên. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, có tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển của tỉnh Quảng Trị để bắt trộm hải sản. Phạm vi hoạt động của những tàu này cách đảo Cồn Cỏ về hướng bắc - đông bắc đến đông - đông nam. Cứ lợi dụng đêm tối, các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải để khai thác thủy hải sản, ban ngày lại rút ra ngoài.
Bên cạnh đó, một số tàu được cấp giấy phép trong vùng đánh bắt chung, lợi dụng sơ hở trong công tác kiểm tra giám sát của lực lượng chức năng đã lấn át ngư trường, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự trị an trên biển. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển các loại lâm sản, khoáng sản… vẫn xảy ra. Chính vì những lý do đó, Hải đội 2 - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch số 115/KH-HĐ - tuần tra kiểm soát bảo vệ vùng biển, giám sát hoạt động nghề cá. Kế hoạch này nêu rõ, phải tổ chức tàu thuyền tuần tra khu vực xung quanh đảo Cồn Cỏ, vùng nội thủy, lãnh hải trong phạm vi được phân công.
Tất cả những bản kế hoạch tuần tra bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển đều được đại tá Nguyễn Trọng Tiềng - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị phê duyệt. Trên cơ sở đó, liên tiếp những lệnh điều động tàu thuyền “trên giấy” và hồ sơ “khống” đã được hoàn chỉnh để thanh toán tiền theo quy định; bởi các tàu được điều động vẫn nằm yên ở trong bờ, neo đậu ở Hải đội 2.
Ngư dân rất cần sự hỗ trợ từ lực lượng biên phòng. Ảnh: T.L 
Rút ruột hàng tỉ đồng
Trong kế hoạch 115 đã nói ở trên, 2 tàu BP 30-12-01 và tàu BP 30-04-01 được “điều động” tham gia tuần tra. “Từ 15h ngày 14.8.2014 tàu xuất phát tại đơn vị đi tuần tra trên biển theo kế hoạch, sau đó trở về đợi cơ tại âu tàu đảo Cồn Cỏ tiếp nhiên liệu, nước ngọt, tiếp tục đợi cơ nắm tình hình và tổ chức tuần tra, giám sát nghề cá đợt tiếp theo” - kế hoạch nêu rõ đường đi của tàu.
Và trong thời gian đi tuần tra, tàu BP 30-12-01- tàu vỏ sắt, lượng dầu dự trữ trên tàu tối đa chỉ 4.000 lít- nhưng đã tiêu thụ hết 13.900 lít dầu diesel và 417 lít dầu nhờn; còn tàu BP 30-04-01 - tàu vỏ gỗ, lượng dầu dự trữ tối đa 2.000 lít nhưng đã tiêu thụ hết 5.203 lít dầu diesel và 157 lít dầu nhờn. Tổng số tiền mà Nhà nước phải thanh toán riêng cho hạng mục nhiên liệu 2 chiếc tàu này đã gần nửa tỉ đồng (chưa kể tiền ăn thêm đi biển và phụ cấp đặc biệt). Tương tự, ở các kế hoạch 135/KH-HD ngày 14.9.2014; kế hoạch 169/KH-HD ngày 6.11.2014; kế hoạch 174/KH-HD ngày 18.11.2014; kế hoạch 185/KH-HD ngày 4.12.2014… qua kiểm tra sổ trực chỉ huy, trực ban, nhật ký hàng hải, nhật ký máy chính các tàu BP 30-12-01 và BP 30-04-01 tại Hải đội 2 cho thấy những gian dối tương tự, vẫn được quyết toán “khống”, với số tiền không hề nhỏ.
Kết quả xác minh của Bộ Tư lệnh Biên phòng tại BĐBP tỉnh Quảng Trị mới đây đã xác nhận trong năm 2013 - 2014 đã có 11 kế hoạch tuần tra giám sát nghề cá trên biển được lập khống với tổng số tiền đã được quyết toán gần 1,9 tỉ đồng, trong đó riêng nhiên liệu gần 1,750 tỉ đồng và tiền ăn thêm đi biển + phụ cấp đặc biệt là 91,4 triệu đồng. Tuy nhiên, một cán bộ công tác trên các tàu được quyết toán khống này khẳng định rằng trên thực tế số lượng tàu tuần tra được quyết toán khống còn lớn hơn nhiều.