Linh mục và ngư dân trong đoàn hàng trăm người đi khiếu kiện Formosa cho VOA biết họ đã bị tấn công “tàn nhẫn”, nhiều người “sống dở chết dở” khi đang trên đường, đi bộ đến Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện Formosa, công ty đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung, khiến người dân mất nguồn sinh kế.
Tin cho hay sau khi các xe hợp đồng bị chính quyền ngăn cản, đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km để nộp đơn kiện. Tuy nhiên, họ đã bị tấn công khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn giáo dân là nạn nhân của Formosa, cho VOA biết:
“Cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và an ninh mặc thường phục đã tràn ra và tất cả khoảng mấy trăm đến cả ngàn người tràn ra vây bắt tôi và đánh đập. Bà con giáo dân đến bảo vệ tôi thì nó bắt những người làm truyền thông cho lên xe và chở đi. Mấy xe ô tô của chúng tôi chở người, chở thực phẩm là nó câu đi hết”.
Một trong số những người đi trong đoàn cho biết chỉ trong buổi chiều 14/2, đoàn đã bị tấn công đến 2 đợt.
“Có 2 giai đoạn bị đánh đập. Lúc đầu tiên nó chận xe, ép người dân vào đường, rút chìa khóa xe xong thì lôi người xuống đánh. 4-5 người mặc thường phục đánh xong rồi còng tay ép đưa lên ô tô tải (xe thùng). Đó là lần đầu tiên. Nó cũng bắt khoảng gần 10 người. Bị ở đó xong thì nó ép dân vào một bãi đất rộng ở gần đấy. Lần hai là lúc cao trào chúng giở trò ném đá. Nó mạo danh là người dân ném đá. Nhưng đó không phải là người dân mà là công an ném đá để người dân hùa theo. Sau đó nó ném lựu đạn. Dân bắt đầu hoảng loạn chạy. Chạy thì nó đuổi và nó đánh. Nó đánh rất nhiều người bị thương”.
Những hình ảnh được cập nhật liên tục trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã bị đánh với những vết thương khá nặng, bị rách trán, bầm mắt, dập môi… Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết thêm:
“Nó đuổi, nó bắt và nó đánh đập tàn nhẫn. Nó đánh đập rất nhiều người bây giờ sống giở chết giở ngoài bệnh viện. Rất nhiều người, khoảng vài ba chục người, đã bị đánh đập”.
Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết hiện các nạn nhân đang được cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá địa phương.
Giáo dân giáo xứ Song Ngọc đa số làm nghề biển, nhiều người đã bị mất nguồn sinh kế kể từ khi xảy ra ô nhiễm môi trường. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết kể từ khi ô nhiễm môi trường xảy ra, rất nhiều gia đình trong giáo xứ đã phải bán cả tàu thuyền, là gia sản và phương tiện kiếm sống duy nhất, để có thể trả nợ ngân hàng và đắp đổi qua ngày. Nhưng chính quyền Việt Nam và công ty Formosa chỉ đền bù cho người dân của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Sau khi đã gửi đơn kiện với kê khai cụ thể thiệt hại mỗi hộ gia đình hồi năm ngoái, người dân ở Nghệ An vẫn chưa được xem xét bồi thường.
Vợ của một ngư dân tham gia trong đoàn đi kiện cho VOA biết:
“Chết sống gì chúng tôi cũng phải đi để đòi lại sự thật, đòi họ đền bù cho chúng tôi, chứ chúng tôi bị thiệt hại, chúng tôi không biết phải sống bằng nghề gì. Nếu họ có đánh đập, chúng tôi chết vì sự thật, chúng tôi vẫn cứ sẵn sàng”.
Hiện đoàn người đi kiện đang tạm nghỉ ở giáo xứ Đồng Tháp, thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trên đường đi kiện, họ được rất nhiều người dân, giáo xứ lân cận ủng hộ, trợ giúp thức ăn, nước uống.
Trong khi truyền thông lề trái và nhiều Facebooker liên tục đưa tin cập nhật tình hình, thì trên các phương tiện truyền thông chính thống vẫn chưa có thông tin về sự kiện này.
VOA đã cố gắng liên lạc với chính quyền địa phương để xác nhận thông tin nhưng không nhận được hồi đáp.
-- Chia sẻ tin tức của VOA Tiếng Việt để mọi người có thông tin mới nhất về tình hình Việt Nam và thế giới bạn nhé! –
(Nếu bạn đang vào Facebook trên điện thoại, hãy bấm vào hình có biểu tượng tia sét bên dưới để đọc tin tức và xem thêm các hình ảnh, video của VOA!)
Những đối tượng này cầm đầu kích động người dân tham gia vào các hoạt động biểu tình gây rối chống đối, khi bị cơ quan công an yêu cầu chấm rứt ngay những việc làm gây rối lại thì các đối tượng này có những hành vi chống đối lại lực lượng chức năng, sau đó các đối tượng này lại vu cáo cho lực lượng công an đánh chúng, đây là luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu.
Trả lờiXóa