Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tướng Thanh và ngài Bá Thanh


Bí thư xử thiếu tướng: Ðòn độc của Nguyễn Bá Thanh


 - Vì bị chặn đường chuyển đi Hà Nội, viên bí thư chủ tịch Ðà Nẵng đánh đòn nặng nề để trả thù kẻ địch trong đó có cả một thiếu tướng công an. Ðiều này được tường thuật lại trong một công điện đánh đi từ Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn đề ngày 1 tháng 4, 2009, với tựa đề “Người khổng lồ chính trị thoát án tham nhũng, còn công an và phóng viên thì đi tù.

Vụ án xử Thiếu Tướng Trần Văn Thanh tới nay vẫn còn nhiều người nhớ. Ðó là phiên xử mà viên tướng công an, tuy đang bệnh hôn mê liệt giường, vẫn bị đẩy vào phòng xử với đầy đủ dây nhợ và máy trợ thở oxygen, để bị nghe tố cáo và tuyên án. Bàn tay đằng sau vụ xử dã man ấy được bức công điện khẳng định là ông Nguyễn Bá Thanh, chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân và bí thư Thành ủy Ðà Nẵng. 

Gọi ông Nguyễn Bá Thanh là “người khổng lồ chính trị” là đúng. Vào đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1980, ông đi từ chức vụ phó bí thư huyện ủy leo dần lên tới chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Ðà Nẵng từ năm 1995 và nắm quyền tại đó cho tới nay, lúc đầu trong vai trò chủ tịch UBND, sau đó qua chủ tịch Hội đồng Nhân dân và bí thư Thành ủy. Là bí thư thành ủy, ông Thanh cũng trở thành ủy viên trung ương đảng. 

Ở Ðà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh là một ông vua con. Quyền tổng lãnh sự Charles Bennett gọi ông này là “chủ nhân của đất và gió”. Ông kể lại: 

Những nhà đầu tư phát triển địa ốc nào dại dột xây cất vườn tược trước khi hỏi ý Bá Thành là trồng cây gì và lối đi xây làm sao, chẳng hạn, sẽ bị đóng cửa và phải bới lên xây lại từ đầu.” 

Những nhà đầu tư nào không chịu nói chuyện trước với Nguyễn Bá Thanh từ trước khi nộp đơn, đều nói rằng họ chẳng bao giờ được cấp giấy phép,” công điện cho biết.

Ông vua con còn đặt hàng một bài hát chính thức cho thành phố - công điện không nói tên, nhưng đó là bài “Ðà Nẵng tôi yêu” với lời thơ Nguyễn Bá Thanh. Bài hát này ca ngợi Ðà Nẵng, từ đất lên tới gió và tất cả mọi thứ ở giữa. Nhưng ở Ðà Nẵng người ta truyền miệng một bản “lời 2” trong đó nói tài sản của ông Thanh gồm từ đất lên tới gió và tất cả mọi thứ ở giữa, chừa lại một con chim. Con chim này, bản công điện viết, là tài sản ông Hoàng Tuấn Anh, chủ tịch UBND thành phố. (Ông Hoàng Tuấn Anh sau này là bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch.) 

Ngược lại, bức công điện viết, nếu nhà đầu tư nào chịu chơi đúng luật của Thanh, mọi loại giấy tờ sẽ dễ dãi và suôn sẻ, hơn tất cả chỗ nào khác tại Việt Nam. “Các nhà đầu tư ngoại quốc cho biết thành phố hứa hẹn rất nhiều và luôn giữ lời,” công điện viết. Ông Thanh được cho là không ăn hối lộ trực tiếp, mà làm giàu bằng cách mua rẻ đất của dân rồi bán lại cho các nhà đầu tư, theo lời giới làm ăn ở Ðà Nẵng thuật lại cho TLS Mỹ

Tuy làm vua một cõi, nhưng ông Thanh vẫn muốn leo lên chức vụ cao hơn. Bản công điện cho rằng ông Thanh muốn đi, là vì không muốn bị ép về hưu khi nhiệm kỳ chấm dứt năm ông 57 tuổi và không thể ở lại thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, nhận định này của quyền TLS Bennett không đúng: Ông Thanh vẫn có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ tới năm 62 tuổi, vì phải tới 65 tuổi mới đụng hạn hưu của một ủy viên trung ương. 

Ðường vào Hà Nội bị chặn 

Với ý đồ chính trị muốn leo cao nữa, ông Thanh biết rằng ông không thể ngồi mãi một chỗ không bước chân ra khỏi Ðà Nẵng. Cơ hội đến với ông năm 2008. 

Vào tháng 8 năm đó, chính quyền Việt Nam sáp nhập tỉnh Hà Tây (tự nó đã gồm hai tỉnh Hà Ðông và Sơn Tây thời xưa) vào thành phố Hà Nội. Chỉ qua một đêm, Hà Nội bỗng lớn lên gấp 3 lần diện tích cũ, và bỗng có một chỗ trống cho một phó chủ tịch phụ trách vùng đất mới sáp nhập. 

Theo lời công điện, ông Thanh vận động trung ương đảng để được đặt vào chỗ đó. Vào tháng 7 năm 2008, trong lúc chuẩn bị mở rộng Hà Nội, trung ương đảng đề nghị ông Thanh vào ghế phó chủ tịch mới có. Nhưng phía thành phố Hà Nội lại không thích bị một người từ nơi khác vào làm phó chủ tịch Hà thành. Ðể có thể vận động Bộ Chính Trị đi ngược lại “đề nghị” của trung ương đảng, họ lại lôi ra vụ án tham nhũng dính líu tới ông Thanh. 

Nhận định này của viên quyền tổng lãnh sự cần phải xét lại. Ghế phó chủ tịch, dù của thủ đô Hà Nội và phụ trách một miếng đất rộng lớn, vẫn không cao bằng ghế chủ tịch Ðà Nẵng. Khác với vị trí lúc đó của ông Thanh là chủ tịch Ðà Nẵng và ủy viên trung ương, nếu “xuống” ghế phó chủ tịch Hà Nội sẽ không thể là ủy viên trung ương. 

Theo dư luận thời bấy giờ, cái ghế ở Hà Nội mà ông bí thư Thanh muốn, không phải là phó chủ tịch thành phố, mà là một chân đại biểu Quốc Hội. 

Dù vì động cơ nào, tin tức về vụ tham nhũng này được tuồn ra cho giới báo chí và blogger, kể cả báo Công An. Ông Thanh bị tố cáo nhận hối lộ 4 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 200,000 đô la Mỹ) hồi năm 2007 khi giải tỏa đất. Tin tức cũng rộ lên về người dân oan viết thư tố cáo lên thủ tướng rồi bị chết bí hiểm. 

Một doanh gia ngân hàng, người Singapore làm ăn tại Ðà Nẵng, giải thích về vụ này cho TLS. Theo ông này, tuy đảng Cộng Sản vẫn biết về sự tham nhũng của ông Thanh, nhưng họ sẽ không làm gì, thứ nhất là “vì mức độ tham nhũng của ông Bá Thanh không quá đáng và không ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố,” và thứ nhì là “ông chia phần làm giàu cho rất nhiều thế lực chính trị ủng hộ”. 

Chuyện tham nhũng ngày xưa bị đem ra xem lại, theo ông này, chỉ là vì quan chức Hà Nội không thích người ngoài nhảy vào nhận một chức vụ trong thành phố của họ. Và họ đã thành công. Bộ Chính Trị ra chỉ thị chính quyền Hà Nội mới chỉ gồm nhân sự chính quyền Hà Nội và Hà Tây cũ. 

Khi trâu bò húc nhau, ruồi muỗi phải chết. Trong vụ này, “ruồi muỗi” không phải là từ chính xác để miêu tả nạn nhân - vì chính những nạn nhân cũng có thế lực. 


Ảnh: Tướng Trần Văn Thanh đang hôn mê bị đẩy ra tòa trên băng ca. (Hình: VNExpress)

Ngày 24 tháng 2 năm 2009, nhiều tháng sau khi ông Thanh đã lỡ chuyến tàu ra Hà Nội, công an Ðà Nẵng ra tay truy tố nguyên chánh thanh tra Bộ Công An Việt Nam, Thiếu Tướng Trần Văn Thanh. Ông này là người đứng đầu cuộc điều tra vụ án tham nhũng. 

Ông Thanh bị tố cáo là đứng đầu một âm mưu triệt hạ uy tín lãnh đạo Ðà Nẵng. Ba con “ruồi muỗi” khác đã bị truy tố từ trước đó, gồm cựu thiếu tá công an Ðinh Công Sắt; trung tá công an Dương Ngọc Tiến là trưởng đại diện báo công an TP. HCM tại Hà Nội; và ông Nguyễn Phi Duy Linh, một người bạn thân của Tướng Thanh. 

Vụ án ông Sắt, ông Tiến, lẽ ra diễn ra tháng 9 năm 2008, nhưng bất ngờ vào tháng 8 năm đó (là lúc Hà Nội mở rộng) phiên tòa dời lại vì hai ông Sắt và Tiến đều khai ra người chủ mưu là Tướng Thanh. 

Ông Sắt bị tố cáo “rải truyền đơn và tố cáo sai sự thật nhằm hạ uy tín lãnh đạo Ðà Nẵng”. Công điện không nói, nhưng theo đài RFA, những tờ “truyền đơn” này thật ra là công văn của Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng gửi Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao và ông Phan Diễn (lúc đó là bí thư Thành ủy Ðà Nẵng). Cả hai công văn đều đề cập việc ông Nguyễn Bá Thanh nhận hối lộ 4.4 tỷ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Ðà Nẵng. 

Ông Tiến và ông Linh bị tố cáo đã hỗ trợ cho ông Sắt trong việc phân phát những công văn này. Tội danh của họ là “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. 

Phiên tòa “dã man” 

Phiên tòa mở màn tháng 7 năm 2009 tại nhà hát Trưng Vương. Khi đó, mặc dù Tướng Trần Văn Thanh bị tai biến, nhưng tòa vẫn ra lệnh phải đẩy ông này từ bệnh viện lên xe cứu thương đưa vào nhà hát, trong tình trạng hôn mê, phải thở bằng máy oxygen và phải truyền dịch. (Trong một bài viết mang tựa đề “Chánh án tòa Ðà Nẵng lập kỷ lục vi phạm nhân quyền” đăng trên Bô Xít Việt Nam và được đăng lại nhiều nơi, Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ gọi đây là “hành vi dã man chưa từng thấy trong lịch sử pháp đình hiện đại.”) 

Tướng Thanh là người gốc Ðà Nẵng và “có tiếng lương thiện,” bức công điện viết. Trước khi làm chánh thanh tra Bộ Công An, ông là giám đốc công an Ðà Nẵng. Bức công điện kể lại nguồn gốc vụ án tham nhũng: 

“Năm 2000, ông Thanh khi đó là đại tá bắt giữ một nhà thầu về tội hối lộ trong công trình xây dựng cầu sông Hàn. Nhà thầu này (công điện không nói tên, nhưng là ông Phạm Minh Thông) bị kết tội 13 năm tù.” Ông Thông khai là đã hối lộ cho Nguyễn Bá Thanh. Phía công an và viện kiểm sát muốn truy tố ông bí thư, nhưng không được. 

Ông bí thư tìm cách trả thù, thì ông công an chạy ra khỏi Ðà Nẵng. Mặc dù bị chủ tỉnh đì, ông công an Thanh ra được Hà Nội, được lên lon, và trở thành chánh thanh tra. Ông Tướng Thanh trở thành công cụ lý tưởng để kẻ thù ông bí thư Thanh lôi kéo. 

Ðiều xui xẻo cho ông công an Thanh, là cuộc điều tra đã không được chuẩn bị đúng luật. Bức công điện nêu thí dụ: “Trong cuộc điều tra năm 2000, Tướng Thanh là người trực tiếp lấy cung nhiều nhân chứng quan trọng chống ông Bá Thanh, kể cả ông nhà thầu.” Nhưng thay vì cho người khai viết tay biên bản, ông cho đánh máy biên bản rồi cho nhân chứng ký tên. 

Mặc dù đây là chuyện ai cũng làm, “nhưng riêng trong vụ này, điều này khiến Tướng Thanh bị hở sườn”. Khi người của Bí thư Thanh nói chuyện thẳng với những nhân chứng này, “phép lạ” là họ đều lắc đầu và chối rằng ông Tướng Thanh tự ý đánh máy tờ khai rồi ép họ ký. 

Ông tướng, bị lôi vào tòa trên băng ca trong lúc hôn mê, thở bằng máy, đang truyền dịch, bị tuyên án 18 tháng tù treo. Lên phúc thẩm (cũng tại Ðà Nẵng), Viện Kiểm Sát yêu cầu đình chỉ vụ án với ông Tướng Thanh nhưng tòa phúc thẩm vẫn tuyên bố ông tướng có tội, chỉ giảm án xuống 12 tháng tù treo vì lý lịch tốt. Cuối cùng, phải tới khi Tướng Thanh gởi đơn lên giám đốc thẩm, ông mới được tuyên bố vô tội. 

Cựu Thiếu Tá Ðinh Công Sắt bị tuyên án 12 tháng tù treo. Trung Tá Dương Ngọc Tiến bị 17 tháng 5 ngày tù, ngang với thời gian tạm giam. Ông Nguyễn Phi Duy Linh bị 36 tháng tù. 

Mục đích? Dằn mặt công an nhúng tay vào đấu đá 

Vụ án “dã man” nhưng rồi kết thúc với những án treo dành cho công an, được viên quyền tổng lãnh sự cho là một hành động dằn mặt. Ông Bennett nói không ai thắng trong vụ. Thua nặng nhất là báo chí, “Như vụ PMU 18, báo chí nằm trong hạng ‘ruồi muỗi’ bị giết trong vụ húc nhau của người khổng lồ.” 

Quyền TLS Bennett cho rằng mặc dù Bí thư Thanh tạm thắng, ông vẫn bị dừng chân tại chỗ ở Ðà Nẵng. “Vì có tiếng tham nhũng và tương đối bị cô lập ở Ðà Nẵng, nếu ông không tìm được đường tới thì có thể gặp nguy khi quyền lực và ảnh hưởng của ông bị thuyên giảm.” 

Nhưng lý do ông Bí thư Thanh truy tố được một tướng, một nhân vật của Bộ Công An, là vì ông lôi kéo được thành phần lãnh đạo đảng Cộng Sản là phải duy trì nguyên tắc quan trọng về vai trò của công an trong hệ thống cộng sản. Công điện viết: 

“Sau khi bị thua nhục nhã tháng 7 năm 2008, ông (Bá Thanh) muốn trả thù và thuyết phục được các nhân vật cao cấp khác trong ÐCSVN là, cũng như trong vụ PMU 18, Bộ Công An và báo chí bị dạy cho bài học là không được nhúng vào các cuộc tranh chấp chính trị nội bộ.” 

Nói cách khác, phe phái trong đảng cộng sản có thể đấu đá nhau, nhưng các loại công cụ như công an, báo chí, không được dính vào.

4 nhận xét:

  1. Trong tay toi con rat nhieu don to cao Nguyen ba Thanh cua nhan dan Da nang (Nguoi dan con lay kim cham vao tay cho chay mau ra,roi lay mau do "Diem chi" vao to don...Da 6 nam nay ,nhung moi viec chua duoc giai quyet???vi Nguyen Ba Thanh bit het dau moi...

    Trả lờiXóa
  2. Ở Mỹ: Một người mơ, hàng triệu người thực hiện giấc mơ đó
    Ở VN: Một người mơ, cả dân tộc chịu đựng giấc mơ đó

    Cách mơ của người Việt và người Mỹ cũng khác nhau.

    - Người Mỹ ngắm trăng và mơ, sau đó chế tạo phi thuyền đi lên thám hiểm mặt trăng.

    - Người Việt nam ngắm trăng và mơ, sau đó cả ngàn bài thơ ra đời.
    Ở Mỹ, hàng triệu người có hàng triệu giấc mơ
    Ở xứ ta, hàng triệu người chỉ có một giấc mơ

    Ở Mỹ muốn mơ gì thì mơ
    Ở ta muốn mơ gì phải hỏi ý kiến
    http://hieuminh.org/2013/01/01/tham-nha-martin-luther-king/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng.
      — Martin Luther King

      Xóa
  3. CS : “Họ sẵn sàng ra tay độc ác với cả đồng bào, đồng chí của mình nếu quyền lợi bị xâm phạm.” , hahaha

    Trả lờiXóa