Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

LỜI KÊU GỌI !

Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối và yêu cầu chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang tiến hành, như mời thầu dầu khí, huấn luyện bắn đạn thật và tổ chức đua thuyền buồm.

> Khai trương đường dây nóng về Biển Đông
> Phản đối Trung Quốc đánh đập ngư dân Việt Nam



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị. 
Ảnh: Chinhphu.vn



Ông Nguyễn Văn Hậu - TGĐ PVC trong cuộc họp báo chiều nay. 
Ảnh : MQ - SGTT




3 giờ chiều ngày 27.6.2012 - Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Việt nam công bố các lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt nam mà Trung quốc vừa mời thầu. Ảnh : MQ - SGTT

http://sgtt.vn/Thoi-su/165466/Tap-doan-Dau-khi-quoc-gia-Viet-Nam-phan-doi-va-yeu-cau-CNOCC-huy-bo-hoat-dong-moi-thau-sai-trai.html

Hưởng ứng tinh thần của Bộ ngoại giao Việt nam, các công dân Việt nam hãy cùng chung hành động thể hiện sự ủng hộ thái độ rõ ràng của người phát ngôn ngoại giao Việt nam bằng việc xuống đường biểu tình cùng nhau ngày 1 tháng 7 - tức ngày chủ nhật tới, vào lúc 8h sáng tại tượng đài Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm - HN.

Các công dân Việt nam hãy thực hiện quyền biểu tình của mình với một thái độ rõ ràng, lòng yêu nước của các bạn đang rất cần được thể hiện bằng hành động thực tế trong ngày mùng 1 tháng 7 tới.

Mời các công dân tham khảo bài viết dưới đây về : "QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN" và " CẨM NANG BIỂU TÌNH".



QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN
GS. TSKH VIỆN SĨ HOÀNG XUÂN PHÚ



Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.



Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Nhưng đến nay,biểu tình (ngoài sắp đặt của cơ quan Nhà nước) vẫn còn là một chuyện tương đối xa lạ ở Việt Nam, thậm chí như một điều „phạm húy“. Biểu tình bị ngăn cản, dù có diễn ra thì người ta vẫn quanh co, không dám gọi đúng tên. Đa số người dân nhìn nhận quyền biểu tình như một thứ xa xỉ phẩm, không liên quan đến cuộc sống của mình, thậm chí còn nhìn nó như một miếng mồi nhử nguy hiểm: Ừ thì Hiến pháp cho phép đấy, nhưng cứ thử động vào mà xem... Vốn dĩ thuộc phạm trù đối nội, quyền biểu tình được nêu trong Hiến pháp trên thực tế chỉ còn để đối ngoại.

Cản trở đối với quyền biểu tình của công dân không chỉ xuất phát từ ý muốn được „yên ổn“ của những người cầm quyền, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự nhầm lẫn về mặt lô-gíc: Cả hai phía đều coi việc chưa có Luật biểu tình chính là nguyên nhân khiến quyền biểu tình chưa được hay chưa thể thực thi.

Phía người dân tưởng là khi chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên đa số những người muốn bày tỏ chính kiến... vẫn im lặng. Ngay cả những người đã can đảm xuống đường vẫn cảm thấy chưa yên tâm, lo là hành động của mình có gì đó không ổn về mặt pháp luật, nên mới đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình.

Phía chính quyền thì coi các cuộc biểu tình không do họ hoặc các cơ quan Nhà nước tổ chức là bất hợp pháp, là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì chính quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ... Có lẽ cũng do tin rằng chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên một số người muốn trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình, vì nếu có luật thì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa, vẫn còn lại những quyền tự do tối thiểu, và không phải ai cũng muốn chấp nhận những quyền tối thiểu ấy của người dân.

Câu hỏi đặt ra là: Nên hiểu quyền biểu tình và mối quan hệ của nó với Luật biểu tình như thế nào cho đúng?

Quyền biểu tình trong Hiến pháp hiện hành

Cơ sở pháp lý để đánh giá về tính hợp pháp của hoạt động biểu tình là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Điều 69 của Hiến pháp hiện hành quy định:

„Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.“

Mệnh đề „theo quy định của pháp luật“ khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Thật ra, từ „pháp luật“ xuất hiện 60 lần trong Hiến pháp 1992, nhiều khi chỉ là một phạm trù chung chung, không ám chỉ một luật cụ thể nào. Phải hiểu „theo quy định của pháp luật“ hay „trong khuôn khổ pháp luật“ là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thì còn thiếu rất nhiều luật, và đến bây giờ vẫn còn thiếu, nhưng mọi tư duy lành mạnh đều hiểu rằng: Không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật.

Hiến pháp 1992 viết công dân có quyền biểu tình „theo quy định của pháp luật“, chứ không đòi hỏi cụ thể là „theo quy định của Luật biểu tình“. Giả sử, nếu Hiến pháp quy định là công dân chỉ có quyền biểu tình theo quy định của Luật biểu tình, thì công dân có quyền chất vấn và phê phán Quốc hội: Tại sao mấy chục năm rồi mà vẫn chưa ban hành Luật biểu tình? Lúc đó nhân dân nhắc nhở và đòi hỏi Quốc hội phải ban hành Luật biểu tình, chứ không phải chỉ đề nghị, kêu gọi, hay xin xỏ, vì:

„Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.“
(Điều 6, Hiến pháp 1992)

„Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ...“
(Điều 53, Hiến pháp 1992)

Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép.

Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với quyền biểu tình

Nếu Quốc hội muốn định hướng hay hạn chế hoạt động biểu tình của công dân trong một khuôn khổ nào đó, thì phải ban hành luật tương ứng. Nếu thấy cần kíp phải có luật để điều tiết hoạt động biểu tình, thì chính Quốc hội và các cơ quan giúp việc phải khẩn trương, chứ dân không phải sốt ruột xin Quốc hội ban hành. Cơ quan quản lý Nhà nước mới phải vội, chứ dân không cần vội. Việc một số công dân đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng điều đó lại góp phần làm cho người dân tiếp tục hiểu sai về quyền cơ bản của công dân, và làm cho những người thuộc cơ quan hành chính Nhà nước thêm ngộ nhận về quyền hạn của họ.

Nếu Chính phủ muốn quản lý hoạt động biểu tình của công dân theo một hướng nào đó thì Chính phủ phải soạn thảo và trình dự án luật (Điều 87, Hiến pháp 1992), để Quốc hội xem xét và ban hành luật, chứChính phủ không thể tự tiện đưa ra những quy định hay triển khai những hành động can thiệp trái với Hiến pháp. Hiến pháp 1992 đã quy định rõ:

„Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp“
(Điều 83, Hiến pháp 1992)

và Chính phủ là „cơ quan chấp hành của Quốc hội“ (Điều 109, Hiến pháp 1992). 

Điều 115 của Hiến pháp 1992 cho phép:

„Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị“

nhưng phải:

„Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.“

Trong tất cả 11 khoản của Điều 112, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính chủ, và cả 6 khoản của Điều 114, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính chủ, Hiến pháp 1992 không có bất cứ khoản nào cho phép Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế hay can thiệp vào quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo.

Trong Luật Tổ chức Chính phủ do Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, Điều 8, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, được viết lại gần như nguyên văn Điều 112 của Hiến pháp 1992. Điều 20, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, là cụ thể hóa Điều 114 của Hiến pháp 1992. Quyền tự do của công dân được nhắc 3 lần trong Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó chỉ khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền của công dân và tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền của mình, cụ thể là:

„Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...“
(Điều 8, Khoản 5)

„Quyết định những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...“
(Điều 18, Khoản 3)

„Thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân...“
(Điều 13, Khoản 4)

Nghĩa là: Luật Tổ chức Chính phủ cũng không cho phép Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo. Tất nhiên là phải như vậy, vì Luật Tổ chức Chính phủ không thể có những quy định trái với Hiến pháp.

Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP, do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18/3/2005, quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng, không đề cập đến khái niệm „biểu tình“ được nêu trong Hiến pháp 1992. Ngược lại, khái niệm „tập trung đông người“ được đề cập (21 lần) trong Nghị định số 38/2005/NĐ-CP không xuất hiện trong Hiến pháp 1992. Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về thuật ngữ „tập trung đông người“, không hề quy ước là „biểu tình“ thuộc phạm trù „tập trung đông người“. Tất nhiên, không thể tùy ý dùng thuật ngữ „tập trung đông người“ để chỉ hoạt động „biểu tình“ (cũng giống như không thể dùng thuật ngữ „tập trung 500 người“ để chỉ phiên họp Quốc hội), vì nếu như thế thì vừa thiếu tôn trọng công dân (hay thiếu tôn trọng Quốc hội), vừa thiếu tôn trọng Hiến pháp, bởi không được tùy tiện thay đổi thuật ngữ pháp lý cơ bản được sử dụng trong Hiến pháp và được dùng phổ biến trong thông lệ pháp lý trên toàn thế giới. Vì vậy, nếu hợp hiến, thì Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không chi phối quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp đảm bảo.

Điều 50 của Hiến pháp 1992 khẳng định:

„Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.“

Khi thực hiện các quyền con người (trong đó có quyền biểu tình), công dân chỉ phải tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Khi chưa có luật tương ứng thì công dân không phải chấp hành văn bản pháp quy nào khác ngoài Hiến pháp, bởi công dân chỉ phải „sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Quyền biểu tình của công dân không phải chịu chi phối bởi các quy định nào đó, cho dù chúng có thể được đưa vào luật trong tương lai, lại càng không thể bị cản trở bởi các quy định tùy tiện của các cấp chính quyền, của bộ máy công an, của tổ dân phố, hay của một cấp trên chung chung nào đó. Cho dù là ai, to nhỏ ra sao, nhân danh tổ chức nào, thì họ cũng đều là công dân Việt Nam và cũng không nằm ngoài phạm vi chi phối của nguyên tắc:

„Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.“
(Điều 52, Hiến pháp 1992)

Không phải bất cứ một quy định phi lý nào được đưa vào luật cũng là thiêng liêng, bất di – bất dịch. Nếu có Luật biểu tình thì nó không thể chứa đựng những quy định trái với Hiến pháp. Nhân dân có quyền kiến nghị và Quốc hội có trách nhiệm hủy bỏ bất cứ quy định pháp luật nào trái với Hiến pháp, vì

„Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.“
(Điều 146, Hiến pháp 1992)


Biểu tình – Quyền hiến định có hiệu lực cùng Hiến pháp hiện hành

Đã đến lúc dân ta (cả dân thường và cả những người đang thuộc bộ máy quản lý Nhà nước) phải chia tay với lối tư duy sai lầm là „trên“ cho làm gì thì „dưới“ mới được làm cái ấy, vì đấy là kiểu quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, hoàn toàn trái với bản năng sống chủ động của mọi loài động vật tự do, trong đó có con người. Dù có muốn, dù có cố, thì cũng không bao giờ quy định được hết mọi chuyện trên đời. Hơn nữa, càng có nhiều quy định thì càng có nhiều điều bất hợp lý và càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các quy định. Chính vì vậy, người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm và không vi phạm những chuẩn mực đạo đức thông thường đã được xã hội thừa nhận. Nhà nước có thể thông qua việc ban hành luật để hạn chế những mặt tiêu cực, nhưng sẽ không bao giờ khống chế được hoàn toàn. Không thể tiếp tục luận tội theo kiểu „lợi dụng sơ hở của pháp luật...“ Lập luận ấy không chỉ sai với thông lệ quốc tế, mà còn hài hước ở chỗ: Sao không trách phạt những người ăn lương của dân rồi làm ra luật... sơ hở, mà lại chỉ kết tội người dân áp dụng đúng luật sơ hở?

Căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản pháp lý liên quan, với tư duy lô-gíc, chỉ có thể rút ra kết luận rằng:Quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp hiện hành đảm bảo và có hiệu lực cùng lúc với Hiến pháp. Cho đến nay, chưa có luật hay văn bản pháp lý hợp hiến nào hạn chế quyền biểu tình của công dân. Vì vậy, công dân hoàn toàn có quyền tự do biểu tình, theo đúng tinh thần của Hiến pháp, không phải đợi đến lúc có Luật biểu tình hay một văn bản tương tự.

Biểu tình là biện pháp hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và giải tỏa ức chế. Biểu tình cũng là một hình thức hợp lý để công dân bày tỏ chính kiến, góp phần xây dựng Nhà nước và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là phải tôn trọng và bảo vệ công dân thực hiện quyền biểu tình, phải triệt để tuân theo Điều 12 của Hiến pháp 1992:

„Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.


Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.


Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.“

Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và trình độ hiểu biết pháp luật. Nó cũng thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, mức tự tin vào sự trong sạch và chính nghĩa của bản thân. Một chính quyền vì dân, chỉ làm chuyện đúng, chắc chắn sẽ được đa số nhân dân tin yêu và bảo vệ, không việc gì phải sợ biểu tình. Nếu đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc, làm những chuyện sai trái, thì không bạo lực nào có thể che chở vĩnh viễn.

Nếu thực sự cầu thị và muốn làm tròn bổn phận, lãnh đạo phải biết tận dụng hoạt động biểu tình như một chiếc cầu nối với nhân dân, làm nguồn cung cấp thông tin thực tế từ cơ sở, vốn dĩ hay bị bưng bít bởi bộ máy quản lý cấp dưới. Biểu tình là một phương tiện đắc lực để khắc phục tệ quan liêu – căn bệnh cố hữu của bộ máy chính quyền.

Chẳng có lý do chính đáng nào có thể biện hộ cho việc xâm phạm quyền biểu tình của công dân. Không thể cấm dân lên tiếng nhằm che dấu sự yếu kém. Không thể mượn cớ ổn định mà cản trở sự phát triển. Không được nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng.

Xương máu của hàng triệu người Việt đã đổ xuống vì độc lập và tự do. Độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với tự do của nhân dân. Nếu dân không có tự do thì chính quyền mang quốc tịch nào cũng vậy. Do đó, muốn bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, thì phải tôn trọng các quyền tự do của nhân dân, trong đó có quyền biểu tình. Không thể khác!


Phụ lục (Dành riêng cho những người kiên định...)

Nếu quý vị nào vẫn cảm thấy chưa đủ thuyết phục và vẫn kiên định lập trường cho rằng công dân phải đợi đến khi có Luật biểu tình mới được biểu tình, thì xin dành riêng đoạn tiếp theo để quý vị suy ngẫm.

Hiến pháp 1992 có năm lần nhắc đến từ „Đảng“, trong đó có ba lần ở „Lời nói đầu“, hai lần đề cập đến lịch sử và công lao của Đảng CSVN, lần thứ ba trong câu:

„Hiến pháp này... thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.“

Hai lần còn lại là ở Điều 4, nguyên văn như sau:

„Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.


Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.“

Như vậy, mặc dù Hiến pháp 1992 khẳng định „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“, nhưng trong toàn bộ văn bản Hiến pháp không có quy định cụ thể nào về khuôn khổ mà Đảng CSVN được phép hoạt động, và cho đến nay vẫn chưa có „Luật về Đảng“ (hay tương tự) để quy định về quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi và hình thức hoạt động của Đảng, cũng như hình thức xử lý khi tổ chức Đảng vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Rõ ràng, xét về lô-gíc, tính hợp pháp của việc „Công dân... biểu tình theo quy định của pháp luật“ khi chưa có Luật biểu tình không hề yếu hơn so với tính hợp pháp của việc „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“ khi chưa có „Luật về Đảng“. Vậy thì quý vị có cho là Đảng CSVN phải... đợi đến khi có „Luật về Đảng“ hay không?

Nếu ý vừa rồi vẫn chưa đủ, thì xin quý vị lưu ý thêm: Hiến pháp 1992 không đề cập đến chuyện ăn, chuyện ngủ... Việt Nam cũng không có luật về ăn, ngủ... Vậy mà hàng ngày 90 triệu người Việt vẫn ăn, vẫn ngủ..., dù biết là phải „sống... theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Phải chăng, quý vị cũng coi đấy là hành vi cố tình vi phạm kỷ cương, coi thường phép nước? Vấn đề này có vẻ còn nghiêm trọng hơn cả chuyện biểu tình, vì quyền biểu tình của công dân còn được Hiến pháp ghi nhận đích danh. Vậy thì quý vị có định đòi hỏi mọi người cũng phải nhịn ăn, nhịn ngủ... cho đến khi có luật và được luật cho phép, giống như phải nhịn biểu tình hay không?


Giáo sư Tiến sỹ khoa học HOÀNG XUÂN PHÚ
(ảnh: Nguyễn Xuân Diện)

Viện Toán học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria





CẨM NANG BIỂU TÌNH




Ảnh Hoàng Đình Nam. AFP


BIỂU TÌNH: NÊN VÀ KHÔNG NÊN

Biểu tình là một hình thức hành động thể hiện nguyện vọng, ý chí của một nhóm người, lớn hoặc nhỏ, trong cộng động, bênh vực hay phản đối một chính sách, hành động hay sự kiện chính trị, xã hội, quân sự, văn hóa…Một cuộc biểu tình ôn hòa, không bạo lực được pháp luật hỗ trợ ở hầu hết các thể chế chính trị trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Gần đây, ở Việt Nam đã liên tiếp có các cuộc biểu tình tự phát của quần chúng nhân dân để phản đối các hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Hoa tại phần biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Người viết bài này do ở xa các trung tâm biểu tình của đất nước, chưa có dịp tham gia vào cuộc biểu tình nào nhưng cũng xin có một số đề nghị như dưới đây:

1. VỀ PHÍA NGƯỜI THAM GIA BIỂU TÌNH


A. Những điều nên làm:

1. Nên có liên lạc trước với ít nhất 5-7 người sẽ tham gia cùng mình, để có thay đổi ở phút chót về thời gian, địa điểm… thông tin sẽ được cập nhật ngay. Tránh hoang mang, xao động không cần thiết;

2. Nên có các khẩu hiệu, biểu ngữ làm trên vải hay, giấy cứng, cỡ chữ càng to càng tốt. Biểu ngữ nên có nội dung rõ ràng, viết đúng chính tả, bảo đảm thẩm mỹ và bắt mắt;

3. Mặc áo có in cờ Việt Nam hay/và mang theo cờ Việt Nam là tăng màu sắc của cuộc biểu tình;

4. Nên có một vài biểu ngữ lớn, ấn tượng để từ xa có thể đọc rõ. Khi các phóng viên chụp hình toàn cảnh thì độc giả vẫn đọc được nội dung biểu ngữ;

5. Nên đi sát vào nhau tạo thành một khối vừa an toàn, vừa có sức mạnh, tránh bị xé lẻ thành các nhóm manh mún;

6. Khi có thành viên gặp sự cố cả đoàn phải dừng lại hỗ trợ, dùng sức mạnh số đông để áp đảo nhằm trợ giúp cho đồng đội thoát hiểm;

7. Nên mang theo đủ nước uống và mũ nón che nắng. Riêng nữ giới dùng kem chống UV để bảo vệ da trong ít nhất 2 tiếng là tốt;

8. Nên đi ngủ sớm đêm hôm trước để có đủ sức tham gia cùng đoàn;

9. Người trẻ nên đi bên cạnh người già để hỗ trợ cho nhau. Kinh nghiệm cho thấy lực lượng an ninh thường nể người già hơn. Và đặc tính của người Việt là kính lão đắc thọ;

10. Nên vận động những người thân quen của lực lượng an ninh (LLAN) tham gia biểu tình, hay con em, người thân của các lãnh đạo là tốt nhất;

11. Nên mời các nhân sĩ trí thức có tên tuổi trong nước cũng như nổi tiếng ở nước ngoài tham gia với tư cách là người mở đường. Không phải chỉ LLAN mà ngay cả các lãnh đạo cấp cao cũng có sự kính trọng và kiêng dè nhất định đối với họ. Tuy nhiên, những nhân vật này đa số đã lớn tuổi nên tranh thủ mời một số người nhất định trong một lần BT để tránh hết nguồn.

12. Nên tranh thủ trả lời PV các báo đài nước ngoài để tiếng nói phản kháng của chúng ta mạnh hơn nữa;

13. Cần có nhiều hơn các biểu ngữ tiếng Hoa và tiếng Anh. Cần hô ứng các khẩu hiệu lần lượt bằng 3 thứ tiếng: Việt, Hoa và Anh;

14. Nên có đội ngũ giỏi tay nghề chuyên trách ghi lại hình ảnh, âm thanh và không khí của cuộc BT. Nên có người ở nhà chịu trách nhiệm thu nhận, tổng hợp và phát ngay thông tin trực tiếp lên các blog, web kịp thời. Không nên kéo nhau xuống đường hết làm hậu phương đuối sức. Việc đưa tin ngay tại hiện trường cho thấy rất khó đáp ứng đầy đủ. Có người ở nhà tổng hợp vẫn tốt hơn;

15. Nên tổ chức phỏng vấn lẫn nhau tại hiện trường với các kịch bản soạn sẵn bằng các thứ tiếng Việt, Hoa, Anh. Đây là dịp để sinh viên các trường Ngoại ngữ, Quan hệ QT… phát huy tài năng của mình. Nếu phỏng vấn tiếng Việt. Gởi ngay về hậu phương làm phụ đề tiếng Anh, Hoa, và ngược lại;

16. Tranh thủ cuốn hút những người đi đường hay hiếu kỳ tham gia đoàn biểu tình để không ngừng gia tăng lực lượng. Tuyên truyền để những người láng giềng hàng xóm tham gia cùng bạn vì thế ta sẽ có chung điểm xuất phát và điểm trở về không có cảm giác lạc lõng sau BT hay bơ vơ khi gặp sự cố không mong muốn. Người yêu là đối tượng dễ thuyết phục nhất.

17. Nên phát hiện sớm những người không thuộc đoàn biểu tình sớm, tách họ ra để khỏi bị xé lẽ. Phải tham gia BT nhiều mới có khả năng nhận diện. Tuy nhiên, cũng không khó lắm vì nhân thì dân to như biển họ thì lạc lõng như đảo;

18. Nên có tờ rơi để phát cho người đi đường và người ở hai bên đường đoàn đi qua. Nên có một số loa cầm tay để hô khẩu hiệu. Nếu có người biết chơi kèn mang theo kèn như trên sân bong càng tốt;

19. Nên in sẵn phù hiệu BT phát cho những người tham gia mang trên vai áo như ở Nhật để phân biệt với những người trà trộn.

20. Chú ý bảo về lẫn nhau, đề phòng bọn móc túi tranh thủ cướp giật gây rối loạn đoàn BT.

21. Thường xuyên liên lạc với gia đình và người thân để họ luôn biết bạn đang ở đâu làm gì.

22. Nên có một ít thuốc men, bông băng, sơ cấp cứu và có người có nghề chuyên môn tham gia càng hay. Mời BS Hoa Súng!


B. Những điều không nên làm:

1. Nên nhớ mục đích biểu tình là biểu thị lòng yêu nước và phản đối xâm lược biển đảo của Tổ Quốc, nên các mục đích khác phải được loại bỏ, ví dụ: tự do tôn giáo, khiếu kiện đất đai, nhà ở…

2. Nội dung các khẩu hiệu không được quá phản cảm hay thô tục, chửi thề…

3. Hình thức các biểu ngũ không nên quá thô sơ, xấu xí. Nếu viết trên giấy A4 thì không được để nhàu nát, bẩn thỉu. Nên dùng giấy A3 cứng thì tốt hơn vì, sau đó có thể dùng che nắng hữu hiệu hay dùng cho lần sau. Biểu ngữ trên giấy nên cuộn lại không nen gấp. Không nên vứt bỏ vì nó sẽ là vật kỷ niệm khó quên, nên lưu giữ lại;

4. Không mang theo người nhiều tiền bạc, hoặc tư trang tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng;

5. Không vứt rác bừa bãi trên phố hay trong công viên, gây ác cảm của Chính quyền hay người dân với người biểu tình;

6. Không để cờ tổ quốc ở tư thế lộn ngược, đỉnh ngôi sao phải ở phía trên;

7. Không được mang theo hung khí, gậy gộc, chất cháy; không chấp nhận bất kỳ hành động bạo lực hay khiêu khích bạo lực nào.

8. Không tổ chức đốt cờ nước CHNDTH vì có thể gây nguy hiểm hay hỏa hoạn;

9. Không ném gạch đá, hay bất kỳ vật sắc nhọn nào vào LLAN. Khi đấu tranh bằng lời không được tỏ ra mất lịch sự, nên nhã nhặn trong kiên quyết và tranh thủ sự đồng tình, thông cảm của họ. Không nên coi mình là đối lập với LLAN. Thay vào đó, phải thông cảm, coi họ như con, em, anh, chị mình đang làm nhiệm vụ bắt buộc không cưỡng lại được là tốt nhất.

10. Không vẽ viết lên mặt hay tay chân, không cởi áo ở trần trong đoàn biểu tình, không chửi thề, nói bậy hay có các hành động khiếm nhã khác.

11. Không uống rượu trước hay ngay khi tham gia đoàn biểu tình;

12. Không đi thành tốp nhỏ cách xa các tốp khác để tránh bị khống chế hay xé lẻ;

13. Không bỏ rơi đồng đội khi có sự cố, phải cùng nhau tập hợp giữ vững đội ngũ;

14. Không nên tiến hành cuộc BT quá dài, ảnh hưởng tới sức khỏe (đặc biệt là người cao tuổi) và gây xáo trộn nhiều đối với sinh hoạt thường nhật của xã hội (1-2 giờ là tốt nhất);

15. Không để cho BT làm ảnh hưởng tới mưu sinh, hay sinh hoạt thường nhật của bà con; (Làm tăng thu nhập của quán xá thì tốt!!!);

16. Không được tạo ra bất cứ hình ảnh xấu nào của đoàn biểu tình đối với người dân, người đi đường đặc biệt là các PV nước ngoài, dù vô tình hay cố ý;

17. Không được để bất kỳ ai than gia biểu tình gặp nạn mà không được săn sóc (ví dụ say nắng, ngất xỉu);

18. Không nên gây ách tắc giao thông, cản trở các phương tiện và người tham gia giao thông khác, nhưng cũng không được để giao thông xé lẻ đội hình;

19. Không nên tham gia BT với động cơ không trong sáng; lập dị hay PR cá nhân.

20. Không nên cãi vả nhau để tranh quyền lãnh đạo biểu tình. Vì đây là BT tự phát không có tổ chức trước nên đồng thuận tương nhượng nhau để có người chỉ huy tạm thời là tốt nhất. Sau một vài cuộc thực tập chắc chắc quần chúng sẽ phát hiện ra những người có tài năng tổ chức. Tuy nhiên, LLAN cũng phát hiện ra nhanh hơn nhiều.

21. Không coi thường hay miệt thị những người không tham gia BT, coi đó là quyền tự do bày tỏ hay không bày tỏ ý kiến. Có những người không tham gia BT nhưng yêu nước gấp triệu lần những người đi BT. Hãy chấp nhập đa dạng về thái độ như một đặc trưng bất di bất dịch của xã hội dân chủ.


II. VỀ PHÍA CHÍNH QUYỀN VÀ LỰC LƯỢNG AN NINH


A. Những điều nên làm

1. Phải thừa nhận biểu tình là quyền hợp pháp của công dân, chỉ có điều VN chưa có luật biểu tình nên ngành an ninh mới lúng túng đến thế.

2. Nên kiến nghị với cấp trên có ngay một quy định tạm thời về biểu tình hợp pháp: trong đó nêu rõ thể thức đăng ký xin phép, hình thức, quy mô, thời gian, địa điểm… quyền và nghĩa vụ của người BT, người tổ chức BT; những điều LLAN được phép làm và không được phép làm với người biểu tình, quy mô tối đa của LLAN so với quy mô của cuộc BT, các khu vực nhạy cảm cấm biểu tình…

3. Phải coi nhiệm vụ của mình là đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội trong đó có người biểu tình an toàn, an ninh cho đối tượng bị lên án (ví dụ sứ quán hay lãnh sự TQ), chứ không phải tìm cách ngăn cản người biểu tình thể hiện tình cảm thái độ yêu nước của họ.

4. Nên xem các video về biểu tình ở nước ngoài như tại ĐSQ Úc, tại Paris (Pháp), Washington (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản), để xem ở các nước có dân chủ [...] LLAN đối xử thế nào với người biểu tình. [....]

5. Nên hiểu rằng các bạn chỉ thừa lệnh cấp trên [...]. Thực hiện phương sách trung dung là hay hơn cả, an toàn hơn cả: được lòng cấp trên ở mức chấp nhận được và được lòng nhân dân ở mức chấp nhận được. Cũng nên nhớ rằng quan nhất thời, dân vạn đại, đừng để vợ con bạn bị lẻ loi, lạc lõng trong cộng đồng vì hành động quá tay của bạn. Tiến vi quan thoái vi dân, lúc nào cũng hãy là chính mình. Suy nghĩ bằng cái đầu của mình, hành động theo con tim của mình, đừng dể người khác suy nghĩ hộ ta.

6. Nên nhìn những người biểu tình như ông, bà, bố mẹ, anh chị em mình đang có những hành động mà mình nếu không vì bộ sắc phục, không vì nhiệm vụ đang được giao phó cũng sẽ tham gia vào tích cực hơn và nhiệt tình hơn bởi dân ta không ai không có lòng nồng nàn yêu nước;

7. Nên coi trọng giá trị của biểu tình bởi nó là một mặt trận cũng như các mặt trận khác như quân sự, chính trị, ngoại giao. Chính quyền chỉ thực sự lo sợ khi tàu giặc vào gây hấn mà khắp cả nước tịnh không thấy bóng người biểu tình. Đó chính là dấu hiệu mất nước, dấu hiệu quay lưng với CQ của người dân.

8. Nên duy trì một lực lượng an ninh vừa phải càng ít cáng tốt nhưng tinh nhuệ giỏi nghiệp vụ, chủ yếu là bảo vệ các nhân viên ngoại giao không bị nguy hiểm hay quấy rầy;

9. Nên giao tiếp thân mật với người biểu tình và chỉ nói những điều cần nói, tránh tranh luận để không bị nóng giận, mất bình tĩnh sau khi tranh luận thua. LLAN không được đào tạo đủ lý luận để tranh luận, người biểu tình thì đa số là trí thức, học giả, đi tranh luận với họ có mà…

10. Luôn luôn giữ bình tĩnh, tạo hình ảnh đẹp về LLAN trước ống kính Việt Nam và thế giới. Một sự nhịn chín sự lành. Nhịn bà con ta chứ có nhịn bọn xâm lược đâu mà nhục.


B. Những điều không nên làm

1. Đừng bao giờ để người biểu tình coi mình là đối lập với họ và cũng đừng bao giờ coi họ đối lập với mình. Nay mai về hưu sống trong lòng hay ngoài lòng cộng đồng?

2. Đừng để các phần tử xấu trong đoàn biểu tình khiêu khích dẫn đến các hành vi thái quá do mất bình tĩnh;

3. Không cho phép lực lượng không sắc phục bắt người. Khi bắt người phải xuất trình phù hiệu nhân viên AN cho mọi người kiểm tra. Sau khi bắt phải có thông báo rõ ràng lý do. Không bắt họ phải cam kết những điều pháp luật không yêu cầu vì như vậy có thể bị kiện ngược lại.

4. Không được nhìn người biểu tình là thành phần xấu của xã hội. Tránh cái quan điểm quán triệt: nhìn đâu cũng thấy kẻ thù chế độ. Nếu phát hiện có phần tử xấu, [...] nên nhẹ nhàng loại ra bằng nghiệp vụ, không gây xáo trộn lớn cho đoàn BT, không để người BT hiểu nhầm LLAN bắt người biểu tình vô tội. Theo dõi để bắt sau khi cuộc biểu tình kết thúc là thượng sách.

5. Không nên có bất kỳ lời giải thích nào với người BT về việc họ nên hay không nên BT, kiểu như là: “Các bác về đi kẻo nắng, mọi việc đã có Đảng lo rồi”. Thiết nghĩ đây chỉ là giải thích có tính tự phát của một số nhân viên AN, chứ cấp trên dại gì mà phán như thế.

6. Không sử dụng các biện pháp bạo lực với người BT vì pháp luật không cho phép, và có khả năng xử lý nhầm người trong một đám đông lớn như thế.

7. Không nghe theo những luận diệu tuyên truyền của kẻ địch là những cuộc biểu thị lòng yêu nước này có liên quan đến diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ hay cách mạng hoa lài hoa lý… Hãy tin tưởng ở sự trong sáng và sáng suốt của nhân dân. Nếu AN có trăm tay thì quần chúng có ngàn mắt.

8. Không dùng biện pháp nghiệp vụ để xé lẻ cuộc tuần hành, nhưng nói rõ với người biểu tình họ được phép đứng, ngồi ở đâu trong bao lâu và tuần hành trên những tuyến nào và phải giả tán lúc nào là đúng quy định.

9. Không dùng quá nhiều rào cản cứng bằng kim loại đặc biệt là thép gai vì nó dễ tạo ra hình ảnh xấu về LLAN Việt Nam và cho thấy chúng ta yếu chứ không phải mạnh. Làm ngược lại kết quả sẽ tốt hơn nhiều: các lực lượng dự bị đông đảo không ra hiện trường, nhưng khi cần sẽ có mặt hầu như tức thời. Các lực lượng tại chỗ trông rất mỏng manh và cực kỳ lịch sự.

10. Không cho rằng những người biểu tình làm cho công việc của mình vốn đã chồng chất rồi lại trở nên bận rộn, khó khăn hơn. Duy trì lực lượng nhỏ, thay nhau nghỉ cuối tuần như người dân thay nhau đi BT là hay hơn cả. Nêú có muốn trách hãy trách bọn bá quyền xâm lược.


III. VỀ PHÍA NHÂN DÂN VÀ NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG NƠI CUỘC BIỂU TÌNH VÀ TUẦN HÀNH ĐI QUA


A. Những điều nên làm

1. Nên có thái độ ủng hộ những người tham gia tuần hành vì chính họ đã và đang thể hiện ra tiếng nói thầm kín trong lòng mình mà do nhiều hoàn cảnh khác nhau, mình chưa thể tham gia cùng họ được.

2. Nên biểu lộ thái độ cổ vũ, hoan nghênh những người biểu tình bằng lời nói, cử chỉ hay biểu lộ sự đồng tình trên khuôn mặt, nụ cười. Những người đi BT cần nhất là sự đồng tình của bà con. Chính nó tạo sức mạnh và sự nâng đỡ tinh thần quan trọng và tăng cường quyết tâm cho những những người muốn thể hiện yêu nước.

3. Nếu có thể, nên có những hành động, việc làm mang tính trợ giúp người BT, như giúp đỡ nước uống, cho phép đứng chờ tại nơi mình đang sinh sống hay kinh doanh…

4. Nếu có thể, nên làm sẵn những biểu ngữ hay khẩu hiệu nhỏ, để cung cấp cho người BT nào chưa có. Bởi vì các biểu ngữ bằng giấy cất giữ trong người, khi người tham gia BT đến nơi tập kết, thường không còn thẩm mỹ nữa. Một nguồn bổ sung tại chỗ là quan trọng làm tăng khí thế cuộc BT.

5. Nên sẵn lòng trợ giúp người BT khi có sự cố như say nắng, ngất xỉu, tại nạn… vì đó chính là sự biểu hiện cụ thể của tinh thần yêu nước thương nòi.

6. Nên góp phần chỉ điểm cho những người BT biết các thành phần xấu trà trộn để đảm bảo trật tự và thành công của cuộc BT, vì chính bà con là người am hiểu nhất tình hình an ninh tại khu phố mình ở.

7. Những người đi đường nên bày tỏ thái độ ủng hộ đoàn biểu tình bằng cách hô theo các khẩu hiệu, hay quay phim, chụp hình để phổ biến lên mạng. Nếu được phát tờ rơi nên giữ lại đọc và chuyền tay cho người khác đọc để giúp mở rông làn sóng yêu nước trong toàn quốc.

8. Người đi đường nếu không bận công việc, nên tham gia biểu tình để tăng cường lực lượng BT, bổ sung sức mạnh cần thiết vì cuộc BT càng đông càng gây tiếng vang trên thế giới, kẻ thù càng phải quan ngại khi tiến hành những bước tiếp theo.

9. Người tham gia giao thông, nếu có thể, nên nhường lòng đường hay lề phố cho người tham gia BT như là thể hiện sự tôn trọng của bà con với người BT, đồng thời đảm bảo ATGT.

10. Tích cực tuyên truyền cho các bà con khác cũng như CQ về diễn biến của cuộc BT, nội dung các biểu ngữ, tinh thần và ý thức kỷ luật của người BT nhằm tạo được sự đồng thuận cao của xã hội bao gồm cả bà con và CQ.

Nên giữ lại các biểu ngữ, khẩu hiệu đẹp, hay treo ngay nơi cửa hàng của bà con, chắc chắc bà con sẽ có nhiều khách hơn khi biết đánh trúng vào tâm lý yêu nước đang dâng nơi khách hàng.


B. Những điều không nên làm

1. Không nên phản đối, chống đối hay có thái độ thù địch với người đi biểu tình, vì cho rằng BT ảnh hưởng tới công ăn việc làm và thu nhập chính đáng của bà con. Mỗi tuần BT chỉ diễn ra có một lần và tuần hành qua chỗ bà con thường không quá mấy phút…

2. Không nên có những lời lẽ khiếm nhã hay chửi bới người tham gia BT khi họ vô tình đi vào “hành lang” kinh doanh buôn bán của bà con.

3. Không nên có thái độ cho rằng những người BT là lập dị hay có liên quan đến các phần tử “xấu” và “nguy hiểm” bởi vì họ chính là anh, em bà con, láng giềng, con cháu chứng ta cả, chỉ vì giận quân xâm lược mới phải xuống đường bày tỏ thái độ.

4. Không nên tăng giá hàng “đột biến”, đặc biệt là những mặt hàng cần thiết cho BT như cờ Tổ Quốc, áo có in cờ Tổ Quốc, nước uống…

5. Những người đang tham gia giao thông (điều khiển phương tiện, hay đi bộ trên lề) không nên giành đường với đoàn BT đang đi qua hoặc gây chia cắt đoàn BT, để tránh xô xát không cần thiết hay mất ANGT, không có lợi cho mình cũng như đoàn BT.

6. Không nên nói xấu hoặc nói không đúng sự thật về một người tham gia biểu tình nào đó khiến cho nhân viên AN đang đi điều tra có thể đánh giá sai về người biểu tình. Nếu người tham gia biểu tình có khuyết điểm khi sống trong khu phố thì không nên phóng đại quá mức hay thêm thắt tình tiết làm sai lạc kết quả điều tra của nhân viên AN.

7. Không nên có thái độ cực đoan: Người tham gia BT là người yêu nước, người không tham gia BT là người không yêu nước. Hay ngược lại: Người tham gia BT là xấu, người không tham gia BT mới là người tốt. Hãy tôn trọng sự tự do trong lựa chọn phương cách phản ứng của mỗi một công dân.

8. Không nên suy nghĩ sai lầm cho rằng việc gia tăng các cuộc BT của người Việt Nam trong và ngoài nước có tác dụng khiến CQ Bắc Kinh có thái độ cứng rắn hơn mà suy nghĩ ngược lại, như thực tế vừa qua cho thấy, mới là hợp lẽ.

9. Những người có trách nhiệm của các công sở, trường học không nên ra đứng bên đường để gọi nhân viên hay sinh viên của mình chấm dứt tham gia biểu tình, vì hành vi tham gia BT là hợp hiến và hợp pháp do đó ngăn cấm BT là vi hiến và phi pháp. Hình ảnh không đẹp mắt của quý vị sẽ được cả thế giới trông thấy và hẳn là con em các vị sẽ không tránh được cảm giác xấu hổ trước bạn bè, đồng nghiệp…

10. Những người có trách nhiệm của các công sở, trường học không nên ký các văn bản có nội dung kỷ luật hay sa thải nhân viên hay đuổi học sinh viên tham gia biểu tình bởi vì các văn bản này có thể được sử dụng để chống lại các vị một khi hành vi của các bị bị quy kết là vi hiến và phi pháp. Hãy quan sát xem các công sở, trường học khác phản ứng ra sao trước khi quyết định phản ứng của mình. Quốc Hội khóa tới sẽ quyết định việc này cụ thể. Cầm đèn chạy trước ô-tô lắm lúc tai hại.


IV. VỀ PHẦN NGƯỜI THAM GIA BIỂU TÌNH BỊ BẮT GIỮ

A. Những điều nên làm


1. Khi tham gia BT nên luôn luôn đi sát một hay một vài người đã quen hay mới quen nhưng đáng tin để, nếu ta hay người đó bị bắt thì mọi người sẽ được thông báo ngay lập tức mà có đối sách thích hợp.

2. Khi bị bắt, nên kịp thời thông báo bằng mọi cách: la to, vẫy tay, ra hiệu và phản ứng hợp lý, để cho mọi người trong đoàn BT chú ý và biết có sự cố xảy ra.

3. Khi bị giữ lại nơi trụ sở, xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân (nếu có mang theo), khai chính xác về nhân thân, địa chỉ cư trú.

4. Đề nghị người được phân công làm việc với mình cho biết lý do bắt giữ.

5. Khi được hỏi lý do, động cơ BT thì trả lời: lòng yêu nước và căm thù ngoại xâm. Về cơ sở pháp lý thì dẫn điều 69 của hiến pháp.

6. Khi được hỏi về thông tin BT thì trả lời: từ mạng internet hoặc từ các tụ điểm đông người...

7. Khi được hỏi về số lần tham gia thì trả lời đúng như sự thật.

8. Trong khi chờ đợi sự ứng cứu của đoàn BT, hãy giữ bình tình, tự tin về hành vi chính đáng của mình. Thiệt vàng không sợ chi lửa.

9. Đề nghị được liên lạc với gia đình, người thân hay bạn bè đang tham gia BT và thông báo cho họ tình cảnh của bạn.

10. Dùng lời lẽ ôn hòa, có thái độ lịch sự với người làm việc với mình bởi lẽ khác với những người cấp dưới, đa số những người được cử ra làm việc đều là người có học thức nhất định, có nghiệp vụ tốt và có tư cách tốt. Luôn lưu ý rằng họ đang làm phận sự của một công bộc. Họ phải làm theo chức năng nhiệm vụ được giao và rất nhiều khi trái với ý chí của họ.

B. Những điều không nên làm

1. Không nên phản ứng thái quá khi bị bắt bắt như cắn, đánh trả quyết liệt, gây thương tích, vì làm như thế bạn rất dễ bị kết tội chống người thi hành công vụ.

2. Không man khai về nhân thân, địa chỉ nhưng cũng không cần khai quá nhiều chi tiết có thể gây bất lợi cho bạn như tên trường học, cơ quan làm việc…

3. Không đập phá làm hỏng hay quẳng đi những vật dụng ở nơi tạm giữ, đặc biệt là lúc chỉ có một mình.

4. Không nghe theo lời đề nghị được tha sớm hay đe dọa vô căn cứ mà khai những thông tin không đúng sự thật được mớm hay tự bịa ra, ví dụ như: đi BT theo lời xúi giục của ai, nhận tiền từ ai để đi BT. Những thông tin bịa đặt này sau đó có thể được sử dụng để chống lại bạn với những tội danh khó chối cãi.

5. Không ký tên nhận tội, vì BT là quyền hợp pháp và hợp hiến. Không ký tên vào những giấy tờ như: cam đoan không tiếp tục BT, vì những văn bản kiểu này cũng không hợp pháp và không có tính ràng buộc pháp lý.

6. Không khóc lóc, năn nỉ, xin xỏ để được thả ra sớm. Không được nhận rằng hành vi BT của mình là có tội đối với đất nước.

7. Không tìm cách đào thoát như trèo qua cửa sổ… vì làm như vậy, vừa nguy hiểm lại vừa phạm pháp.

8. Không ngắt lời người làm việc với mình. Không nói quá to, chủi thề, văng tục… Chờ cho họ nói xong mới từ tốn trả lời từng điểm một. Không nhìn đi nơi khác khi trả lời. Nên nhìn thẳng vào mặt họ. Nó chứng tỏ bạn là người trung thực.

9. Những gì được hỏi mà bạn không rõ, không biết, thì trả lời không biết. Chớ suy diễn hay bịa thông tin để trả lời vì nó có thể gây hại cho bạn sau này.

10. Không cung cấp những thông tin mà có thể gây bất lợi cho người khác đặc biệt những người cùng tham gia BT với bạn.


***


Mong rằng sau khi đọc những lời khuyên tâm huyết của một công dân đã lớn tuổi, các cấp CQ cũng như LLAN sẽ sáng suốt hơn trong sách lược đối phó với người BT, để bạn bè năm châu tin tưởng VN hơn và ủng hộ VN trong cuộc đấu tranh lâu dài để bảo về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Lòng không mong gì hơn được thấy ngày sau con cháu lớn mạnh lấy lại được Hoàng Sa cho hả dạ tổ tiên. Đời tôi đây chắc chẳng có hy vọng được thấy, nhưng tôi tin tưởng thế hệ tương lai sẽ làm được với một chính quyền khôn ngoan, sáng suốt và có trách nhiệm với tiền nhân.


Tôi có mấy lời nhắn gửi, xin bà con, quý vị có trách nhiệm lắng nghe được đôi chút là mãn nguyện lắm rồi.

TỔ QUỐC VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!

ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TOÀN VẸN LÃNH THỔ MUÔN NĂM! 


MỘT TIN VUI VỚI CÁC CÔNG DÂN TỪNG XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC GÂY HẤN SUỐT MÙA HÈ NĂM NGOÁI : BÀ CON NÔNG DÂN CÁC TỈNH LÂN CẬN VÀ NGOẠI THÀNH HÀ NỘI SẼ KÉO VỀ THỦ ĐÔ ĐỂ HƯỞNG ỨNG TINH THẦN CỦA BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM.

88 nhận xét:

  1. Lựa chọn duy nhất cho sự toàn vẹn lãnh thổ, hãy thể hiện quan điểm của mình bằng hành động cụ thể - HÃY XUỐNG ĐƯỜNG!!!!

    Trả lờiXóa
  2. Nhất trí với bác,hẹn nhau chủ nhật 1.7 này.
    Nào các bạn ,vững bước mà đi .

    Trả lờiXóa
  3. Nhất trí với các bạn, chúng ta hãy cùng nhau mang gia đình xuống đường thể hiện tinh thần hào khí Diên Hồng của người Việt !

    Trả lờiXóa
  4. Rất đúng mong đợi của bà con chúng tôi, hãy cùng nhau xuống đường ngày 1 tháng 7 nào bà con ơi !

    Trả lờiXóa
  5. hẹn gặp nhé -bờ hồ

    Trả lờiXóa
  6. tiếc quá mình đang ở nước ngoài không tham gia được,hẹn lần sau vậy!chúc cuộc xuống đường thể hiện lòng yêu nước thành công nhé

    Trả lờiXóa
  7. cùng nhau xuống đường ,nếu không thì đất nước này sẽ hao dần về tay tàu cộng mất,mất nước là mất tất cả,bà con hãy vì tổ quốc cùng nhau xuống đường nhé...

    Trả lờiXóa
  8. Thư ngỏ nhân sự kiện “Quốc hội thông qua Luật Biển” và hưởng ứng lời kêu gọi “XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH NGÀY 1-7-2012” phản đối Trung Quốc, ủng hộ Luật Biển vừa được Quốc Hội thông qua, ủng hộ Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao.
    -----------------------------------------------------

    Kính gửi : - Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
    - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (thông qua
    ông Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Lịch
    sử, Đại biểu Quốc hội đương nhiệm)

    Là NGƯỜI VIỆT, những ai không quên lịch sử hào hùng nước Nam ta hẳn đều ghi nhớ chiến công hiển hách hơn 1000 năm trước của quân dân Đại Việt thời Nhà Lý, đã đánh tan đội quân xâm lược nhà Tống đến từ phương Bắc, với chiến thắng lẫy lừng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, gắn liền với tên tuổi của vị Tổng chỉ huy lỗi lạc – Nguyên soái Lý Thường Kiệt cùng bài thơ bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà” của ông :

    “Nam quốc sơn hà Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

    Dịch nghĩa :

    “Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành đã định tại sách Trời
    Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

    Đó chính là một tuyên ngôn bất hủ từ rất sớm về chủ quyền lãnh thổ, cương vực của Đất Nước, với lời lẽ đầy hào sảng, biểu lộ khí phách quật cường của quân dân Đại Việt. Ai đích thực là con dân Đại Việt lại không lấy làm tự hào, quyết nối chí Tổ Tông Tiên Liệt, bảo vệ vững chắc Sơn Hà Xã Tắc cho muôn đời con cháu.

    Vậy mà, hơn 1000 năm sau… Điều gì đã và đang diễn ra ?

    Giặc phương Bắc – bây giờ được ai đó do ươn hèn mà gọi là “nước lạ”, vốn chưa bao giờ từ bỏ dã tâm bành trướng từ hàng ngàn năm trước, không những luôn luôn diễu võ dương oai mà trên thực tế đã, đang và tiếp tục không từ mọi thủ đoạn để thực hành kế sách đè bẹp nhằm đi đến thôn tính Đại Việt, trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, thông tin, văn hóa, xã hội ..., cả trên đất liền, trên không, trên biển, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi v.v. và v.v…

    Vậy mà, khi những con dân Đại Việt muốn biểu lộ lòng yêu nước, chỉ vừa mới bày tỏ ý định cất lên tiếng nói ôn hòa để phản kháng những hành vi ngang ngược “uốn lưỡi cú vọ mà xỉ mắng Triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ” của lũ rợ phương Bắc (đâu phải chờ đến bây giờ khi Quốc hội thông qua Luật Biển), thì lại có những thế lực nhà nước một mặt tìm mọi cách ngăn cản, thậm chí vu vạ và thẳng tay đàn áp người yêu nước, mặt khác ra sức ngụy biện cho sự đớn hèn của mình dưới các chiêu bài “chống diễn biến hòa bình”, “bảo vệ sự ổn định chính trị”, “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo” v.v và v.v... Khi thể hiện tư cách “hèn với giặc, ác với dân”, phải chăng những thế lực Trần Ích Tắc – Lê Chiêu Thống trong chính quyền đương nhiệm đã bắt đầu lộ diện ? Và nếu vậy, chính quyền này có còn đủ tính “chính danh” ???

    Buộc người dân phải sợ khi bày tỏ lòng yêu nước, ngăn cản người dân bày tỏ lòng yêu nước, và thực tế gần đây đã là như vậy. Thử hỏi trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của Dân tộc đã có bao giờ chủ quyền của của Nước của Dân lại bị tự hạn chế và đè nén bởi nhà cầm quyền một cách mỉa mai cay đắng như thế này chăng ? Và ai là kẻ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc về thực tại đau lòng này ?

    Ai ???
    Ai ???
    Ai ???

    Chúng tôi khẩn thiết trông chờ một câu trả lời chính thức từ quý vị.

    Một Con Dân Nước Việt

    Trả lờiXóa
  9. Hào khí Việt Nam bất diệt

    Trả lờiXóa
  10. Người Sông Tiềnlúc 06:46 28 tháng 6, 2012

    Tôi ủng hộ quyền biểu tình của người dân Việt Nam như kế hoạch kêu gọi của "Nhật Ký Yêu Nước" vào ngày 1/7/2012 sắp tới.

    Trả lờiXóa
  11. Khẩu hiệu mớilúc 07:41 28 tháng 6, 2012

    Khẩu hiệu mới:
    "KHÔNG ĐỔI 9 LÔ DẦU KHÍ LẤY 16 CHỮ VÀNG VÀ 4 TỐT"

    Trả lờiXóa
  12. Biểu tình là biểu thị lòng yêu nước ,là hành động thiết thực giáo dục lòng yêu nước!

    Trả lờiXóa
  13. DẬY MÀ ĐI
    ( (Tặng Phương Bích,Bùi Hằng, Trí Đức)
    Đồng bào ơi!
    Thời cơ đã đến rồi đây
    Cái ngày "đạp mặt"," tù đầy đã qua
    Ta đi giữ lấy sơn hà
    Đòi lại biển đảo ông cha lưu truyền
    Dậy mà đi ,hát vang lên
    Hãy vì nợ nước mà quên thù nhà
    Quên đi cay đắng xót xa
    Mai sau đời sẽ hiểu ta ngại gì
    Dậy mà đi! ,đứng lên đi!
    Ta vì tổ quôc ,đâu vì bản thân
    Dậy mà đi! vững đôi chân!
    Những phường trộm cướp, bất nhân sá gì.

    Trả lờiXóa
  14. Phải biểu tình để thể hiện chứng kiến của mình, xây dựng xã hội dân sự, quyền công dân,phá bỏ cái xấu,ủng hộ cái tốt để đất nước ngày một văn minh.

    Trả lờiXóa
  15. KÊU GỌI HÃY CÙNG NHAU HÀNH ĐỘNG - Một việc làm vô cùng ý nghĩa cho TỔ QUỐC cho ĐỒNG BÀO
    Tiếp bước mùa hè 2011 là bổn phận và trách nhiệm của tất cả CÔNG DÂN VIỆT NAM

    Trả lờiXóa
  16. Kỳ này 1-7 ,biểu tình lớn à !Thêm các bác nông dân mất đất nữa .Còn có bác Sang mồi lửa ,tiếp hơi nữa chứ ?Đúng không ?

    Trả lờiXóa
  17. Nhiệt liệt ủng hộ biểu tình yêu nước mùa hè 2012!
    Chúc biểu tình yêu nước thành công.
    Trân trọng.

    Trả lờiXóa
  18. Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
    Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng...
    cứ có quyền là có lý(?)
    - Ở nước ngoài, nước mắt cứ chảy dài vì thương dân mình...
    Thật sự cảm phục bà con đi biểu tình.

    Trả lờiXóa
  19. Bộ Cá Tra - boncatra@yahoo.comlúc 22:19 28 tháng 6, 2012

    Biểu tình chống bọn bành trướng bá quyền TQ xâm lược là yêu nước, Ai bắt bớ, ngăn cản người yêu nước là vi phạm hiến pháp và pháp luật, là phản động, là thế lực thù địch của nhân dân.

    Trả lờiXóa
  20. Chính quyền Hà Nội đê hèn thế nào cũng lại có văn bản cấm biểu tình nhưng không ai ký.

    Trả lờiXóa
  21. Nhiệt liệt ủng hộ lời kêu gọi. Cám ơn Nguyễn Xuân Diện tiếp tục kết nối vòng tay lớn.

    Trả lờiXóa
  22. PHẬT GIÁO đã rung chuông :

    GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
    VIỆN TĂNG THỐNG

    Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Sài Gòn
    ————————————————————————————————————

    Phật lịch 2556 Số: 08/VTT/TB/TT

    THÔNG BẠCH

    kêu gọi tham gia biểu tình chống ngoại xâm cứu nguy đất nước

    Kính Gửi:

    Quí vị Lãnh đạo các Tôn giáo, các Nhân sĩ, Trí thức, các Đảng phái, các Đoàn thể, Tổ chức, Sinh viên học sinh và toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

    Kinh thưa Quí liệt vị,

    Đã hàng ngàn năm qua, Trung quốc luôn xâm lăng tổ quốc Việt Nam, hết lần này đến lần khác, chưa bao giờ từ bỏ mộng bành trướng Đại Hán này.

    Hiện nay, các hải đảo Hoàng sa, Trường sa và một phần lãnh thổ Miền Bắc đã bị Trung cộng xâm chiếm. Các vùng Cao nguyên Trung phần và rừng núi 10 Tỉnh trên toàn quốc đã bị Trung cộng tìm cách lấn chiếm dưới hình thức khai thác Bau-xít hay thuê đất trồng rừng dài hạn 50 năm trở lên.

    Trung cộng đã lập Huyện Tam sa bao gồm các hải đảo Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam.

    Từ năm 2005 đến nay, Trung cộng đã nhiều lần bắn giết, cướp bóc tàu thuyền, tài sản của ngư dân Việt Nam. Trung cộng lại còn bắt giam ngư dân, đòi tiền chuộc như những nhóm thảo khấu.

    Hành động xâm lăng của Trung cộng rất ngang nhiên trắng trợn. Nhưng Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bị kẹt trong thoả thuận “16 chữ vàng và 4 tôt”, không phân rõ bạn thù, nên chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ, làm cho Trung cộng được trớn, ngày càng xâm chiếm các vùng lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam nhiều hơn, mạnh tay hơn.

    Nhưng biên giới phía Bắc lại bị bỏ ngõ, mặc tình cho người Hoa tự do xâm nhập vào lãnh thổ nước ta mà Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không kiểm soát được.

    Người Hoa đã thành lập các khu phố Tàu, khu khai thác biệt lập không ai vào được, ở Bình dương, Lâm đồng và nhiều nơi khác.

    Nay, Trung cộng lại còn ngang nhiên cho đấu thầu khai thác 9 lô dầu khí trong hải phận Việt Nam.

    Trước nguy cơ ngàn năm Bắc thuộc tái hiện, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cất lời thống thiết kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam không phân biệt chính kiến, tôn giáo, già trẻ, nam nữ, dân tộc, đảng phái, trong và ngoài nước…hãy cùng nhau xuống đường biểu tình vào ngày Chủ nhật, 01.7.2012, để chống ngoại xâm, cứu nguy đất nước.

    Nguyện cầu hồn thiêng sông núi, các anh hùng liệt nữ phù hộ cho đất nước Việt Nam thoát khỏi ách ngoại xâm.

    Cầu chúc toàn dân Việt Nam thành công trong ý chí và hành động.

    Sài gòn, ngày 28.6.2012.
    Thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN
    Đệ Ngũ Tăng Thống
    (ấn ký)
    Sa môn Thích Quảng Độ

    Trả lờiXóa
  23. Thanh that kham phu.c ca'c ban

    Trả lờiXóa
  24. điều đáng nói là hầu hết các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vừa qua lại không chỉ đơn thuần là để biểu thị lòng yêu nước mà lại đang bị các phần tử xấu, thù địch với nhà nước Việt Nam lợi dụng để chuyển thành biểu tình chống Đảng, chống Nhà nước. Rất nhiều lời kêu gọi đi biểu tình phản đối Trung Quốc là xuất phát từ các đối tượng và các trang Web, Blog phản động, thù địch với Nhà nước Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  25. Họ đang lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động nhân dân đi biểu tình nhằm gây mất ổn định an ninh trật tự tại các thành phố lớn nhất là thủ đô Hà Nội, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Mặt khác họ kích động nhân dân đi biểu tình là để nhằm làm căng thẳng quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, buộc Đảng, Nhà nước ta phải “loay hoay” đối phó với Nhà nước Trung Quốc. Nguy hiểm hơn họ muốn thông qua danh nghĩa “phản đối Trung Quốc” để kích động nhân dân xuống đường biểu tình để rồi nếu có cơ hội thì sẽ chuyển từ biểu tình chống Trung Quốc sang thành biểu tình chống Đảng, Nhà nước. Hầu như trong các cuộc biểu tình đã diễn ra những người tích cực hô hào, kích động nhất chính là các đối tượng thù địch với Nhà nước Việt Nam

    Trả lờiXóa
  26. Tôi không biết những con người này vì quá trẻ tuổi, nhận thức nông nổi hay vì bị mấy phần tử xấu, thù địch cho ăn tiền hay “bùa mê thuốc lú” mà lại có những hành động như vậy. Họ có biết hành động của họ không những chẳng giúp ích gì cho việc bảo vệ chủ quyền mà ngược lại còn khiến cho hình ảnh Việt Nam bị xấu đi trong con mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam vẫn luôn được quốc tế đánh giá là nước có độ ổn định chính trị cao vì thế cho nên thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài. Nay với việc làm của mình họ có nghĩ sẽ làm cho bạn bè quốc tế nghĩ khác đi về Việt Nam từ đó không tới du lịch, đất nước mất đi một nguồn thu đáng kể không. Họ có biết chỉ chờ họ nằm lăn ra đường là ngay lập tức các phần tử xấu, chống đối, thù địch quay phim, chụa ảnh rồi tuyên truyền xuyên tạc ầm ĩ trên mạng Internet để chống phá Đảng, Nhà nước Việt nam chúng ta không. Thật là đáng buồn thay.

    Trả lờiXóa
  27. nếu thực sự biểu tình có thể giải quyết vấn đề với trung quốc thì không nói làm gì nhưng biểu tình ở đó chỉ là cái vỏ bọc mà những kẻ muốn cho nhà nước không ổn định kích động và lôi kéo mọi người để phục vụ cho cái mục đích của chúng mà thôi. Yêu nước thì cũng phải biết suy nghĩ chứ không thể mù quáng để cho chúng lợi dụng thực hiện những việc làm mà gây tổn hại tới những lợi ích thiết thực của người dân vừa mất ổn định vừa không đem lại kết quả như mong muốn. VÌ thế yêu nước làm sao cho đúng đắn có tư tưởng lập trường quan điểm rõ ràng chứ đừng có mô hồ mà quên hết rồi yêu nước thì chưa thấy đâu nhưng hại nước thì rành rành ra đấy

    Trả lờiXóa
  28. Bác bác ý chửi chúng mày ở chỗ khác cơ. Không dám chửi lại mà phải đi rêu rao lung tung thế này. Hay sợ không dám nói trước mặt người ta, nói ra lại bị đập cho mặt mũi be bét đến má mày nhận không ra. Làm thơ, làm văn không lại người ta, lại còn làm trò đi cắn sau lưng thế này, đáng thương lắm.

    Trả lờiXóa
  29. Yêu nước, yêu nước. suốt ngày yêu nước nhưng lại đi làm những việc vớ vẩn. Yêu nước nhưng lại nằm dài ra đường để để ăn vạ thì có phải là ăn hại đất nước hay không. Nếu tất cả những ai yêu nước mà cũng như thế thì đất nước có phải là loạn không. Yêu nước nhưng cứ nằm chềnh ềnh ra đường mà ăn vạ như vậy thì thật là không còn ra cái thể thống gì nữa. Thứ nhất là xét dưới góc độ pháp luật thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng. Nhà nước Việt Nam cấm những hành vi gây phương hại đến An ninh trật tự. Còn việc lợi dụng lòng yêu nước để làm những chuyện vì lợi ích riêng của mình là một việc làm vấy bẩn lên lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  30. Nói rằng hai nước thì cũng hơi quá rồi. Tuy chẳng hại nước nhưng việc đó gây mất trật tự xã hội. Nằm giữa lòng đường như vậy là có ý gì đây? Tại sao họ đi biểu tình mà còn nghĩ ra trò này. Những người đi biểu tình thiết nghĩ họ cũng nên dùng cái đầu để chứng tỏ mình là người văn minh. Biểu tình chứ có phải làm loạn đâu. Cái chất trong cuộc biểu tình ấy thực chất tôi chưa nhìn ra được

    Trả lờiXóa
  31. Mình thì không nghĩ những người này yêu nước. Bạn Alice nhìn đi, những kẻ cầm đầu cuộc biểu tình toàn những kẻ tên tuổi trong việc chống phá đất nước. Và xung quanh chúng là đám "danoan" mà chúng nuôi dưỡng từ lâu. Vậy theo bạn nhưng kẻ đó có thể yêu nước không. Bản thân mình đã không chấp nhận những cuộc biểu tình như thế này bởi nó không mang lại gì cả, mà chỉ làm hại thôi

    Trả lờiXóa
  32. Cái ảnh đó chắc là chiều mát thấy nhờ nhờ, haiz cũng khôn phết đấy, có giỏi thì giữa tròi tiết như hôm nay tâm 12h trưa lăn ra mà biểu tình, đúng là lũ ngu dốt, làm bậy làm bạ! yêu nước cái con khỉ, làm thế đc lợi lộc gì cho quốc gia cho dân tộc cơ chứ!

    Trả lờiXóa
  33. Biểu tình chống Trung Quốc hay là đang chống chính chúng ta thế các bác, gì mà nằm hết ra đường gây ùn tác giao thông, người đi làm cũng chẳng về được nhà, như thế được coi là yêu nước ư, cái thời đại này loạn hết rồi! ĐÚNG LÀ HÀI HƯỚC!

    Trả lờiXóa
  34. Đúng là hâm dở thật, mấy bác kia đứng ra cho oto đâm bẹp cho nhanh, cho gọn! đúng là không biết quý trọng mạng sống của mình và không biết đâu là đúng là sai, cứ làm bừa làm liều, thời bình hiện nay yêu nước là phải thể hiện bằng việc hăng say lao động, cống hiến cho quốc gia dân tộc bằng chính sức lao động của mình.

    Trả lờiXóa
  35. Yêu nước cũng phải năm bẩy loại, sáu bẩy kiểu... thời buổi kinh tế thị trường nên giá cả của yêu nước cũng cao khiến nhiều người đem đấu giá! Phản động trả giá cao thì đi nằm ngửa để yêu nước, hải ngoại mà trả giá cao thì bán bố, bán danh dự gia đình để yêu nước...

    Trả lờiXóa
  36. Yêu nước bằng mồm cái kiểu hò hét nhau đi biểu tình thì nói thật chứ thằng nào mà chẳng làm được, nhưng quan trọng là nó có hiệu quả hay không, hay là chỉ là tiếp tay cho những kẻ chủ mưu nhằm ý đồ lật đổ Đảng cộng sản và đứng lên lập ra cái nhà nước tư bản ăn thịt người của bọn chúng chứ

    Trả lờiXóa
  37. Nếu yêu nước thực sự thì hãy dùng hàng động cụ thể của bản thân mình ấy chứ đừng có dại gì mà tham gia vào mấy cái tổ chức kêu gọi biểu tình với picnic gì cả. Chúng chỉ là cái bọn thích phá hoại nhàn cư vi bất thiện kêu gọi mọi người gây rối trật tự an toàn xã hội mà thôi

    Trả lờiXóa
  38. Yêu nước mà nằm ra đường như kiểu ăn vạ để mọi người không có đường đi hay sao? Yêu nước là hét hò chống đối nhà nước sao? Cứ ngồi lại mà suy ngẫm cho kỹ vấn đề là hiểu ngay được đấy là yêu nước hay hại nước, mong rằng mọi người sẽ tỉnh ngộ để đừng mê muội nghe theo đám rận kia nữa

    Trả lờiXóa
  39. Dù sao chúng ta vẫn phải làm hàng xóm của Trung Quốc, cho dù họ xấu hay họ tốt thì chúng ta cũng không có lựa chọn khác. Sống hòa bình bên cạnh nhau mới khó chứ chiến tranh thì chỉ cần vác súng ra bắn đòm một cái là coi chừng hôm sau tổng động viên ngay.

    Trả lờiXóa
  40. nếu biểu tình, tụ tập đông người kiểu này mà giải quyết được vấn đề thì chắc chắn là điều quá dễ dàng rồi. nhưng mà biểu tình chỉ làm cho tình hình xấu đi mà thôi. thứ nhất, đó sẽ là cái cớ để trung quốc đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp bành trướng, các hành động đe dọa vũ trang. Đó là một điều hết sức nguy hiểm. thứ hai, trên phương diện ngoại giao, Việt Nam và trung quốc vẫn dựa trên mối quan hệ hợp tác, hòa bình và ổn định. việc biểu tình sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của nhà nước chúng ta, ảnh hưởng rất lớn đến việc tranh chấp trên biển đông, mà chúng ta sẽ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất. CHưa hiết, nói về chuyện biểu tình, mang tiếng làu biểu tình yêu nước, nhưng thực chất là hàng loạt các hoạt động chống phá, kêu gọi và kích động nhân dân nhằm chống phá chính quyền và nhà nước. Đó là một mối nguy ngại rất lớn, chúng ta nên ngăn chặn kịp thời.

    Trả lờiXóa
  41. Nhìn qua bức ảnh thì thấy thành phần tham gia "phơi" giữa lòng Hà Nội cũng khá phong phú, lớn có bé có, già có trẻ có. Người trẻ thì nhận thức còn bồng bột nông nổi đã đành. Đằng này không hiểu sao cũng có mặt những người lớn tuổi ở đây. Không lẽ họ có lớn mà không có không, không thấu hiểu lý lẽ hay sao.

    Trả lờiXóa
  42. không ai cấm việc biểu tình chống Trung Quốc nếu biểu tình đúng pháp luật và không gây rối trật tự làm mất ổn định chính trị bởi lẽ biểu tình chống Trung Quốc cũng là một việc thể hiện lòng yêu nước của người dân. Tuy nhiên kiểu biểu tình mà nằm lăn ra đường ăn vạ như mấy nhà rân chủ kia thì lần đầu tiên thấy. thật chẳng ra sao cả.

    Trả lờiXóa
  43. Mấy ngày gần đây dạo qua các trang mạng như như tễu, xuandienhannom, Huỳnh Ngọc Chênh, Anh ba sàm… lại thấy xuất hiện nhiều lời kêu gọi đi biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn các ý kiến này đều cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam và chỉ có cách đi biểu tình mới có thể bảo vệ được chủ quyền biển đảo. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam đó là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Nhưng sống trong một thế giới đa dạng và phức tạp như hiện nay, làm thế nào để bảo vệ chủ quyền một cách tỉnh táo và khôn khéo nhất mới là điều quan trọng.

    Trả lờiXóa
  44. Để những công việc đó được tiến hành thuận lợi cần lắm sự ổn định chính trị ở trong nước. Chúng ta đi biểu tình phản đối Trung Quốc liệu chúng ta có nghĩ những việc làm đó của chúng ta lại vô hình trung đang cản trở công cuộc bảo vệ chủ quyền của chúng ta không. Giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông có quan hệ chặt chẽ với ổn định an ninh nội địa. Nếu an ninh nội địa không được giữ vững, “trong không yên ổn” thì chúng ta không thể đối phó với bên ngoài, không thể bảo vệ được chủ quyền. Đấy là chưa kể phần lớn các lời kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc này đều xuất phát từ các đối tượng chống đối, thù địch với Nhà nước Việt Nam ở trong và ngoài nước.

    Trả lờiXóa
  45. Hiện nay các thế lực thù địch thường dựa vào vấn đề nhạy cảm giữa Việt Nam với Trung Quốc để tiến hành các hoạt động kích động và lôi kéo người dân tham gia biểu tình chống chính quyền, gây rối mất trật tự an ninh. Mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù, không nên để lòng yêu nước của mình bị kẻ thù lợi dụng làm công cụ chống phá cách mạng

    Trả lờiXóa
  46. Chẳng những thế mà nó còn có cà sách lược cụ thể nữa là khác, bởi vậy khi điểm mặt bọn này thi vẫn là những mặt quen thuộc Bùi thị minh Hằng, Ng xuân Diện, Ng tường Thụy vv... lợi dung nhà nước buông lỏng cho dân nhiều quyền tự do, lấy cớ chống TQ rồi gây rối loan mất trật tự trị an chứ họ đâu có lòng yêu nước ,vì sự bình yên của đất nước, có điều tôi thấy công an VN quá hiền lành cãi nhau tay đôi với bọn nó chứ như ở Hoakỳ cảnh sát nó đánh cho rung răng vỡ mặt cho ấy mà còn lải nhải nó tống vào tạm giam chứ ở đấy mà leo leỏ cái mồm, Búi thị minh Hằng còn chửi là ăn tiền thuế của dân rồi bán nước vv... Ở bên này nếu thu được video có bằng chứng cụ thể thì hằng hoặc là xoa mông cho da mông dày lên để vào ngồi bóc lịch hoặc là nếu có tài sãn thì sẽ bị phạt cho trả lại nguyên hình như hồi mới ra đời trần như nhộng, vhứ ở đấy mà biểu diễn thói Chí phèo thi Nở thời đại
    Việt Nam có quan hệ ngọai giao với tất cả các nước không riêng gì Mỹ nhưng chỉ có đại sứ quán Mỹ là hay "quan ngại sâu sắc" với các bản án mà VN xử như vậy đủ cho ta thấy Đảng và nhà nước đang phải đối phó biết bao tai ương chướng ách.
    Cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ với tất cả những Chí Phèo Thị Nở thời đại nếu thật sự có lòng với đất nườc thì hay đem dâng hiến tiền bạc tài sản của mình để chúng ta mua sắm vũ khí quân trang quân dung , tỉnh táo đề phòng mọi thủ đoan của TQ đến lúc nó gây hấn trước thì ta cũng đủ sức đối phó với mọi tình huống

    Trả lờiXóa
  47. Biểu tình phản đối trung quốc chỉ là chiêu trò của bọn phản động mà thôi, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để mưu lợi cá nhân, dựa vào nhân dân để làm bàn đạp cho mục đích xấu xa của chúng, bọn chúng hô hào biểu tình chống trung quốc nhưng khi đi biểu tình lại ra sức nói xấu Đảng nói xấu nhà nước, hô hào nhân dân chống lại Đảng nhà nước vậy thì cái đó phải gọi là chúng biểu tình chống lại Việt Nam chứ đâu phải là chống lại trung quốc nữa

    Trả lờiXóa
  48. Mỗi người trong chúng ta điều biết và hiểu được việc làm và sự nham hiểm của Trung Quốc vậy những người đi biểu tình có hiểu được việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo đất nước Việt Nam là một điều hết sức trắng trợn, nhưng không phải cách mọi người thực hiện việc làm yêu nước như thế, đất nước đang gây sức ép dư luận thế giới giúp chúng ta đòi lại chủ quyền vì thế mọi người hãy góp sức xây dựng đất nước đừng chỉ gây sức ép và rối loạn trật tự xã hội, bên ngoài đã chịu nhiều sức ép rồi vậy mà bên trong đất nước còn chịu cảnh mất ổn định thì làm sao có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng được. Hãy là người dân thông thái hành động đúng đắn và suy nghĩ trước khi thực hiện bất cứ việc gì

    Trả lờiXóa
  49. Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược “chuyển đổi” tàu Hải quân sang tàu Ngư chính. Thực ra là một “trò” dùng tàu quân sự núp bóng dân sự. Tàu Ngư chính 311 lần đầu xâm nhập Biển Đông là vào ngày 14/3/2009, khi rời cảng Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc) để xâm nhập trái phép vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. tàu Ngư chính 311 sẽ bắt đầu ngang nhiên neo đậu tại Trường Sa từ ngày thứ Bẩy (18/5) trên danh nghĩa “bảo vệ ngư dân”. Truyền thông Trung Quốc thậm chí còn lên giọng cho rằng tàu này sẽ bảo vệ cho 32 tàu cá đang vơ vét hải sản tại ngư trường Việt Nam trong các tình huống khẩn cấp, hay các ngư dân Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn khi có sự xuất hiện của Ngư chính 311 (nguồn nguyentandung.org). Muốn đẩy lùi Trung Quốc thì nước ta cũng phải có đủ tiền để mua sắm tàu ngư chính hỗ trợ ngư dân. Không giàu được bằng Trung Quốc thì khó mà bảo vệ Trường Sa, chứ đừng nói là lấy lại. Hò hét với đám "Tàu khựa trơ trẽn" thì có ích gì. Chúng ta hãy phấn đấu học tập, làm việc tốt, như thế mới là hành động yêu nước đích thực

    Trả lờiXóa
  50. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: "Biển Đông là một khu vực quan trọng của thế giới, sự mất ổn định hoặc đe dọa về an ninh trên Biển Đông sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại của khu vực Đông Á mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới". Giải quyết tranh chấp ở biển Đông đâu chỉ là chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quần đảo Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp ở các mức độ khác nhau giữa sáu bên là Brunei, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Tại sao đoàn người biểu tình chỉ phản đối Trung Quốc mà không phản đối những nước còn lại. Mình nghĩ chắc chắn đang có một bàn tay của những thế lực muốn gây ra chiến tranh Việt-Trung để trục lợi. Một khi chiến tranh xảy ra, ưu thế sẽ thuộc về Trung Quốc, Việt Nam còn có thể mất thêm đảo ở Trường Sa. Trong đám người biểu tình có nhiều người đang có một hoặc hai đứa con đang học tại Mĩ. Liệu chiến tranh xảy ra thì có ai gọi con về nhập ngũ hay lại lấy lí do xin đi chữa bệnh... để chạy sang Mỹ.

    Trả lờiXóa
  51. toàn những gương mặt tiêu biểu cho các thế hệ phản động. Từ phản động gà có, phản động trẻ cũng có. Ngoài ra sẽ có nhưng kẻ được thuê đi biểu tình nữa. Rồi có cả một số người dân cả tin đi theo chúng mà thôi. Người khôn ai lại đi làm mấy cái trò hề đó. Ai chẳng căm thù giặc Tàu cơ chứ nhưng yêu nước cũng phải có cách chứ. Yêu nước mà bằng cái đẳng thức ngu cộng với nhiệt tình thì sẽ là bán nước đấy mấy rận chủ ạ. Tuy nhiên các vị đang muốn bán nước thật mà, các vị đang đi theo bọn quan thầy nước ngoài để chống phá Nhà nước đấy thôi. Còn về vấn đề Trung Quốc thì đây đang là vấn đề gây nên quan ngại cho tất cả các nước trong khu vực và trên thế giớ vì sự xấc xược và hỗn láo của chúng. Chúng cậy thế dân đông với lắm tiền nhiều của nên không sợ ai. Cả Mỹ, Nga, Ấn Độ cũng phải dè chừng nữa là Việt Nam chúng ta. Các vị chỉ muốn phá hoại trong nước mà thôi chứ các vị là loại có học cả mà, thừa hiểu chiến tranh sẽ phải trả giá bằng cái gì rồi chứ. Các vị có thể cầm súng đi đầu khi chiến tranh hay không? Nói thì hay như hát đấy nhưng chỉ là anh hùng bàn phím mà thôi.

    Trả lờiXóa
  52. Hoạt động biểu tình chống Trung Quốc cũng là một cách thể hiện sự căm ghét bọn Tàu và ủng hộ Việt Nam. Ai mà chả ghét Tàu sau những gì mà họ gây ra cho VIệt Nam. Thế nhưng để biểu tình chống Trung Quốc thì cũng phải có quy củ chứ. Đằng này biểu tình chống Trung Quốc ở đâu không thấy chi thấy chống chính quyền là nhiều. Biểu tình thì ít nhất phải mang lại được lợi ích gì. Đằng này tôi không thấy được lợi ích nó mang lại mà chỉ thấy hình ảnh VIệt Nam ngày càng xấu đi thôi

    Trả lờiXóa
  53. Hiện nay các thế lực thù địch thường lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về đối ngoại của nước ta với một số nước ví dụ như Trung Quốc để kích động, dụ dỗ, lôi kéo nhân dân đứng lên biểu tình chống lại kẻ thù nhưng thực chất là để chống đối lại Đảng và Nhà nước ta. Mọi người dân cần có cái nhìn và suy nghĩ sáng suốt tránh để kẻ địch lợi dung,mua chuộc vào những âm mưu đen tối của chúng

    Trả lờiXóa
  54. Mấy cái trang đây toàn đưa tin sai sự thật thôi. Tôi đọc trên mấy cái trang có uy tín toàn thấy người ta nói khác cả chứ có như vậy đâu. Đúng là giờ không thể tinn mấy trang như xuandienhannom, Huỳnh Ngọc Chênh, Anh ba sàm,... toàn nói thiếu tính sát thực

    Trả lờiXóa
  55. Biểu tình chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài thôi. Thực ra bên trong đó là một cuộc vận động của những kẻ chống đối muốn nhân cơ hội để chửi bới Đảng và nhà nước mà thôi. Nếu như cứ như nước ngoài có phải là ai cũng tham gia không? Đằng này toàn là những kẻ thích ăn vạ hô hét ầm cả đường phố. Đúng là cái kiểu vô văn hóa

    Trả lờiXóa
  56. Hoạt động biểu tình ở Việt Nam đều do một vài con rận chủ chốt thực hiện mà thôi, mưu đồ của chúng là lợi dụng việc chống Trung Quốc để tranh thủ tuyên truyền chống phá nhà nước ta, thế nên đối với chúng thì không bao giờ nương tay được. Cứ phải là ngăn chặn từ khi chúng mới ho he vận động ấy!

    Trả lờiXóa
  57. Biểu tình với chả picnic dân chủ. Cả 2 lần này đám rận đều thất bại thảm hại vì chẳng có ai thèm tham gia cả. Bởi vì mọi người biết rằng chúng chỉ là tay sai cho những kẻ "dân chủ" ở nước ngoài và nhận đôla để sống mà thôi. thế nên là từ nay về sau các người đừng có mong muốn biểu tình hay picnic gì nữa nhé!

    Trả lờiXóa
  58. Trong điều kiện Luật biểu tình chưa được thông qua chúng ta những người yêu nước chân chính hãy bằng khối não và trí óc tìm cho mình cách thức phù hợp nhất để tỏ rõ lòng yêu nước chứ không phải những cuộc biểu tình tự phát như hiện nay. Không thể để các thế lực thù địch thực hiện được mục đích của mình.Các cuộc biểu tình ở nước ta đều có bàn tay tiếp sức của các thế lực phản động và chống đối kích động nhân dân, gây rối trật tự xã hội, cơ quan công an cần tìm bắt và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu này

    Trả lờiXóa
  59. Trước hết ta có thể hiểu “Biểu tình” là đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Hiểu rộng ra, biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy. Song lâu nay, trong suy nghĩ của không ít người, biểu tình vẫn được hiểu nhầm sang ý nghĩa chống đối. Thực tế, biểu tình cũng không có nghĩa là chống đối. Bởi trước chủ trương, hành động đúng đắn của Nhà nước, người dân ủng hộ thì họ xuống đường để bày tỏ quan điểm, thái độ. Ngược lại, có những vấn đề liên quan tới đời sống, người dân không đồng tình thì họ cũng được quyền biểu tình để phản đối.

    Trả lờiXóa
  60. Góp ý đêm khuya:::
    Tôi xin thưa những bạn “yêu nước” các bạn nghĩ đó là đúng? Là chính nghĩa?
    NHẦM Các bạn nghĩ sao khi đã vi phạm các tội cản trở trật tự an toàn giao thông đường bộ. Các bạn đừng nghĩ chúng tôi vô cớ đổ tội cho bạn nhé. Tội CTGTĐB là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách với lỗi vô ý, xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng, hoặc gây thiệt hại nghiệm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.

    Trả lờiXóa
  61. những kẻ biểu tình đây đều có học và chúng nó thừa hiểu về tình hình Quốc tế và thực lực quân sự địch-ta chứ đâu không thể không biết gì. Chúng nó mà thuộc vào dạng ngu thì cũng còn chấp nhận được. Chúng nó mà ngu mới ảo tưởng rằng biểu tình sẽ làm Trung Quốc sợ. Còn người bình thường thì ai chẳng biết rằng biểu tình vào lúc này là cách tốt nhất để giúp đỡ Trung Quốc đạt được mục đích của chúng. Các quan chức Trung Quốc bây giờ đã rất hỗn láo và xấc xược trong việc tuyên bố về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Bọn Tàu khựa chúng nó bây giờ đang lăm le bờ cõi của tất cả các nước láng giềng nên Việt Nam là một trong số đó mà thôi.

    Trả lờiXóa
  62. Yêu nước cái đéo gì thế chứ, yêu nước mà lôi nhau xuống đường biểu tình chống lại chính quyền, chống lại nhà nước à. Trong khi đó mục đích của chúng lại chẳng có gì tốt đẹp cả, chỉ muốn chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền. Chỉ vì mấy đồng tiền mà chúng ko biết nhục là gì để bán nước, thật toàn là bọn xúc sinh.làm tốt công việc của mình, sống tốt bổn phận của mình và sẵn sàng đáp lời khi tổ quốc lên tiếng gọi. Cuộc sống đã phân công sẵn cho mỗi con người những việc phải làm, những vị trí phải đảm nhận, khi hòa bình, làm tốt trách nhiệm ấy cũng đã là yêu nước, khi tranh đấu, đâu đâu cũng là mặt trận, hãy cố gắng cống hiến thật nhiều dù đang ngoài tuyến lửa hay đang ở hậu phương.

    Trả lờiXóa
  63. Chúng ta đi biểu tình phản đối Trung Quốc liệu chúng ta có nghĩ những việc làm đó của chúng ta lại vô hình trung đang cản trở công cuộc bảo vệ chủ quyền của chúng ta. đúng như vậy, chúng ta đi biểu tình, gây nên sự bất ổn về tình hình xã hội, Đảng và nhà nước lại có thêm việc để lo, phan tán sự tập trung công việc của chính quyền vào việc khác, nhất là giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, làm cho hiểu quả thực hiện công việc thấp, và Trung Quốc nhận thấy tình hình cảu nước ta không ổn định, nội bộ lục đục, dĩ nhiên là chúng sẽ cười vào chúng ta, chúng được đà, như một lời khích lệ để chúng tiếp tục thực hiện những hành động ngang ngược của chúng ở BIển Đông.
    Nhìn tình hình của Phillipin mà xem, mặc dù hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Phi là nghiêm trọng hơn cả đối với Việt Nam, tuy nhiên người dân nước này vẫn bình tĩnh như lãnh đạo của họ, không hề bộp chộp nóng nảy như người dân Việt Nam, và kết quả là họ vẫn đang nắm quyền kiểm soát đối với khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền.

    Trả lờiXóa
  64. biểu tình chả giải quyết được vấn đề gì cả, mà ngược lại nó lại càng làm vấn đề thêm tồi tệ hơn. Mọi người cứ nghĩ rằng, hành động của mọi người sẽ đậy lùi được tham vọng của Trung Quốc ư?? mọi người nhầm rồi, hãy nhìn vào thực tế là Nhật Bản,, Phillip lớn mạnh như thế, công nghệ quân sự mạnh như thế mà Trung Quốc vẫn không sợ chứ đừng nói gì mấy lời hô hét nọ kia khi đi biểu tình của mọi người.
    Khi đi biểu tình, mọi người sẽ mất đi thời gian bên gia đình, bạn bè, lại phải chịu sự nhòm ngó của mọi người, có khi lại được mời lên đồn công an uống nước chè, trong khi Trung Quốc vẫn nhởn nhơ, nhếch mép lên cười nhạo chúng ta, và răng thực ra chúng cũng chẳng làm thế nào để chiếm biển đông đâu, mục đích của chúng là làm cho trong nước chúng ta lộn xộn, mất trật tự mà thôi.
    Sự bất ổn về chính trị, trật tự của chúng ta sẽ góp phần lớn trong quá trình thôn tín cuả Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  65. Nói như trong dân gian chúng ta thường có câu : "treo đầu dê bán thịt chó " và câu này là ví dụ thiết thực cho việc biểu tình ở Việt Nam mà những kẻ cầm dầu cũng đều là những người có âm mưu làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự của đất nước . Bề ngoài thì bọn chúng làm khẩu hiệu ,băng rôn chống trung quốc để nhằm kêu gọi mọi người xuống đường cho đông đúc và sau đó là bọn chúng lại đổi chủ đề sang bêu xấu Đảng và chính quyền .Vì vậy mọi người cần phải nhìn nhận được đúng về tình hình biểu tình ở Việt Nam chúng ta ,tránh bị kẻ xấu lợi dụng chính lòng yêu nước của mình để phục vụ cho kẻ xấu.

    Trả lờiXóa
  66. Yêu nước không chỉ là chiến đấu, là đấu tranh mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, mà yêu nước là ra sức phấn đấu cố gắng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, học tập, góp phần xây dựng đất nước vững mạnh. Nhưng một số người, có thể nói là không ít người đang lợi dụng những tấm lòng yêu nước để thực hiện những âm mưu xấu xa, những âm mưu chống đối chính quyền, chống lại nhà nước , cho nên chúng ta có thể tự thể hiển cách yêu nước của bản thân qua những hành động trong cuộc sống thường ngày.

    Trả lờiXóa
  67. hoạt động biểu tình nếu không nằm trong tầm kiểm soát thì rất dễ phát sinh những tình trạng đáng tiếc, đây là một hoạt động hết sức nhạy cảm ,tiềm ẩn một nguy cơ rất cao, vì vậy đây rất có thể là hoạt động được các thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện âm mưu chống phá nước ta

    Trả lờiXóa
  68. Lòng yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa tới nay. Đó chính là động lực thúc đấy chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới. Nhưng gần đây dường như lòng yêu nước của một số người không thể hiện đúng lúc, đúng cách nên đang bị các thế lực thù địch lợi dụng gây ra những bất ổn, mất trật tự an toàn xã hội.

    Trả lờiXóa
  69. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang chống phá chúng ta một cách quyết liệt với nhiều chiêu bài khác nhau. Chúng đang lợi dụng hoạt động biểu tình của người dân để tập hợp lực lượng, kích động lôi kéo nhiều người tham gia. Gần đây vì quá bức xúc trước Trung Quốc, nhiều tầng lớp người đã xuống đường biểu tình vì lòng yêu nước. Nhưng mọi người đã không đặt lòng yêu nước đúng chỗ, và không thể hiện đúng cách. Làm như vậy chỉ là gây khó khăn thêm cho đất nước, an ninh không được đảm bảo, các thế lực thù địch lại có cơ hôi can thiệp vào. Cần nhìn nhận đúng điều này trong mỗi người, không để các thế lực thù địch lợi dụng.

    Trả lờiXóa
  70. Việc thể hiện lòng yêu nước của mình thì tôi không muốn nói nhiều bởi lẽ đã là người dân Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước sâu đậm , nhưng các bạn nên biết kiềm chế nó lại vì thời đại giờ là thời đại khác rồi , có rất nhiều vấn đề sẽ ảnh hưởng đến đất nước chúng ta , các bạn đâu thể giải quyết được hậu quả khi vụ việc quá đáng xảy ra vì vậy hãy cứ để các vị lãnh đạo tài ba của chúng ta lo về việc này còn các bạn thì chỉ cần học tập và chăm chỉ làm việc như vậy là được rồi . OK!!!

    Trả lờiXóa
  71. mấy ngày gần đây chúng tôi đã phát đi một số lời kêu gọi xuống đường biểu tình tại Hà Nội với danh nghĩa “phản đối Trung Quốc chiếm biển, đảo Việt Nam” trên một số Blog, facebook. Các anh chị em đều biết là khẩu hiệu này của chúng ta đưa ra chắc chắn sẽ “đánh trúng” vào tình cảm thiêng liêng nhất của người dân Việt Nam đó là tinh thần yêu nước. Thế nên chúng tôi đang hi vọng với khẩu hiệu này sẽ dễ dàng kích động được đông đảo nhân dân xuống đường. Và khi nhân dân tham gia biểu tình đông đảo rồi thì chúng ta sẽ lồng ghép các khẩu hiệu đòi “dân chủ, nhân quyền” vào, kể cả nhân tiện đòi trả tự do cho em Uyên, anh Nhất luôn. Thậm chí chúng ta có thể lồng cả khẩu hiệu đòi “đa nguyên, đa đảng” vào. Mục tiêu của chúng ta là làm sao chuyển được từ biểu tình chống Trung Quốc sang thành biểu tình chống Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam. Anh chị em yên tâm là người dân Việt Nam vốn yêu nước nên có lẽ họ sẽ không nhận ra được âm mưu, ý đồ thật sự của chúng ta đâu. Cứ làm thế nào kích động được nhiều người xuống đường biểu tình, gây mất ổn định an ninh trật tự tại thủ đô là chúng ta thành công rồi. Nếu Cộng sản cho Công an ra giải tán biểu tình thì chúng ta sẽ quay phim, chụp ảnh rồi chúng ta cắt dán, lồng ghép Post lên mạng hô hào “Công an đàn áp người biểu tình, đàn áp người yêu nước”. Có lẽ không có cớ nào kích động dân chúng đi biểu tình tốt như cớ “phản đối Trung Quốc”. Nhân đây thay mặt cho anh em “dân chủ” Việt Nam cũng phải gửi lời cảm ơn tới bác Tàu Khựa. Nhờ sự tham lam của bác mà chúng em có cớ để kích động nhân dân đi biểu tình. Nếu “phong trào dân chủ” mà thành công thì chúng em sẽ “hậu tạ” bác nhiều nhiều. Đề nghị anh em dân chủ sắp xếp thời gian để tham gia nhé.

    Trả lờiXóa
  72. Đành rằng là yêu nước, ai mà chẳng yêu nước. Tuy nhiên yêu nước kiểu này thì chẳng ai còn hứng thú nữa cả. Mấy năm trước, kêu đi biểu tình là đi ngay, hừng hực khí thế luôn. Dưng mà đi một lần, hai lần... rồi cũng nhận ra trò này chẳng yêu nước gì cả.
    Mục đích chính mọi người hi vọng khi đi biểu tình là làm cho thế giới biết VN luôn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, tối về lướt Net mới ngã ngửa ra, chẳng có bài viết nào thông tin về việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tràn ngập trên các trang mạng, trang blog kêu gọi đi biểu tình là việc đưa tin, hình ảnh Công an đánh đập, ngăn cản cuộc biểu tình. Vậy xin hỏi các bác, các bác kêu gọi đi biểu tình để thể hiện lòng yêu nước hay các bác lợi dụng bọn em để làm cái cớ nói xấu chính quyền?
    Xin thưa với các bác là cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, các bác không thể lừa chúng em mãi được đâu

    Trả lờiXóa
  73. Giữ được một Việt Nam ổn định chính trị,từ đó mới phát triển được kinh tế.
    Việt Nam ta được xem là đất nước có nền an ninh chí*nh trị bậc nhất Đ.N Á chính vì thế mấy năm qua sự đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam càng ngày càng tăng ,đời sống nhân dân ta được cải thiện

    Trả lờiXóa
  74. Việc biểu tình tụ tập đông người để phản đối cũng trở thành một cái cớ để Trung Quốc vu khống Việt Nam mà thôi. Mặt khác biểu tình không chỉ có những người yêu nước, mà sau đó là một số thành phần có thể gọi là phản động, dựa hơi yêu nước để kích động mọi người làm loạn, thậm chí còn dẫn đến xung đột mâu thuẫn. Chúng còn dựa vào đó để chửi rủa, bôi nhọ chính quyền vỡi những giọng điệu cũ như “Đảng bán đất dâng biển cho Trung Quốc”, với mục đích chống phá đất nước. Thử hỏi biểu tình mà lại xuất hiện loại người “yêu nước, loại rân chủ” như Bùi Thị Minh Hằng, Basam Nguyễn Hữu Vinh, hay Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện… thì điều gì sẽ xảy ra? Yêu nước gì loại người này, chúng còn chỉ mong có cơ hội để bán nước kiếm tiền thôi, chúng kiếm ăn trên chính lòng yêu nước của người dân Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  75. "yêu nước thể hiện trong trái tim và khối óc của mỗi con người. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trực tiếp để chiến đấu với quân thù". biểu tình phản đối TQ ở đây có phải là hành động yêu nước của người dân hay không? câu hỏi này để trả lời nhanh nhất chắc tìm tới các bác, các nhà dân chủ trong thời gian qua có những hành động tích cực cho việc này. biểu tình là tụ tập đám đông. mà tụ tập đám đông không xin phép là sai về pháp luật là vi phạm pháp luật. đó là xét về góc độ luật pháp. còn về nhân văn thì tình yêu đất nước là điều đáng quý nhưng thể hiện nó đúng lúc, đúng nơi không phải là 3 hành động nói xuông đâu

    Trả lờiXóa
  76. Họ biểu tình để chống ai đây? Xin thưa, họ bảo họ chống Trung Quốc. Họ muốn chống anh hàng xóm bằng cách quậy tung nhà cửa của họ. Làm như thế hàng xóm mới chết khiếp.
    Họ bảo họ phải dùng vũ khi sắc bén nhất của họ là biểu tình. Họ phải đưa đội quân tinh nhuệ của họ đi biểu tình thì Trung Quốc mới run sợ.
    Họ cho rằng Chính quyền hèn nhát và bán nước nên mới không dám đánh Trung Quốc. Thế nhưng Trung Quốc gây hấn có mỗi Việt Nam thôi sao? Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ… Sao các nước ấy cũng bị gây hấn thế mà cũng không thấy đánh nhỉ, hay các nước ấy cũng hèn nhát và bán nước hết rồi?

    Trả lờiXóa
  77. Mà muốn làm được điều đó thì phải biết gác lại quá khứ và cần phải có thời gian. Chỉ có thời gian mới giúp chúng ta chiến thắng sự xâm lược của Trung Quốc một cách hiệu quả nhất. Thời gian sẽ giúp Việt Nam phát triển, có phát triển thì mới có tiền mua súng ống, vũ khí hoặc thậm chí có đủ khả năng để tự sản xuất ra để mà bảo vệ Tổ Quốc.

    Trả lờiXóa
  78. Nhiều người nói rằng đánh thì đánh, sợ gì Trung Quốc, nhưng đâu có đơn giản như thế, Việt Nam là một dân tộc anh hùng, không sợ giặc ngoại xâm. Điều đó Trung Quốc cũng đã được nếm mùi trong lịch sử. Song với chiến tranh hiện đại, hãy thử xét về tương quan lưc lượng, chúng ta có bao nhiêu máy bay, có bao nhiêu tàu chiến có thể sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Và năng lực quân sự của Trung Quốc như sao? Liệu Việt Nam có thể sử dụng chiến tranh du kích trên biển không? Đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Phải biết mình đứng chỗ nào, đang ở vị trí nào để có cách đối phó hợp lý, “biêt mình biết người mới có thể trăm trận trăm thắng”

    Trả lờiXóa
  79. Chớ nên đụng một chút là lấy cái máu anh hùng, cậy đập ba thằng to xác trong Hội đồng Bảo an ra để khoe. Chúng ta cho dù mua hàng đống máy bay hiện đại, nhưng nếu bị thiệt hại là phải mất một thời gian dài mới có thể mua lại được, chứ chẳng ai cho ta không và ta cũng chưa thể nào tự sản xuất được. Còn họ có bị sao họ cũng có thể tự sản xuất được! Cho dù chất lượng kém đi nữa thì họ vẫn hơn chúng ta!

    Trả lờiXóa
  80. Những trò này bây giờ mọi người đều biết hết rồi cho nên chẳng thể lừa được mãi nữa đâu các bác tàu khựa ạ.Các bác kêu gọi mọi người đi để biểu tình chống lại trung quốc và giữ gìn biển đảo nhưng sự thật lại không phải như thế mà mục đích của các bác là muốn tụ họp đông đủ rồi lại nói xấu chính quyền thì chẳng ai dại gì mà nghe những lời nói đấy cả,cho nên các bác nhận tiền của bọn rận chủ rồi thì các bác cứ thế mà làm chứ không phải kêu gọi ai nữa đâu,vì mọi người đều nhận ra được mục đích của các bác rồi đấy.

    Trả lờiXóa
  81. Nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động biểu tình thể hiện là một số cá nhân, cùng với các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình dưới nhiều danh nghĩa khác nhau để gây rối trật tự công cộng, gây mất ổn định tình hình an ninh tại các nơi diễn ra biểu tình. Từ đó có thể làm mất ổn định chính trị trong nước, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá.

    Trả lờiXóa
  82. Yêu nước là một tình cảm thiêng liêng và cao đẹp của mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay Các thế lực thù địch lại thường lợi dụng vấn đề này để tiến hành chống phá cách mạng. Kích động người dân tham gia biểu tình chống Trung Quốc là một trong những chiêu bài của chúng. Bề ngoài là biểu tình chống Trung Quốc nhưng sâu xa bên trong là gây mâu thuẫn nội bộ, làm mất lòng tin của người dân vào Đảng. Mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác với bọn phản động bán nước này hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  83. Những cuộc tụ tập, biểu tình làm mất trật tự công cộng trên địa bàn cả nước thời gian qua, nhiều người chứng kiến thấy có những vị đứng ra hô hào, hò hét, một tay cầm biểu ngữ, nhưng tay kia lại cầm đơn tố cáo cơ quan này, cơ quan nọ… Nhưng chúng ta không biết họ làm thế để làm gì? Phải chăng, họ đang lợi dụng biểu tình gây rối trật tự để mưu cầu những lợi ích cá nhân cho bản thân họ hay là có một bàn tay đen tối của thế lực nào đó nhúng vào kích động họ làm vậy.

    Trả lờiXóa
  84. Đội quân biểu tình thì cứ la oang oang là muốn đánh Trung Quốc, vậy sao họ cứ ở mãi Thủ đô, hay tụ tập công viên ở TP. Hồ Chí Minh để đi biểu tình, vậy thì ai là người đi đánh?Nếu ai ai cũng chỉ muốn đi biểu tình và xúi người khác đánh nhau thì ai là người ra các đảo để giữ vùng biển của Tổ Quốc?
    Biểu tình luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định về chính trị. Lợi dụng biểu tình các thế lực thù địch đã nhiều lần kích động nhân dân biểu tình, gây rối, khiếu kiện tại một số cơ quan nhà nước gây bất ổn tình hình an ninh ở địa phương, mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan cũng như của người dân tại nơi xảy ra biểu tình.

    Trả lờiXóa
  85. Vâng!quá chuẩn. Lâu lâu phải làm một bữa biểu tình rầm rộ chứ. Trước đây thì có mấy vụ như Đoàn Văn Vương, hay vụ Văn Giang để mà rỉa rói kiếm chác. Hết mấy vụ đó thì lại là những vụ giã ngoại để trao đổi quyền con người, gây rối loạn ở một số công viên ở Hà Nội. Sau đó bây giờ lại lợi ụng mác chống Trung Quốc để mà chống Đảng chống Nhà nước. Trong những vụ này hình thức thì chống Tàu Khựa nhưng lại chủ yếu chống Đảng, chống Nhà nước để đánh bóng cho chúng. Mục tiêu cuối cùng của chúng là kiếm tiền và mị dân mà thôi. Chúng nó bị bọn Mỹ và phương Tây cho ăn bã cả rồi. Bọn này bây giờ phải làm theo chỉ thị nước ngoài để chống Đảng. Càng gây ra nhiều vụ lại càng kiếm được đô la. Tóm lại là ở các cuộc biểu tình ở trên chẳng có tí gì là yêu nước cả mà chỉ nhằm các mục đích các nhân. Mục tiêu của biểu tình này là kiếm tiền và đánh bóng tên tuổi các nhân của một số nhà rận chủ. Thành phần biểu tình đều do lừa bịp hoặc thuê mướn...

    Trả lờiXóa
  86. Nói chung sau các vụ kích đểu, bơm đểu để trục lợi ở vụ Vươn, Uyên, biểu tình đòi dân chủ bị nhân dân đập tan nên nay chúng nó lại lợi dụng việc Tàu khựa ngang ngược ở biển Đông để mà hành nghề. Tóm lại là chúng nó phải kiếm được cái cớ gì đấy cho công việc của chúng không thì chúng ăn ngồi không yên. Mà ngồi chơi không làm thì lấy đâu ra tiền từ nước ngoài gửi về. Bọn Mỹ và phương Tây chẳng cho không ai cái gì bao giờ cả đâu. Chúng nó chỉ muốn phá Việt Nam và dựng lên Việt Nam các chính quyền tay sai mà thôi. Không thể có cách nào khác là lợi dụng bọn rận chủ và lợi dụng những rối ren trong đất nước Việt Nam để kích động nhân dân chống đối chính quyền. Đấy là việc mà bọn rận chủ phải nhận mệnh lệnh từ các quan thầy. Việc Trung Quốc gây hấn ở biển Đông là một cơ hội lớn để các rận chủ ghi điểm với các quan thầy. Thông qua đó cũng kiếm được nhiều tiền hơn. Trong khi cả nước đang sục sôi làm việc để cống hiến cho đất nước thì những kẻ này lại đi cảm ơn Tàu vì đã cho chúng cơ hội kiếm cơm.

    Trả lờiXóa
  87. Nếu không suy nghĩ, những người kém hiểu biết sẽ xuống đường hô thật to, hét thật lâu và giương khẩu hiệu thật cao,… Còn nếu có ý thức, người ta sẽ có những đóng góp giá trị hơn để trở thành người công dân có ích như chị lao công làm sạch phố phường hay chú bộ đội vững tay súng nơi biên giới xa xôi.
    Trước khi chọn cho mình cách thể hiện tình yêu nước đúng đắn, thiết nghĩ hãy suy nghĩ, luôn giữ cho mình một trái tim nóng và một cái đầu lạnh!

    Trả lờiXóa
  88. Ôm ấp trong mình những ý đồ đen tối, luôn muốn lật đổ Chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam để “lên ngôi” cai trị xã hội.., đến khi âm mưu, ý đồ đen tối và việc làm bại lộ thì phản động không bao giờ muốn nhận tội. Ngược lại còn chỉ trích nhà nước đã “đàn áp” công dân “lương thiện”! Đây có phải bản chất của những kẻ phản động – những thành phần mà suốt ngày cứ nhoi nhoi, la ó rằng ta là đại diện cho chính nghĩa?!

    Trả lờiXóa