Ba cha con một phận oan
Năm 1975, ông Phùng Văn Cung mua căn nhà số 14 đường Hoàng Văn Thụ, phường Diên Hồng, thị xã Pleiku (nay là TP. Pleiku, Gia Lai) của bà Nguyễn Thị Lộc với giá 20.000 đồng. Căn nhà đã bị đốt cháy trong chiến tranh, chỉ còn lại nền, 3 bức tường, 2 cánh cửa sắt và 10 tấm tôn. Bà Lộc nhận tiền cọc 10.000 đồng và chuyển đi TPHCM sinh sống. Năm 1977, bà Lộc quay về khởi kiện ông Cung đòi lại nhà. 
Năm 1982, TAND tỉnh Gia Lai - Kon Tum xét xử phúc thẩm, tuyên buộc ông Cung trả lại khung nhà số 14 Hoàng Văn Thụ cho bà Lộc, phần ông Cung tu bổ căn nhà do hai bên tự thương lượng. Sau đó các cơ quan thi hành án (gồm TAND, Công an thị xã Pleiku, UBND phường Diên Hồng) đã cưỡng chế buộc ông Cung dỡ nhà, đổi đất với bà Lộc, do đang chờ TAND Tối cao xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nên ông Cung không chấp hành. Chỉ có vậy, nhưng vào ngày 14.2.1984, ông Cung bị bắt về tội “Chống đối việc thi hành án đã có hiệu lực pháp luật, chống đối cán bộ trong khi thi hành nhiệm vụ”. 



 Tháng 8.1985, ông Cung bị TAND tỉnh Gia Lai - Kon Tum tuyên phạt 3 năm tù giam, toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên y án sơ thẩm. Đến năm 1987, Uỷ ban Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tuyên bố 2 bản án hình sự sơ thẩm, hình sự phúc thẩm đều xử oan cho ông Cung, tổng số ngày oan sai từ năm 1984 đến năm 1987 là 3.011 ngày. Cũng vì phản đối những sai trái trong các bản án dân sự cũng như việc thi hành án, cùng ngày 14.2.1984, con trai ông Cung là ông Phùng Đại Hùng cũng bị bắt về tội “Hành hung cán bộ trong lúc làm nhiệm vụ”. Sau 2 tháng bị giam giữ, đến ngày 15.6.1984, ông Hùng được miễn tố, trả tự do. Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định ông Hùng là đồng phạm, vai trò giúp sức cho ông Cung.
Trong khi ông Cung và ông Hùng vừa thoát khỏi án oan, người con gái của ông Cung là bà Phùng Thị Kim Oanh lại dính vòng lao lý vì... đi tìm công lý cho gia đình. Bà Oanh nghẹn ngào kể lại: “Năm 1988, tôi vào được trụ sở Quốc hội và trình bày sự việc, được cán bộ Quốc hội lắng nghe. Cán bộ của Quốc hội đã yêu cầu đại biểu Gia Lai giải quyết vụ việc cưỡng chế dỡ nhà, đổi đất sai trái đối với gia đình tôi, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng có công văn yêu cầu TAND tỉnh Gia Lai bồi thường thiệt hại về kinh tế, chính trị cho cha tôi. Nhưng ở Gia Lai, không ai giải quyết cả. Ngược lại, ngày 23.12.1989, công an phường triệu tập tôi “có việc công cần” rồi bắt giam về tội gây rối trật tự công cộng, mặc dù không có bằng chứng nào thể hiện tôi gây rối cả”. 
Đến đầu năm 1990, Công an thị xã Pleiku cho bà Oanh tại ngoại do gia đình bảo lãnh, tháng 6.1990 ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Oanh vì... “không cần thiết điều tra vụ án”. Không chấp nhận việc thích thì bắt, không thích thì thả, quá trình điều tra không chứng minh được gì của Công an thị xã Pleiku, bà Oanh đã kêu oan khắp nơi, ròng rã 24 năm trời. Kết quả là ngày 5.3.2013, Cơ quan CSĐT Công an TP.Pleiku ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà, vì “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện phạm tội”.

Bà Nhung Thanh hóa, đi kiện và đã bị công an P. THỤY KHÊ đánh chết tại vườn hoa Mai Xuân Thuởng Hà nội.

Với quyết định này, Công an TP. Pleiku mới chính thức thừa nhận đã khởi tố, bắt giam oan sai đối với bà Oanh. Bà Oanh bức xúc nói: “Rõ ràng họ biết tôi bị oan, nhưng vẫn cố tình không thừa nhận, bởi diễn biến từ “không cần thiết điều tra vụ án” đến “hết thời hạn mà không chứng minh được bị can phạm tội” đã cho thấy điều đó”. Tại sao làm sai thì quá dễ dàng, mà sửa sai lại khó khăn đến vậy?”.

 Suốt nhiều năm đi Hà Nội kêu oan cho cha và anh trai, bà Oanh lấy vỉa hè làm nhà.
Hơn 30 năm đi tìm công lý
Trong suốt hơn ba thập niên đi tìm công lý, từ năm 1983 đến nay, bà Oanh đã trải qua muôn vàn khổ nhục, đói khát, bệnh tật và không ít lần đối mặt với hiểm nguy. Bà Oanh kể: “Sau khi cha bị TAND tỉnh Gia Lai - Kon Tum kết tội oan uổng, tôi bắt đầu lặn lội ra Hà Nội kêu cứu các cơ quan trung ương. Lúc đó hai con gái của tôi còn quá nhỏ, cháu Dư Thị Kim Chi mới 3 tuổi, cháu Dư Thị Tuyết Nhung mới 2 tuổi, không người chăm sóc nên tôi phải bế các cháu theo. Không tiền, không người thân thích, mẹ con tôi lang thang xin ăn khắp các phố Hàng Đào, Hàng Than, tối đến ngủ vỉa hè, bờ hồ trong đói rét. Sợ nhất là khi đau ốm, cháu Nhung có lần ốm nặng tưởng không qua khỏi, cũng may được chú bộ đội thương tình mua thuốc cho uống, cho vào nhà kho tá túc, lại giúp tiền để mẹ con tôi về quê. Tôi về buôn thúng bán mẹt, gom được ít tiền lại bế con đi Hà Nội, năm nào cũng đi ròng rã 3 tháng trời. Lúc tuyệt vọng nhất, tưởng cả xã hội đã quay lưng lại với mình thì tôi may mắn gặp được người hướng dẫn đến Viện KSND Tối cao kêu oan. May mắn nữa là tôi được gặp ông Trần Quyết lúc đó là Viện trưởng và bà Uyên là Vụ trưởng Vụ 1 để trình bày nỗi oan khuất của cha. Để rồi ngày 10.1.1987, Viện KSND Tối cao ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng, sau đó cha tôi được minh oan bằng bản án giám đốc thẩm”. Ơn những người cứu giúp không bao giờ tôi quên được, nếu có kiếp sau tôi nguyện sẽ đáp đền.
Bà Oanh chỉ không ngờ là chỉ sau đó ít lâu, chính bà lại dính vào án oan vì hành trình kêu oan cho cha và anh trai. Bà lại tiếp tục kêu oan cho mình, ròng rã 24 năm. Mãi đến ngày 22.8.2014, Viện KSND TP. Pleiku mới tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại cho bà số tiền 510 triệu đồng vì oan sai. “Vậy đó, nhưng đến giờ vụ án oan của cha tôi và anh tôi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù cha tôi đã qua đời cách đây hơn 15 năm rồi” - bà Oanh mệt mỏi nói.
Sau hàng chục năm bà Oanh đi tìm công lý cho gia đình, ngày 22.5.2014, TAND TP. Pleiku mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường oan sai, bị đơn là... toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng. Theo bản án này, TAND TP. Pleiku tuyên buộc toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng phải bồi thường gần 207 triệu đồng, xin lỗi và cải chính công khai việc bỏ tù oan sai ông Phùng Văn Cung hơn 3.000 ngày. Nhưng bà Oanh cho rằng, bản án không tính đến thiệt hại tài sản, trong đó có căn nhà số 14 đường Hoàng Văn Thụ của gia đình nên làm đơn kháng cáo. Ngày 9.9.2014, TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao cho TAND TP. Pleiku xét xử lại từ đầu, nhưng đến nay TAND TP. Pleiku chưa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ kiện này. Như vậy đã 31 năm tính từ ngày bị bắt, ông Cung vẫn chưa được bồi thường án oan.
Vụ ông Phùng Đại Hùng còn khó khăn hơn. Mặc dù ông Hùng được miễn tố, nhưng việc bắt giam ông 2 tháng cũng là oan sai, bởi ông Hùng lúc đó được xác định là tòng phạm với ông Cung, mà ông Cung đã được chứng minh vô tội. Hiện ông Hùng chưa khởi kiện đòi bồi thường, vì giữa gia đình ông và các ngành chức năng ở Gia Lai đang cố gắng tìm tiếng nói chung. Ngày 4.9.2014, liên ngành tòa án, viện kiểm sát, thi hành án tỉnh Gia Lai đã tổ chức đối thoại với bà Oanh về vụ việc của ông Phùng Đại Hùng, với sự chứng kiến của Ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai. Nhưng buổi đối thoại không đạt kết quả, do việc xác định số ngày oan sai, tính toán bồi thường giữa hai bên không thống nhất. Bà Oanh chua chát so sánh: “Anh Hùng còn tội nghiệp hơn cha tôi, vì cho đến nay chưa hề có một bản án, quyết định hoặc một lời xin lỗi nào cả. Được miễn tố, nghĩa là vẫn có tội nhưng được tha, trong khi anh tôi chẳng có tội tình gì”.
Căn nhà số 14 đường Hoàng Văn Thụ - điểm xuất phát của 2 vụ án oan giáng xuống một gia đình, khiến 3 người bị tù oan - đã trải qua nhiều đời chủ khác nhau, nhưng việc giải quyết án oan vẫn chưa đến hồi kết. “Gần nửa đời người đi tìm công lý, từ thuở xuân xanh cho đến khi đầu bạc, giờ tôi chỉ muốn nhanh chóng khép lại tất cả để được quên đi, cha tôi cũng ngậm cười nơi chín suối” - bà Oanh mong mỏi.
Thứ năm, 27.11.2014