Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Quan chức, đại gia mua đất, xây mật thất, biệt thự trong rừng cấm

TP - Mua đất rừng dưới hình thức sang tay của nhiều hộ dân, một tướng công an cho xây dựng biệt thự không phép ngay dưới chân núi Hải Vân (Đà Nẵng). Sự việc diễn ra nhiều năm, chính quyền mấy lần xử lý nhưng vẫn không xong. Biệt thự đó là của thiếu tướng Phan Như Thạch - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam.
Những công trình xây dựng không phép, trái phép trên rừng cấm Hải Vân. Ảnh: PVNhững công trình xây dựng không phép, trái phép trên rừng cấm Hải Vân. Ảnh: PV
Câu chuyện không dừng ở đó, khi cách biệt thự của gia đình ông Thạch không xa, tọa lạc trên núi Hải Vân, ngay phía sau Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu là một biệt phủ nguy nga của một đại gia ở Quảng Nam xây trái phép. Đại gia chuyên về khai khoáng này mua lại mảnh đất của ông Phan Như Thạch và một số hộ dân khác.

Mua đất rừng làm nhà

Biệt thự của gia đình ông Phan Như Thạch nằm bên đường công vụ từ QL1A lên hầm đường bộ Hải Vân (thuộc khối phố Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu) đang xây dựng dang dở, hiện đã bị đình chỉ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có được mảnh đất khoảng 3.000 m2 (bao gồm nhà, đồi thông phía sau), từ những năm 1999, ông Thạch cùng gia đình đã bỏ tiền mua lại đất của nhiều hộ dân được BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân (là chủ rừng, nay đã giải thể) cấp để trồng rừng. Hình thức mua bằng giấy viết tay.
Sau đó, ông Thạch và nhiều người khác cũng mua đất của dân với hình thức tương tự, sau đó cải tạo, trồng một số loại cây xung quanh và xây dựng nhà ở. Đó chỉ là những ngôi nhà cấp 4, tuy nhiên theo luật, đây là đất rừng, nằm trong rừng đặc dụng nên không được phép xây dựng.
Cổng biệt phủ nguy nga trên rừng cấm Hải Vân của đại gia Quang
Ông Lê Tiến Dũng, người dân có đất nằm trong diện quy hoạch đất rừng, cũng đang xây dựng trang trại ở Hải Vân, nói: “Hồi đó, tui với anh Thạch và một anh nữa, làm ở Sở Y tế thành phố cùng lên mua đất ở trên này. Năm 2001, chính tay tôi cùng anh Thạch cầm giấy tờ (giấy sang nhượng quyền sử dụng đất viết tay) xuống phường xin làm nhà cho ổng (tức ông Thạch – PV) cơ mà”.
Theo lời ông Dũng, dù xuống phường xin chủ trương xây nhà, nhưng lúc đó phường không có quyền cấp nên đề nghị lên quận. Sau đó, được biết quận Liên Chiểu đã gửi công văn lên thành phố đề nghị xem xét trường hợp của gia đình ông Thạch. Thành phố Đà Nẵng đã có công văn đề nghị các sở: Xây dựng, TN&MT và quận Liên Chiểu họp bàn tìm phương án. Mặc dù vậy, mảnh đất này nằm trên vệt rừng đặc dụng, đến giữa năm 2014 vẫn chưa có văn bản nào thay thế, nên mặc nhiên, xây nhà trên đất rừng là trái phép.
“Không có cơ quan nào cấp phép cho anh xây dựng như thế cả”, một cán bộ quận ủy Liên Chiểu (xin giấu tên) nói. Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho hay, riêng biệt thự của ông Thạch, đội quy tắc quận đã lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công vào ngày 21/8/2013. Mặc dù vậy, sau khi đoàn kiểm tra rút về, việc xây dựng vẫn tiếp diễn.
Biệt phủ nguy nga trên rừng cấm
Theo thông tin của Tiền Phong, ngoài khu đất biệt thự 3.000 m2 mua lại của một số người dân bên đường công vụ, gia đình ông Thạch còn có khoảng 1,5 hécta đất rừng, ngay phía sau Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu (trước là trụ sở của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân). Năm 2009, gia đình ông Thạch bán lại khu đất 1,5 hécta cho ông Ngô Văn Quang- một chủ khai thác vàng có tiếng ở Phước Sơn, Quảng Nam. Từ đây, một biệt phủ được xây dựng trái phép, tồn tại nhiều năm nay.
Sáng qua, khi PV lên tới cổng biệt phủ, phải mất mấy chục phút mới có thể đi hết một nửa chu vi của mảnh đất. Con đường bê tông mới mở từ QL1A đi sâu vào rừng, ngay sau Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu rộng 3m. Bờ rào biệt phủ cao hơn 3m, cửa đóng im lìm. Qua một khe hở, chúng tôi nhận thấy bên trong, không khí xây dựng vẫn tấp nập. Khi thấy PV chụp ảnh, một bảo vệ, xưng tên Tuấn, tới ngăn cản và cho biết: “Sếp không cho ai vào, không cho ai quay phim, chụp ảnh. Muốn gì điện gặp sếp.
Theo bảo vệ này, sếp của anh tên Quang, hiện biệt phủ này đã được xây gần xong, chỉ còn phần trang trí các nhà cổ, sơn phết từng ngôi lầu phía trong nữa là khánh thành. Theo quan sát, biệt phủ này nằm trên khu đất rộng lớn, gồm nhiều ngôi nhà ở phía trong, có khuôn viên, rồng đá, nhà rường, hồ nước… Đứng trước máy quay phim, bảo vệ Tuấn nói: “Nhà báo à, kể cả chính quyền chúng tôi cũng không tiếp nhá. Đây là nhà riêng, ai thân quen mới được vào. Còn lại, chưa có lệnh sếp thì không được nhá”.
Khó xử lý
Theo ông Trương Việt, căn biệt thự của ông Thạch đã được ngừng xây dựng. Tuy nhiên, đối với công trình của ông Quang ở sau lưng Hạt Kiểm lâm thì chưa biết xử lý thế nào.
Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho biết, khu đất công trình nhà ở phía sau Hạt Kiểm lâm thuộc rừng đặc dụng Nam Hải Vân. “Cái này hồi xưa Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý, sau này là chuyển giao cho Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu. Bây giờ nếu nói trách nhiệm là của Hạt Kiểm lâm. Ông quản lý rừng mà để người ta xây nhà trên đó. Hạt cũng mấy lần lập biên bản đình chỉ, từ năm 2011 đến nay mà không xong. Sắp tới, chúng tôi cũng phải rà soát lại chuyện này”. Theo ông Lương, ông không biết công trình đó của ai, nhưng qua báo cáo và kiểm tra, chắc chắn có lấn vào rừng đặc dụng.
Một cán bộ quận Liên Chiểu cho hay, câu chuyện này tồn tại từ xưa, khi Ban quản lý rừng đặc dụng giao đất cho một số người dân (không có sổ đỏ) trồng rừng. Tuy nhiên, sau đó, dân bán đất rừng và nhiều người nhảy vào xây dựng không phép.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những biệt thự, nhà dân xây dưới chân núi Hải Vân (trong đó có nhà ông Phan Như Thạch) nằm trong khuôn viên rừng đặc dụng. Tuy nhiên, đây chỉ trên danh nghĩa, bởi hiện nay đã không còn cây lớn và mặc nhiên biến thành rừng sản xuất và rừng khác từ khá lâu, tuy nhiên vẫn thuộc quản lý của Hạt Kiểm lâm. Ngày 14/10/2014, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản giao rừng và đất lâm nghiệp cho UBND phường Hòa Hiệp Bắc quản lý.
Theo đó, phường này được giao 1.600 hécta thuộc rừng Hải Vân, trong đó rừng và đất sản xuất 572 hécta… “Có văn bản là thế nhưng đến nay, Hạt Kiểm lâm đã bàn giao cho chúng tôi đâu. Tuy chưa định vị, nhưng khả năng đất rừng của ông Thạch và ông Quang đều nằm trong số 1.600 hécta này. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ đề xuất thành phố phương án xử lý theo hướng hỗ trợ người dân phát triển rừng, du lịch”, ông Trương Việt nói.
Mặc dù nói rằng trách nhiệm là của Hạt Kiểm lâm, nhưng ông Trương Việt cho hay, nếu phát hiện công trình nhà ông Quang còn xây dựng, sẽ đem đội quy tắc lên đình chỉ ngay. Trong khi đó, khuôn viên biệt phủ khi chúng tôi lên đóng im ỉm, phía trong vẫn thi công rầm rộ.
Người nhà tướng Thạch nói gì?
Chiều qua, đại diện gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch là anh Phan Vũ Việt Hùng (con trai ông Thạch) đã có cuộc gặp gỡ với phóng viên để giãi bày câu chuyện về xây dựng trái phép ngôi biệt thự. Anh Hùng thừa nhận, xây dựng chưa có phép là sai. Hiện đã tạm dừng chờ hướng xử lý của thành phố. Theo anh Hùng, ở đây chỉ là xây nhà chưa có phép và người ta đã cố dựng câu chuyện để quy chụp cá nhân vì cha anh là tướng công an.
“Lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về tôi. Tôi đã quá nôn nóng, vì nhiều lần trình thành phố mà chưa được xây nhà nên làm liều, chứ cha tôi không liên quan. Ông (tức ông Thạch) bận bịu nhiều công chuyện nên giao tôi quán xuyến. Ông đâu có biết gì mà kêu là tướng công an xây biệt thự trăm tỷ không phép”. Còn biệt phủ của ông Quang, theo anh Hùng, gia đình anh đã bán 1,5 hécta cho ông Quang từ những năm 2009 nên giờ đây không còn liên quan.

Nam Cường - Báo Tiền phong. 

6 nhận xét:

  1. Đây có lẽ là một trong những trường hợp vi phạm nổi cộm cần được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, việc xây dựng trái phép khi không được sự cho phép của cơ quan nhà nước, xây nhà trên rừng đặc dụng là sai trái, những người có thẩm quyền trong việc quản lý vấn đề này cần có biện pháp ngăn chặn ngay tức thì. đối với một người là quan chức trong bộ máy nhà nước như ông Thạch là điều không thể chấp nhận được.

    Trả lờiXóa
  2. Không biết thực hư vấn đề này như thế nào, nguyên nhân do đâu nhưng nếu nó ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và sự an toàn của các hộ dân xung quanh thì cần phải sớm ngăn chặn, không thể để vi phạm càng ngày càng nghiêm trọng. Hơn nữa trong bài trên có nói rõ việc xây nhà này là do con trai ông Thạch là anh Hùng xây và chịu trách nhiệm chứ không phải là ông Thạch chỉ định và chịu trách nhiệm, khi nghiên cứu phán xét thì cần nhìn vào đúng người đúng hành động của họ chứ không thể quy chụp được

    Trả lờiXóa
  3. Trong vụ việc này thì không chỉ có những người thực hiện xây dựng trái phép sai mà còn có cả những người dân đã được giao đất rừng để chăm sóc quản lý cũng sai, rừng đặc dụng thuộc diện rừng do nhà nước quản lý bởi nó có tác động rất lớn đến môi trường sinh thái, tác dụng đặc biệt của rừng đặc dụng trong trường hợp đèo hải vân này chính là chống thiên tai lũ ống lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho cuộc sống con người.

    Trả lờiXóa
  4. Vậy nên bán đất rừng khi đã được giao cho quản lý và sử dụng của những người dân ở đây là hành động sai trái, người mua cũng là người sai và việc xây dựng nhà trái phép trên những khu đất này càng sai hơn bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn môi trường sinh thái trong khu vực. vụ việc này cần phải bị xử lí, và dường như những người xây dựng này cũng đã dừng việc làm của mình lại và chờ quyết định của thành phố rồi, hi vọng nó sẽ được giải quyết đúng đắn thỏa đáng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực sự thì sai phạm thì phải giải quyết thôi. Ghi nhận những phản hồi từ phía mọi người như thế này
      Công nhận mua đất, xây nhà thì không ai nói, nhưng chưa có giấy tờ mà đã thi công thì gọi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên chưa có báo chí, chưa có nghe nói gì. Đây mới là phát hiện của tác giả thôi. Chúng ta cần chờ thêm sau này như thế nào

      Xóa
  5. Nếu là thật, đương nhiên là phải làm như ông chuyết rồi và có rồi mới làm thì là thật đáng thất vọng cho cán bộ. Nhưng nếu không phải thì người ta có tiền người ta mua đất xây nhà thôi. Giấy tờ thì sẽ có cả cũng chả đến lượt ông tác giả bài viết chụp được. Cho nên độ xác thực của bài viết tôi nghi ngờ dưới mức tin cậy tối thiểu. Mong có thông tin chính xác sớm hơn

    Trả lờiXóa