thu hồi đất của hàng loạt hộ dân?
07:09 ngày 04/08/2014
Dân trí "Từ trình tự thu hồi đất đến đền bù, hỗ trợ tái định cư của UBND tỉnh Nam Định với các hộ dân khu Đông Mạc sai phạm hàng loạt so với Luật và Nghị định Chính phủ. Nhiều sai phạm được chính Thanh tra tỉnh kết luận", luật sư Trương Quốc Hòe phân tích. UBND tỉnh Nam Định bị người dân tố sai phạm hàng loạt khi thu hồi đất làm dự án
Theo như báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đô thị mới, ngày 26/05/2004, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1223/2004/QĐ-UB về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đô thị mới và ngày 01/06/2004, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1260/2004/QĐ – UB về việc phê duyệt phương án đền bù GPMB xây dựng khu đô thị mới tại khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ - TP Nam Định.
Sự việc kéo dài đã 10 năm, hàng chục hộ dân bị thu hồi đất vẫn một mức không đồng thuận khiếu nại tới hàng loạt các cơ quan chức năng, thậm chí khởi kiện UBND tỉnh Nam Định ra tòa. Hiện vụ kiện hành chính này đang được TAND Tối cao thụ lý, xét xử theo thẩm quyền.
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện đang là luật sư tư vấn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các hộ dân bị thu hồi đất trong dự án nêu trên.
Luật sư Trương Quốc Hòe: Từ trình tự thu hồi đất đến đền bù, hỗ trợ tái định cư của UBND tỉnh Nam Định với các hộ dân khu Đông Mạc sai phạm hàng loạt so với Luật và Nghị định Chính phủ.
Thưa luật sư Trương Quốc Hòe, xin luật sư cho biết cụ thể trong việc thu hồi đất để GPMB xây dựng khu đô thị mới theo Quyết định số 1223/2004/QĐ-UB và Quyết định số 1260/2004/QĐ - UB của UBND tỉnh Nam Định, các vấn đề về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất đã được pháp luật quy định quy định như thế nào?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định 22/1998/NĐ-CP thì: “Khi có quyết định thu hồi đất, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương chỉ đạo lập hội đồng đền bù thiệt hại GPMB. Trường hợp cần thiết phải sớm GPMB để thực hiện dự án thì có thể thành lập hội đồng đền bù trước khi có quyết định thu hồi đất. Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB phát tờ khai, tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, thu tờ khai. Sở Địa chính phối hợp với ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh soát xét lại quỹ đất dùng để đền bù bằng đất”
Cũng theo Điều này thì trình tự đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định thu hồi đất và lập Hội đồng đền bù GPMB
Bước 2: Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB phát tờ khai, tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, thu tờ khai đất, tài sản trên đất. Sau khi tổ chức, cá nhân kê khai sẽ gửi Ủy ban cấp xã nơi có đất xác nhận và gửi Hội đồng đền bù.
Bước 3: Hội đồng đền bù kiểm tra và xác định tổng mức phải đền bù sau đó báo cáo Hội đồng thẩm định và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Bước 4: Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, cơ quan thu hồi tổ chức việc đền bù cho chủ sử dụng đất.
Đối chiếu với vụ việc tại khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ: Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đã không phát tờ khai để nhân dân kê khai diện tích đất bị thu hồi mà chỉ đến từng hộ dân để đối chiếu diện tích đất được giao với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng nhà, bỏ qua bước thứ 2 trong quá trình thu hồi và bồi thường GPMB: không phát tờ khai cho dân cũng như tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, thu tờ khai đất, tài sản trên đất, do vậy trong vụ việc này đã thiếu mất mục cá nhân kê khai và gửi bản kê khai tới Ủy ban phường Lộc Hạ và gửi Hội đồng đền bù.
Điều này đã được thanh tra tỉnh Nam Định kiểm tra và kết luận tại Báo cáo số 22/BC-TTr ngày 01/06/2006 về Kết quả thẩm tra xác minh đơn khiếu nại của một số công dân thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, TP Nam Định: “Qua kiểm tra cho thấy: trước khi GPMB khu đô thị mới, phường Lộc Hạ và thôn Đông Mạc không phát tờ khai để nhân dân kê khai diện tích đất bị thu hồi mà chỉ đến từng hộ để đối chiếu diện tích giao 115 với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng nhà”. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng trình tự bồi thường GPMB, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của các hộ dân có đất bị thu hồi.
UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1223/2004/QĐ-UB về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đô thị mới và ngày 01/06/2004.
Ngày 26/5/2004, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1223/2004/QĐ-UB, về việc thu hồi đất để GPMB xây dựng khu đô thị mới. Trong cùng ngày, Hội đồng đền bù GPMB thành phố Nam Định đã lập phương án đền bù và có tờ trình số 485/2004/TT gửi Hội đồng thẩm định GPMB của tỉnh.Sau đó, ngày 01/06/2004 UBND tỉnh Nam Định đã ra Quyết định số 1260/2004/QĐ-UB về việc phê duyệt phương án đền bù GPMB. Tuy nhiên, mãi đến ngày 30/06/2004, Thủ tướng Chính phủ mới ký ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTG về việc giao đất để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có nội dung: giao trách nhiệm cho UBND tỉnh Nam Định hướng dẫn việc bồi thường cho chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi.
Như vậy, việc lập và phê duyệt phương án bồi thường diễn ra trước khi có Quyết định giao đất và chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Điều này đã vi phạm các quy định tại Tiểu mục 5, Mục III, Thông tư liên tịch số 94TT/LB của Bộ vật giá Chính phủ - Tài chính – Xây dựng – Tổng Cục địa chính ngày 14/11/1994 hướng dẫn thi hành Nghị định 87/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ quy định khung giá các loại đất: “Đền bù thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 17-8-1994 của Chính phủ; đền bù thiệt hại cho người có đất bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác theo quyết định riêng của Chính phủ”.
Xin luật sư cho biết những quy định cơ bản của pháp luật về Hội đồng đền bù GPMB?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo quy định về Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 22/1998/NĐ-CP thì: “Căn cứ vàoquyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; căn cứ vào quy mô, đặc điểm và tính chất của từng dự án, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB ở cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh”.
Như vậy, Hội đồng đền bù GPMB chỉ được thành lập sau khi có Quyết định thu hồi đất. Trong một số trường hợp cần thiết phải sớm GPMB để thực hiện dự án, Hội đồng đền bù GPMB cũng có thể được thành lập trước khi có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù không đưa ra được lý do nào thể hiện sự cần thiết phải sớm GPMB để thực hiện dự án, nhưng UBND tỉnh Nam Định vẫn đã quyết định thành lập Hội đồng đền bù GPMB trước khi có Quyết định thu hồi đất, mặc dù cho đến nay đã 10 năm trôi qua, dự án vẫn còn để hoang, chưa được triển khai xây dựng.
Thành phần của Hội đồng đền bù GPMB được quy định rất cụ thể tại Điều 32 Nghị định 22/1998/NĐ-CP, gồm có 5 thành viên bắt buộc:
“Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên khác gồm:
Trưởng phòng tài chính, ủy viên thường trực hội đồng;
Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có đất bị thu hồi, ủy viên;
Đại diện mặt trận tổ quốc quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, ủy viên;
Chủ dự án (chủ sử dụng đất), ủy viên;
Đại diện những người được đền bù thiệt hại.
Các thành viên khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định cho phù hợp với thực tế của mỗi công trình”.
Thế nhưng theo Quyết định 619/2004/QĐ-UB về việc thành lập Hội đồng đền bù GPMB và Quyết định 1052/2004/QĐ-UB kiện toàn và bổ sung Hội đồng đền bù GPMB thì trong thành phần Hội đồng đền bù GPMB này chỉ có 3 thành viên, thiếu 2/5 thành viên theo quy định của pháp luật là Trưởng phòng tài chính thành phố và Đại diện cho những người được đền bù thiệt hại. Điều này cũng đã được kết luận chính thức tại Báo cáo số 22/BC-TTr ngày 01/06/2006 của Thanh tra tỉnh Nam Định.
Thưa luật sư, tại thời điểm tiến hành thu hồi đất tại thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, TP Nam Định, pháp luật quy định như thế nào về giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Tại Điều 8 Nghị định 22/1998/NĐ-CP quy định về Giá tiền để tính đền bù thiệt hại thì: “Giá đất để tính đền bù thiệt hại do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho từng dự án theo đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá, có sự tham gia của các ngành có liên quan.Giá đất để tính đền bù thiệt hại được xác định trên cơ sở giá đất của địa phương ban hành theo quy định của Chính phủ nhân với hệ số K để đảm bảo giá đất tính đền bù phù hợp với khả năng sinh lợi và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở địa phương”. Như vậy, khi quyết định giá đất đền bù thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phải căn cứ vào từng dự án theo đề nghị của Sở tài chính - vật giá.
Tuy nhiên trong trường hợp này, khi quyết định giá đất để tính đền bù thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã lấy giá của khu đất phía Bắc Sông Đào và phía Nam huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản để tính tiền đền bù cho các hộ dân, được xác định là giá đất nông nghiệp nông thôn với đơn giá 19.300 đồng/m2. Trong khi đó, theo Nghị định số 17/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy hoạch thì tại thời điểm này xã Lộc Hạ đã trở thành phường Lộc Hạ, do vậy các hộ dân phải được đền bù đất theo giá đất của đất nông nghiệp trong đô thị. Việc xác định sai khung giá đất bồi thường nói trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân có đất bị thu hồi.
Ngoài ra khi đền bù thu hồi đất, UBND tỉnh Nam Định đã không thực hiện việc nhân hệ số K (là hệ số quan hệ tỷ lệ giữa giá đất tính theo khả năng sinh lợi) và cũng không tính giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường theo quy định Tiểu mục 3.1 Mục II Thông tư số 145/1998/TT-BTC ngày 04/11/1998 của Bộ tài chính hướng dẫn Nghị định 22/1998/NĐ-CP:
“3. Xác định hệ số K và giá đất đền bù cho một số trường hợp đặc biệt:
3.1- Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ở những nơi mà việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã diễn ra phổ biến và đã hình thành giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể xác định hệ số K bằng một trong 2 phương pháp trên, nhưng giá đất tính đền bù thiệt hại bằng giá đất đền bù tính theo khả năng sinh lợi, cộng thêm một khoản tiền tối đa bằng 60% phần chênh lệch giữa giá đất tính theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá đền bù tính theo khả năng sinh lợi của mảnh đất đó”.
Đối với việc hỗ trợ chi phí đào tạo khi thu hồi đất, theo Quyết định số 1260/2004/QĐ-UB, UBND tỉnh Nam Định quy định mức hỗ trợ đào tạo là 700 đồng/m2 mà không áp dụng quy định tại Mục 5 Công văn số 4448/TC-QLTS ngày 04/9/1999 hướng dẫn xử lý một số vướng mắc trong công tác, đền bù giải phóng mặt bằng đó là:
“5. Về hỗ trợ chi phí đào tạo theo khoản 4 Điều 25 Nghị định22/1998/NĐ-CPngày 24/4/1998 của Chính phủ
Trong trường hợp một hộ bị thu hồi từ 30% đến 50% diện tích đất nông nghiệp được giao thì được 01 suất hỗ trợ; từ trên 50% - 70% thì được 02 suất hỗ trợ; trên 70% thì được hỗ trợ cho tổng số lao động nông nghiệp trong độ tuổi có tên trong sổ hộ khẩu của hộ đó. Mức chi đào tạo cho 1 suất hỗ trợ do UBND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với thực tế của địa phương”.
Sai phạm này đã được Thanh tra tỉnh Nam Định xác minh và tại Báo cáo số 18 ngày ngày 09/02/2006 đã chính thức kết luận: “Qua thanh tra cho thấy, đối với dự án này, tài liệu hiện có, đối chiếu với các qui định tại thời điểm UBND tỉnh phê duyệt thì Thanh tra tỉnh Nam Định nhận thấy: phần hỗ trợ đối với các hộ dân bị thu hồi đất tại thôn Đông Mạc, P.Lộc Hạ, TP.Nam Định do hội đồng thẩm định trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt là không sát với thực tế, mức hỗ trợ do hội đồng thẩm định trình Tỉnh phê duyệt là vận dụng không có căn cứ sát thực… Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu hiện có UBND tỉnh Nam Định phải ra quyết định thu hồi QĐ 1260 QĐ-UB ngày 01/06/2004, dẫn tới tình hình sẽ rất phức tạp”.
Mặc dù sau đó, tại Điều 1 Quyết định 1715/QĐ-UBND ngày 24/7/2006, UBND tỉnh Nam Định đã thừa nhận “Riêng phần hỗ trợ kinh phí đào tạo, UBND tỉnh giao UBND thành phố Nam Định chỉ đạo UBND phường Lộc Hạ lập phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với lao động nông nghiệp trong độ tuổi bị thu hồi đất, vận dụng tinh thần Công văn số 4448/TC-QLCS ngày 04/9/1999 của Bộ tài chính trình UBND tỉnh” nhưng trên thực tế, cho đến nay các hộ dân vẫn không nhận được mức hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.
Và cũng tại quyết định 1715/QĐ-UBND này, UBND tỉnh Nam Định đã giao cho UBND TP Nam Định ổn định đời sống cho các hộ dân theo tinh thần của Công văn số 4448/TC-QLTS ngày 04/9/1999. Sau đó, UBND TP. Nam Định mở khu chợ tái định cư Đông Đông Mạc để ổn định cuộc sống, hỗ trợ người dân sau khi bị thu hồi 70% - 100% diện tích đất. Khi dự án Chợ Đông Đông Mạc đã hoàn thành xong, UBND phường Lộc Hạ lại ra Quyết định cho đấu giá ki ốt chợ Đông Mạc đối với tất cả các đối tượng trong và ngoài phường với thời hạn 5 năm và UBND hỗ trợ cho người bị thu hồi đất 70% -100% thì được hưởng hỗ trợ giá 20%.
Tuy nhiên, mức giá mà UBND TP.Nam Định đưa ra là từ 7 - 12 triệu/1 ki ốt thì lại quá cao, vì với mức giá đó người dân bị thu hồi đất khó có thể mua được 1 kiot do đất đã bị thu hồi, họ không có đất để canh tác nữa, lại không có nghề phụ nên đời sống vô cùng khó khăn, thì lấy đâu ra được số tiền lớn như vậy để có thể tham gia đấu giá được? Do vậy, nói là xây chợ hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi nhưng trên thực tế những người dân này đâu có được hưởng lợi.
Có thể nói, quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi thu hồi đất của UBND tỉnh Nam Định trong việc thu hồi đất tại thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, TP Nam Định có rất nhiều điểm vi phạm các quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Xin cảm ơn luật sư!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét