Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Thu hồi tài sản của quan tham - cần thu hồi gấp !

Thứ sáu, 21/11/2014 | 15:13 GMT+7 
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bị yêu cầu kiểm điểm, thu hồi nhà đất

Xác minh 6 căn nhà do ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng thanh tra Chính phủ) và gia đình đứng tên, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy ông Truyền đã thiếu trung thực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu.
Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông cáo về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ.
Ông Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. 
Cụ thể, về thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương (thị xã Bến Tre, Bến Tre), tháng 12/1992, ông Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2). Việc ông Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi ông không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Sau khi được cấp đất, gia đình ông Truyền đã san lấp mặt bằng, làm tường rào, nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm. Đến năm 2002, khi được chính quyền địa phương thông báo nộp 16 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Truyền làm đơn đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách với gia đình người có công và được Cục Thuế tỉnh Bến Tre quyết định miễn giảm theo quy định đúng với số tiền là 16 triệu đồng.
Qua kiểm tra cho thấy, năm 1992, ông Truyền đã nhận đất của Quân khu 9, đến năm 2003 lại được tỉnh bán cho căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, phường 1, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP của Chính phủ. Do vậy, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu ông Truyền trả lại mảnh đất trên cho Tỉnh đội Bến Tre quản lý, ông Truyền cũng đã có đơn trả lại.
Nhưng từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên, do giữa gia đình ông Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào. Trong khi chưa giải quyết dứt điểm, đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Như vậy, ông Trần Văn Truyền biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận. Sau khi đã được mua nhà theo Nghị định số 61/CP và sau khi được Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trả lại, ông Truyền đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng. Việc làm trên của ông Truyền thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với cá nhân ông Truyền. 
Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất, để kéo dài, gây dư luận không tốt đối với lãnh đạo ở địa phương.
Năm 2002, UBND tỉnh đồng ý cho gia đình ông Trần Văn Truyền được thuê căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, phường 1, thành phố Bến Tre với diện tích nhà chính 118,22 m2, nhà phụ 24,48 m2, khuôn viên đất 117,69 m2. Trước khi ông Truyền nhận nhà, Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre đã tiến hành sửa chữa, cải tạo mới căn nhà trên với tổng chi phí là 413,385 triệu đồng.
Năm 2003, khi đã chuyển công tác ra Hà Nội, ông Truyền có đơn xin mua căn nhà trên. Trong đơn xin mua nhà, ông Truyền cam kết chưa được cấp đất theo chính sách nhà, đất của Nhà nước. UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định bán cho ông Truyền căn nhà trên với số tiền miễn giảm là 76,291 triệu đồng; số tiền còn phải nộp cho Nhà nước là 277,969 triệu đồng.
Như vậy, thời điểm mua căn nhà, ông Truyền đã được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định trước đó vào năm 2002. Bản thân ông Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong hai năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 61/CP của Chính phủ "Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...”.
Việc UBND tỉnh chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm. 
Về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM, năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Truyền có đơn gửi UBND TP HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà và đã được UBND thành phố giải quyết cho thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận.
Năm 2008, do thời hạn hợp đồng gần hết, ông Truyền làm đơn và được Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà TP HCM đồng ý chuyển tên trong hợp đồng cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ làm việc tại Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Sài Gòn, tiếp tục được thuê căn nhà trên.
Đến tháng 3/2011, ông Trần Văn Truyền làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND TP HCM bán căn nhà này cho mình và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên. Sau đó các cơ quan chức năng của TP HCM đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Huệ theo hình thức thu 100% tiền sử dụng đất theo đơn giá do thành phố quy định hàng năm và thực hiện quy trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, nhưng không tính miễn, giảm các khoản được hỗ trợ theo chính sách.
Vào thời điểm tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.
Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông Truyền là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, quận 9, TP HCM là nhà được tặng; con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại quận 5, TP HCM.
Như vậy, ông Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND TP HCM không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước. Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng. Việc làm trên của ông là có vi phạm, làm cho uy tín cá nhân bị giảm sút, gây dư luận xấu trong xã hội.
Về nhà công vụ tại số 61, đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị trung ương hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, Khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với diện tích 95 m2...
Tháng 10/2011, ông Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra trung ương nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Như vậy, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, ông Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, ông có khuyết điểm khi chưa thực sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
Về căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, từ năm 2009 đến 2010, con trai ông Trần Văn Truyền là Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh mua gom đất của 4 hộ dân (với 8 thửa liền kề), diện tích 16.567,4 m2, tổng số tiền theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng (ngoài ra còn một lô đất gần 8.000 m2 của con gái là Trần Thị Ngọc Huệ mua, nhưng chưa sử dụng).
Tháng 12/2012, căn cứ đơn đề nghị của ông Trần Hoàng Anh, UBND thành phố Bến Tre cấp phép xây dựng nhà cho ông Trần Hoàng Anh với diện tích xây dựng tầng trệt 441,71 m2; tổng diện tích sàn 1.226,61 m2; công trình có 3 tầng với chiều cao là 19,96 m. Tháng 5/2014, UBND thành phố Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Hoàng Anh.
Ông Trần Văn Truyền có báo cáo giải trình về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình trên là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú tại khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9, TP HCM và hiện ông đang ở trong căn nhà này.
Như vậy, việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.
Việc làm trên của ông Truyền thể hiện sự thiếu cân nhắc thận trọng và thiếu gương mẫu trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng; vi phạm hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra trung ương về những điều đảng viên không được làm: “Làm những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”.
Về căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9, TP HCM, nguồn gốc căn nhà này là từ việc ông Trần Văn Truyền có quen biết gia đình bà Trần Thị Lý, trú tại quận 9, TP HCM. Bà Lý nhận ông Truyền làm con nuôi. Tháng 7/2000, bà Lý lập di chúc để lại cho con gái là Phạm Thị Kim Anh, sinh năm 1967. Trong di chúc của bà Lý có nội dung để lại toàn bộ tài sản cho con gái là bà Kim Anh, do bà Kim Anh toàn quyền quyết định khi bà mất, trong đó đồng ý việc chia tài sản cho các con đỡ đầu và các cháu.
Sau khi bà Lý mất, bà Kim Anh đã mở di chúc để chia số tài sản thừa kế cho một số người, trong đó có ông Truyền. Năm 2008, bà Kim Anh tặng cho vợ ông Trần Văn Truyền một căn nhà 3 tầng, diện tích xây dựng 211,8 m2, tổng diện tích sàn là 505,1 m2 tại số 465/48C khu phố Phước Hậu. Từ khi được tặng căn nhà, ông Truyền chưa sử dụng, nay theo báo cáo đã giao lại cho bà Kim Anh quản lý, ông Truyền nhận của bà Kim Anh 4 tỷ đồng để làm nhà biệt thự ở Bến Tre.
Từ 6 trường hợp cụ thể về nhà, đất nói trên, qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan trung ương và khi đã về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, ông đã thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình, trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm. Những việc làm của ông Trần Văn Truyền gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng.
Ban thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre có khuyết điểm, vi phạm trong việc còn nể nang, không chỉ đạo thu hồi dứt điểm lô đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, thành phố Bến Tre; trong việc sửa chữa, cải tạo mới và bán cho ông Truyền nhà số 06 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP.
UBND TP HCM và các cơ quan chức năng của thành phố đồng ý bán cho con gái ông Trần Văn Truyền căn nhà tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận là không đúng đối tượng, thiếu căn cứ pháp lý, có sự nể nang, vi phạm Quyết định số 118 của Thủ tướng.
Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy, những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã báo cáo và được Ban bí thư đồng ý, theo đó Ban bí thư yêu cầu: 
Ông Trần Văn Truyền phải kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre và Ủy ban Kiểm tra Trung ương; yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre cần thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Trần Văn Truyền về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên; chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre theo quy định của pháp luật; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 06 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre.
Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cần chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo hướng đề xuất của UBND TP HCM; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Theo TTXVN

2 nhận xét:

  1. những vấn đề về tham nhũng thì bất cứ một quốc gia nao cũng có nhưng điều đấy đã có các cơ quan chức năng giải quyết và tuân theo những thủ tục nhất định chứ không phải là đưa tin lên thổi phông tin tức bịa đặt và không có một căn cư nào . chỉ những kẻ đang có một lương tâm đen tối mới không coi chuyện bình thường của xã hội thành chuyện cần phải xem xét

    Trả lờiXóa
  2. hôn hoàng một con chó được thuê để đi sủa kiếm ăn. nó sủa chẳng thuyết phục được ai. kiếm nghề khác mà làm kẻo nhà mày bị quả báo đấy

    Trả lờiXóa