Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Tỉnh Hà Tĩnh: Lập tờ trình lừa Thủ tướng xin vốn ODA dùng sai mục đích. ( Thủ tướng bị lừa !)


Theo tờ trình xin vốn ODA của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (ông Võ Kim Cự) gửi Thủ tướng Chính phủ thì:  Dự án tái định cư, di dời khẩn cấp dân ra khỏi vùng lũ lụt ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh có vốn đầu tư 89,4 tỉ đồng, vì “hoàn cảnh kinh tế tỉnh khó khăn” nên phải nhờ Chính phủ hỗ trợ. Sau khi hoàn thành là phải di dời khẩn cấp 66 hộ dân nằm trong vùng lũ lụt ngoài đê La Giang vào khu tái định cư này. Nhưng, khi công trình hoàn thành, chính quyền địa phương chỉ cấp cho 5 hộ không đúng đối tượng vào khu tái định cư, diện tích còn lại UBND thị xã Hồng Lĩnh thông báo bán. Danh sách 66 hộ dân cho đến thời điểm này vẫn là con số “bí ẩn”. Có thể khẳng định, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lập tờ trình “lừa” Thủ tướng Chính phủ xin vốn ODA xây dựng khu dân cư để bán.
“Treo đầu dê bán thịt chó”
Theo đơn của bà Nguyễn Thị Bông ở khối 8, phường Trung Lương tố cáo lãnh đạo phường này không cấp đất tái định cư cho bà theo diện phải di dời khẩn cấp những hộ dân nằm trong vùng lũ lụt ngoài đê La Giang mà lại cấp cho 5 hộ khác không nằm trong diện tái định cư.
Hồ sơ cho thấy: Dự án tái định cư di dời khẩn cấp, khắc phục lụt bão (giai đoạn 1) trên diện tích 2ha trong số 10,5ha đất bị thu hồi, được đầu tư 30 tỉ đồng trong số 89,4 tỉ đồng mà Chính phủ cấp cho phường Trung Lương bằng vốn ODA. Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin vốn số 2371/UBND-GT do Chủ tịch UBND tỉnh kí ngày 18/7/2011. Cùng ngày 18/7/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Nhật kí Quyết định số 2359/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư ở phường Trung Lương theo Tờ trình số 85 ngày 7/7/2011 của UBND thị xã Hồng Lĩnh. Các thủ tục được hoàn tất vào tháng 2/2012. UBND thị xã Hồng Lĩnh là chủ đầu tư, Công ty TNHH Như Nam (Hồng Lĩnh) là nhà thầu được chỉ định. Đất bị thu hồi làm dự án là đất hai vụ loại một, thường xuyên trồng lúa giống. Dự án tái định cư được khởi công đầu năm 2012 và hoàn thành giữa năm 2013.
Theo hồ sơ dự án thì sau khi xây dựng xong phải di dời khẩn cấp 66 hộ dân vào khu tái định cư. Nhưng khi dự án xây dựng xong, chính quyền địa phương chỉ cấp đất cho 5 hộ không thuộc đối tượng được xét. Số diện tích còn lại UBND thị xã Hồng Lĩnh thường xuyên rao bán với giá 2,2 triệu đồng/m2.Vì bức xúc với kiểu làm việc “trên trời, dưới đất” của chính quyền, bà Bông đã làm đơn tố cáo gửi nhiều nơi, trong đó có Báo Người cao tuổi.
Bí mật một danh sách “ma”?
Trong hồ sơ thể hiện mức độ khẩn cấp của dự án là để bảo vệ tính mạng cho những người dân nằm trong vùng lũ lụt đặc biệt, nhưng sau khi hoàn thành dự án thì lại thông báo bán các lô đất. Nghi ngờ danh sách 66 hộ dân thuộc diện di dời mà UBND phường Trung Lương lập là danh sách “ma”, Phóng viên đề nghị UBND phường Trung Lương cung cấp bản danh sách nhưng Chủ tịch UBND phường trả lời là lập xong chuyển lên thị xã nên phường không giữ. Tên những hộ dân thuộc diện di dời phường cũng không nhớ, còn 5 hộ không đúng đối tượng mà lại được cấp đất thì chủ tịch trả lời là do cán bộ địa chính cũ khi nghỉ “không bàn giao hồ sơ” nên việc họ đã được cấp đất để di dời những năm trước nhưng đã bán cho người khác phường không biết. Phường chỉ giúp thị xã lập danh sách thôi, ngoài ra phường chẳng biết gì.
Làm việc với UBND thị xã Hồng Lĩnh thì được cung cấp hồ sơ dự án còn bản danh sách 66 hộ dân phải di dời khẩn cấp thì… không có?
Dự án di dời khẩn cấp lũ, lụt mà bán đất là tự “thắt cổ mình”?
Nơi cuối cùng có thể có bản danh sách đó là Chi cục Phát triển Nông thôn. Nhưng ông Ngô Văn Oánh, cán bộ Chi cục (Sở NN&PTNT), người theo dõi, giám sát chi trả việc di dời dự án này khẳng định: Tôi chỉ được giao danh sách 5 hộ, còn danh sách ở đâu tôi không biết. Nhà nước đầu tư tiền để di dời dân lụt bão khẩn cấp mà UBND thị xã Hồng Lĩnh lại xây dựng dự án rồi thông báo bán đất là sai lầm nghiêm trọng, đầu tư không đúng mục đích là “tự thắt cổ mình”.
Dự án di dời khẩn cấp dân trong vùng lũ lụt ở Trung Lương có vốn đầu tư 89,4 tỉ đồng, nhưng chỉ đầu tư xây dựng giai đoạn một 30 tỉ đồng, số tiền 59,4 tỉ đồng còn lại có người cho rằng chính quyền địa phương dùng vào thi công một số tuyến đường nội đồng được đổ bê-tông theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn nhưng chủ yếu là để trâu, bò đi nên chất lượng kém và rất lãng phí, trong khi Nhà nước đang ngừng cấp vốn đối với các công trình không trọng điểm vì điều kiện kinh tế khó khăn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng khác rà soát, kiểm tra lại các dự án này, xử lí nghiêm các dự án đầu tư kém hiệu quả, kém chất lượng và sai mục đích, đây là vốn vay của nước ngoài (ODA), tiền thì có thể vào túi một số “quan tham”, còn nợ thì nhân dân Việt Nam phải gánh
Trần Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét