(VTC News) - Việc dân làng Châu Xá lập “chiến lũy”, đối đầu với xã hội đen là bài học với công tác chính quyền ở địa phương.
Loạt bài dân lập "chiến lũy" ở Hải Dương:

Bài 4: ‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?

Trong những ngày gặp gỡ nhân dân, thâm nhập vào môi trường cực kỳ căng thẳng ở thôn Châu Xá (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương), tôi nhận thấy rằng, để xảy ra chuyện dân phải lập “chiến lũy”, có nhiều phần là lỗi của chính quyền địa phương.

Lỗi đầu tiên mà người dân Châu Xá phản ánh thuộc về ông Lê Văn Tài. Trong đơn kiến nghị của nhân dân, thì ngày 29/3/2013, trong buổi họp dân ở thôn Châu Xá, ông Tài đã khẳng định rằng UBND xã đã giao cho ông và chi bộ thôn Châu Xá giám sát nhà máy sản xuất Pro Niken xem có gây ô nhiễm không. 

Trong khi nhân dân kiện cáo vì nhà máy gây ô nhiễm, khiến người dân ngộp thở, thì ông Tài lại khẳng định trước nhân dân là ông không thấy có mùi gì gây độc hại.

Việc ông Tài khẳng định như vậy đã khiến dân bức xúc, sau đó, lãnh đạo huyện Kinh Môn lại “đổ thêm dầu vào lửa” khi đưa ra một thông tin rằng: “huyện đã cử cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường kiểm tra và các chuyên viên của phòng Tài nguyên môi trường huyện kết luận, chất Pro Niken được doanh nghiệp sản xuất không gây ô nhiễm môi trường”.
‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?
Người dân Châu Xá chốt chặn đường vào nhà máy Trường Khánh 
Trong khi doanh nghiệp này xây dựng nhà máy trái phép, buộc phải tháo dỡ, lẽ ra chính quyền phải trả lời dân khi nào tháo dỡ xong, thì lại đi tranh cãi việc có ô nhiễm môi trường hay không với dân, khiến dân càng thêm bức xúc, bởi dân nghĩ rằng, chính quyền đã đứng về phía doanh nghiệp và tiếp tay cho các sai phạm của doanh nghiệp này. Đó chính là lý do nhân dân thôn Châu Xá phải tự tìm cách bảo vệ mình, không tin vào chính quyền nữa.

Trong các đơn kiến nghị, mà anh Nguyễn Văn Hanh là người đại diện, nhân dân Châu Xá khẳng định rằng nhà máy sản xuất Pro Niken gây ô nhiễm không khí và nước rất nghiêm trọng.

Ông Lê Văn An, cựu chiến binh thôn Châu Xá cho biết: “Hôm nhà máy đi vào hoạt động, cứ đến 5 giờ chiều, nhà máy này đốt lò sáng rực cả góc quả đồi. Người già, mắt mờ như tôi vẫn nhìn rõ khói màu xanh bốc lên, rồi mùi khét, tanh lan tỏa vào làng, khiến chúng tôi tức ngực, không thở nổi”.

Bà Lê Thị Kịch, người hăng hái phục vụ lán chốt chặn nhà máy cho biết: “Con trai tôi là Lê Văn Quyên thầu 2 ao nuôi cá, cách nhà máy của Công ty Trường Khánh khoảng 300 mét. Nhà máy này hoạt động một thời gian, thì nước thải ra kênh, cánh đồng xanh lét. Nước này chảy vào ao thì cá trắm, trôi chết sạch. Ba ba là loài sống trong bùn, khỏe thế mà cũng bò lên bờ chết. Toàn bộ vốn liếng con trai tôi dồn vào 2 ao nuôi cá và ba ba, giờ mất trắng”.
‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?
 
‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?
Phá đường và đắp ụ cản xe cộ vào nhà máy  
Ngoài ra, ao cá của anh Chiêu, cách nhà máy sản xuất Pro Niken khoảng 300 mét, cũng chết không còn con cá nào. Hàng tạ cá trắm cỏ, trắm đen nuôi mấy năm chết nổi bụng, không kịp tiêu thụ.

Người dân còn khẳng định rằng, kênh mương, ruộng nương quanh nhà máy này không còn con cá nào. Rất nhiều vịt của nhân dân chăn thả ngoài cánh đồng, ăn phải cá chết, cũng chết theo.

Ngoài việc chính quyền không đứng về phía dân trong việc xác định sự ô nhiễm của nhà máy hóa chất này, thì chính quyền đã không công khai với dân nội dung việc giao khoán mảnh đất 1,17 héc-ta cho Công ty Trường Khánh.

Trong “Hợp đồng giao khoán” ghi rõ: “Bên A (UBND xã Duy Tân) có trách nhiệm thông báo cho mọi người trong xã được biết phần đất đã giao khoán cho bên B (Công ty Trường Khánh) để đảm bảo quyền sử dụng đất cho bên B và chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan theo thẩm quyền quy định”.

Tuy nhiên, người dân trong xã chỉ mơ hồ biết Công ty Trường Khánh đã trúng thầu lô đất này, còn họ dùng đất để làm gì, thì nhân dân không biết. Như vậy, chức năng giám sát của nhân dân đã bị vô hiệu hóa.
‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?
Nhân dân Châu Xá thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường sống 
Khi nhân dân phát hiện chuyện Công ty Trường Khánh xây dựng nhà máy trái phép, thì rất bức xúc, cho rằng dân đã bị chính quyền qua mặt. Nhân dân không tin chuyện công ty này xây dựng nhà máy trái phép to như thế, mà xã không hề biết để ngăn chặn.

Khi Công ty Trường Khánh làm sai, lãnh đạo xã cũng có lỗi trong việc này, nhưng lại xử lý chậm chạp, dẫn đến việc cái sảy nảy cái ung, khiến mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền, cùng cả nhà máy thêm gay gắt.

Điều đáng quan tâm là trong khi chính quyền chưa giám sát, giải quyết những sai phạm của công ty một cách rốt ráo, thì xã hội đen ngang nhiên lộng hành, tấn công, đe đọa nhân dân.

Chiều 21/6, khi nhân dân đang chốt chặn đầu đường, thì có 6 đối tượng đội mũ bảo hiểm, bịt kín mặt, đi xe máy đến. Chúng cầm gậy đuổi đánh nhân dân. Nghe tiếng kêu cứu, nhân dân chạy ra ứng cứu, bọn chúng rồ ga phóng mất.
‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?
Anh Nguyễn Văn Hanh bị nhiều đối tượng "khủng bố", dọa giết 
17h30 ngày 22/6, khi anh Nguyễn Văn Hanh, người đứng đơn tố cáo doanh nghiệp Trường Khánh, trên đường về nhà, thấy có 5 đối tượng bịt mặt ngồi trên 3 xe máy đỗ trước cửa nhà anh. 

Thấy nguy hiểm, anh Hanh quay đầu xe bỏ chạy. Lập tức, những đối tượng này nổ máy đuổi theo. Khi đến giữa làng Châu Xá, chúng đuổi kịp, vung gậy có đóng đinh ở đầu vụt thẳng vào đầu anh Hanh. Tuy nhiên, anh tránh được, rồi lái xe rẽ vào trong ngõ. Nhân dân ra ứng cứu, bọn chúng rồ ga chạy mất.

Đêm 24/6, bọn côn đồ đổ một đống phân lớn trộn dầu thải vào nhà anh Hanh để đe dọa anh cũng như dân làng. Các đối tượng liên tiếp gọi điện, nhắn tin dọa giết cả nhà anh Hanh và ông Trần Văn Châu.

Đêm 25/6, theo tố cáo của nhân dân, thì có 20 tên xã hội đen xông vào điểm chốt chặn của dân, ném bom xăng đốt lều, đập phá, quăng 3 xe máy, xe đạp điện của những người canh chốt xuống kênh. Chúng dùng gậy phang tím chân anh Tàu, người được phân công nhiệm vụ trông chốt hôm đó.

Đỉnh điểm của sự lộng hành là đêm 26, rạng sáng 27/6, nhóm người (theo nhân dân thì gồm 100 xã hội đen, theo trưởng thôn Lê Đức Tài thì chỉ có 40 xã hội đen, còn theo bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư huyện ủy Kinh Môn, thì đó không phải xã hội đen mà là công nhân của một doanh nghiệp khai thác đá - PV), đã lái xe xúc lật, xe tải, bật đèn pha sáng rực cánh đồng để “càn quét” nhân dân. Kết cục, ông Phạm Văn Quý bị trọng thương.
‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?
Với vũ khí thô sơ thế này, liệu người dân Châu Xá có bảo vệ được tính mạng của mình trước xã hội đen? 
Đêm 28/6, một số đối tượng đã tung tin sẽ đánh úp dân làng. Các đối tượng tuyên bố chưa chịu lùi bước trước bất cứ người dân ở ngôi làng nào. Người dân tự điều tra và nhận thấy bọn xã hội đen thường xuyên đe dọa dân làng đến từ Hải Phòng, Đông Triều (Quảng Ninh) và một số đối tượng quanh địa bàn. 

Biết rằng những đối tượng này đều manh động, sẽ không nói suông, nên dân làng góp tiền mua đá, rải khắp đường làng, đào đứt cả đường, đắp đất đá thành ụ. Thậm chí, người dân đã sắm một số thứ vũ khí thô sơ như gậy, tuýp sắt, để sẵn sàng đối đầu với xã hội đen, khi chính quyền không đủ sức. Nhiều người đã rèn vũ khí nhọn với mục đích chọc thủng áo bơm hơi của xã hội đen.

Bà Lê Thị Kịch, người ngày đêm ở lán chốt cho biết: “Những ngày này dân làng chúng tôi không làm được việc gì cả, chỉ lo đối phó với xã hội đen. Người dân không dám ra khỏi làng vì sợ bị trả thù, ruộng nương cũng bỏ không vì chẳng còn tâm trí đâu mà làm lụng nữa. 

Chúng tôi nhất quyết bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình đến cùng, nhưng chúng tôi ở ánh sáng, bọn xã hội đen ở trong bóng tối, nên không biết tính mạng mình có được an toàn hay không nữa. Chúng tôi ngày đêm mong chính quyền cấp cao hơn vào cuộc giúp đỡ người dân thấp cổ bé họng chúng tôi”.
‘Dân lập chiến lũy’: Dân hay chính quyền sai?
Người dân Châu Xá cung cấp cho PV hình ảnh tự rèn vũ khí thô sơ để chống lại xã hội đen (Ảnh nhân dân Châu Xá cung cấp) 
Trong những ngày thực tế tại địa bàn thôn Châu Xá, tôi nhận thấy ngoài việc chính quyền địa phương giải quyết sự việc có phần chậm trễ, không dứt khoát, thì nhân dân thôn Châu Xá cũng ứng xử có phần nóng vội. Người dân đổ đá, đào đường, phá cống, dựng lều chốt chặn và đánh kẻng khi có người ra vào, thì doanh nghiệp Trường Khánh có muốn tháo dỡ nhà máy cũng không thực hiện được.

Theo lời bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư huyện ủy Kinh Môn, thì một số phần tử quá khích đã kích động nhân dân, thổi phồng sự việc, biến một vụ việc có thể giải quyết đơn giản thành vấn đề phức tạp. 

Và, hậu quả là Công ty Trường Khánh bị thiệt hại 20 tỷ đồng như lời một lãnh đạo huyện công bố, chưa kể những thiệt hại vô cùng lớn của các nhà máy trong vùng, như Nhà máy Phúc Sơn, Trung Hải 2.

Điều đáng tiếc nhất là ông Phạm Văn Quý đã bị trọng thương, chưa biết tính mạng thế nào. Không ai dám chắc sẽ không có người mất mạng khi xung đột tiếp tục xảy ra, khi chính quyền chưa tìm ra biện pháp giải quyết thỏa đáng với các bên.

Vụ việc dân làng Châu Xá phải lập “chiến lũy”, đối đầu với xã hội đen thực sự là bài học sâu sắc với công tác chính quyền ở địa phương.

Bài cuối: Nơi người dân phải đấu tranh hoặc là chết
Phạm Ngọc Dương