Trước việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam, các cơ quan chấp hành pháp luật Việt Nam cần tiến hành bắt giữ và thực hiện các quyền tài phán khác theo luật định. Điều này nhằm khẳng định chủ quyền của mình. Nếu không, hồ sơ pháp lý - lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biển Đông - sẽ bị tổn hại.
Đó là nhận định của một số chuyên gia khoa học chính trị, công pháp quốc tế về việc tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng - Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA - cho rằng: “Trước đây có dự đoán là Trung Quốc có thể thuê công ty “chân gỗ” nước ngoài vào nhận thầu trên biển Đông, rồi họ cho tàu hải giám đi theo lấy cớ bảo vệ để khiêu khích ta, nhưng nay họ đã bỏ qua các động tác giả ấy, trực tiếp ra mặt và ngang nhiên xâm phạm biển đảo của ta bằng việc cho hàng chục ngàn tàu cá tràn ra biển Đông. Đây rõ ràng là một bước leo thang nghiêm trọng”.
Tàu cá Trung Quốc tại cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, chuẩn bị cho một đợt đánh bắt trái phép trên biển Đông - Ảnh: China Daily |
Đồng tình với nhận định này, tiến sĩ Lê Vĩnh Trương - thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông - cũng quan ngại về ý đồ khiêu khích quân sự dưới vỏ bọc dân sự của Trung Quốc: “Họ cố ý dùng các tàu dân sự, mà khả năng rất cao là có binh lính của họ điều khiển hoặc đi cùng, một mặt vẫn tỏ ra hòa bình, mặt khác khiêu khích phía Việt Nam. Đó là cái bẫy mà họ giăng ra”.
|
Điều đáng lo ngại là nếu không bắt giữ tàu cá Trung Quốc, lợi thế pháp lý của Việt Nam có thể bị tổn hại. Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương nhận định: “Trong khi đưa tàu cá vào Việt Nam vừa để khiêu khích vừa để đánh bắt nguồn lợi hải sản, họ vẫn có thể ngang nhiên tuyên bố rằng vào thời điểm này, tại tọa độ này, tàu cá Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khai thác bình thường mà phía Việt Nam chỉ phản đối chứ không ngăn chặn. Và điều này rất bất lợi cho phía Việt Nam”.
Bình luận về khía cạnh pháp lý của vụ việc, tiến sĩ luật học Lê Minh Phiếu cho rằng: “Điều mà Việt Nam có thể làm được là thực hiện quyền tài phán theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng như luật Biển mà Quốc hội mới thông qua tháng 6. Theo đó, Việt Nam có thể bắt giữ tàu của ngư dân Trung Quốc, yêu cầu họ nộp phạt”.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 26.1.2008 cho phép lực lượng này kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, cảnh sát biển có thể xử lý vi phạm hành chính, buộc người và phương tiện đó phải rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc vùng biển Việt Nam; tiến hành bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang; và cưỡng chế, truy đuổi nếu các đối tượng này có hành vi chống đối hoặc cố tình bỏ chạy.
Theo ông Phiếu, nếu chỉ phản đối mà không có biện pháp thực thi quyền tài phán trên, ngư dân Việt Nam về lâu dài sẽ không đến được các ngư trường truyền thống nữa.
Xét về mặt tuyên truyền, tiến sĩ Lê Minh Phiếu cũng quan ngại về việc hình ảnh các đoàn tàu mang cờ Trung Quốc ngang ngược đi lại tự do trên vùng biển, đảo của Việt Nam.
Sri Lanka bắt 37 ngư dân Trung Quốc Hôm qua, Tân Hoa xã dẫn lời trung tá Kosala Warnakulasuriya, phát ngôn viên hải quân Sri Lanka, cho hay vừa bắt giữ 37 ngư dân Trung Quốc vào đêm 5.8. Trong khi đó, đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở Sri Lanka đang thúc giục chính quyền địa phương xử lý vụ việc đúng luật và sớm phóng thích ngư dân của họ. Theo ông Warnakulasuriya, 37 ngư dân Trung Quốc trên 2 tàu cá bị phát hiện khi đang đánh bắt trái phép tại vùng biển ngoài khơi thị xã Batticaloa, phía đông Sri Lanka. Sau đó, hải quân nước này đã bàn giao những người này cho cơ quan cảnh sát sở tại để điều tra. Ngoài ra, hai người Sri Lanka cũng đã bị bắt giữ trong vụ việc trên. Tới tối qua, có tin 37 người Trung Quốc đã được thả, theo Tân Hoa xã. Lê Loan |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét