Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Cần bỏ tù kẻ phá nát nền kinh tế, lũng đoạn chính trị.

 Đã đến lúc cần áp dụng luật hình sự để đưa những tên tội phạm đang quản lý nền Kinh tế của Đất nước mà làm sai, làm hỏng, làm sụp đổ kinh tế. Không thể chờ tên tội phạm xin lỗi hay cãi chày cãi cối, múa mép trốn trách nhiệm khi Quốc hội cũng ù ì như một lão già bại não.
 Nhân dân đã quá chán cái trò hề của lũ sâu mọt, càng diễn nữa thì càng chỉ gây gia tăng nỗi phẫn uất của dân chúng, tăng thêm hờn oán của xã hội. Hãy mau dùng luật để chấn chỉnh Đất nước - đó là mệnh lệnh của Thời đại, nguyện vọng của Nhân dân !
 Quốc hội chất vấn thủ tướng: đoạn tuyệt xin lỗi
TT - “Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?” - ĐB Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng 14-11.
Sau khi Thủ tướng trả lời, ông Quốc nói với Tuổi Trẻ ông “cảm thấy thoải mái”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe câu chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc tại phiên chất vấn- Ảnh: VIỆT DŨNG

Hơn một giờ trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề lớn mà các thành viên Chính phủ khác đề cập trước đó như: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu kinh tế, an toàn thủy điện... Thủ tướng cũng thẳng thắn trả lời chất vấn liên quan tới “văn hóa từ chức”.
Chính phủ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp
Đại biểu Dương Trung Quốc : Tôi cảm thấy thoải mái
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi Thủ tướng trả lời chất vấn của mình, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói:
“Tại chất vấn Thủ tướng hôm nay, điều tôi muốn nói là hướng đến văn hóa từ chức trong hoạt động của Chính phủ để các lời hứa trở thành thiết thực. Tôi cho rằng qua trả lời chất vấn, Thủ tướng đã giãi bày được suy nghĩ của mình. Với chất vấn Thủ tướng, quan trọng nhất không phải là câu hỏi hay câu trả lời, mà qua đó đã nêu lên được những vấn đề xã hội quan tâm. Từ Chính phủ hay Quốc hội cũng nhận thấy được vấn đề để tìm sự đồng thuận trong phát triển. Đương nhiên, sự đồng thuận đó phải trên nền tảng có phản biện. Qua trả lời chất vấn của Thủ tướng, cá nhân tôi cảm thấy thoải mái.
Tôi nghĩ phải lấy sự chia sẻ đặt lên trên hết. Bởi vì ở đời có câu nói rất đơn giản: nói thì dễ nhưng làm mới khó. Đôi khi mình cần đứng về phía người làm để mình chia sẻ, nhất là trong bối cảnh chung khó khăn thế này. Nhưng chia sẻ không có nghĩa là xuê xoa, mà bằng trách nhiệm mình phát hiện, nêu ra những vấn đề để tìm giải pháp giải quyết. Những việc gì được chấp nhận thì cần giám sát. Tôi nghĩ rằng chất vấn không phải để làm khó nhau, mà qua đó để bật ra vấn đề từ cả hai phía. Đại biểu nói để Chính phủ hiểu hơn và Chính phủ trả lời cũng nhằm để mọi người hiểu hơn. Với tôi, chất vấn chính là được chất vấn, chứ không phải là bị chất vấn”.
QUỐC THANH thực hiện

Trả lời chất vấn của thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) và đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) xung quanh vấn đề “Chính phủ có giải pháp cơ bản nào cả trước mắt và lâu dài để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn?”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu, hết sức lo lắng và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp”. '
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với bốn nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó nhóm giải pháp đầu tiên là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại.
Cũng trong chất vấn của mình, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đặt vấn đề: “Tôi rất mong muốn Thủ tướng cho biết một cách cụ thể giải pháp nào quyết định nhất, đột phá nhất, là động lực cơ bản nhất, bao trùm nhất để thực hiện thành công việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới toàn diện đất nước?”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: “Theo tôi, không có cách nào khác là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự quản lý của Nhà nước, quán triệt và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, đồng thời có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Nhà nước ta... Trong khi thực hiện các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, giải pháp có ý nghĩa quyết định cơ bản, động lực bao trùm cơ bản chính là thực hành dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và chăm lo lợi ích của nhân dân, là lòng dân, là sự đồng thuận của xã hội”.
Thủ tướng cho rằng không có dân chủ thật sự trong hoạt động kinh tế, không có bình đẳng, công khai minh bạch trong hoạt động kinh tế thì không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không huy động và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, mọi nguồn lực của đất nước. Không có dân chủ đầy đủ thật sự thì không thể bảo đảm và phát huy quyền tự do chính đáng của người dân mà hiến pháp, luật pháp quy định. Như vậy cũng không thể tạo được sự đồng thuận xã hội. Không có dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch thì không thể xây dựng được Đảng, Nhà nước ta, hệ thống chính trị của chúng ta trong sạch, vững mạnh. Cũng không thể đấu tranh ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Không có dân chủ thật sự cũng không thể lựa chọn được những cán bộ tốt. Không có dân chủ cũng khó hoạch định được đường lối, chủ trương, chính sách một cách phù hợp, sát thực tế, sát cuộc sống.
Thủy điện: không an toàn thì không làm
Trả lời chất vấn của thượng tọa Thích Thanh Quyết về thủy điện, Thủ tướng khẳng định khi chủ trương khai thác, xây dựng thủy điện thì Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, đề ra các yêu cầu, trong đó yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo an toàn. “Dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không làm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến vấn đề quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện. Ví dụ như dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đây là dự án có tiềm năng thủy điện lớn, đã được đưa vào quy hoạch. Nhưng khi xây dựng dự án phải được tiến hành thẩm định một cách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, nếu không đạt các yêu cầu thì không làm.
Về công trình thủy điện Sông Tranh 2, Thủ tướng cho biết cả hai công ty tư vấn hàng đầu của Nhật và Thụy Sĩ báo cáo đập bảo đảm an toàn. Nhưng để chắc chắn hơn, với mục tiêu an toàn cao nhất cho tính mạng của nhân dân, phải làm tiếp những việc như “chưa tích nước để phát điện trong mùa lũ”... Thủ tướng nói: “Chúng tôi yêu cầu công bố một cách công khai, thường xuyên, đầy đủ thông tin cho nhân dân. Một việc đang làm là rà soát, bổ sung việc chi trả đền bù đối với hộ dân có nhà bị nứt, bị hư hỏng do động đất”.
* Chiều 14-11, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Luật phòng chống khủng bố và dự thảo Luật giáo dục quốc phòng - an ninh.
VÕ VĂN THÀNH
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật

Câu hỏi của tôi sẽ giúp Chính phủ và Thủ tướng có đủ sức mạnh để thực hiện những giải pháp của mình. Trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng, đã có lời nhận lỗi và đề nghị Ban Chấp hành trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn nhà nước, khiến người dân đặt câu hỏi dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng.
Dù sao Thủ tướng đã có lời xin lỗi trước Quốc hội, cũng là một điều đáng ghi nhận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử.
Nhưng nhìn ở góc độ khác thì thấy việc xin lỗi là một hành vi văn hóa đáng khích lệ trong nhân dân và cần được giới hạn trong quan hệ giữa bộ máy công quyền với nhân dân. Không thể xin lỗi chậm trễ giờ bay của ngành hàng không mà bỏ qua những chế tài xử phạt đã quy định nếu gây thiệt cho khách hàng. Khách nước ngoài gọi hàng không nước ta là “Sorry Airlines” vì thế. Việc làm cho dân hiểu Nhà nước tạo độc quyền cho vàng SJC khiến dân bất an và rồi thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ xin lỗi vì không giải thích rõ cho dân hiểu lầm...
Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động một cuộc phấn đấu của Chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình, để các quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm.
Đảng ta từng có một vị tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng Tháng 8-1945, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba thập kỷ sau trở lại với cương vị tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc đổi mới trước khi từ trần.
Tóm lại, xin có hai câu hỏi: một, Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân; hai, Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Nghiêm túc thực hiện như trong suốt 51 năm qua
Đại biểu Dương Trung Quốc có nêu một ý là có nghĩ đến văn hóa từ chức không? Tôi xin trình bày ý kiến. Đối với tôi, còn ba ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi.
Là một cán bộ, đảng viên của Đảng, báo cáo với Quốc hội, tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình. Báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi.
Đảng lãnh đạo quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Trung ương phân công, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội...
V.V.Thành ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét