Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Con tàu 104.000 tấn về đâu?




  Con tàu này được đầu tư 1.129 tỉ đồng để thành tàu chở dầu thô lớn nhất, hiện đại nhất, lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam nhưng dù đã bắt đầu gỉ mục vẫn chưa bàn giao được do thiết kế cũ, tiêu chuẩn hàng hóa chưa cập nhật

Dự án đóng tàu chở dầu thô 104.000 tấn (dài 245 m, mặt boong rộng 43 m, vốn đầu tư 1.129 tỉ đồng, là tàu chở dầu thô lớn nhất và hiện đại nhất, lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam) được thực hiện vào  năm 2006. Đơn vị thực hiện là Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS, thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin). Đến tháng 7-2010, DQS được sáp nhập về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự án này cũng được chuyển theo và Tổng Công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans) làm chủ đầu tư tiếp.
Đầu tháng 11-2011, con tàu “gốc gác” Vinashin được hạ thủy và từ đó đến nay, dù đã bắt đầu gỉ mục nhưng vẫn chưa bàn giao được.  
Nằm chờ… gỉ

Sáng 8-11, để tìm hiểu về con tàu này, chúng tôi đến vùng biển cảng Dung Quất (Quảng Ngãi). Sau khi theo tàu của ngư dân địa phương để ra phao số 0, cách bờ 7 hải lý, chúng tôi thấy con tàu này đang được lai dắt vào bờ. Bằng mắt thường vẫn có thể thấy hai bên hông tàu đang gỉ mục. Tàu không có dấu hiệu hoạt động.
Con tàu 104.000 tấn (giữa) đang được lai dắt vào bờ, sáng 8-11
Một ngư dân cho biết từ khi thấy con tàu được hạ thủy đến nay, không hiểu nguyên nhân gì khiến nó phải neo đậu ở vị trí phao số 0 suốt mấy tháng liền, phơi nắng phơi sương mà không hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch DQS, cho biết sở dĩ phải lai dắt con tàu từ phao số 0 về khu vực nhà máy đóng tàu là để tiếp tục bổ sung hạng mục khác. “Ban đầu, tàu được thiết kế theo công nghệ Ba Lan. Đến năm 2007 đổi qua thiết kế và máy móc Hàn Quốc. Sau đó, giao lại cho DQS hoàn thiện… Đến tháng 11-2011, DQS hoàn thành việc đóng mới con tàu và tổ chức hạ thủy. Đến ngày 3-6-2012 làm lễ bàn giao con tàu cho PVTrans. Sau khi bàn giao, tháng 8-2012, PVTrans đã thuê đơn vị nước ngoài kiểm tra an toàn con tàu trước khi vận hành. Sau khi kiểm tra, PVTrans thông báo tàu có thiết kế cũ, tiêu chuẩn hàng hóa chưa được cập nhật và đề nghị thay đổi một số hạng mục mới, bổ sung van, đường ống, hầm hàng… Chính vì vậy, đến nay chúng tôi vẫn chưa thể bàn giao hoàn toàn cho PVTrans” -  ông Hội nói.
Cũng theo ông Hội, hiện DQS đang đàm phán với PVTrans về các hạng mục cần hoàn thiện, bổ sung. Nếu đàm phán xong được thì sẽ bàn giao cho PVTrans, đưa tàu vào vận chuyển dầu từ mỏ Bạch Hổ về cảng Dung Quất.
Chủ đầu tư không mặn mà?
Ông Đinh Xuân Vinh, đại diện PVTrans, cho biết sở dĩ PVTrans vẫn chưa nhận bàn giao con tàu này vì tàu có thiết kế quá cũ theo công nghệ Ba Lan, một số hạng mục không bảo đảm  an toàn hàng hải quốc tế nên phải hoàn thành những hạng mục này mới có thể bàn giao.
Theo ông Hội, phía DQS cho rằng con tàu đạt chất lượng an toàn hàng hải cũng như thiết kế máy móc. “Hiện tàu có chứng nhận đăng kiểm của Việt Nam và Mỹ. Do đó, về mặt pháp lý, tàu có thể chạy trên lãnh thổ của Việt Nam và Mỹ nhưng chạy ra vùng biển quốc tế thì không đủ2 chuẩn” - ông Hội nói rõ hơn. Tuy nhiên, trong những tài liệu xác tín ông Hội cho phóng viên tham khảo thì chủ yếu là những chứng nhận, như: ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra, an toàn kết cấu tàu hàng (do đăng kiểm Mỹ cấp); dung tích quốc tế, cấp tàu tạm thời, thử và tổng kiểm tra cần trục xoay... (do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp).
Cũng theo lời ông Hội, từ lúc con tàu được hạ thủy đã chạy ra Hoàng Sa 2 lần, khoảng 700 hải lý. Sau 2 lần chạy, tàu được neo ở vị trí phao số 0 đến nay. Riêng về trách nhiệm đối với con tàu hiện nay, vì chưa thể bàn giao cho PVTrans nên thuộc trách nhiệm quản lý của DQS.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về một số kết cấu, thiết kế của con tàu bị sai lệch, ông Hội cho biết khi nhận từ Vinashin thì tâm tàu bị lệch một ít, còn các hạng mục khác đạt chất lượng. “Vốn đầu tư ban đầu là 1.129 tỉ đồng, tương đương 53 triệu USD. Nếu bây giờ bổ sung các hạng mục do PVTrans yêu cầu thì tốn thêm khoảng 4 triệu USD nữa. Do đó, chúng tôi vẫn đang đàm phán và chưa có kết luận cuối cùng” - ông Hội nói.
Cải hoán tàu 105.000 tấn thành kho chứa
Ông Nguyễn Văn Hội cho biết xuất phát từ nhu cầu thực tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa quyết định chuyển công năng của một con tàu chở dầu thô 105.000 tấn thành kho chứa dầu nổi, phục vụ cho việc trữ dầu tại mỏ Đại Hùng. Để cải hoán, DQS sẽ thực hiện điều chỉnh 20 hạng mục, thiết bị từ công năng tàu dầu thô thành kho chứa dầu, kinh phí hết khoảng 20 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2014.
Tháng 2-2008, Vinashin đóng mới tàu chở dầu thô này tại Nhà máy Đóng tàu Dung Quất. Đây là tàu chở dầu thô đầu tiên nằm trong 3 tàu do PVTrans làm chủ đầu tư. Ban đầu mỗi chiếc được đầu tư 63 triệu USD, do Công ty Komac của Hàn Quốc thiết kế.
Kỳ tới: Ánh sáng cuối đường hầm
Bài và ảnh: TỬ TRỰC-Ngườilaođộng.com

1 nhận xét:

  1. Tàu này đang chờ để tân trang thành hàng không mẫu hạm của Việt Nam đấy. ( tin tuyệt mật cấm phổ biến )

    Trả lờiXóa