Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Bỏ tù nông dân canh tác trên đất hoang, chính quyền là giặc ?

Ba nông dân không có đất sản xuất, họ bèn quay lại chính mảnh đất mình từng khai hoang phục hóa nhưng sau đó bị thu hồi rồi bỏ hoang để canh tác. Thế là họ bị vướng vào vòng tù tội.
Mới đây, TAND tỉnh Kiên Giang đã hoãn xử phúc thẩm vụ vi phạm các quy định về sử dụng đất đai đối với các bị cáo Đinh Văn Lâu, Trương Thị Nuôi và Lê Thị Lệ. Theo HĐXX, do luật sư của các bị cáo cung cấp một số tình tiết mới nên cần có thời gian xem xét.
Bị án tù vì canh tác trên đất cũ
Ba bị cáo gồm ông Lâu, bà Nuôi và bà Lệ cùng ở ấp Đường Thét, xã Bình Giang (Hòn Đất, Kiên Giang).
Theo hồ sơ, từ trước năm 1990 ba bị cáo này đã khai hoang và sản xuất ổn định khoảng 8 ha đất ở địa chỉ trên (bà Nuôi 4 ha, hai hộ còn lại khoảng 4 ha). Đến năm 1996, Nhà nước quy hoạch khu đất 204 ha (trong đó có phần đất của các hộ dân kể trên) giao cho một công ty của Đài Loan trồng rừng. Ba hộ dân trên được Nhà nước bồi thường nhưng họ cho rằng số tiền bồi thường quá ít, không tương xứng với công sức bỏ ra để khai hoang, tôn tạo đất nên chưa nhận tiền bồi thường. Họ tiếp tục khiếu nại nhưng vẫn chấp hành để Nhà nước thu hồi đất.
Sau đó công ty của Đài Loan giải thể. UBND tỉnh Kiên Giang giao đất này cho một doanh nghiệp khác trồng mía nhưng không hiệu quả. Đầu tháng 6-2010, tỉnh lại thu hồi đất và giao UBND huyện Hòn Đất quản lý, bố trí giao đất cho các hộ dân khác thiếu đất canh tác.
Ba bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Ba hộ dân trên tuy không còn đất canh tác nhưng không được huyện giao đất mà ngược lại, phần đất cũ của họ lại được giao cho người khác. Vì vậy họ rất bức xúc. Khi huyện Hòn Đất giao đất cho các hộ khác, bà Nuôi đứng ra tranh cản. Tháng 1-2013, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt hành chính bà 65 triệu đồng nhưng bà không chấp hành. Sau đó bà trồng lúa trên 2 ha đất này và để cho người em canh tác trên diện tích còn lại (2 ha). Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính lần hai và yêu cầu bà Nuôi giao trả đất nhưng bà không chấp hành mà vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng. Ngày 17-3, bà Nuôi bị khởi tố và bắt tạm giam.
Hai bị cáo Lệ, Lâu cũng có các hành vi bao chiếm đất cũ tương tự và cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Xử sơ thẩm, TAND huyện Hòn Đất đã phạt ba bị cáo mỗi người 14 tháng tù theo khoản 1 Điều 173 BLHS (tòa xử ba bị cáo bằng các vụ án khác nhau nhưng nội dung giống nhau cơ bản). Sau đó cả ba bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Có quá nặng tay?
Tại phiên phúc thẩm, với dáng khắc khổ, ngồi thu lu trên băng ghế trước vành móng ngựa, bà Nuôi và bà Lệ liên tục bật khóc.
Ông Nguyễn Văn Đông - chồng bà Nuôi cho biết từ lúc vợ ông và hai người hàng xóm bị bắt, dư luận địa phương không đồng tình. Ông Đông nói gia đình ông cũng như gia đình ông Lâu, bà Lệ đều có nhiều năm khai khẩn đất hoang ở ấp Đường Thét. Trước năm 1980, hơn 280 ha đất này đều là đất hoang hóa, đất nhiễm phèn, đất nhiễm mặn... Chính bà con nông dân đã phải nai sức ra cải tạo, tẩy phèn, thau chua, rửa mặn mới có được như ngày hôm nay.
Theo ông Đông, ngay cả kết quả thẩm tra ngày 4-9-2013 của UBND huyện Hòn Đất cũng cho thấy trước năm 1993, đất ở Đường Thét Nhà nước vẫn chưa quản lý mà do dân tự khai hoang. Việc khai hoang phục hóa của bà con nông dân là làm theo sự khuyến khích của Chính phủ mà cụ thể là Quyết định 254/CP ngày 16-6-1981. Ngoài ra, việc khai hoang này vẫn còn mang tính thời sự và hợp pháp khi mà Điều 5 Luật Đất đai năm 1993 và Điều 12 Luật Đất đai năm 2003 đều quy định Nhà nước khuyến khích người dân khai hoang vỡ hóa.
“Công sức chúng tôi bỏ vào đất mấy chục năm trời, vậy mà khi thu hồi, chúng tôi được bồi thường rất thấp. Hơn nữa, khi hai doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đáng lẽ Nhà nước thu hồi và cấp lại cho chúng tôi - những người không có đất để chúng tôi làm ăn nuôi sống gia đình. Đằng này Nhà nước lại cấp cho người khác, thử hỏi ai không bức xúc…” - ông Đông nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các bị cáo kể trên đều là gia đình có công với cách mạng. Trong kháng chiến và chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình họ đã dũng cảm nuôi cán bộ và chiến đấu chống nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Do thiếu đất canh tác nên tình cảnh của họ rất khó khăn, con cái có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Đó cũng chính là nguồn cơn dẫn đến việc các bị cáo có hành vi bao chiếm đất cũ.
Xử lý hình sự họ liệu có quá nặng tay? Có nhất thiết phải phạt tù, cách ly họ với xã hội hay cho họ được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự bằng chế định án treo hay hình phạt khác nhẹ hơn? Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc.
ĐỨC TRÍ

Nên cân nhắc cả lý lẫn tình
Qua vụ việc báo phản ánh, xin chưa đề cập đến việc đúng sai trong việc thu hồi đất của ba hộ dân - bị cáo mà chỉ đề cập đến việc truy cứu hình sự các bị cáo trong trường hợp này liệu có cần thiết và tương xứng.
Khoản 4 Điều 8 BLHS quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Ở đây, các bị cáo là những người nông dân chất phác, kiếm sống trên chính mảnh đất mà họ khai hoang phục hóa. Cạnh đó, gia đình các bị cáo đều có công với cách mạng, thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng... Hành vi của họ tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng cơ quan tố tụng cũng cần cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội có đến mức phải xử lý hình sự hay không. Chưa kể, việc đưa ra xét xử một vụ án hình sự cũng cần phải có tính thuyết phục, tạo được sự đồng thuận trong dư luận. Truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo mà không được được dư luận đồng tình, ủng hộ thì hiệu quả của việc răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm sẽ không còn.
ThS MAI KHẮC PHÚC, giảng viên môn Luật hình sự
ĐH Luật TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét