Thạch Thất - Hà Nội: Lãnh đạo phòng Nội vụ vòi tiền chạy viên chức
08:59 18/11/2015
(Thời sự) - Ông Phong nhận lời giúp chị đỗ viên chức với giá 100 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận, sẽ đưa hết tiền sau khi đỗ.
Báo Phụ Nữ vừa nhận được đơn tố cáo của một số cán bộ ngành dân số - y tế tại H.Thạch Thất, Hà Nội. Trước đó, nhiều cán bộ chuyên trách ngành này ở hơn 20 xã của H.Thạch Thất đã đồng loạt bị sa thải bằng một quyết định thôi trả lương của huyện.
Những người đủ điều kiện (do huyện đặt ra) thì được thi viên chức như những người vừa tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp. Việc cào bằng này đã gây bức xúc cho những người từng cống hiến hàng chục năm trong ngành. Chưa hết, nhiều người sau đó còn được chào mời chạy viên chức với giá hàng trăm triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Kim Phương, cán bộ chuyên trách dân số xã Phú Kim, H.Thạch Thất, vừa vui mừng khi đỗ viên chức cán bộ chuyên trách dân số - y tế xã Phú Kim, vừa lo về số tiền phải trả cho việc chạy viên chức.
Không biết người viết là phóng viên, chị vô tư kể: Trước khi thi viên chức, bố chồng chị (là lãnh đạo một xã của H.Thạch Thất) đã nhờ ông H., Trưởng phòng Nội vụ huyện và cũng là một thành viên trong hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức huyện giúp đỡ.
Dù ông H. đã nhận lời nhưng việc ông chưa báo giá tiền khiến gia đình chị Phương đứng ngồi không yên. Ngày 25/7/2015, chị Phương đi thi. Không tự tin về bài làm của mình, chị tự tìm cách tiếp cận với những đường dây khác. Thông qua một người được gọi là cháu ông Chu Hòa Phong - Phó trưởng phòng Nội vụ huyện, chị Phương tiếp xúc trực tiếp với ông Phong để nhờ vả.
Ông Phong nhận lời giúp chị đỗ viên chức với giá 100 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận, sẽ đưa hết tiền sau khi đỗ. Sau đó, ông Phong yêu cầu chị Phương đưa trước 60 triệu đồng để chi phí bôi trơn. Vợ chồng chị Phương đã giao tiền hai lần, mỗi lần 30 triệu đồng.
Cùng lúc này, bố chồng chị Phương vì không liên lạc được với ông H. nên nhắn tin với nội dung “nhờ anh giúp đỡ cháu”. Ông H. chỉ trả lời: “Ừ”. Trước khi kết quả thi được công bố, gia đình chị Phương được ông H. thông báo ông đã giúp chị đỗ viên chức.
Ông H. cho biết, chỉ 60 triệu là xong tất cả. Gom mãi mới được 40 triệu đồng, chị Phương cùng bố chồng đã trình bày hoàn cảnh với ông H., cho biết là đã giao cho ông Phong 60 triệu đồng. Ông H. bực dọc nói ông Phong làm thế là dám qua mặt sếp làm riêng và bảo gia đình chị Phương không cần lo thêm 20 triệu nữa, ông Phong sẽ phải trả lại 40 triệu cho chị Phương và “gạt” 20 triệu sang cho ông H.
Ông H. khẳng định, ông Phong không có vai trò gì trong việc nâng đỡ chị Phương đỗ viên chức đợt này, một mình ông H. làm hết. Lúc này, chị Phương thắc mắc: “Số báo danh của cháu chú không biết, sao lại giúp cháu được?”, ông H. nói, chuyện đó hoàn toàn nằm trong tầm tay...
Tranh công và đổ lỗi
Báo điểm đã lâu, không thấy chị Phương trả tiền, ông Phong liên lạc thúc hối. Biết chuyện ông H. đã vào cuộc, ông Phong ngậm ngùi chuyển cho ông H. 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Phong liên tục nhắn tin, gọi điện buộc chị Phương phải thực hiện thỏa thuận ban đầu (nghĩa là giao đủ 100 triệu). Ông Phong nói, chính ông mới là người giúp chị đỗ viên chức nhưng ông H. là “bề trên”, nên ông không thể làm rõ chuyện này được.
Để làm rõ vụ việc, PV báo Phụ Nữ đã vào vai người nhà chị Phương đến gặp ông Phong. Ngày 16/11, ông Phong hẹn gặp trong một phòng karaoke - café vườn tên “Tình”, nằm trong một con ngõ nhỏ ở thị trấn Liên Quan, H.Thạch Thất.
Ông Phong nói thầm thì và bảo PV phải ngồi thật gần để nghe. Ông Phong yêu cầu phải để điện thoại ra bàn trước mặt ông. Khi đã tạm yên tâm, ông Phong cho biết, ông rất bực mình vợ chồng Phương về việc bội tín.
Do ông H. là sếp trên nên ông đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nếu không ông đã chẳng để yên. Tôi hỏi: “Theo anh thì Phương nên làm gì bây giờ?”. Ông Phong bảo: “Thực hiện nốt trách nhiệm với anh. Anh cũng phải đi nhờ người ta, anh chưa nhận được lợi lộc gì từ việc này cả”.
Ông Phong biện giải: “Đáng ra Phương phải chi thêm 60 triệu nữa cho anh. Ngay khi ông H. yêu cầu, anh đã chuyển cho ông ấy 20 triệu rồi. Ông H. không hề nói anh phải trả 40 triệu cho Phương vì cũng chẳng có căn cứ gì để nói. Giờ thì coi như anh chịu thiệt phần 20 triệu đó, anh chỉ lấy thêm 40 triệu thôi”
Khi PV nói để ra xe lấy tiền, ông Phong chặn lại: “Nãy giờ anh nói em có ghi âm không đấy?”. PV bảo: “Điện thoại em để trước mặt anh, anh thấy mà…”, “Nhưng em cứ mở ví ra cho anh xem có thiết bị ghi âm không”. Khi đã chắc chắn là mình không bị ghi âm, ông Phong mới để phóng viên đi lấy tiền...
(Còn tiếp)
Nhóm phóng viên VPHN
Bằng chứng nào mà bài viết này lại nói là Hà Nội có mua bán công chức , hoàn toàn xuyên tạc một cách trắng trợn . Các bạn nghĩ sao về hành động tự xuyên tạc ra rồi tự nhận xét như vậy . Nếu bạn thực sự giỏi thì việc bạn thi công chức vào Hà Nội và được nhận thì là điều tất yếu , còn nếu thiếu năng lực thì sẽ chấp nhận bị loại , chứ không có chuyện chạy chọt như bài viết . Nực cười cho bài viết xuyên tạc cho trẻ con đọc nó còn cười
Trả lờiXóaMột bài viết hoàn toàn xuyên tạc, ở Việt Nam không hề có chuyện chạy chức chạy quyền mua quan bán chức mà bất cứ cá nhân nào muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì đều phải thi tuyển vào quá trình thi tuyển diễn ra rất công bằng không hề có mua bán bằng tiền như bài viết trên nói, vì thế chúng ta không nên tin những thông tin xuyên tạc trên.
Trả lờiXóa