Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Tiểu thuơng chợ An đông bãi thị, biểu tình.

Tiểu thương An Đông Plaza đóng sạp, tụ tập phản đối chủ đầu tư

Sáng 23/10, hàng trăm tiểu thương ở Trung tâm thương mại An Đông Plaza đóng cửa sạp, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư tăng giá cho thuê. 
Tham gia phản đối, một tiểu thương tên Hương cho biết khi nhận được thông báo của chủ đầu tư về đợt tăng giá mới, các hộ kinh doanh đã đề nghị ban quản lý thương thảo lại, nhưng không nhận được trả lời thỏa đáng và vẫn áp dụng mức dự kiến.
"Kinh doanh cả chục năm ở đây, chúng tôi biết thị trường có nhiều biến động, nên chấp nhận giá thuê tăng cao hơn so với trước đó, có thể là gấp đôi. Tuy nhiên, mức giá mà chủ đầu tư đề xuất cao gấp 8 lần giá cũ thì làm sao chúng tôi kinh doanh", chị Hương nói.
c-final-3311-1414036849.jpg
Hàng trăm tiểu thương An Đông Plaza ngừng kinh doanh, tụ tập phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Hồng Châu
Còn chị Trang chủ sạp quần áo cho biết, hôm 22/10, ban quản lý đã yêu cầu tiểu thương lên thỏa thuận hợp đồng, nhưng không hề thay đổi mức giá thông báo trước đó, cũng như đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Điều này khiến tiểu thương tiếp tục bức xúc, quyết định đóng sạp để gây áp lực lên ban quản lý.
Chị này cho biết thêm, toàn bộ tiểu thương cũng đã làm đơn khiếu nại lên Sở Công Thương TP HCM và Ủy ban nhân dân quận 5 để nhờ hỗ trợ giải quyết. Tuy nhiên, các cơ quan đều trả lời không liên quan, cho rằng trung tâm thương mại có chủ đầu tư tư nhân, nên nhà chức trách không can thiệp.
"Vì không biết trông cậy vào ai nên chúng tôi buộc phải đóng cửa kinh doanh và tràn ra đường để phản đối nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư viết cam kết hạ giá và cho thuê với thời gian hợp lý chúng tôi sẽ giải tán, còn không tiểu thương vẫn cứ đứng đây cho tới khi nào họ có câu trả lời thích đáng", chị Trang nói.
d-final-4616-1414036849.jpg
Khoảng 80% kios ở An Đông Plaza đã đóng cửa trong sáng 23/10.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc An Đông Plaza đã phải xuống trước sảnh tòa nhà và ra tận ngoài đường để vận động tiểu thương ngưng việc tụ tập, nhưng sự việc chưa có dấu hiệu thay đổi.
"Tôi đề nghị toàn bộ tiểu thương bình tĩnh, ban quản lý hứa sẽ thảo luận và đưa ra mức giá hợp lý trong vòng 3 ngày tới", ông Hải lặp lại nhiều lần.
Mặc dù Giám đốc An Đông Plaza đưa ra khá nhiều giải thích, nhưng hầu hết tiểu thương ở đây vẫn yêu cầu ban quản lý phải viết cam kết "giấy trắng mực đen" có ký và đóng dấu đầy đủ. Mặt khác, phải tổ chức họp báo, đối thoại với tiểu thương và nhà chức trách thì họ mới ngưng phản đối.
Trước đó một tuần, tiểu thương ở trung tâm thương mại này cũng đã tập trung trước tiền sảnh để phản đối chủ đầu tư thông báo tăng giá bất hợp lý cho đợt thuê mới.
Theo quy định mà ban quản lý đưa ra cách đây 2 tuần, trong đợt thuê mới bắt đầu từ 7/2/2015, tiểu thương trong nhóm ký hợp đồng mới (đã hết hạn hợp đồng 10 năm) phải trả sạp hoặc nếu tiếp tục kinh doanh thì phải thuê với giá mới. Mức giá này cao hơn trước tối đa khoảng 8 lần, tùy từng khu vực. Cụ thể, năm 2004, giá sang nhượng một kios 19.000-28.000 USD thời hạn 10 năm, nay chủ đầu tư gửi thông báo yêu cầu chủ gian hàng lên công ty ký hợp đồng thuê mới với  giá 60.000-200.000 USD, nhưng chỉ trong 5 năm.
b-final-9549-1414037997.jpg
Giám đốc An Đông Plaza phải xuống tận nơi để giải thích cho tiểu thương về chủ trương, nhưng không được chấp thuận.
Giải thích cho nguyên nhân tăng giá, ban quản lý ở đây cho biết, mức giá thuê mới do An Đông Plaza đề xuất được tính toán trên nguyên tắc giá thị trường, trong đó có tính tới tình hình kinh doanh chung tại trung tâm, các yếu tố lạm phát, trượt giá, nhu cầu đầu tư mới và nâng cấp các trang thiết bị bảo đảm an toàn cũng như tạo điều kiện thuận tiện cho việc kinh doanh của tiểu thương, lẫn người mua sắm. Cùng với mức giá thuê mới, An Đông Plaza cũng đề xuất việc thống nhất thời hạn của mỗi hợp đồng thuê là 5 năm để dễ quản lý. 
"Từ xưa đến nay, An Đông Plaza vẫn tiến hành hỗ trợ các tiểu thương không đạt điều kiện bằng cách miễn giảm tiền thuê mặt bằng trong 2 năm. Tổng số tiền đã miễn giảm lên tới vài trăm tỷ đồng", ban quản lý cho biết.
Hồng Châu

3 nhận xét:

  1. việc không đạt thỏa thuận trong chợ hiện nay giữa chủ đầu tư quản lý chợ với chủ thương khá nhiều, chợ cổ truyền giờ được làm lại theo phong cách hiện đại hơn sạch sẽ hơn đang là xu thế phù hợp với hướng phát triển đi lên của đất nước, từ thói quen kinh doanh cũ, giá thuê cũng cực rẻ, kiểu như vé ngày có 5 10 nghìn thì giờ giá gấp 8 lần thì cũng không phải là quá cao so với mức đầu từ xây đựng, nhìn vào con số 8 lần mà không nhìn vào số tiền cụ thể thì rõ ràng là chúng ta sẽ đánh giá sai thực tế khách quan đi

    Trả lờiXóa
  2. tiểu thương buôn bán của nước mình cũng rất khôn lỏi và ngang ngạnh trong hợp tác với ban ngành chủ đầu tư, họ quen theo kiểu làm ăn không quản lý vào chỗ thuê rẻ theo kiểu chợ truyền thống rồi, thay đổi cái là người này nói 1 câu, người kia nói thêm 1 câu đâu ra tự tạo không khí căng thẳng, chỉ vì lợi ích trước mắt mà không nhận ra cái lợi ích lâu dài là một nhược điểm chung mất rồi, tất nhiên là trách nhiệm thuyết phục, giải thích là giải quyết tranh chấp phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết

    Trả lờiXóa
  3. tôi thấy vấn đề tranh chấp trong việc không đồng thuận hợp đồng cho thuê này chẳng có liên quan gì đến việc dân bị oan luôn, đấy chỉ là bất đồng lợi ích, ai cũng muốn có lợi chứ chẳng có ai oan ức trong trường hợp này cả, tiểu thương đi biểu tình cũng chỉ là một hình thức tạo áp lực cho bên quản lý để kiếm lợi ích tối ta về phía mình thôi, nếu như không giải quyết thì vẫn phải kinh doanh thôi, lợi ích không được nhiều như trước, tuy nhiên quá trình đào thải trong kinh doan là thế

    Trả lờiXóa