(PL)- Người dân nói đang ngồi trong quán nhậu thì bị công an đến kiểm tra nồng độ cồn nên thắc mắc, xảy ra cự cãi và bị công an đánh. Vậy công an có được vào quán nhậu để kiểm tra nồng độ cồn?
Ngày 26-12, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Công an huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng đang xác minh đơn của ông Thái Nhật Trường (ngụ Sóc Trăng) tố cáo lực lượng CSGT Công an huyện Thạnh Trị đánh ông cùng một người bạn vào đêm 23-11.
Thấy chạy xe nhanh, vào quán kiểm tra

Theo đơn của ông Trường, tối 23-11, ông cùng người bạn là N.N.Tr. đưa người bạn về nhà rồi cả hai quay lại quán nhậu tiếp thì bất ngờ lực lượng CSGT vào quán yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe và sau khi kiểm tra xong lại đưa ra yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đối với ông Trường. Khi ông Trường và ông N.N.Tr. thắc mắc thì giữa hai bên xảy ra cự cãi. Ngay sau đó, ông Trường và ông Tr. bị một số CSGT cùng cảnh sát trật tự cơ động đánh vào vùng mặt, gáy, bị kẹp cổ té xuống đất... Sau đó ông Trường và ông Tr. được đưa về trụ sở Công an thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị. Vụ việc xảy ra với ông Trường và ông Tr. có người dân quay lại được clip và hình ảnh trong clip cho thấy cảnh một CSGT đấm vào đầu ông Trường sau đó bị vật xuống đất, còn ông Tr. bị kẹp cổ và cũng bị đánh, bị vật ngã xuống đất...
Hiện Công an huyện Thạnh Trị đang trong quá trình xác minh và có kết luận vụ việc vào đầu tháng 1-2015. Trao đổi với báo chí, Thượng tá Lý Hoàng Thâm - Phó Trưởng Công an huyện Thạnh Trị cho biết bước đầu đã làm việc với tổ công tác bị ông Trường tố cáo và cả sáu người trong tổ công tác này đều không thừa nhận việc đánh người, còn việc yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn là do trước đó lực lượng của tổ công tác thấy ông Trường chạy xe nhanh, nghi có sử dụng rượu bia.
Ảnh cắt từ clip do người dân quay được cho thấy CSGT đánh người.
Coi chừng lạm quyền
Vấn đề gây thắc mắc trong dư luận là công an có được vào quán nhậu để kiểm tra nồng độ cồn? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng một nguyên tắc quan trọng trong xử lý vi phạm hành chính là phải nhanh chóng, công khai, khách quan, đảm bảo công bằng đúng quy định của pháp luật. Để phân tích tình huống này, luật sư Nguyễn Văn Hậu đặt ra hai giả thiết:
“Nếu ông Trường có chạy nhanh trên đường và đã vào quán nhậu rồi lúc đó lực lượng công an mới vào quán yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe và đo nồng độ cồn là lực lượng này đã làm sai luật. Khoản 22 và 23 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ đã giải thích rất rõ: Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ. Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông. Nghĩa là việc xử phạt vi phạm hành chính người điều khiển phương tiện giao thông chỉ được thực hiện khi người đó đang tham gia giao thông, nghĩa là khi ông Trường đang chạy trên đường. Còn khi ông Trường đã bước vào quán nhậu có nghĩa là ông đang tham gia ăn uống chứ không còn tham gia giao thông nữa. Bởi ông Trường dù có nhậu say ở đó thì cũng không thể xử phạt được vì có thể sau khi nhậu say ông ta bắt taxi về, không ảnh hưởng đến ai. Lúc này công an vào quán để kiểm tra giấy tờ xe và đo nồng độ cồn của ông Trường là đã lạm quyền, vi phạm quyền tự do cá nhân của người ta.
Người dân có thể khiếu nại hành vi hành chính của cán bộ công an hoặc kiện quyết định hành chính đó.
Nếu giả sử ông Trường lúc chạy xe tốc độ cao trên đường, công an đã ra hiệu lệnh dừng lại để kiểm tra mà anh ta vẫn tiếp tục chạy vào quán nhậu thì công an có quyền vào đó yêu cầu kiểm tra giấy tờ và đo nồng độ cồn. Bởi hành vi ra hiệu lệnh để kiểm tra, xử phạt diễn ra trong lúc ông Trường đang tham gia giao thông. Lúc này nếu công an kiểm tra trong máu hoặc hơi thở của ông có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở thì sẽ phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe một tháng và tạm giữ phương tiện bảy ngày”.
GIA TUỆ - GIA PHONG - TM