TP - Ban bố quy hoạch, chính sách, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng, nhưng khi dự án hoàn thành, thành phố không sẵn sàng chia sẻ luồng tuyến, khiến bến xe được doanh nghiệp đầu tư gần 130 tỷ đồng này (Cty CP Đức Long Đà Nẵng, thuộc Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) gần như chết yểu.
Hiện thực không như mơ
Bến xe phía Nam (BXPN) Đà Nẵng nằm trên trục QL1A thuộc thôn Quá Giáng (Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng). Trên khuôn viên rộng hơn 30.000 m2 (giai đoạn 1), bến xe xây dựng khang trang, đầy đủ các hạng mục: nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến, các công trình dịch vụ tiện ích, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy vé... với tổng đầu tư gần 130 tỷ đồng, theo chuẩn bến xe loại 1, kiểu mẫu của cả nước. Tháng 9/2012, BXPN khánh thành, năng lực khai thác lên đến 800-1.000 lượt xe xuất bến/ngày. 
Tuy nhiên, gần 2 năm nay, BXPN Đà Nẵng vắng lặng thê thảm. Phòng đợi chỉ lác đác vài ba người là nhân viên bến, các dãy ghế chờ đóng lớp bụi dày. Tuyệt nhiên không có bất cứ một xe khách tuyến cố định nào vào ra...
Lối cửa chính vào bến bị án ngữ bởi dãy 34 nhà dân kiên cố, gần như bít kín. Theo ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Cty CP Đức Long Đà Nẵng: Lối ra vào bến đúng quy hoạch ở điểm khác. Do vướng nhà dân chưa giải tỏa, cơ quan chức năng chậm trễ bố trí phương án tái định cư, bến phải thuê lại 2 vạt đất trống bố trí tạm lối ra vào, với giá gần 50 triệu đồng/năm. 
“Trước khi đầu tư, chúng tôi lập dự án kỹ càng, căn cứ trên các cơ sở pháp lý, theo đúng quy hoạch, cơ chế ban hành của Đà Nẵng, không ngờ vẫn dính thảm cảnh như ngày nay”, ông Viên nói. Hiện bến chưa có bất kỳ đơn vị vận tải hành khách, vận tải hàng nào đăng ký, các tuyến xe buýt không thể mở, khiến mọi hoạt động hầu như tê liệt. Đáng nói áp lực từ nguồn vay vốn đầu tư, xây dựng bến, mỗi ngày đơn vị này phải lo đủ 20 triệu đồng trả lãi và đến kỳ trả nợ gốc cho ngân hàng.
Chết vì… làm đúng quy hoạch
Vì đâu lên nỗi? Theo ông Phạm Anh Hùng, Tổng GĐ Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, nguyên nhân không nằm ở nội tại của doanh nghiệp - đơn vị hàng đầu cả nước về xây dựng và quản lý bến xe, mà ở chính cơ chế, trách nhiệm các cơ quan chức năng Đà Nẵng.
Đó là chưa giải quyết dứt điểm công tác đền bù giải tỏa các hộ dân ở phía trước bến xe, chưa phân định tuyến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch...
Doanh nghiệp vẫn phải thuê đất 50 triệu đống/năm để có lối vào Bến xe phía Nam do thành phố Đà Nẵng chậm di dời giải tỏa
Tháng 4/2005, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông công chính Đà Nẵng đến năm 2010 định hướng đến năm 2020”, với hai bến xe trung tâm trên địa bàn. Trong đó bến phía Bắc phục vụ các chuyến vận chuyển từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc; Bến phía Nam phục vụ vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
Thời điểm này, Đà Nẵng có 1 bến xe Trung tâm (thuộc Cty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, hiện đóng phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), đóng vai trò như một bến xe phía Bắc của Đà Nẵng.

Bản quy hoạch như chiếc “kim chỉ nam”, với hàng loạt chính sách mời gọi xã hội hóa đầu tư, Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai hưởng ứng và được Đà Nẵng “chọn mặt gửi vàng”. Hơn 18 tháng triển khai đúng tiến độ, tháng 9/2012, BXPN chính thức đi vào hoạt động, cũng là lúc lâm thảm cảnh. 
Gần 2 năm nay, doanh nghiệp phải chạy vạy cầu cứu khắp nơi, gửi hàng loạt đơn thư, văn bản kiến nghị đến các cấp địa phương, T.Ư để được phân định luồng tuyến theo quy hoạch, triển khai hoạt động..., nhưng bất thành.
Trong các văn bản phúc đáp, giải trình, Sở GTVT, UBND TP Đà Nẵng thừa nhận BXPN triển khai phù hợp quy hoạch phê duyệt. Tuy nhiên, thay vì được phân đúng luồng tuyến đã quy hoạch cho BXPN, tháng 11/2012, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn lại kí văn bản chỉ đạo không đồng ý điều chuyển một số vận tải khách từ bến xe trung tâm Đà Nẵng về BXPN. 
Tiếp đó, tháng 6/2013, UBND TP chỉ đồng ý cho các phương tiện xe tải, xe container và các đơn vị vận tải tuyến cố định có nhu cầu đăng ký mới, vào khai thác BXPN Đà Nẵng. Đồng thời, trao trách nhiệm tự vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào BXPN lên chủ đầu tư.
Ông Tuấn cho rằng, việc không áp đặt, phân luồng tuyến phù hợp với Nghị định số 93 (năm 2012) của Chính phủ về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thông tư 18 của Bộ GTVT (năm 2013) về tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 
Trong đó quy định: Doanh nghiệp hợp tác xã được quyền đăng ký kinh doanh khai thác tuyến hoặc điều chỉnh phương án khai thác đang thực hiện trên tuyến.
Đáng nói, các nghị định, thông tư này ra đời sau “Quy hoạch giao thông công chính Đà Nẵng đến năm 2010 định hướng đến năm 2020” của Đà Nẵng. Bản thân thành phố chưa có bất kỳ sự thay đổi quy hoạch nào cho phù hợp.
Tháng 5/2013, Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND Đà Nẵng thực hiện đúng theo quy hoạch, trong đó phân định luồng tuyến BXPN cho các tuyến vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất (tháng 11/2013), TP Đà Nẵng vẫn quyết giữ quan điểm.
Theo ông Viên, bến xe thiết kế phục vụ các loại xe vận tải khách, nay thành phố “mở hướng” khai thác các phương tiện xe tải nặng, xe container khác nào gây khó khăn về cơ sở hạ tầng.
Khảo sát BXPN với hơn 90 doanh nghiệp, HTX vận tải, phần lớn đều cho rằng chỉ về bến khi Đà Nẵng có chủ trương phân định tuyến Bắc-Nam rõ ràng.
Bản quy hoạch như chiếc “kim chỉ nam”, với hàng loạt chính sách mời gọi xã hội hóa đầu tư, Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai hưởng ứng và được Đà Nẵng “chọn mặt gửi vàng”.
Hơn 18 tháng triển khai đúng tiến độ, tháng 9/2012, Bến xe phía Nam chính thức đi vào hoạt động, cũng là lúc lâm thảm cảnh.