Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Chính phủ Việt nam đang biến dân thành chuột bạch.

(PL)- Cần thông tin tuyên truyền về thực phẩm biến đổi gen và quy định bắt buộc dán nhãn lên sản phẩm thực phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn.

Mặc dù đã được trồng đại trà tại hơn 30 quốc gia trên thế giới từ hàng chục năm nay nhưng lợi ích cũng như tác hại của cây trồng biến đổi gen (GMO) vẫn đang là chủ đề bàn cãi chưa có hồi kết. Vẫn có nhiều nước thẳng thừng cấm, dè dặt khảo nghiệm chỉ cho phép nhập khẩu. Việt Nam là một trong số đó.
Tràn ngập thị trường
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, năm 2013 ngành chăn nuôi Việt Nam tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Trong đó, chúng ta bỏ 3,9 tỉ USD để nhập trên 9 triệu tấn nguyên liệu từ nước ngoài chủ yếu là bắp, đậu nành và khô dầu đậu nành. Dự báo năm 2014 Việt Nam tiếp tục phải bỏ hơn 4,5 tỉ USD để nhập bắp, đậu nành.

Ông Phạm Đức Bình cho biết nước ta đang phải nhập 100% đậu nành, 60% bắp vì trong nước không trồng đủ. 80%-90% sản lượng các mặt hàng này là GMO chủ yếu nhập từ các nước Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ, Canada...Hàng triệu tấn hạt đậu nành nhập về Việt Nam, mỗi năm sẽ ép ra hàng trăm ngàn tấn dầu ăn, phần bã còn lại mới dành cho chăn nuôi. Lượng dầu ăn này đều bán trên thị trường nhưng không sản phẩm nào ghi có thành phần GMO. Một lượng lớn đậu nành nguyên hạt, các sản phẩm như sữa đậu nành, đậu hũ, bột đậu nành, nước tương, chao… đang bán tràn lan trên thị trường cũng lấy từ nguồn đậu nành GMO nhập khẩu. Chưa kể bắp nguyên hạt và thực phẩm chế biến từ bắp cũng đã bán trên thị trường trong nước nhiều năm nay.
Còn đối với thực phẩm gián tiếp như thịt, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thông tin năm nay dự kiến nước ta chi khoảng 400 triệu USD để nhập khẩu thịt heo, bò, gà cũng từ Mỹ, Brazil, Argentina, Úc… Các nước Mỹ, Brazil, Argentina đều sử dụng thức ăn chăn nuôi làm từ bắp, đậu nành GMO. Lượng thịt ngoại nhập này đã có mặt tại chợ, siêu thị, nhà hàng…
Theo ông Vang, cách đây hai năm TP.HCM từng khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm hàng trăm mẫu bắp, đậu nành, khoai tây, cà chua, gạo lấy ngẫu nhiên tại các chợ, siêu thị và cửa hàng ở TP.HCM. Sau khi kiểm nghiệm và phát hiện có đến 1/3 là sản phẩm GMO, gồm bắp hạt, bắp trái, bột bắp và sản phẩm thực phẩm chế biến từ bắp; hạt giống, nguyên liệu và sản phẩm chế biến từ đậu nành; khoai tây và sản phẩm chế biến từ khoai tây... Tuy nhiên, từ đó đến nay không cơ quan chức năng nào kiểm nghiệm sản phẩm GMO. Dù muốn hay không muốn thì phải thừa nhận rằng người tiêu dùng nước ta đang ăn thực phẩm GMO hằng ngày và đã nhiều năm nay.
Tuy nhiên, việc kiểm soát các giống GMO nhập khẩu vào nước ta lẫn bày bán trên thị trường bỏ ngỏ đã tạo điều kiện cho thực phẩm GMO tràn lan trên thị trường đến từng bữa ăn của người Việt.
Các sản phẩm như sữa đậu nành, đậu hũ, bột đậu nành, nước tương, chao… đang bán tràn lan trên thị trường lấy từ nguồn đậu nành GMO nhập khẩu. Ảnh: HTD
Dán nhãn GMO để công khai, minh bạch
Cũng giống các nước trên thế giới, ở nước ta vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái chiều về thực phẩm GMO. Nhóm ủng hộ cho trồng đại trà vì đây là thành tựu khoa học về giống của thế giới. Với các giống GMO sẽ chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh, năng suất cao gấp đôi giống truyền thống, đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều nước tiến bộ như Mỹ đều đang cho phép, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Luồng quan điểm thứ hai cho rằng không nên cho phép trồng và cho phép làm thực phẩm cho người vì chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định không gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho con người. Nguy cơ phụ thuộc giống cây trồng GMO của các công ty nước ngoài làm biến mất những giống cây truyền thống có chất lượng tốt hơn.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chia sẻ: “Cách đây nhiều năm, tôi có tham gia một hội nghị về cây trồng GMO ở Pháp nhưng ở ngoài dân họ biểu tình phản đối không cho trồng. Lúc đó có ý kiến nhà khoa học dẫn một báo cáo khoa học thế giới cho thấy họ thí nghiệm trên chuột, khi chuột ăn bắp GMO thì sau một thế hệ, con chuột mọc lông trong cổ họng, sau 2-3 thế hệ thì ngừng sinh sản. Ý kiến khác thì cho rằng thí nghiệm không thuyết phục vì không có cơ quan độc lập giám sát, kiểm chứng. Dân số ngày càng đông đúc, vấn đề an ninh lương thực nóng lên, chỉ có cây trồng GMO mới giải quyết được. Còn nếu có độc tố thì giống truyền thống cũng có, xác suất có hại rất thấp”.
Ông Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, thì cho rằng Việt Nam cần thận trọng, nghe ngóng thế giới trước khi quyết định cấp phép cho trồng đại trà giống GMO. Cần có lộ trình dài hạn, trước mắt chỉ nên cho trồng các giống GMO đối với cây lâm nghiệp, cây công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, cây lấy sợi cho ngành dệt may. Riêng đối với những giống cây lương thực chế biến làm thực phẩm mà con người ăn trực tiếp như lúa thì phải có hành lang pháp lý, đánh giá nhiều tác động vì nước ta không phải khủng hoảng an ninh lương thực. Còn việc nhập khẩu sản phẩm GMO thì tất nhiên phải nhập nhưng chỉ nên cho phép những mặt hàng trong nước thiếu như bắp, đậu nành phục vụ cho ngành chăn nuôi vì nguyên liệu trong nước không đủ.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, phân tích: “Giống cây trồng GMO sẽ rất khó được người nông dân Việt Nam chịu trồng. Lý do họ phải phụ thuộc vào nguồn hạt giống GMO từ các công ty nước ngoài vì giống này vô sinh. Giá hạt giống GMO ở Thái Lan, Philippines đều cao hơn 2-3 lần so với hạt giống thường. Chưa kể khi trồng cây giống GMO, họ phải mua thêm thuốc diệt cỏ riêng cho loại cây GMO này”.
GS Xuân phân tích: “Nước ta vẫn có giống bắp lai có năng suất 8 tấn/ha bằng giống bắp GMO, chỉ có là nông dân tốn công làm cỏ. Nếu tính toán thì trồng giống bắp GMO ở Việt Nam giá thành chưa chắc đã rẻ hơn mà không chừng tốn kém hơn là nhập khẩu. Nên chăng chúng ta chỉ nhập khẩu chứ không cho trồng đại trà. Bên cạnh đó sẽ tập trung nghiên cứu lai tạo giống, tự phát triển những giống cây trồng có năng suất cao. Dẫn chứng như ở Nhật, họ nhập 90% đậu nành, khô dầu làm thức ăn chăn nuôi vì điều kiện đất đai không trồng được, trong nước họ chỉ trồng giống đậu truyền thống để ăn.
Đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết hiện nay trên bao bì của sản phẩm sữa đậu nành GoldSoy tiêu thụ trong nước có ghi thông tin nguồn đậu nành 100% không biến đổi gen. Đậu nành của công ty nhập từ Bắc Mỹ có chứng nhận xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Vinamilk xuất khẩu đi các nước tiên tiến, do yêu cầu của các nước này là sử dụng nguồn đậu nành không biến đổi gen và Vinamilk phải tuân thủ.
Theo đại diện Vinamilk, tại thị trường trong nước lâu nay người tiêu dùng không quan tâm đến vấn đề này. Việc dán nhãn lên sản phẩm dù làm tăng chi phí của doanh nghiệp nhưng để cho người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng công ty rất ủng hộ.
TÚ UYÊN

GS VÕ TÒNG XUÂN, chuyên gia nông nghiệp:
Quyền lợi của người tiêu dùng phải được tôn trọng qua việc minh bạch thông tin
Quy định quốc tế về dán nhãn GMO trên sản phẩm thực phẩm, Việt Nam đã chậm hơn so với thế giới. Nhà nước cần phải chỉ đạo doanh nghiệp làm ngay và thông tin tuyên truyền về thực phẩm GMO tới người tiêu dùng (NTD). Rất ít NTD Việt biết đến GMO. Quyền lợi của NTD cần phải được tôn trọng thông qua việc minh bạch thông tin trên báo chí cũng như trên nhãn sản phẩm. Kết quả của cuộc tranh cãi khoa học về tác dụng và tác hại của thực phẩm biến đổi gen, NTD cũng cần được tiếp cận. Việc cung cấp thông tin đầy đủ cho NTD là trách nhiệm của các nhà quản lý, tạo điều kiện cho NTD được tự do chọn lựa các sản phẩm theo sở thích và lòng tin của mình.
TS VÕ MAIPhó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam:
Không nên đưa con người ra làm “chuột bạch”
Khi chưa rõ ràng về tác hại của thực phẩm GMO thì không nên đưa con người ra làm “chuột bạch”. Các cơ quan quản lý chỉ nên cho phép nhập khẩu sản phẩm GMO làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Còn đối với sản phẩm thực phẩm trực tiếp cho con người thì nên dán nhãn GMO để tự họ có quyền lựa chọn. Ở các nước châu Âu, họ đều cấm trồng cây GMO, các sản phẩm thực phẩm đều quy định phải dán nhãn về tỉ lệ GMO để NTD nhận biết.
Ông PHẠM ĐỨC BÌNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội  Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam:
Người dân đang ăn, uống trực tiếp và gián tiếp sản phẩm GMO
Từ năm 2010 đến nay, nước ta mới chỉ cho trồng khảo nghiệm cây bắp GMO. Năm 2014, Bộ NN&PTNT mới phê duyệt bốn giống bắp GMO đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của Công ty Syngenta Việt Nam và Dekalb Việt Nam (Monsanto). Và để được trồng đại trà trong nước thì phải còn qua nhiều khâu kiểm định, phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế từ nhiều năm nay người dân Việt Nam đã và đang ăn, uống gián tiếp lẫn trực tiếp thực phẩm được chế biến từ cây trồng GMO nhập khẩu.
___________________________________________
Nhiều nước phản đối GMO
Tại Mỹ, trong tháng 11-2014, người dân bang Colorado (Mỹ) sẽ đi bỏ phiếu quyết định việc dán nhãn lên các sản phẩm GMO sau khi hơn 170.000 người ký thỉnh nguyện đơn yêu cầu bỏ phiếu về vấn đề này. Nhiều bang khác cũng đã đề xuất quy định dán nhãn bắt buộc trong năm nay.
Nga phạt nặng mức cao nhất hơn 4.000 USD cho các doanh nghiệp không tuân thủ quy định dán nhãn các sản phẩm GMO. Theo quy định của Nga, các sản phẩm chứa từ 0,9% sản phẩm hữu cơ GMO trên tổng khối lượng phải ghi chú rõ ràng.
Ấn Độ đã đình chỉ tạm thời việc lưu hành hạt giống GMO tại nước này do những tác hại kinh tế mà nó gây ra. Hậu quả do truyền thông một chiều, khi chính phủ nước này quá tin tưởng vào các lợi ích của thực phẩm GMO mà phớt lờ những tác hại của nó. Nhiều nông dân khó khăn vì mùa màng thất thu và phải mua hạt giống GMO giá đắt, gây ra khoản nợ chồng chất.
Đa số các nước châu Âu đều đã ban bố lệnh cấm thực phẩm GMO. Nhật đã ra lệnh cấm, Thái Lan cho phép thực phẩm GMO có mặt ở thị trường nhưng truyền thông phải đưa thông tin hai chiều để phổ biến kiến thức cho người dân. Trung Quốc mặc dù đã từng khuyến khích thực phẩm GMO nhưng đến nay đã phải hạn chế và ngừng nhập giống bắp GMO.
Q.H

3 nhận xét:

  1. Thực sự thì mình thấy các sản phẩm GMO chưa hề có nghiên cứu nào chỉ ra nó độc hại đối với sức khỏe con người, nên việc Việt Nam vẫn cho nhập khẩu và sử dụng những loại sản phẩm này rộng rãi chưa hẳn là đã sai. Thứ hai thực phẩm GMO được biến đổi gen nên sẽ có giá thành rẻ hơn vì thực vật động vật được tác động lên bộ gen, điều chỉnh để cho sản phẩm tạo ra có nhiều tính ưu việt hơn, như thế sản phẩm sẽ có giá thành phù hợp với túi tiền người Việt

    Trả lờiXóa
  2. Bạn nói như thế mà cũng nói được à?Việt Nam cũng không phải dốt như bạn nghĩ đâu.Bạn nghĩ khi nhập khẩu một thứ gì đấy mà có thể mua về được ư?hơn nữa là những cái ảnh hưởng tới nền kinh tế và nhân dân trong nước.Nếu mua một sản phẩm độc hại về để làm thức ăn thì có ai nó làm như thế không?

    Trả lờiXóa
  3. Nếu đã cho phép nhập khẩu thì đương nhiên là mặt hàng đó đã phải qua kiểm định và kiểm tra rõ ràng rồi, có phải cái gì cũng cho phép nhập khẩu bừa bãi đâu. Hơn nữa có thể trong nước có nguyên liệu đấy nhưng mà dây chuyền công nghệ của chúng ta chưa có hoặc làm ra sản phẩm chất lượng không cao nên việc nhập khẩu là dễ hiểu vì hàng năm chúng ta cũng đã xuất khẩu rất nhiều nguyên liệu thô rồi.

    Trả lờiXóa