Trước hết nói về tổng chi phí cho đại hội TDTT 2014. Hơn 2.000 tỉ đồng là tổng chi phí dự kiến, tương đương với 100 triệu đô la Mỹ, không phải là lớn với những quốc gia giàu có, phát triển nhưng được xem là lớn đối với một nước mà GDP còn khiêm tốn như nước ta.
Theo công bố dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong 10 tỉnh thành đăng cai đại hội TDTT 2014, chỉ có bốn địa phương có tổng thu ngân sách trên địa bàn lớn hơn tổng chi (có điều tiết về trung ương) là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Sáu tỉnh khác đều phải nhận trợ cấp lớn của Chính phủ mới cân đối được nhu cầu chi thường xuyên và đầu tư trong năm. Cụ thể: tỉnh Nam Định còn phải nhận trợ cấp bổ sung tới 3.249 tỉ đồng (bằng 51% tổng nhu cầu chi), tỉnh Hòa Bình phải nhận bổ sung 2.105 tỉ đồng (40,1% nhu cầu chi), tỉnh Thái Bình nhận bổ sung 2.753 tỉ đồng (44% nhu cầu chi), tỉnh Ninh Bình bổ sung 1.210 tỉ đồng (28,7% nhu cầu chi), tỉnh Hà Nam bổ sung 1.038 tỉ đồng (30% nhu cầu chi) và thấp nhất là tỉnh Hải Dương cũng còn phải nhận trợ cấp 436 tỉ đồng.
Nếu như tiết kiệm được một nửa hay thậm chí một phần ba số chi phí ấy thì sẽ làm được rất nhiều việc có ích, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông... |
Con số tổng chi phí hơn 2.000 tỉ đồng cho đại hội TDTT 2014 gần bằng dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn cả năm 2014 của tỉnh Nam Định (2.100 tỉ đồng), Hà Nam (2.731 tỉ đồng) và Thái Bình (2.840 tỉ đồng) và lớn hơn nhiều so với dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh Hòa Bình (chỉ 1.702 tỉ đồng), tỉnh Ninh Bình (1.857 tỉ đồng).
Thiết nghĩ, với những tỉnh còn nghèo, kinh tế chậm phát triển này, điều cấp thiết trước mắt là cần Chính phủ hỗ trợ đầu tư các cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện bứt phá về kinh tế để có nguồn thu ngân sách bảo đảm cân đối được nhu cầu chi tại chỗ chứ không phải những công trình thể thao tính bằng đơn vị ngàn chỗ ngồi vốn chỉ náo nhiệt, vui vẻ trong vài ngày đại hội TDTT.
Thứ hai là về chi phí dự kiến sẽ chi cho buổi lễ khai mạc và bế mạc đại hội TDTT 2014 tổ chức tại thành phố Nam Định. Chỉ riêng việc chuẩn bị cho đồng diễn của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giao tới 13 tỉ đồng. Nhiều người khi đọc con số này trên báo chí cứ tưởng có sự nhầm lẫn (1,3 tỉ đồng nhầm thành 13 tỉ đồng). Người ta tự hỏi: bao giờ chúng ta mới chia tay được căn bệnh thích “hoành tráng” trong tổ chức các đại hội TDTT nói riêng và lễ hội nói chung, kể cả cấp quốc gia lẫn cấp địa phương, trong khi ngân sách còn trong tình trạng “ăn đong” dài dài?
Thực trạng lâu nay là nước ta tổ chức đại hội TDTT (cũng như hội khỏe Phù Đổng cho học sinh) theo kiểu “rải đều”, “chia khắp” để tạo cơ hội cho các địa phương được đầu tư công trình TDTT. Hầu hết các công trình phục vụ đại hội TDTT toàn quốc đầu tư ở các tỉnh, thành đăng cai chỉ phát huy tác dụng, công năng trong mấy ngày diễn ra đại hội. Qua đại hội, các công trình hoành tráng ấy rất ít được khai thác đúng thiết kế, nhiều nơi đem cho thuê tổ chức đám cưới để “lấy thu bù chi”, thậm chí bị bỏ hoang, xuống cấp rất nhanh rồi lại xin kinh phí khắc phục dẫn đến cực kỳ lãng phí nguồn lực tài chính nhà nước.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta thôi không đầu tư cho lĩnh vực TDTT, cụ thể là xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ các đại hội. Vấn đề là đầu tư như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất đồng vốn cũng là tiền đóng thuế của nhân dân, chấm dứt kiểu mỗi năm, mỗi kỳ đại hội lại “ban phát” cho một số địa phương để nơi nào cũng có công trình như nhau... Và nếu như tiết kiệm được một nửa hay thậm chí một phần ba số chi phí ấy thì sẽ làm được rất nhiều việc có ích, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông vốn đang hết sức quá tải và phục vụ xóa đói giảm nghèo, bảo đảm phát triển bền vững.
http://www.thesaigontimes.vn/123786/2000-ti-dong-tien-thue-dau-phai-nho.html
Đại hội TDTT toàn quốc không chỉ là nơi các vận động viên tranh tài với nhau mà còn là nơi mỗi vận động viên đúc rút cho mình những kinh nghiệm quý báu để có thể nâng cao trình độ của mình, đi thi đấu quốc tế mang vinh quang về cho tổ quốc, đây cũng là một dịp để cho người dân có thể thư giãn xem những môn thể thao mà mình yêu thích, vậy thì với việc bỏ ra chi phí như vậy, thiết nghĩ cũng không phải là một việc quá lãng phí.
Trả lờiXóaĐại hội TDTT toàn quốc không chỉ là nơi các vận động viên đua tranh tài năng với nhau mà còn là nơi mỗi vận động viên đúc rút cho mình những kinh nghiệm quý báu để có thể nâng cao trình độ của mình, từ đó nỗ lực vương lên, mag chuông đi đánh xứ người để mang vinh quang về cho tổ quốc, đây cũng là một dịp để cho người dân có thể thư giãn xem những môn thể thao mà mình yêu thích, vậy thì với việc bỏ ra chi phí như vậy, thiết nghĩ cũng không phải là một việc quá lãng phí như lời tay lều báo viết bài
Trả lờiXóa