Cần minh bạch: Vấn đề “nhận tiền nước ngoài” và dự án Những tiếng nói ngầm
Nhã Thuyên
Báo Văn Nghệ số 16 ra ngày 19 tháng 4 năm 2014 có đăng bài “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” của PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, mà theo chapeau giới thiệu của báo Văn nghệ, đây là “toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS. TS. Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập”, có những chi tiết vu khống nghiêm trọng về cá nhân tôi mà tôi buộc phải làm rõ.
Trước hết, xin được thưa rằng, tôi sẽ không tranh luận lại các luận điểm nhận xét về luận văn của tôi mà ông Phan Trọng Thưởng đưa ra, vì hai lí do.
Một, tôi đọc văn bản này như một văn bản được viết bởi một người đọc bất kì, dù đăng báo giấy hay đăng mạng, như các bài báo phê phán của Chu Giang và nhiều người khác dạo trước, hay như các bài viết khẳng định giá trị của luận văn. Ở góc độ này, tôi vẫn giữ ý kiến rằng, mọi người đọc đều có quyền nhận xét một sản phẩm theo cách mà họ muốn, và tôi, tác giả luận văn, trước hết, tôi chỉ có thể lắng nghe, nếu có duyên may thì được dịp trao đổi và học hỏi, nếu không, thì biết vậy thôi. Luận văn của tôi có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, và tôi không (thể) can thiệp vào việc đọc nó, diễn giải nó như thế nào.
Hai, nếu quả thực đúng như lời báo Văn Nghệ, đây là “toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS. TS. Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập”, cũng theo báo VN, theo quyết định ngày 12 tháng 2 năm 2014 của trường ĐHSP HN, thì tôi không có trách nhiệm phải trao đổi lại các luận điểm phản biện của ông Phan Trọng Thưởng vì lẽ: Tôi (cũng như người hướng dẫn và các thành viên hội đồng chấm luận văn của tôi năm 2010) không được biết tới quyết định thành lập hội đồng này, không được chứng kiến quá trình làm việc của hội đồng, không được dự cuộc phản biện của hội đồng thẩm định. Trong hội đồng chấm luận văn năm 2010, sau khi các thành viên hội đồng trình bày nhận xét của họ và nêu câu hỏi cho học viên, tôi có cơ hội và nhiệm vụ trao đổi lại và trả lời các câu hỏi, các chất vấn của họ. Một hội đồng thẩm định lại luận văn, nếu tôi, tác giả luận văn, là người được tham dự, tôi sẽ có trách nhiệm phải hồi đáp các nhận xét phản biện này.
Điểm mà tôi bắt buộc phải làm rõ và tôi đề nghị ông Phan Trọng Thưởng, với tư cách là tác giả văn bản này, làm rõ, liên quan tới hai chi tiết trong bài báo, xin được trích nguyên văn, trong phần “Kết luận và kiến nghị của người nhận xét”, trang 18, Báo Văn Nghệ.
Kết luận 1 của ông Phan Trọng Thưởng:
“1- Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương” (Trang 18, báo VN): Tôi đề nghị ông làm rõ tôi đã “tự xác nhận” điều đó như thế nào, trong đoạn trích dẫn nào.
Kết luận 2 là một chi tiết không minh bạch về thông tin, có thể gây hiểu lầm và dẫn tới những cáo buộc nghiêm trọng:
“2- Từ luận văn này, với bút danh Nhã Thuyên đã phát triển thành 5 tiểu luận nằm trong một cấu trúc thống nhất mang tên:Những tiếng nói ngầm được đăng trên trang mạng internet (Damau) dưới sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài.” (trang 18, báo VN).
Về dự án này, tôi đã nói rõ trên blog cá nhân mình. Xin xem ở đây:
Về Những tiếng nói ngầm:
Kết quả của dự án, gồm 5 tiểu luận dài, 1 video tư liệu phỏng vấn mà Damau là nơi đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này xuất bản chúng online:
Lời cảm ơn: – Damau đăng cùng video tư liệu. Cũng có thể xem ở đây.
Một phỏng vấn khác bằng văn bản với Mở Miệng được thực hiện qua email, được đăng trên Damau và sau đó là Tiền Vệ cùng một khoảng thời gian:
Damau: Trò chuyện với Lý Đợi và Bùi Chát: Khước từ thoả hiệp để lựa chọn tự dohttp://damau.org/archives/20163
Tiền Vệ:
Lời ngỏ: http://damau.org/archives/26260
Tiểu luận 1: Những va chạm: thơ ca, bối cảnh, cá nhân – một cách chia sẻ mối quan tâm cá nhân của tôi, và vì sao lại dẫn tới mối quan tâm này.
Tiểu luận 2: Thơ ca của sự phủ định và sự phủ định thơ – về cách nhìn của tôi với cái gọi là thơ chính trị.http://damau.org/archives/26320
Tiểu luận 3: Cuộc nổi dậy của rác thải - đây là tiểu luận về Mở Miệng, và thực ra có thể xem là sự viết lại luận văn cao học của tôi.
Tiểu luận 4: Những tiếng nói cộng hưởng – về các nhà thơ nữ.
Tiểu luận 5: Nguyễn Quốc Chánh - một nhà thơ -bóng tối trọn vẹn như tôi nhìn thấy, cảm thấy, nếu tôi cần hình dung bằng một ẩn dụ.
Có mấy điều mà tôi nhất định phải khẳng định lại như sau:
1. Dự án Những tiếng nói ngầm được hoàn thành sau khi tôi tốt nghiệp cao học trường Sư phạm. Trong thời gian này, tôi vẫn sống và làm việc như một người viết tự do. Đây là dự án cá nhân mà tôi phát triển một phần từ luận văn. Dự án này không phải chỉ viết về Mở Miệng.
2. Damau, nơi các tiểu luận của dự án này được đăng tải, không phải là một trang mạng internet trôi nổi. Đây là một tạp chí văn chương độc lập và phi lợi nhuận, được sáng lập và điều hành bởi một nhóm các nhà văn, dịch giả người Việt/gốc Việt đang lưu trú ở các quốc gia khác nhau. Damau không trực thuộc một hội đoàn hay một tổ chức chính trị nào. Damau hiện tại cũng không trả nhuận bút cho các tác giả có bài đăng. Vì thế, Damau, nơi đăng tải dự án này, không phải là một “tổ chức nước ngoài” đã trả tiền tôi để tôi làm và đăng tải dự án này (!).
Xin xem chủ trương của damau tại đây:
Trích:
“Chủ trương của Da Màu là gì?
Da Màu chủ trương một diễn đàn văn chương không biên giới, một diễn đàn mở rộng cho mọi khuynh hướng sáng tác, mọi tác giả, mọi khai phá đúng nghĩa. Da Màu chủ trương một nền văn chương Việt Nam không đặt trọng tâm và không lệ thuộc vào một thể chế chính trị nào. Da Màu là một mô hình tiên phong chủ xướng một đối thoại tự do giữa các ngôn ngữ, đặc biệt là giữa những ngôn ngữ bên lề và những ngôn ngữ có thế lực kinh tế và chính trị. Da Màu chủ trương thúc đẩy văn chương Việt Nam đương đại vượt những rào cản để đạt mức phổ quát trong bối cảnh toàn cầu hóa.”
(hết trích)
Chỉ cần vào thư mục các tác giả tác phẩm đăng tải trên tạp chí online này, tôi có thể thấy không ít nhà văn, nhà thơ, dịch giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Thậm chí, trong phạm vi hiểu biết của tôi, có không ít tác giả là hội viên Hội nhà văn Việt Nam nữa. Nhưng điều đó có phương hại gì tới việc đăng tải tác phẩm trên một trang mạng văn học xuyên biên giới?
Đó là khẳng định từ phía tôi, với tư cách tác giả dự án Những tiếng nói ngầm, để làm rõ rằng, Damau chỉ là nơi xuất bản tác phẩm. Nó bình đẳng như các trang mạng văn chương khác, trong thời đại này. Có khác, là nó không thuộc một hội đoàn chính trị hay nghề nghiệp nào, chẳng hạn như trang của Hội nhà văn, của Viện văn học, hay các tạp chí online hoạt động được cấp phép trong nước.
3. Vậy đâu là nơi tôi đã nhận được tài trợ một phần cho dự án này? Tôi đã trả lời rõ ràng: đó là quỹ ANA (ArtsNetworkAsia), theo giới thiệu, bằng tiếng Việt của họ như sau: “Tổ chức Liên kết Nghệ thuật Châu Á (Arts Network Asia – ANA) là một nhóm các nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa và nghệ thuật độc lập chủ yếu đến từ Đông Nam Á, với mục đích khuyến khích và hỗ trợ sự hợp tác nghệ thuật trong khu vực cũng như phát triển những kỹ năng quản trị và quản lý hành chính tại Châu Á. ANA khởi đầu tại Châu Á, dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, hoạt động cùng với các nghệ sĩ Châu Á và được thúc đẩy bởi phương châm hợp tác một cách có ý nghĩa..”
Xin xem trang web của họ, chọn ngôn ngữ mà bạn muốn đọc. Trang web support ngôn ngữ của các nước Đông Nam Á.
Đây là file giới thiệu bằng tiếng Việt:
Như vậy,
- ANA là một tổ chức nước ngoài, nhưng không phải một tổ chức chính trị mà là một Tổ chức liên kết Nghệ thuật Châu Á.
- Để nhận tài trợ của tổ chức này, bạn cần phải làm gì? Bạn cần phải vào website của họ, xem hướng dẫn nộp hồ sơ và gửi hồ sơ tới họ, thường bao gồm CV và bản trình bày tóm tắt dự án (cá nhân hoặc có hợp tác) của mình, từ tư cách cá nhân hoặc nhóm, và các yêu cầu liên quan. Sau đó, mọi việc bạn có thể làm là chờ đợi xem hồ sơ của bạn có được nhận tài trợ hay không.
Tất cả các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, các nhà hoạt động nghệ thuật, văn hoá… đều có thể nộp hồ sơ xin tài trợ của quỹ ANA.
Tất cả các dự án được nhận tài trợ đều được thông báo công khai trên trang web của họ.
- Dự án của tôi, theo như tôi được biết từ các thông tin công khai trên trang web của họ, là dự án đầu tiên về văn chương ở Việt Nam được nhận tài trợ trong những năm gần đây từ quỹ nghệ thuật này. Điều này, tôi có thể lí giải rất đơn giản: Từ trước tới nay, ở Việt Nam, các nghệ sĩ thị giác, phim ảnh, hội hoạ, các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, nghệ thuật… được tiếp xúc sớm hơn với các cách thức tìm tài trợ và họ cũng chủ động hơn trong việc tìm tài trợ từ các quỹ nghệ thuật độc lập. Khi tôi nộp hồ sơ cho dự án này, tôi muốn thử nghiệm hướng tìm tài trợ đó. Thay vì bạn tìm cách vào Hội Nhà văn hay vào một hội nghề nghiệp nào đó và viết đơn xin tài trợ của Hội, và nếu bạn cũng không có khả năng tự tìm tài trợ từ các doanh nghiệp, các hội đoàn khác…, nếu bạn không dư dả tiền bạc để làm những việc bạn muốn làm, thì bạn có thể có những cách thức khác để hỗ trợ công việc của mình. Tìm tài trợ từ các quỹ độc lập là một cách phổ biến trên toàn thế giới.
Hẳn nhiên, tôi ước tôi không bao giờ phải vã mồ hôi viết các loại hồ sơ, dự án để tìm tài trợ! Vì đó không phải là công việc dễ dàng và dễ chịu. Cho tới thời điểm này, ANA là quỹ duy nhất mà tôi đã apply.
- Quỹ ANA chỉ là một trong vô vàn các quỹ nghệ thuật độc lập trên thế giới hiện nay, và là một quỹ hiếm hoi đến từ các nghệ sĩ Đông Nam Á và hướng tới việc hỗ trợ các nghệ sĩ châu Á, nhất là các nghệ sĩ Đông Nam Á.
Danh sách các nghệ sĩ Việt Nam nhận được tài trợ của quỹ này, tôi chỉ xin điểm danh họ từ trang web, theo thống kê năm như sau:
Năm 2012: nhóm Dragon, Thành phố Hồ Chí Minh với dự án Dragon Team.
Năm 2011: Nhã Thuyên, với dự án Underground Voices:
Năm 2009:
Trương Thiên, nghệ sĩ thị giác với dự án về môi trường và nghệ thuật cộng đồng “Last Holidays”
Nhóm +84, được tài trợ với dự án về múa đương đại kết hợp với hãng dân ca Việt Bắc, Thái Nguyên:
Tìm tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật, văn hoá độc lập như một sự chủ động cho nhu cầu lao động và phát triển sự nghiệp của người làm văn hoá, nghệ thuật, cũng như vì nhu cầu trao đổi trong cộng đồng, hẳn nhiên là một việc làm bình thường trên thế giới này.
Từ những trình bày trên đây, tôi:
- bác bỏ cáo buộc không có căn cứ cho rằng tôi “tự xác nhận đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương”.
- bác bỏ thông tin rằng tôi làm dự án Những tiếng nói ngầm với sự tài trợ của CÁC TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI như văn bản ông Phan Trọng Thưởng công bố trên báo Văn nghệ, nhằm cáo buộc tôi có “động cơ công kích, đả phá chế độ chính trị rõ rệt hơn” (trang 18, báo Văn nghệ).
- những thông tin như vậy mang tính chất vu khống rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống cá nhân của tôi, một người viết văn tự do và không thuộc vào bất cứ tổ chức, hội đoàn nào cho tới thời điểm hiện tại.
N.T.
Nguồn: junglepoetry.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét