Đơn xin cứu xét viết gì?

Trong đơn, tướng Phan Như Thạch thừa nhận việc xây dựng biệt thự là không phép, vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, gia đình ông nghiêm túc thực hiện quyết định xử lý của chính quyền. Gia đình ông cũng đã tích cực hợp tác, cung cấp hồ sơ, giấy tờ, làm giải trình đến cơ quan…

Dẫn giải lý do sai phạm, tướng Thạch cho biết, từ năm 1997 – 1998, gia đình ông đã khai hoang, trồng hoa màu tại khu vực rừng Hải Vân. Đến năm 2000 được BQL rừng đặc dụng nam Hải Vân giao khoán trồng rừng. Gia đình tướng Thạch cũng đăng ký tạm trú, tạm vắng, đóng thuế nhà đất, tham gia sinh hoạt cộng đồng tại địa phương… Tại đây, một khu dân cư đã hình thành với 40 hộ (phần lớn là công nhân đội trồng rừng Hải Vân - đã bị giải thể), họ có tình hình sử dụng đất, xây nhà đều tương tự gia đình tướng Thạch. 
Từ 2005 đến 2011, tướng Thạch có hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. UBND TP.Đà Nẵng đã tiếp nhận, chuyển hồ sơ cho các sở ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu. Đây cũng là thời điểm gia đình tướng Thạch “cầm đèn chạy trước ô tô”, xây nhà khi chính quyền đang xem xét hồ sơ.

Tướng Thạch không phản đối quyết định xử lý của chính quyền, nhưng ông làm đơn xin cứu xét, nêu bối cảnh dẫn đến sai phạm, hoàn cảnh gia đình truyền thống cách mạng với nhiều người hy sinh, có công, và những cống hiến cá nhân sau hơn 40 năm công tác… để xin được quan tâm giải quyết. Mục đích là được nộp phạt, tồn tại. Khi nào khu vực này có quy hoạch mới, sẽ tự động tháo dỡ vô điều kiện. Ngoài ra, theo tướng Thạch, việc buộc tháo dỡ hoàn toàn ngôi biệt thự của ông đồng nghĩa với việc 40 hộ dân có nhà xây dựng không phép sẽ bị ảnh hưởng tương tự.

Chủ biệt phủ Ngô Văn Quang cũng có đơn xin cứu xét, nêu bối cảnh vi phạm tương tự hộ gia đình tướng Phan Như Thạch. Xin được phạt hành chính để tồn tại.
Error loading media:
File could not be played
Biệt thự xây trái phép trên núi Hải Vân

Liệu có thay đổi quyết định của chính quyền?

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết, đã nhận được đơn xin cứu xét của các chủ hộ nói trên. Tuy nhiên, việc xử lý phải tuân thủ đúng pháp luật. UBND quận Liên Chiểu sẽ ra quyết định buộc gia đình tướng Thạch phải tự tháo dỡ hoàn toàn công trình xây dựng trái phép từ ngày 2.2 đến 10.3.2015.

Ông Thị cho biết, đây là một quyết định lịch sử trong đời làm chủ tịch của ông bởi phải đắn đo, cân nhắc quá nhiều điều liên quan. Việc xử lý sai phạm phải trên tinh thần thượng tôn của pháp luật, nhưng bối cảnh vi phạm của họ (trong đó có hơn 40 hộ dân tại đây) cũng có nhiều lý do để suy xét. Thực tế rừng đã không còn, chủ rừng – BQL rừng Đặc dụng nam Hải Vân - cũng giải tán 10 năm nay, nhưng chưa bàn giao quyền quản lý đất cho địa phương. Đặc biệt, sau khi xây dựng hầm đường bộ Hải Vân, hạ tầng điện, đường được khang trang, dân cư ở như khu đô thị… nhưng quy hoạch, quản lý của nhà nước chưa đi kịp thực tế. 
Ông Thị nói: “Dư luận không sai, nhưng cần phải rõ ràng. Khi sai phạm sẽ bị xử lý, bất kể cá nhân đó là dân hay tướng. Tuy vậy, đừng vì một sai phạm hành chính mà suy diễn, xúc phạm đến danh dự của cá nhân, gia đình họ. Nhất là gia đình có nhiều cống hiến cho cách mạng, có công trạng từ hơn 40 năm sau giải phóng. UBND quận sẽ không thay đổi quyết định xử lý của mình, còn việc xem xét đơn của tướng Thạch như thế nào là thuộc thẩm quyền của chính quyền TP".