“Luật sư ơi, cứu con!”
Hải mới nói được mấy câu: “Con không giết người. Con không làm gì cả. Oan con lắm. Luật sư ơi, cứu con”. Rồi đột nhiên, mặt mày Hải nhăn nhúm lại như phải chịu đau đớn tột cùng vì một tác động từ đâu đó. Nhiều lần gặp Hải trong trại tạm giam sau đó đều tương tự như thế. Những lời kể lõm bõm, nhỏ giọt, ánh mắt thất thần, hãi hùng, lo sợ cho tôi cảm nhận dường như Hải không dám nói ra sự thật vì sự đe đọa nào đó.
Có vụ án thật kỳ lạ. Kỳ lạ đến mức làm cho những người tham gia nghĩ rằng tòa chỉ muốn kết án cho xong việc và bị cáo dường như bị sắp xếp để chết thay cho hung thủ thực sự.
1. Tôi nhận lời bào chữa cho Hồ Duy Hải, bị cáo trong vụ án hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại đầu năm 2008, trong tâm trạng khó tả. Bởi lẽ, sự man rợ của hung thủ khi cướp đi sinh mạng hai người mà báo chí đã thông tin khiến tôi cũng như nhiều người đều mong muốn kẻ thủ ác sớm phải đền tội thích đáng. Đã định từ chối, nhưng ánh mắt như van lơn, tìm kiếm sự chia sẻ của hai người phụ nữ (một là mẹ, một là dì ruột của bị cáo), và giọng nói nghèn nghẹn, cầu cứu của họ “Oan con tôi lắm, cháu không giết người, cháu không đáng phải chịu tội” đã khiến tôi thay đổi ý định, với lời khẳng định: “Tôi chỉ nhận lời đọc hồ sơ vụ án, nếu phát hiện oan sai, mới nhận bào chữa cho Hải, nếu không thì sẽ từ chối”. Gia đình đồng ý.
2. Hai lần đầu gặp trong trại tạm giam của Công an tỉnh Long An, dù tôi đã thuyết phục, thậm chí có khi như năn nỉ, Hải chỉ lặng câm, không một lời nói, mắt luôn hướng về hai chiến sĩ đang giám sát sự tiếp xúc của luật sư với bị can đầy lo sợ. Lẽ thường, bị can phải tranh thủ thời gian gặp ngắn ngủi để trình bày sự thật, hoặc thanh minh với hy vọng luật sư sẽ giúp mình vô tội hay giảm nhẹ tội, nhưng đây chỉ là sự im lặng! Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tôi thấy có nhiều sai sót, mâu thuẫn. Chẳng hạn, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Tỉnh Long An khẳng định: “Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.
Vậy đó là vân tay của ai? Ai mới là hung thủ thật sự? Vì sao cơ quan điều tra không truy tìm trong tàng thư căn cước để tìm chủ nhân của dấu vân tay để lại hiện trường? Hay như, con dao, cái thớt được cho là hung khí gây án cũng không được thu giữ, dù khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra làm khá kỹ (thu được cả những sợi tóc, cọng bún, hạt cơm khô, vết máu…), để rồi đến 5 tháng sau mới cho người đi mua về để mô phỏng tang vật, thậm chí còn sửa chữa kích thước con dao trong biên bản ghi lời khai của một nhân chứng, để làm cơ sở kết tội Hải… Những mâu thuẫn, sai sót đó, cùng với sự im lặng bất thường của bị can càng thôi thúc tôi muốn tìm hiểu sự thật vụ án. Tôi trở lại gặp Hải lần thứ ba. Động viên, giải thích, thuyết phục mãi, thậm chí có lúc phải dọa: “Cháu không nói ra, thì sẽ bị tử hình mà không ai cứu được”, Hải mới nói được mấy câu: “Con không giết người. Con không làm gì cả. Oan con lắm. Luật sư ơi, cứu con”. Rồi đột nhiên, mặt mày Hải nhăn nhúm lại như phải chịu đau đớn tột cùng vì một tác động từ đâu đó. Nhiều lần gặp Hải trong trại tạm giam sau đó đều tương tự như thế. Những lời kể lõm bõm, nhỏ giọt, ánh mắt thất thần, hãi hùng, lo sợ cho tôi cảm nhận dường như Hải không dám nói ra sự thật vì sự đe đọa nào đó.
3. Tôi chuẩn bị thật kỹ hồ sơ cho ngày xét xử sơ thẩm cuối tháng 11 năm 2008. Điều lạ là, dù gia đình bị cáo Hải đã nhờ tôi làm luật sư bào chữa, nhưng tại tòa vẫn có thêm một luật sư được chỉ định bào chữa cho Hải. Dù đây là việc vi phạm tố tụng, nhưng tôi thầm nghĩ, dù sao có đồng nghiệp hỗ trợ vẫn hơn và yên tâm trình bày phần bào chữa trong đó nêu ra 41 điểm sai sót trong quá trình điều tra, truy tố và khẳng định cơ quan điều tra đã suy diễn dựa vào hiện trường và lời khai của bị cáo, dù lời khai đó có nhiều điểm không phù hợp với thực tế khách quan vụ án, đồng thời đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án, điều tra lại để xác định chính xác hung thủ, không để oan sai cũng như lọt tội.
Đại diện VKS hôm đó, không tranh luận mà chỉ đọc lại cáo trạng, đồng thời cũng thừa nhận có nhiều sai sót nhưng “không thể làm lại nữa vì đây là án điểm, thời gian kéo dài lâu, dư luận bức xúc”! Điều lạ và thật lạ là, luật sư đồng nghiệp được chỉ định bào chữa cho Hải, chẳng những không bào chữa mà mau mắn nhận tội thay thân chủ và chỉ mong được giảm án từ tử hình xuống còn chung thân trong khi chính bị cáo lại kêu oan tại Tòa! Giờ giải lao, trước khi tranh luận, tôi có trao đổi với luật sư này những nội dung mâu thuẫn, sai sót, vi phạm, thì bất ngờ vị này thốt ra: “Ông nói gì được thì nói, ở đây tôi bị kẹt (?!)”. Chưa hết, sau phần trình bày của tôi, luật sư đồng nghiệp còn “buộc tội” thân chủ khi cho rằng “Dấu vân tay của bị cáo không trùng với vân tay thu được tại hiện trường thì bỏ không sử dụng chứ đâu có gì (!?)” Rồi hội đồng xét xử cũng bỏ qua những sai phạm trong điều tra, truy tố để tuyên tử hình bị cáo. Đến khi xét xử phúc thẩm cũng thế, dù thừa nhận có nhiều thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng vẫn kết án tử hình Hồ Duy Hải.
4. Từ ngày nhận lời bào chữa cho Hồ Duy Hải, tôi có điều kiện để tìm hiểu về nhân thân của thân chủ. Ông nội Hải là cán bộ miền Nam tập kết, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bà nội cũng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Còn cố ngoại của Hải lại là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình cô dì, chú bác cả hai bên đều là những người lương thiện, nông dân cần cù, chất phác. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi, liệu một cây lành có sinh trái đắng?
Riêng Hải lại có nhiều thiệt thòi. Bố mẹ ly dị với nhau lúc Hải mới lên 5 khi bố có vợ khác. Buồn phiền chuyện tình cảm, mẹ Hải ra nước ngoài lam lũ kiếm sống. Hơn 4 năm rưỡi qua, kể từ ngày con bị bắt và kết án tử hình, người phụ nữ ấy suy sụp hẳn, già cỗi và gày còm. Đôi chân chị đã bươn chải khắp nơi để kêu oan cho con. Đã hai lần nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi còn tại nhiệm, có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ vụ việc để tránh oan sai, nhưng sự việc gần như rơi vào im lặng. Chỉ có, TAND Tối cao trả lời, nhưng lại căn cứ vào những tài liệu có nhiều sai sót, bất cập để khẳng định việc kết án tử hình Hồ Duy Hải là có căn cứ.
Dù không phải là thẩm phán, nhưng với những chứng cứ rõ ràng và bằng niềm tin nội tâm, tôi thật sự không tin Hải là người đã cầm dao cắt cổ hai nạn nhân như kết luận điều tra và cáo trạng. Hung thủ thật sự là ai? Hải đã phạm tội gì và đáng nhận hình phạt nào trong vụ án trên, khi lời kêu oan của bị cáo “Luật sư ơi, cứu con!”, cứ mãi ám ảnh tôi. Giả sử, nếu tiếng kêu oan không thấu trời xanh, thì có lẽ tôi chỉ có thể tự an ủi mình, có lẽ đó là định mệnh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét