Lật lại hồ sơ Vụ án Hồ Duy Hải: Đưa chứng cứ giả, khác gì “lấy gậy” đập chân mình
Hồ Duy Hải trước khi vướng vòng lao lý.
Như Lao Động đã thông tin, trước một ngày thi hành án, ngày 4.12.2014 tử tù Hồ Duy Hải đã được Chủ tịch Nước ký quyết định tạm hoãn thi hành án, để làm rõ những tình tiết có dấu hiệu oan sai mà báo chí đề cập. Ngày 3.12.2014, báo Lao Động có bài “Oan hay không cũng phải làm rõ”. Tại phiên thảo luận ngày 20.3 về án oan sai, đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất, vụ án Hồ Duy Hải có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.
- Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Phó Thủ tướng đề nghị VKS Tối cao giải quyết
- Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với gia đình Hồ Duy Hải
- Ngày 4.1.2015, Chủ tịch Nước sẽ nghe báo cáo vụ Hồ Duy Hải
- Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Lập tổ liên ngành thẩm định lại kết quả điều tra
- Gia đình Hồ Duy Hải không được thăm nuôi
- Vụ án Hồ Duy Hải: Đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị
Tuyên án tử hình... theo lời khai
Vụ án giết hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi (Long An) xảy ra vào tối 13.1.2008. Tại hiện trường cơ quan điều tra không thu giữ được tang vật gây án, chỉ thu được dấu vân tay, mẫu máu, đồng thời đã triệu tập một số đối tượng tình nghi, nhưng vẫn không tìm ra thủ phạm.
Hơn hai tháng sau, trưa 20.3.2008, bà Nguyễn Thị Len, đảng viên, giáo viên Trường mẫu giáo Nhị Thành (Thủ Thừa, Long An) là dì ruột của Hồ Duy Hải được ông Hồng - Trưởng CA xã Nhị Thành - gọi điện hỏi Hải đang ở đâu, về gặp CA liên quan đến chuyện cá độ bóng đá. Hải về thăm bố ở TPHCM nên đã đi xe buýt đến CA tỉnh và chiều hôm đó trở về nhà, được hẹn ngày mai trở lại. Hải cho biết, CA chỉ hỏi việc cá độ ở xóm. Ngày 21.3.2008, Hải được dì ruột đưa lên CA tỉnh, tối cùng ngày CA về khám nhà bà Loan - mẹ Hải - thu vàng, tuy nhiên em gái của Hải đã trình hóa đơn thể hiện nguồn gốc của 4 cái nhẫn nhưng vẫn bị thu (sau này đã trả lại cho gia đình), CA còn ra sau nhà bà Len lấy tro đốt sau nhà.
Bài báo “Oan hay không cũng phải làm rõ”, chúng tôi đã phân tích, vì sao con dao, cái ghế, thớt được Hải khai là tang vật gây án, nhưng không được CA thu giữ (cái thớt thì cho người mua ở chợ về, con dao thì dân phòng phát hiện, khai đem đốt, cũng được mua ở chợ về đưa vào hồ sơ vụ án. Mẫu vân tay và mẫu máu thu được ở hiện trường được gửi đi giám định, nhưng không phải là mẫu vân tay và mẫu máu của Hải. Khi khám nghiệm hiện trường, CA thu từ sợi tóc, hạt cơm khô nhưng không hiểu vì sao lại không thấy con dao?
Đoàn giám sát của Quốc hội - sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án - đã nhận định: Bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận Hồ Duy Hải về tội giết người và cướp tài sản đều dựa trên căn cứ chính là lời khai nhận của Hồ Duy Hải. Đây là chứng cứ trực tiếp duy nhất, những chứng cứ còn lại đều là chứng cứ gián tiếp. Lời khai của Hải thì có lúc Hải nhận tội, lúc không nhận. Nội dung giữa các lần khai có rất nhiều mâu thuẫn. Nhiều chứng cứ thu thập không tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng vẫn được dùng kết tội.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Nhiều đồ vật liên quan được cơ quan tố tụng kết luận là hung khí gây án lại không được cơ quan điều tra thu thập ngay tại thời điểm khám nghiệm (thớt, dao). Trong biên bản khám nghiệm hiện trường được lập ngày 14.1.2008 có thể hiện: Chân trái nạn nhân Vân gác lên một cái ghế xếp khung ghế bằng inox, mặt ghế bằng nệm mút màu xanh, trên mặt nệm có dấu vết máu quyệt và dấu vết dép dính những hạt cơm khô, trên chân ghế bằng sắt trắng dính máu. Việc không thu giữ chiếc ghế cơ quan điều tra đã bỏ qua chứng cứ trực tiếp.
Điều lạ lùng, đến ngày 25.3.2008, sau khi khám nghiệm hiện trường hơn hai tháng, cơ quan điều tra mới thu giữ chiếc ghế inox tại Bưu điện Cầu Voi. Chiếc ghế mới thu thập này khi được nhận diện thì Hải đều xác nhận đúng là chiếc ghế đã dùng để đập vào đầu nạn nhân Vân. Tuy nhiên, chiếc ghế inox mới được thu giữ này lại không phải là chiếc ghế mà cơ quan điều tra đã mô tả trong biên bản ngày 14.1.2008. Đoàn giám sát đã phát hiện độ vênh về mã số trên hai chiếc ghế, chiều cao.
Cơ quan điều tra đã thu giữ mẫu máu ở cửa nhà sau và trong phòng vệ sinh, tại sao 5 tháng sau mới gửi mẫu máu đi giám định? Thời gian chết của nạn nhân không được trưng cầu giám định để xác định thời gian gây án, thời gian nghi can có mặt ở hiện trường.
Đoàn giám sát cũng nêu ra, những mâu thuẫn trong lời khai của Hải không được làm rõ tại tòa. Lời khai nhận tội ban đầu không phù hợp với nhiều tình tiết được thể hiện trong biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Theo đoàn giám sát thì những chứng cứ ngoại phạm về thời gian của Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ. Bản án kết luận lại dựa trên sự suy diễn của kết luận điều tra và cáo trạng. Điển hình đó là nhân chứng Đinh Vũ Thường khai “thấy 1 thanh niên ngồi giữa trên chiếc ghế trong bưu cục... nhưng người thanh niên này đang ngồi khom mặt xuống... nên không nhìn rõ mặt, nên không thể nhận dạng chính xác (bút lục 251), nhưng kết luận điều tra, cáo trạng đều nhận định là Vũ Đình Thường phát hiện Hải trong bưu cục... Chính Hội đồng xét xử phúc thẩm thừa nhận trong bản án: Cho dù rằng quá trình điều tra có những sai sót về tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng lại cho rằng “không nghiêm trọng”...
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 20.3 về án oan sai của đoàn giám sát, ông Ngô Văn Hiến - Ủy viên UB Tư pháp của QH đã thốt lên: Các bản án kết tội chỉ căn cứ vào lời khai của Hải. Nghiên cứu cả quá trình qua các lần khai của Hải tôi thấy rất nghi ngờ. Những cái đáng nhẽ không nhớ thì lại nhớ rất chi tiết, những cái cần nhớ thì mãi sau này mới thấy có hướng lái cho phù hợp với biên bản hiện trường. Ông Phạm Xuân Thường - Ủy viên UB Tư pháp nói: Chính vì những sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ mà chúng ta cầm gậy đập chân mình. Vì gian dối, đưa các chứng cứ giả vào mới dẫn đến vụ án phức tạp như thế này.
Vụ án Hồ Duy Hải được đoàn giám sát của Quốc hội xếp là một trong ba vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Phó trưởng đoàn giám sát - trực tiếp giám sát vụ án nhận định: Đủ 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét