Chuyện đời quay quắt của một người vợ liệt sĩ Gạc Ma
Chị Cao Thị Bình - vợ liệt sĩ Hồ Công Đệ - trong căn nhà mới hoàn thành, chưa có bất kỳ vật dụng gì.
Trời mưa rả rích suốt tuần. Đại công trường Nghi Sơn đang trong giai đoạn gấp rút. Vượt ổ trâu, ổ voi, ghệp ghềnh lên, xuống, khó khăn lắm chúng tôi mới tới được nhà chị Cao Thị Bình (xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) - vợ liệt sĩ Hồ Công Đệ - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma (Trường Sa, năm 1988).
- Gạc Ma - Chuyện của những người ở lại
- Người mẹ có con hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma: ”Cảm ơn các con…!”
- Hoạt động tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ Gạc Ma: Lá thư Bộ trưởng và tin nhắn người dân
- Con gái liệt sĩ Gạc Ma đã có việc làm
- Sớm xác minh, làm rõ nhóm người ngăn cản việc tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma
Hạnh phúc ngắn ngủi
Chị Bình năm nay 56 tuổi nhưng nhìn chị như bà lão 60. Cái nhọc nhằn gian khổ qua thời gian hằn sâu trên khuôn mặt, dáng hình tiều tuỵ. Cuộc đời chị là cả một chuỗi những nhọc nhằn lo toan và chịu đựng. Năm 1982, anh chị cưới nhau. Hạnh phúc của chị chỉ là những ngày gặp anh ngắn ngủi. Khi đó, anh Hồ Công Đệ đang học y sĩ ở Hải Phòng. Cưới nhau, anh ở nhà được 2 tháng, rồi khoác balo lên đường công tác, sau đó chuyển về đơn vị 2C779, Kiên Giang, Phú Quốc.
2 tháng hạnh phúc này, anh chị có con gái đầu lòng là Hồ Thị Minh. Vợ chồng xa nhau biền biệt, vì điều kiện công tác, anh Đệ ít được về nhà. Sau đó, anh về với người vợ tần tảo quê nhà 2 lần nữa.
Kết quả hai chuyến về quê hương cuối cùng đó là 2 con - một trai, một gái - ra đời. “Từ ngày cưới, chỉ 3 lần vợ chồng ở với nhau được quá 10 ngày. Anh cứ đi biền biệt, rồi đi mãi…”, chị Bình lau nước mắt.
Cuối năm 1987, y sĩ Hồ Công Đệ được điều động ra Trường Sa. Ngày 14.3.1988, anh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma. Đứa con trai út Hồ Công Được sinh tháng 6.1988 đã không bao giờ biết mặt bố…
Nỗi nhọc nhằn dài mãi
Đất xứ Thanh thời đó nghèo lắm. Lại có câu “nhất xương, nhì da…” - ý nói hai huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia là 2 huyện nghèo nhất tỉnh. Xã Hải Thượng quê chị xác xơ trong đói khổ. 4 mẹ con lại còn xơ xác gấp nhiều lần. “Đất này chẳng ai khổ như mẹ con nó”, một hàng xóm nói. Cái đói đến quay quắt, nửa đêm chị phải lần mò ra cánh đồng mót lại những cọng khoai lang bằng ngón tay để các con cầm hơi.
“Tôi còn nhớ mãi ngày 27 Tết năm 1989 - năm anh ấy mới hy sinh, khi tôi lên cửa hàng lương thực huyện Tĩnh Gia thì đã cuối buổi chiều. Ông cửa hàng trưởng nhìn thấy tôi liền nói to với mọi người: “Đấy, vợ liệt sĩ Trường Sa Hồ Công Đệ đấy”.
Cùng cảnh nghèo, những người còn lại ở cửa hàng đã góp cho tôi 45kg gạo về cho con ăn tết. Tôi nhớ mãi trong đời tình nghĩa ấy và đó cũng là sự động viên cho tôi vượt qua cú sốc lớn vừa xảy ra”, chị Bình kể.
Cứ thế, bằng tình yêu thương của làng xóm, của các cấp chính quyền, đồng đội của anh, chị Bình đã vượt lên gian khó để nuôi các con trưởng thành. Rồi cơm cháo qua ngày, chị đã sống, nuôi con được với đời đến bây giờ.
Xóm làng quay quắt trong cái nghèo. Chị phải rời làng vào Nam kiếm sống để có tiền cho các con đi học. Ban đầu, chưa biết làm gì, chị đi nhặt ve chai, đồng nát. “Lang thang không biết bao nhiêu đầu đường, xó chợ”, chị kể. Cuối cùng, chị được giới thiệu làm giúp việc cho vợ chồng chị Quỳnh, anh Ngọc. Dù thế, 3h sáng chị vẫn dậy đi nhặt ve chai.
Một lần, anh Quỳnh bắt gặp, chị nói: “Tôi còn sức khoẻ phải cố làm thêm một tí để con ở quê có cơm ăn, được đi học”. Cảm thông với vất vả của chị, vợ chồng trẻ đã tăng lương cho chị, sau đó, lần lượt đón 3 người con của chị vào Nam nương tựa, cho học hành. Cô gái cả Hồ Thị Minh học kế toán, cô gái thứ Hồ Thị Nhung học dược, cậu út Hồ Công Được học điện.
Năm 2011, sức khoẻ yếu, chị phải về quê. Các con cũng đã khôn lớn. Hồ Thị Minh xin việc làm trong đó; Hồ Thị Nhung lấy chồng, theo chồng về Hải Dương; Hồ Công Được xin đi làm ở Đồng Nai nhưng cuối năm 2012, anh phải trở về quê vì thương mẹ hay ốm đau.
Hai con gái đã yên bề gia thất. Hồ Công Được lấy vợ và ở cùng mẹ trong căn nhà lụp xụp. “Sinh ra đã không thấy bố, chưa một lần được bố ôm vào lòng, dù biết bố hy sinh vì tổ quốc mình cũng tự hào nhưng nhiều khi cũng rất buồn. Càng nghĩ càng thương mẹ”, Hồ Công Được tâm sự.
Năm 2014, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã ủng hộ gia đình chị Bình 50 triệu đồng để sửa nhà. “May có số tiền ủng hộ của báo, gia đình mới có cơ hội làm lại cái nhà cho ra hồn”, chị Bình cho hay. Nhà cũ đã mục nát, khi dỡ ra không còn một thứ gì lành lặn. Cùng với số tiền tích cóp, vay mượn, cuối năm 2014, gia đình chị Bình đã có ngôi nhà mới khang trang, đẹp đẽ với 3 phòng ngủ. “Em mừng nhất là có chỗ thờ bố cho nó đàng hoàng, sạch sẽ chứ trước kia lụp xụp, tủi mình, tủi cho bố lắm”, Hồ Công Được nói.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là những lo toan nối dài. Kinh phí hoàn thiện ngôi nhà lên đến 200 triệu đồng. Chị Bình tích cóp được 50 triệu đồng, cộng với 50 triệu đồng do Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ, hơn 100 triệu đồng gia đình phải đi vay. Trong đó, 60 triệu đồng vay tín dụng, 40 triệu đồng vay lãi ngoài với lãi suất tới 30%/tháng - là một gánh nặng không hề nhỏ.
Chị Bình đang phụ nấu cơm cho Công ty CC1 thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, lương 3,5 triệu đồng/tháng. Ngày nào, chị cũng phải đi từ 3h sáng đến 22h đêm mới về. “Chẳng được nghỉ lúc nào. Muốn chợp mắt một lúc cũng không có tời gian ngủ, lỡ dậy lệch giờ, không có nước nóng cho các chú công nhân pha mì tôm lại tội”. Trong người chị Bình đầy bệnh nhưng đi làm lúc nào cũng chỉ nghĩ cho người khác. Hiện chị bị thoái hoá 5 đốt cột sống, “cứ đau từ gáy lên cổ, nhiều lúc chỉ muốn nằm một chút thôi, lại còn đau dạ dày nữa”, chị tâm sự.
“Đau ốm, sức khoẻ yếu thế sao chị không nghỉ dưỡng sức, làm việc nhẹ nhàng thôi?”, tôi hỏi. “Cũng muốn lắm chứ, nhưng giờ còn đi được thì phải cố làm trả cho hết nợ, rồi còn tích cóp vài đồng lỡ mai này bệnh nặng hơn, không còn đi được nữa”, chị Bình lý giải. Ước mong lớn nhất của người vợ liệt sĩ Gạc Ma là “lỡ có chết đi cũng không phải để nợ lại cho con cháu, khổ tâm lắm!” và được một lần ra Hà Nội chữa bệnh đau cột sống. Còn cậu út Hồ Công Được thì mong muốn vào làm công nhân Khu Kinh tế Nghi Sơn đúng với nghề điện công nghiệp đã học để ở cạnh đỡ đần cho mẹ.
"Còn da, lông mọc…"
Vậy nhưng, hiện tại đang là cả một núi khó khăn phía trước. Tiền phụ cấp của liệt sĩ chỉ có 1.220.000 đồng/tháng, vừa đủ tiền lãi của món vay nóng 40 triệu đồng. Lương tháng của chị 3,5 triệu đồng, cộng với lương của Được hơn 4 triệu đồng chỉ đủ nuôi sống gia đình với vợ chưa có việc làm và 2 con nhỏ. Trả xong lãi cho tín dụng, hầu như không còn gì.
“Mừng nhất là có được nhà, còn khó khăn rồi cũng qua thôi, trước khó thế còn vượt qua, giờ có mọi người giúp đỡ, động viên, cũng phải cố vui sống với con cháu. Nợ nần lần hồi rồi cũng qua”. Cái triết lý “còn da lông mọc…” đã giúp người phụ nữ tần tảo này có niềm tin mạnh mẽ để vươn lên gian khó.
Tết này, tiêu chuẩn gạo cứu tế gia đình chị được 5kg, ông trưởng thôn không thấy chị mấy khi ở nhà nên quên. Chị bảo: “Ừ, thì để người khác ăn cũng được, cũng khó cả mà!”.
Tết này, ôm mẹ chồng, chị nói: “Mẹ ơi, đời con khổ nhiều lắm rồi, lỡ khi mẹ mất, con không còn nước mắt mà khóc nữa đâu”. Mẹ liệt sĩ Hồ Công Đệ nói với con dâu: “Ừ, con khổ quá rồi, khóc cũng được mà không khóc cũng được, mẹ thương con lắm. Con mà khóc chắc mẹ càng khó siêu thoát”.
Vài ngày nữa là đến ngày giỗ liệt sĩ Hồ Công Đệ, cô con gái Hồ Thị Nhung xách 2 con gà, 2 cặp bánh từ Hải Dương về cúng bố. Cả nhà chị Bình xăm xắn dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị làm giỗ cho người con, người chồng, người cha, người ông đã mãi mãi nằm lại nơi biển cả thân yêu của tổ quốc. “Mới đó mà đã 27 năm anh đi xa, giờ các con đã lớn, có xã hội, bà con quan tâm nên đỡ khổ nhiều, không biết anh đã về chưa hay còn mải vui bạn bè, đồng đội đâu đó”, chị Bình nói với tôi mà như đang nói với người chồng đã gửi thân mình cho biển quê hương mênh mông và mãi mãi mặn mòi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét